Cây Lá dứa: Không chỉ là nguyên liệu trong ẩm thực
Nội dung bài viết
Cây Lá dứa là nguyên liệu quen thuộc, phổ biến trong ẩm thực giúp làm tăng hương vị của món ăn. Bên cạnh đó đây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu về cây Lá dứa
- Tên thường gọi: Lá dứa thơm, cây Cơm nếp, cây Lá nếp…
- Tên khoa học: Pandanus amaryllifolia Roxb.
- Họ khoa học: họ Dứa gai –Pandanaceae.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây Lá dứa phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, nóng ẩm. Tại Đông Nam Á, cây thường được tìm thấy ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… Ở nước ta, cây mọc hoang dại hay được trồng đặc biệt tại các tỉnh phía nam để lấy lá tươi hay khô cho vào thức ăn như bánh, kẹo, pha trà…
Loài này thích hợp trồng nơi dưới bóng râm, đất thịt ẩm ướt, nếu để cây Lá dứa nơi nhiều ánh nắng thì lá nhạt màu hơn. Nếu trồng làm cây cảnh thì chọn đất trồng giữ ẩm tốt. Hiện nay, cây còn được trồng làm cây cảnh trang trí do lá có màu xanh thẫm bóng mượt và dễ chăm sóc.
Thu hái quanh năm. Khi thu hái chọn những lá già, dài, dày và có màu xanh sẫm. Sau khi thu hái mang lá đi rửa sạch, dùng như một loại gia vị trong các món ăn hoặc hãm cùng với nước trà, dùng uống.
1.2. Mô tả toàn cây
Cây Lá dứa là thực vật thân thảo, sinh sôi và phát triển ở miền nhiệt đới. Thường mọc thành bụi, có thể cao 1m, đường kính thân 1 – 3cm, phân nhánh.
Lá hình mác như lưỡi gươm, nhẵn, dài 40 – 50cm, rộng 3 – 4cm, mép không gai. Mặt dưới màu nhạt, ở giữa lá chụm lại theo một đường gân dọc theo thân lá. Mùi thơm đặc trưng như mùi cơm nếp, để khô càng thơm.
1.3. Bộ phận làm thuốc và bào chế
Bộ phận thường được sử dụng là: Lá tươi hay khô.
Lá có thể dùng làm nguyên liệu trong ẩm thực như cho vào cơm, bánh gạo cho thơm
Hoặc dùng nhuộm hồ cho có màu xanh Chlorophylle.
Phối hợp với một số vị thuốc khác, nấu nước xông giúp cho các phụ nữ mới sinh nhằm tăng cường sức khỏe.
1.4. Bảo quản
Lá dứa sau khi sơ chế, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó lưu trữ ở nơi mát mẻ, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và nơi có nhiều côn trùng, ruồi bọ.
Ngoài cây Lá dứa, cây Lá gai cũng là vị thuốc quen thuộc trị bệnh hiệu quả, tham khảo bài viết: Cây lá gai: Vị thuốc đa năng dân dã quen thuộc
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1. Thành phần hóa học
Lá dứa chứa hương thơm đặc trưng mà các loại cây thuộc họ Dứa dại khác không có. Đây là một mùi được tạo ra từ một loại emzym không bền vững và dễ oxi hóa.
Ngoài ra, cây cũng chứa một số thành phần hóa học khác như:
- Nước chiếm 90% của cây.
- Chất xơ.
- 2 axetyl-1-pyrrolin.
- Glycosides.
- Alkaloid, Tanin…
2.2. Tác dụng
Hạ đường huyết:
- Kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường của Lê Thị Ngọc Anh và Huỳnh Ngọc Trinh (đăng trên Tạp chí Dược học, T.55, S.7, năm 2005) cho thấy cao chiết toàn phần (cồn 50 %) từ lá dứa thơm có tác dụng hạ đường huyết đáng kể.
- Thí nghiệm trên 30 người uống trà lá dứa (hãm với nước sôi 90 độ C trong 15 phút) cũng cho thấy khả năng ức chế enzyme – glucosidase, giúp làm chậm sự hấp thu đường sau bữa ăn.
>> Tham khảo thêm bài viết: Hãy cẩn thận khi xử trí cơn hạ đường huyết!
Kháng khuẩn:
Kháng các vi khuẩn gây viêm nhiễm và bệnh đường ruột như Tụ cầu vàng, Trực khuẩn mủ xanh và E. coli.
Chống oxi hóa và chống ung thư:
Chiết xuất của Lá dứa có khả năng chống oxi hóa và chống ung thư, đặc biệt là ung thư vú dòng MDA-MB-231.
Hỗ trợ hệ thần kinh:
Do có chứa Alkaloid, đây là chất giúp kích thích hệ thần kinh, tăng cường khả năng máu được đưa lên não, ổn định chức năng của não bộ giúp cơ thể minh mẫn, là việc hiệu quả hơn.
Giảm stress:
Do có chứa tanin, Lá dứa giúp giảm căng thẳng mệt mỏi, lo lắng trong công việc, cải thiện tâm trạng…
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Lá dứa có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều được. Nếu dùng tươi, thu hái lá sau đó rửa sạch và sử dụng theo nhu cầu. Nếu dùng khô, người dùng cần rửa sạch lá, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần.
Thông thường nếu cần lấy hương thơm có thể cho 1 – 2 lá vào món ăn hoặc trà.
Kiêng kỵ:
- Uống quá nhiều nước nấu từ Lá dứa và các thảo dược có tính mát khác có thể gây đi tiểu nhiều lần.
- Nước cốt lá dễ bị ôi thiu ngoài không khí, vì vậy nên sử dụng ngay sau khi ép.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Hỗ trợ thần kinh suy nhược
Rửa sạch 3 miếng Lá dứa, hãm với 3 bát nước sôi và uống 2 lần sáng, chiều đều đặn sẽ có tác dụng bồi bổ thần kinh.
Ngoài ra, đối với những người hay lo lắng hoặc căng thẳng, người ta cũng dùng nước sắc của lá dứa (2 lá to sắc với một ly nước).
4.2. Hỗ trợ ổn định đường huyết
Sử dụng lá dứa với liều lượng vừa đủ, rửa sạch, phơi nắng cho khô. Sau đó thái nhuyễn, nấu nước dùng uống như nước trà mỗi ngày.
4.3. Hỗ trợ điều trị đau nhức khớp
Lá dứa (3 lá) cùng một chén dầu dừa trộn cùng dầu bạch đàn. Sau đó, xoa bóp vùng đau và ngâm trong nước lá dứa ấm.
4.4. Phục hồi tóc, trị gàu
Lá dứa (khoảng 7 lá) đun đến khi nước ngả màu xanh đậm (khoảng 1 bát đầy), để qua đêm, sau đó thêm nước cốt của 3 quả nhàu trộn thành hỗn hợp. Gội đầu 3 lần một tuần sẽ làm tóc đen bóng.
Để loại bỏ gàu, ta dùng lá dứa xay rồi massage nhẹ nhàng trên da đầu, sau đó gội sạch.
Cây Lá dứa là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.