Bạn đã biết hết công dụng của cây mướp khía
Nội dung bài viết
Mướp khía chắc chắn không còn xa lạ với nhiều người khi đây là thoại thực phẩm thường dùng trong các bữa ăn gia đình Việt. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về tác dụng tuyệt vời của loại thực phẩm này. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu trên.
Mướp khía là gì?
Tên thường gọi: Mướp khía, Mướp tàu
Tên khoa học: Luffa acutangula (L.) Roxb
Họ khoa học: thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae)
Xơ Mướp (còn gọi là Ty qua lạc) có tên khoa học: Retinervus Luffae Fructus
Mô tả toàn cây
Mướp khía thuộc cây thảo hằng năm có thân leo dài khoảng 3-6m, phân nhánh nhiều, thân to tới 2cm, có nhiều rãnh. Lá đơn màu lục, mọc so le, dạng tim, dài 15-20cm (hay hơn tới 30cm) và rộng tới 25cm, mép lá có răng to; tua cuốn chia 5 nhánh. Hoa đơn tính, các hoa đực mọc thành chùm, mỗi hoa đều có một lá bắc màu lục; đài hoa màu trắng lục dính nhau ở gốc; các cánh hoa có màu vàng sáng, cũng dính nhau ở gốc. Có 5 nhị, một nhị rời, 4 nhị có chỉ nhị dính nhau từng đôi một. Hoa cái mọc đơn độc, có bao hoa như hoa đực; vòi nhuỵ ngắn mang đầu nhuỵ hợp bởi 3 núm có lông mềm màu vàng; bầu dài từ 3-5cm, đường kính khoảng 1cm. Quả lớn hình chùy dài khoảng 30-40cm, đường kính từ 7-10cm, có 10 cạnh nhọn dọc theo quả. Hạt chín màu đen, sần sùi. Hoa nở mùa hè thu.
- Cây Mướp khía
Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến
Nguồn gốc của cây Mướp khía được cho là xuất phát ở vùng trung Ấn. Hiện được trồng rộng rãi ở Ấn Độ, Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Ai cập và các nước Châu Phi. Cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở khí hậu cận nhiệt đới, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào tháng 2 – 3 hay tháng 6 – 7. Ở nước ta Mướp khía cũng được trồng rộng rãi.
Thu hoạch quả chín vào mùa hạ, mùa thu, lúc vỏ đã bắt đầu có màu vàng và đã có xơ hình thành trong ruột, mang về bỏ vỏ, hạt, lấy xơ Mướp phơi khô. Lá và dây thu hái vào hè thu.
- Xơ mướp
Mướp khía có tác dụng gì?
Thành phần hóa học
Hạt chứa một số protein (Luffaculin, Luffangulin), acid béo (Myristic acid, Palmitic acid, Oleic acid, Linoleic acid)
Quả chứa caroten, vitamin C, Citronellyl tiglate, acid amin (arginin, glycin, threonin, acid glutamic, leucin)
Hoa chứa một số chất dễ bay hơi như butanol, α-Thujene, α-Pinene, Sabinene, d,l-Limonene, β-Ocimene (Z), β-Terpinene, Dihydrocarvone, Epoxylinelol…
Toàn cây mướp khía chứa Anthraquinone và các chất saponin thuộc loại triterpene như Machaelinic acid, Acutoside-A,B,C,D,E,F,G
Lá chứa các flavonoids như Apigenin, Luteolin
Tác dụng dược lý
Qua các nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình động vật cho thấy cây Mướp khía có các tác dụng sau:
- Có tác dụng bảo vệ gan: làm giảm đáng kể men gan, giảm bilirubin, tăng các enzym chống oxy hóa (glutathione, catalase…)
- Có tác dụng giảm đường huyết, giảm HbA1c, tăng dự trữ glycogen ở gan
- Hạ lipid máu: làm giảm đáng kể cholesterol, triglycerid và LDL
- Quả có tác dụng giảm sự tiến triển của các tế bào ung thư (tế bào ung thư phổi ở người)
- Kháng viêm, giảm đau
- Ức chế một số vi khuẩn như E.coli, Klebsiella pneumonia, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella paratyphi và Staphylococcus aureus.
Cộng dụng của Mướp khía trong y học cổ truyền
Xơ Mướp có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc, lợi niệu tiêu thũng.
Lá Mướp có vị đắng và chua, tính hơi lạnh; có tác dụng chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc.
Hạt có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu nhiệt hoá đàm, sát trùng, nhuận táo.
Dây có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hoá đàm.
Rễ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Cách dùng Mướp khía
Các điều trị thường gặp
Xơ Mướp dùng trị gân cốt tê đau, đau ngực sườn, bế kinh, sữa không thông, viêm tuyến sữa, thuỷ thũng.
Lá dùng trị ho, ho gà, nắng nóng khát nước vào mùa hè; dùng ngoài trị chảy máu ở các vết thương, chàm, chốc lở, bệnh mụn.
Hạt Mướp dùng trị ho nhiều đờm, sát trùng, tiểu khó.
Dây dùng trị đau thắt lưng, ho, viêm mũi, viêm khí quản.
Rễ Mướp dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi, dùng nấu nước rửa chỗ lở ngứa chảy nước.
Ở Ấn Độ, lá tươi giã ra đắp tại chỗ trị viêm lách, trĩ và phong hủi. Rễ cây được dùng để điều hòa kinh nguyệt, tăng lực, giảm sốt và trị rối loạn đường tiết niệu.
Ở Campuchia, nước hãm từ rễ và thân của Mướp khía có tác dụng lợi sữa. Ngoài ra thân cây còn phối hợp với các thảo dược khác, sắc làm thuốc súc miệng.
Ở Indonesia, hạt tán nhỏ có tác dụng trị sốt và sốt rét.
Liều dùng
Xơ, lá 10-15g, dây 30-60g, rễ 15-30g, dạng thuốc sắc hoặc dùng ngoài da.
Lưu ý khi sử dụng
Quả Mướp khía khá lành và không độc nên có thể sử dụng lâu dài mà không có tác dụng phụ. Các bộ phận khác cần sử dụng với liều lượng thích hợp và theo chỉ định của bác sĩ.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
Bài thuốc chữa bệnh viêm xoang
Thân già và rễ 8 – 12g. Sắc uống hằng ngày.
Canh mướp khía giúp lợi sữa
Cách 1: Dùng móng giò heo và mướp khía tươi nấu canh ăn thường xuyên.
Cách 2: Chuẩn bị gạo tấm 100g, cá mè 1 con, mướp khía 10g. Luộc cá lấy nước, sau đó cho gạo vào nước luộc cá nấu thành cháo. Gọt bỏ mướp, thái lát và cho vào cùng nấu chín. Nêm gia vị cho vừa miệng.
Bài thuốc chữa bệnh sởi
Cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g, bạch chỉ, kim ngân và kinh giới mỗi thứ 12g, xơ mướp 20g. Đem các vị thái nhỏ, sao vàng và sắc nước uống 2 lần/ ngày.
Mướp khía là không chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều tác dụng điều trị bệnh khác đã được chứng minh. Trái Mướp khía khá lành và không độc nên có thể sử dụng lâu dài, nhưng các bộ phận khác cần sử dụng với liều lượng thích hợp và theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn để tránh tác dụng không mong muốn cũng như đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.