YouMed

Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh gì? Các dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán

ThS. BS. Nguyễn Đinh Tuấn
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Đinh Tuấn
Chuyên khoa: Nội khoa, Nội tiết

Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh lý mãn tính ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh lý này có thể gây ra những hậu quả nặng nề lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là gì? Có những loại đái tháo đường nào? Cách điều trị ra sao? Mời quý bạn đọc cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đinh Tuấn tìm hiểu về bệnh lý này thông qua bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về bệnh tiểu đường

Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) xảy ra khi cơ thể không thể hấp thụ đường (glucose) vào các tế bào và sử dụng nó làm năng lượng. Hậu quả là lượng đường trong máu tăng cao.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và làm tổn thương các cơ quan và mô khác nhau trong cơ thể, bao gồm tim, thận, mắt và thần kinh.

Phân loại đái tháo đường

Lý do chính làm tăng nồng độ đường trong máu là do sự thiếu hụt insulin (một loại hormone từ tuyến tụy giúp đưa glucose vào tế bào) một cách tuyệt đối hoặc tương đối (hay còn gọi là đề kháng insulin). Từ đó, đái tháo đường được phân thành các loại như sau:

Đái tháo đường típ 1: được đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy (tế bào tiết ra insulin), thường là thứ phát sau một quá trình tự miễn. Kết quả là các tế bào beta bị mất chức năng gần như hoàn toàn, dẫn đến nồng độ insulin là cực kỳ thấp trong cơ thể. Loại đái tháo đường này thường khởi phát một cách rầm rộ và dễ nhận biết.

Đái tháo đường típ 2: có liên quan đến sự đề kháng insulin của cơ thể. Nghĩa là cơ thể không thể duy trì nồng độ đường trong máu một cách ổn định với cùng một lượng insulin như ở người bình thường.

Đái tháo đường thai kỳ: được phát triển trong thời kỳ mang thai. Điều đặc biệt ở loại đái tháo đường này là đường huyết người mẹ có thể trở về bình thường sau khi sinh con.

Đái tháo đường do nguyên nhân khác:

  • Bệnh lý đơn gen: đái tháo đường khởi phát khi trưởng thành ở người trẻ, hoặc đái tháo đường sơ sinh.
  • Bệnh tuyến tụy ngoại tiết: bệnh lý viêm tụy mạn, ứ đọng sắt trong cơ thể…
  • Đái tháo đường liên quan đến việc sử dụng thuốc: ví dụ các thuốc điều trị căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, hoặc sau khi sử dụng corticosteroid (hay thường được gọi là “đề sa”)…
  • Các bệnh lý liên quan đến nội tiết: u tủy thượng thận, to đầu chi, hội chứng Cushing

Gần đây, người ta còn đưa ra khái niệm “tiền đái tháo đường”: dùng để chỉ những người có lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường. Phân loại này đặc biệt được coi trọng vì có tới khoảng 70% người được chẩn đoán tiền đái tháo đường sẽ diễn tiến thành đái tháo đường típ 1 trong vòng 10 năm nếu không được điều trị.1

Nguyên nhân bệnh tiểu đường

Tùy vào từng loại đái tháo đường mà có các nguyên nhân khác nhau như sau:

Đái tháo đường típ 1

Đây là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa là cơ thể người bệnh tự tạo ra các kháng thể và tấn công chính nó. Trong trường hợp này, các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy bị phá hủy.

Tỷ lệ mắc loại đái tháo đường này chiếm khoảng 5 – 10%. Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên.2 Tuy nhiên, hiện nay các báo cáo cho thấy bệnh có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Những người mắc bệnh tiểu đường típ 1 cần phải dùng insulin mỗi ngày. Vì lý do này, nó còn được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin.

Người bệnh đái tháo đường type 1 cần sử dụng insulin hằng ngày
Người bệnh đái tháo đường type 1 cần sử dụng insulin hằng ngày

Đái tháo đường típ 2

Đặc điểm của loại này là các tế bào của cơ thể không phản ứng bình thường với insulin (hay còn gọi là đề kháng insulin). Vì cơ thể vẫn sản xuất được insulin và bệnh có thể được điều trị với các loại thuốc uống và thuốc tiêm khác. Vì vậy, nó còn được gọi là bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin.

Đến nay, khoa học vẫn chưa hiểu hết về cơ chế của đái tháo tháo đường típ 2, mặc dù nhiều tác giả cho rằng các yếu tố môi trường và di truyền đóng một vai trò trong sự phát triển bệnh lý này.

Bên cạnh đó, thừa cân/béo phì cũng đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ đến cơ chế hình thành đái tháo đường típ 2. Đây là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất với tỷ lệ tới gần 90 – 95% và chủ yếu xuất hiện ở người trung niên và lớn tuổi.3

Đái tháo đường thai kỳ

Loại này phát triển trong thời kỳ mang thai ở một số phụ nữ. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường khỏi sau khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bị tiểu đường thai kỳ, tỷ lệ mắc đái tháo đường típ 2 sau này cao hơn hẳn so với người bình thường. Người ta cho rằng nồng độ cao của các hormone như estrogen, progesterone, cortisol, prolactin, lactogen trong thời kỳ mang thai của người mẹ đã ảnh hưởng đến chức năng tế bào beta và độ nhạy insulin.

Thuốc

Một số loại thuốc dùng điều trị HIV/AIDS hoặc corticosteroid… gây đề kháng insulin ở các mô ngoại biên cũng có thể dẫn tới bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, chúng ta còn có các dạng đái tháo đường hiếm gặp hơn do rối loạn về gen như đái tháo đường thể MODY, đái tháo đường sơ sinh…

Dấu hiệu đái tháo đường

Các loại bệnh tiểu đường có thể có các triệu chứng rất giống nhau, nếu lượng đường trong máu tăng cao đáng kể.

Khi mức đường huyết tăng trên 160 – 180 mg/dL (8,9 – 10,0 mmol/L), glucose sẽ không được thận hấp thu hết mà bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu. Khi lượng glucose trong nước tiểu tăng cao, thận sẽ bài tiết thêm nước để làm loãng lượng glucose này. Do thận sản xuất lượng nước tiểu nhiều, những người mắc bệnh tiểu đường sẽ thường xuyên đi tiểu với thể tích lớn hơn bình thường.

Đi tiểu nhiều tạo ra cảm giác khát tăng dần buộc họ phải uống nước. Bên cạnh đó, bởi vì quá nhiều calo bị mất trong nước tiểu, người bệnh có thể sụt cân. Và để bù lại, họ thường cảm thấy đói và ăn nhiều hơn.

Từ đó, có thể thấy các triệu chứng cụ thể của mức đường huyết tăng cao bao gồm:

  • Cảm giác khát tăng dần gây uống nhiều.
  • Tiểu nhiều.
  • Sụt cân.
  • Ăn nhiều.
  • Mệt mỏi.
Người bệnh tiểu đường thường có triệu chứng đi tiểu thường xuyên
Người bệnh tiểu đường thường có triệu chứng đi tiểu thường xuyên

Ngoài ra còn có thể xuất hiện các triệu chứng do biến chứng mạch máu và thần kinh của đái tháo đường như:

  • Tê hoặc châm chích ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Biến dạng bàn chân.
  • Lâu lành vết thương.
  • Nhiễm trùng không rõ nguyên nhân…

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứng đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm và thường bị chẩn đoán trễ. Thời gian mắc tiểu đường càng lâu và lượng đường trong máu càng ít được kiểm soát thì nguy cơ biến chứng càng cao. Các biến chứng của bệnh tiểu đường cuối cùng có thể gây tàn phế và thậm chí đe dọa tính mạng. Các biến chứng có thể xảy ra là:

1. Tim mạch

Đái tháo đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác nhau. Bao gồm xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu não, và bệnh lý thần kinh ngoại biên. Biểu hiện qua các triệu chứng như cơn đau thắt ngực, cơn đột quỵ, loét chân lâu lành…

2. Dây thần kinh

Nguyên nhân của biến chứng này là do nồng độ đường trong máu cao, làm tổn thương thành của các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh. Nhất là ở đoạn xa của cơ thể như bàn chân. Điều này có thể gây các triệu chứng như đau, tê, châm chích… thường bắt đầu ở đầu ngón chân và dần dần lan lên trên.

Bên cạnh đó, biến chứng lên các dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn và nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, còn có rối loạn cương dương có thể xảy ra ở nam giới.

3. Thận

Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương các cầu thận (đơn vị lọc máu chính của thận) dẫn đến giảm hoặc mất chức năng theo thời gian. Tổn thương nặng có thể dẫn đến suy thận, hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục. Trên thực tế, đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối trên toàn thế giới.

4. Mắt

Nồng độ glucose máu cao có thể làm tổn thương đến các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc đái tháo đường). Dẫn đến khả năng bị mù lòa. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt khác, chẳng hạn như tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể.

5. Bàn chân

Tổn thương mạch máu và thần kinh không những làm máu đến chân kém mà còn làm biến dạng bàn chân. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng ở chân. Nếu không được điều trị, các vết thương hoặc vết loét có thể tiến triển thành nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc thậm chí cẳng chân.

Biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường
Biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường

6. Da

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về da hơn, bao gồm cả nhiễm trùng do nấm và vi khuẩn.

7. Bệnh Alzheimer

Sa sút trí tuệ là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường típ 2, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, các cơ chế giải thích cho tình trạng này chưa được chứng minh rõ ràng.

8. Trầm cảm

Các triệu chứng trầm cảm thường gặp trên các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Điều này đặc biệt quan trọng khi tình trạng này có thể ảnh hưởng đến việc điều trị và chăm sóc của người bệnh.

9. Biến chứng trên thai kỳ

Kiểm soát đường huyết không tốt trong thời kỳ mang thai sẽ gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé, bao gồm:

Biến chứng đối với người mẹ

  • Tiền sản giật: bệnh lý này được đặc trưng bởi tình trạng phù, huyết áp cao, và protein trong nước tiểu nhiều. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
  • Đái tháo đường ở thai kỳ tiếp theo. Khi người phụ nữ đã mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong một lần mang thai, khả năng mắc lại bệnh lý này ở lần mang thai tiếp theo hoặc mắc đái tháo đường típ 2 thật sự sẽ cao hơn so với những người mẹ khác.
  • Sảy thai.

Biến chứng đối với con

  • Thai to: glucose trong cơ thể người mẹ có thể đi qua nhau thai và kích thích tuyến tụy của bé tiết thêm insulin. Điều này có thể làm cho đứa trẻ phát triển quá mức, dẫn đến nhiều biến chứng khi sinh thường như kẹt vai, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu.
  • Hạ đường huyết: vì thai nhi tăng tiết insulin dẫn đến khả năng hạ đường huyết ngay sau khi sinh. Điều này có thể đặc biệt nguy hiểm cho bé. Vì vậy, cần cho truyền glucose đường tĩnh mạch để có thể nhanh chóng đưa đường huyết trở về mức bình thường, nếu có hạ đường huyết xảy ra.
  • Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường cho bé sau này.
  • Thai chết non.

Người bệnh tiểu đường có thể tự điều trị tại nhà được không?

Khi mắc đái tháo đường, người bệnh cần sự tư vấn và thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ không chỉ giúp kiểm soát đường huyết ổn định, mà còn tầm soát sớm các biến chứng – giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của người bệnh.

Vì vậy, mọi bệnh nhân tiểu đường nên được thăm khám và kiểm tra đường huyết thường xuyên, định kỳ để có kết quả điều trị tối ưu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh tiểu đường. Khi nhận thấy các bất thường của cơ thể, hay các dấu hiệu đã liệt kê ở phần trên, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được sự tư vấn và thăm khám kịp thời.

Sau khi nhận được chẩn đoán, người bệnh sẽ cần theo dõi y tế một cách chặt chẽ cho đến khi lượng đường trong máu ổn định.

Chẩn đoán đái tháo đường

Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA), đái tháo đường được chẩn đoán dựa vào: đường huyết tĩnh mạch lúc đói, HbA1c, nghiệm pháp dung nạp glucose và đường huyết tĩnh mạch bất kỳ. Chẩn đoán xác định đái tháo đường dựa vào một trong các tiêu chí sau:4

  • Đường huyết đói ≥ 126 mg/dL (7,0 mmol/L). Đường huyết đói được định nghĩa là đường huyết được đo khi không thu nạp năng lượng trong ít nhất 8 giờ.*
  • Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 200 mg/dL. Xét nghiệm nên được thực hiện theo hướng dẫn của WHO, sử dụng một tải lượng glucose chứa tương đương 75g glucose khan hòa tan trong nước.*
  • A1C ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm nên được thực hiện trong phòng thí nghiệm dùng phương pháp được chứng nhận bởi NGSP và được chuẩn hóa theo DCCT.*
  • Đường huyết bất kỳ ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/l) ở một bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết hoặc cơn tăng đường huyết.*

*Trong trường hợp không có tăng đường huyết rõ ràng, chẩn đoán đòi hỏi hai kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu, hoặc trong hai mẫu xét nghiệm riêng biệt.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần làm thêm một số xét nghiệm để tầm soát các biến chứng như: đo điện tim, chức năng thận (ure, creatinin, xét nghiệm nước tiểu), đo chỉ số huyết áp cánh tay cổ chân (ABI)…

Sau khi đã chẩn đoán đái tháo đường, bước tiếp theo sẽ là phân loại để có biện pháp điều trị thích hợp:

Đái tháo đường típ 1

  • Về lâm sàng: bệnh nhân thường trẻ, khởi phát triệu chứng rầm rộ, và thường không thừa cân. Tuy nhiên, theo thời gian, ngày càng nhiều bệnh nhân được ghi nhận không có các biểu hiện điển hình như trên. Vì vậy, các xét nghiệm hỗ trợ là cực kỳ cần thiết.
  • Về xét nghiệm: sử dụng các xét nghiệm sàng lọc phát hiện tự kháng thể với insulin, axit glutamic decarboxylase (GAD), kháng thể kháng tiểu đảo tụy…

Đái tháo đường típ 2

Người bệnh ở độ tuổi trung niên trở lên, có kèm thừa cân/béo phì và thường được phát hiện một cách tình cờ. Tuy nhiên, do lối sống tĩnh tại ngày nay, người ta ghi nhận các bệnh nhân mắc đái tháo đường típ 2 đang có xu hướng trẻ hóa.

Đái tháo đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai được tầm soát thường quy đái tháo đường thai kỳ vào tuần thai thứ 24 – 28 và có tiêu chuẩn chẩn đoán riêng biệt theo một trong hai cách sau (tùy nơi thực hiện):

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ như sau:4

Nghiệm pháp 1 bước Nhịn đói, cho uống 75 g glucose và thử đường huyết đói, 1 và 2 giờ sau làm nghiệm pháp, chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nếu thỏa 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:

  • Đói: < 95 mg/dL (5,3 mmol/L).
  • 1 giờ: < 180 mg/dL (< 10 mmol/L).
  • 2 giờ: < 155 mg/dL (< 8,6 mmol/L).
Nghiệm pháp 2 bước Bước 1: không cần nhịn đói và cho uống 50 g glucose, thử đường huyết sau 1 giờ.

Nếu đường huyết sau 1 giờ : ≥ 140 mg/dL (> 7,8 mmol/L) thì chuyển sang bước thứ 2.

Bước 2: nhịn đói, cho uống 100 g glucose, thử đường huyết đói; 1, 2 và 3 giờ sau nghiệm pháp:

  • Đói: < 95 mg/dL (< 5,3 mmol/L).
  • 1 giờ: < 180 mg/dL (< 10 mmol/L).
  • 2 giờ: < 155 mg/dL (< 8,6 mmol/L).
  • 3 giờ: < 140 mg/dL (< 7,8 mmol/L).

Chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ nếu bệnh nhân có 2 trong 4 trị số nói trên bất thường.

Nếu chỉ bất thường 1 trị số thì lặp lại xét nghiệm sau 4 tuần.

Tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường được chẩn đoán khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn trong bảng sau:4

Tiêu chí Tiền đái tháo đường
Đường huyết đói 100 – 125 mg/dL (5,6 – 6,9 mmol/L)
Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose 140 – 199 mg/dL (7,8 – 11,0 mmol/L)
HbA1C 5,7 – 6,4%

Phương pháp điều trị đối với các dạng đái tháo đường

Tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường mà việc dùng thuốc có sự khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều cần một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và tham gia tập thể dục -thể thao thường xuyên để góp phần kiểm soát bệnh lý này.

Điều trị chung cho các thể bệnh đái tháo đường

1. Ăn uống lành mạnh và hợp lý

Trái ngược với quan niệm thông thường, không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho bệnh tiểu đường. Các thực phẩm người bệnh nên dành nhiều sự quan tâm là những thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc…

Bên cạnh đó là việc hạn chế các thực phẩm nhiều tinh bột, chất béo bão hòa, và đồ ngọt. Nếu được, người bệnh nên ăn 3 bữa trong một ngày, và hạn chế ăn vặt.

Tuy nhiên, nếu chưa biết cách để xây dựng một chế độ ăn phù hợp, thì người bệnh nên đến gặp các chuyên gia dinh dưỡng. Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với người tiểu đường típ 1, khi họ có thể phải tính toán lượng tinh bột để có thể dùng liều insulin hợp lý.

Người bệnh tiểu đường nên tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống
Người bệnh tiểu đường nên tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống

2. Hoạt động thể lực

Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu bằng cách đưa chúng vào trong tế bào để tạo năng lượng, cũng như tăng độ nhạy cảm của cơ thể đối với insulin.

Theo ADA, người mắc bệnh đái tháo đường nên tập thể lực ở mức độ trung bình 30 phút một ngày và tối thiểu 5 ngày trong tuần; 50 phút một ngày và 3 lần trong tuần; 25 phút một ngày và 6 lần trong tuần.5 Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được bài tập và thời gian tập phù hợp.

Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

3. Theo dõi lượng đường trong máu

Tùy thuộc vào kế hoạch điều trị của mỗi người, người bệnh có thể kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu của mình từ 1 đến 4 lần một ngày, hoặc thường xuyên hơn nếu đang dùng insulin.

Trong khi việc kiểm soát đường huyết là rất quan trọng, việc quản lý tích cực quá mức có thể dẫn đến hạ đường huyết và có thể gây ra các kết quả bất lợi, thậm chí là tử vong. Bạn phải theo dõi cẩn thận mới có thể đảm bảo rằng lượng đường trong máu nằm trong phạm vi mục tiêu. Mức đường huyết mục tiêu được chấp nhận ở đa số bệnh nhân là:6

  • Đường huyết khi đói: 80 – 130 mg/dL (4,4 – 7,2 mmol/L).
  • Đường huyết 1 – 2 giờ sau ăn: < 180 mg/dL (10,0 mmol/L).
Thử đường huyết tại nhà là biện pháp giúp kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu
Thử đường huyết tại nhà là biện pháp giúp kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu

Những người được điều trị bằng insulin cũng có thể chọn theo dõi lượng đường trong máu bằng máy theo dõi đường huyết liên tục. Mặc dù công nghệ này vẫn chưa thay thế hoàn toàn máy đo đường huyết. Tuy nhiên, nó có thể giảm đáng kể số lần đâm kim, cũng như cung cấp thông tin quan trọng về xu hướng nồng độ glucose ở trong cơ thể.

Ngoài việc theo dõi lượng đường trong máu hàng ngày, bác sĩ có thể sẽ đề nghị xét nghiệm HbA1C thường xuyên để đo mức đường huyết trung bình của người bệnh trong hai đến ba tháng qua. Mức HbA1C tăng cao có thể là dấu hiệu cảnh báo để bác sĩ thay đổi chế độ ăn cũng như các loại thuốc đang dùng.

Đối với hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường, ADA khuyến nghị HbA1C mục tiêu dưới 7%.6 Tuy nhiên, mục tiêu HbA1C thay đổi tùy thuộc vào từng cá nhân dựa vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh, các bệnh đồng mắc cũng như nhiều yếu tố khác. Do đó, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về mục tiêu đường huyết thích hợp đối với bản thân.

Điều trị dùng thuốc cho từng phân loại đái tháo đường

Đái tháo đường típ 1

Trong tiểu đường típ 1, cơ thể bệnh nhân thiếu insulin một cách tuyệt đối. Vì vậy, việc sử dụng insulin thông qua tiêm hàng ngày hoặc bơm insulin là phương pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, bác sĩ điều trị cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tính lượng calo nạp vào, và lượng insulin cần thiết để kiểm soát lượng calo đó.

Tiêm insulin là điều trị bắt buộc đối với người bệnh tiểu đường típ 1
Tiêm insulin là điều trị bắt buộc đối với người bệnh tiểu đường típ 1

Ghép tụy có thể là một lựa chọn thứ hai cho các bệnh nhân đái tháo đường típ 1. Việc cấy ghép tuyến tụy thành công giúp loại bỏ nhu cầu điều trị bằng insulin. Tuy nhiên, không phải lúc nào các ca cấy ghép cũng thành công – và những quy trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Người bệnh sẽ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch trong suốt phần đời còn lại của mình, để ngăn chặn quá trình thải ghép. Những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, đó là lý do tại sao cấy ghép thường chỉ được dành cho những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được, hoặc những người cũng cần ghép thận…

Đái tháo đường típ 2

Ngoài việc sử dụng insulin, còn có thể sử dụng các liệu pháp khác nhằm làm tăng sự nhạy cảm với insulin, hoặc tăng tiết insulin của tuyến tụy. Các phân nhóm thuốc cụ thể bao gồm:

  • Biguanide (metformin).
  • Sulfonylureas.
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển SGLT-2.
  • Thuốc ức chế DPP-4.
  • Thuốc đồng vận GLP-1.
  • Meglitinides.
  • Thiazolidinediones.
  • Thuốc ức chế alpha-glucosidase.

Các bác sĩ sẽ kê đơn tùy thuộc vào mức đường huyết cũng như các bệnh lý đi kèm của từng bệnh nhân. Ví dụ, khi bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có kèm suy tim, nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng là ức chế kênh đồng vận chuyển SGLT-2.7

Đái tháo đường thai kỳ

Kiểm soát lượng đường trong máu của mẹ bầu là điều cần thiết để giữ cho thai nhi khỏe mạnh và tránh các biến chứng trong quá trình sinh nở.

Ngoài việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục, kế hoạch điều trị còn bao gồm việc theo dõi một cách nghiêm ngặt lượng đường trong máu và trong một số trường hợp, người mẹ cần phải được điều trị bằng insulin.

Có thể thấy, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần tìm đúng cơ chế bệnh sinh để có hướng điều trị phù hợp. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc đái tháo đường, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán bệnh một cách kịp thời. Người bệnh đái tháo đường không những cần phải tuân thủ việc dùng thuốc, mà còn phải thay đổi lối sống để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Lifetime risk of developing impaired glucose metabolism and eventual progression from prediabetes to type 2 diabetes: a prospective cohort studyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26575606/

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

  2. What Is Type 1 Diabetes?https://www.cdc.gov/diabetes/basics/what-is-type-1-diabetes.html

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

  3. Diabetes Fast Factshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/quick-facts.html

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

  4. 2. Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Care in Diabetes—2022https://diabetesjournals.org/care/article/46/Supplement_1/S19/148056/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

  5. Weekly Exercise Targetshttps://diabetes.org/healthy-living/fitness/weekly-exercise-targets

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

  6. Standards of Medical Care in Diabetes—2022 Abridged for Primary Care Providers https://diabetesjournals.org/clinical/article/40/1/10/139035/Standards-of-Medical-Care-in-Diabetes-2022

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

  7. Diabetes Mellitushttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551501/

    Ngày tham khảo: 03/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người