YouMed

Cây Xuân hoa – sự thực phía sau cây “thần dược”

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Trong những năm 90 (thế kỷ 20), người ta truyền cây Xuân hoa là thần dược, có thể trị nhiều bệnh như tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư,… Vậy thực hư tác dụng của loại cây này như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Mô tả cây xuân hoa

Cây Xuân hoa có nhiều tên khác nhau như cây con khỉ, cây hoàn ngọc, cây con khỉ, cây xuân hoa đỏ, hoàn ngọc âm, Trạc mã, Mặt quỷ, La điển… Nó có tên khoa học là Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk, thuộc họ Ô rô Acanthaceae.

 Xuân hoa là một cây bụi, sống lâu năm
Xuân hoa là một cây bụi, sống lâu năm

Đây là loài cây bụi, có chiều cao trung bình từ 1 đến 2m sống lâu năm. Thân non thường có màu xanh lục còn thân già có màu nâu, phân nhiều cành. Phần lá thường mọc đối với cuống lá dài từ 1.5 cm đến 2.5 cm hình mũi mác và phiến lá mềm.

Hoa có chiều dài từ 10 đến 16 cm ở đầu cành, có màu trắng pha tím. Quả nang có lông mịn, cao 3,5cm, phần lép 2,2cm, 2 ô, mỗi ô chứa 2 hạt.

Hoa của Cây Xuân hoa có màu trắng pha tím
Hoa có màu trắng pha tím

2. Phân bố, sinh thái

Cây mọc dưới tán rừng, ưa ẩm, sinh trưởng nhanh. Cây trồng sinh trưởng mạnh trong mùa xuân – hè, mùa đông có hiện tượng nửa rụng lá. Xuân hoa trồng trên 1 năm tuổi mới có hoa. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, hoặc tái sinh từ chồi khỏe sau khi bị chặt.

Người ta thường nhân giống bằng giâm cành, chỉ cần 1 đoạn cành 20-25cm cắm xuống đất ẩm là ra rễ. Cây có nhiều ở Lạng Sơn, Ninh Bình, Khánh Hòa, ngoài ra còn được trồng làm cảnh ở Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

3. Bộ phận dùng, thành phần hóa học

Dùng lá, rễ hoặc dùng toàn cây, thu hái quanh năm.

Người ta thường dùng lá cây Xuân hoa trong trị bệnh
Người ta thường dùng lá cây Xuân hoa trong trị bệnh

Cây Xuân hoa chứa sterol, flavonoid, đường, acid hữu cơ, saponin. Lá chứa diệp lục toàn phần 2,65mg/gam lá tươi. Nitơ toàn phần 4,9%, protein toàn phần 30,8%, polysaccharid hòa tan 25,5mg/gam lá tươi. Lá tươi còn chứa nhiều khoáng chất cần thiết như Canxi, Magie, Kali, Natri, Sắt, Nhôm, Đồng, Mangan.

Dịch chiết cây Xuân hoa có tác dụng ức chế  nhiều loại vi khuẩn gây các bệnh thường gặp như Escherichia coli, Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus,… Nó còn ức chế nhiều loại nấm gân bệnh, điển hình là Candida albicans.

Bên cạnh đó, dịch chiết lá có tác dụng thủy phân protein khá mạnh, nhất là ở pH 7,5. Tác dụng này giải thích kinh nghiệm dân gian dùng lá cây Xuân hoa giã nát đắp vết thương để tiêu mủ và làm tan mụn lồi. Cao toàn phần của lá Xuân hoa còn thể hiện tác dụng bảo vệ gan trên chuột gây độc gan bằng các thuốc gây oxy hóa.

4. Công dụng

Cây được trồng ở nhiều nơi như một cây thuốc gia đình. Người ta cho rằng lá cây có các công dụng như khôi phục sức khỏe người ốm yếu, suy nhược thần kinh, làm việc quá sức. Chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu lỏng, lỵ, táo bón. Chữa chấn thương, chảy máu, đau dạ dày, điều chỉnh huyết áp,… Tuy nhiên phần lớn các tác dụng này chưa được kiểm chứng qua nghiên cứu.

Có thể dùng lá tươi sạch nhai với ít hạt muối, hoặc giã nát lấy nước uống hoặc nấu canh ăn. Liều dùng hằng ngày 3 – 7 lá.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ cây được dùng trị đòn ngã, chấn thương.

5. Một số kinh nghiệm sử dụng cây Xuân hoa

5.1. Chữa rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, trĩ nội

Dùng mỗi lần 7 lá, giã nát hoặc nhai với ít hạt muối. Ngày 2 lần, dùng trong 3 – 5 ngày.

5.2. Chữa đòn ngã bị thương, chảy máu hay tụ máu, lở loét, làm tan mụn lồi

Dùng lá, giã nát, đắp lên vết thương. Dùng số lượng vừa đủ với vết thương.

6. Một số nghiên cứu khác về cây Xuân hoa

Trên mô hình chuột bị đái tháo đường, chiết xuất toàn phần lá cây Xuân hoa hoặc riêng thành phần stigmasterol và sitosterol-3-O-β-D-glucopyranoside từ nó đều thể hiện tác dụng. Nó giúp hạ đường huyết, cải thiện chuyển hóa đường trong chuột. Có thể sử dụng phối hợp trong điều trị đái tháo đường.

Nghiên cứu trên mức độ tế bào, người ta thấy chiết xuất lá Xuân hoa có thể ức chế sự phát triển tế bào ung thư đại tràng. Tác dụng tương tự còn thấy trên tế bào Ung thư phổi. Chiết xuất nước của lá Xuân hoa ức chế khả năng sống của tế bào ung thư, và kích thích quá trình chết tế bào theo chương trình của nó.

Đánh giá tác dụng kháng viêm của lá Xuân hoa, người ta tiến hành trên mô hình chuột bị viêm cấp và mạn tính. Kết quả cho thấy lá Xuân hoa có tác dụng trên cả viêm cấp và viêm mạn tính. Tác dụng này tăng theo liều dùng và gần bằng tác dụng của Diclofenac, là một loại thuốc kháng viêm thường dùng trong bệnh khớp. Tác dụng chống viêm này được lý giải là thông qua hoạt tính chống oxy hóa của nó.

Ngoài ra, thành phần polyphenolic-polysaccharide trong lá Xuân hoa thể hiện tác dụng chống đông máu ở mức độ nhẹ.

 Xuân hoa có tác dụng nhưng không phải thần dược
Xuân hoa có tác dụng nhưng không phải thần dược

Cây Xuân hoa là một cây bụi, được dùng trị bệnh ở mức độ kinh nghiệm dân gian. Người ta dùng nó trong các bệnh đường tiêu hóa hoặc bệnh viêm nhiễm, bầm tụ máu ngoài da. Trên các nghiên cứu, lá cây Xuân hoa thể hiện tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa, tác dụng hạ đường huyết, chống ung thư.

Tuy nhiên các tác dụng hạ đường huyết, chống ung thư nghiên cứu chỉ dừng ở mức độ tế bào hoặc động vật. Vì vậy việc xem lá cây Xuân hoa như thần dược là không có cơ sở, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng vị thuốc này!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Võ Văn Chi (2012). Từ điển Cây thuốc Việt Nam, tập 2. NXB Y học, Hà Nội.

  2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs. (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

  3. Nualkaew, S., Padee, P., & Talubmook, C. (2015). Hypoglycemic activity in diabetic rats of stigmasterol and sitosterol-3-O--D-glucopyranoside isolated from Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk. leaf extract. Journal of Medicinal Plants Research, 9(20), 629-635.

  4. Padee, P., Nualkaew, S., Talubmook, C., & Sakuljaitrong, S. (2010). Hypoglycemic effect of a leaf extract of Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk. in normal and streptozotocin-induced diabetic rats. Journal of ethnopharmacology, 132(2), 491-496.

  5. Pamok, S., Vinitketkumnuen, S. S. U., & Saenphet, K. (2012). Antiproliferative effect of Moringa oleifera Lam. and Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk extracts on the colon cancer cells. Journal of Medicinal Plants Research, 6(1), 139-145.

  6. Chayarop, K., Temsiririrkkul, R., Peungvicha, P., Wongkrajang, Y., Chuakul, W., Amnuoypol, S., & Ruangwises, N. (2011). Antidiabetic effects and in vitro antioxidant activity of Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk. ex Lindau leaf aqueous extract. Mahidol Univ J Pharm Sci 2011; 38: 13, 22.

  7. Khumpook, T., Chomdej, S., Saenphet, S., Amornlerdpison, D., & Saenphet, K. (2013). Anti-inflammatory activity of ethanol extract from the leaves of Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk. Chiang Mai Journal of Science, 40(3), 321-331.

  8. Ho, T. C., Kiddane, A. T., Sivagnanam, S. P., Park, J. S., Cho, Y. J., Getachew, A. T., ... & Chun, B. S. (2020). Green extraction of polyphenolic-polysaccharide conjugates from Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk.: Chemical profile and anticoagulant activity. International Journal of Biological Macromolecules.

  9. Kongprasom, U., Sukketsiri, W., Chonpathompikunlert, P., Sroyraya, M., Sretrirutchai, S., & Tanasawet, S. (2019). Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk extract induces apoptosis via reactive oxygen species-mediated mitochondria-dependent pathway in A549 human lung cancer cells. Tropical Journal of Pharmaceutical Research, 18(2), 287-294.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người