YouMed

Cây Nàng Nàng: Công dụng ít người biết của loài thuốc quý

Bác sĩ PHẠM THỊ LINH
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Linh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Nàng Nàng có tên khoa học là Callicarpa candicans Hochr. Cây còn có tên khác là Trứng ếch, Bọt ếch, Tử châu. Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây có vị đắng, tính bình, có tác dụng hành huyết, trục ứ, phá khí thông trệ, trừ đờm tích, lợi đại tiểu tiện.

1. Thông tin chung về cây Nàng Nàng

1.1. Mô tả dược liệu 

Cây nhỏ. Cành non hơi vuông, có lông tơ hình sao, màu trắng nhạt. Lá mọc đối, hình trái xoan hoặc mũi mác, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn ngắn. Mặt trên lá có màu lục sẫm, lúc đầu có lông, sau nhẵn, mặt dưới phủ nhiều lông trắng màu bạc.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim, gồm nhiều hoa màu hồng. Lá bấc và lá bấc con hình dài nhọn. Mặt ngoài có ít lông.

Quả hạch, hình cầu, nhẵn, màu tía.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 9

Cây Nàng nàng
Cây Nàng nàng có có vị đắng, tính bình, có tác dụng hành huyết, trục ứ, phá khí thông trệ, trừ đờm tích, lợi đại tiểu tiện.

1.2. Phân bố, sinh thái

Callicarpa L. là một chi lớn, có nhiều loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Á và một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, chi này có khoảng 20 loài.

Trên thế giới, cây Nàng nàng phân bố khắp từ vùng Đông Ấn Độ đến Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.

Ở Việt Nam, loài này cũng phân bố rộng rãi ở các tỉnh vùng núi và trung du suốt từ bắc vào nam. Nàng nàng là cây ưa sáng, khi còn nhỏ có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở ven rừng, rừng thứ sinh và đặc biệt trong các trảng cây bụi trên nương rẫy mới bỏ hoang. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và có khả năng từ chồi sau khi chặt. Cành và lá cây còn được sử dụng để làm phân xanh.

1.3. Bộ phận dùng

Bộ phận dùng chủ yếu của cây là lá, thân và rễ.

1.4. Thành phần hóa học

Trong lá Nàng nàng, người ta chiết được một DiterpenCalicarpon.

2. Tác dụng dược lý của cây Nàng nàng 

2.1. Tác dụng kháng khuẩn và diệt côn trùng (trừ sâu)

Callicarpon có tác dụng kháng khuẩn và diệt côn trùng mạnh. Đã nghiên cứu mối tương quan giữa hoạt tính kháng khuẩn và diệt côn trùng với cấu trúc của callicarpon. Người ta đã tổng hợp hàng loạt các chất có cấu trúc đơn giản hơn callicarpon có mang một số nhóm chức của callicarpon.

Khi thử tác dụng sinh học thì thấy piperiton oxyd có tác dụng bằng 1/100 tác dụng của rotenon trên Daphnia magna. Chất 1 (α – hydroxy – isopropyl) – 3 – oxocyclohexen oxyd có tác dụng chống nấm trên Mycobacterium. Chất 2,3,4,6,7,8 – hexahydronaphtalen – 1,4 – dion có tác dụng ức chế Mycobacterium và men bia. Điều đó cho thấy ít nhất các hóa chức epoxideceton của callicarpon có liên quan đến tác dụng kháng khuẩn và diệt côn trùng.

2.2. Tác dụng độc với cá

Callicarpon là một diterpen kiểu abietan chiết từ lá cây Nàng nàng có tác dụng độc với cá gấp 10 lần rotenon (chất độc trong dây mật Derris elliptica Benth.) 

Cây Nàng nàng
Cây phân bố rộng rãi khắp cả nước ở vùng đồng bằng và trung du từ Bắc vào Nam 

3. Công dụng của cây Nàng nàng 

Cây có vị đắng, tính bình, có tác dụng hành huyết, trục ứ, phá khí thông trệ, trừ đờm tích, lợi đại tiểu tiện.

Toàn cây Nàng nàng được dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, giải nhiệt, giảm đau, vàng da, tắc mật, đầy bụng, buồn nôn, phụ nữ sau khi đẻ kém ăn. Dùng cho nam giới để kiện tinh, mạnh gân cốt.

Liều dùng: Ngày 20 – 24g thân lá hoặc rễ khô để sống hoặc sao vàng, sắc uống. Có thể tán bột mịn, uống ngày 8 – 12g.

Dùng ngoài để chữa mụn nhọt, lở loét ngoài da, mụn rộp, vết thương chảy máu. Hạt sắc uống làm sáng mắt, ngày 4 – 8g. Có thể ngâm rượu hoặc tán bột uống. Dùng nhiều ngày.

4. Bài thuốc có chứa cây Nàng nàng 

4.1. Để kiện tinh, làm mạnh gân cốt cho nam giới

Thân lá cây Nàng nàng (8 – 12g),  ngũ gia bì, Vỏ cây gòn và Dây đau xương, mỗi vị 8g, sắc uống.

4.2. Chữa mụn nhọt lở loét ngoài da

Lá Nàng nàng sao cháy đen thành than, tán nhỏ rắc lên, hoặc sắc đặc lá thảo dược, lấy nước, rửa.

Cây Nàng nàng với nhiều công dụng đa dạng. Cây được dùng để chữa cảm nắng, cảm hàn, vàng da, tắc mật, đầy bụng, buồn nôn, phụ nữ sau khi đẻ kém ăn. Nam giới dùng giúp kiện tinh bổ gân cốt. Quý độc giả trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến chuyên môn để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bác sĩ Phạm Thị Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

  2. Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người