Chải răng đúng và hiệu quả: Dễ hay khó?
Nội dung bài viết
Bạn có biết hiện nay có hơn 10 phương pháp chải răng khác nhau. Mỗi phương pháp phù hợp với từng lứa tuổi, tình trạng răng miệng và toàn thân. Chải răng là công việc tuy “đơn giản nhưng không dễ”. Ở các nước phát triển, chải răng thuộc công việc cần được giáo dục bởi chuyên gia. Chuyên gia răng miệng sẽ hướng dẫn và đánh giá lại liên tục cho đến khi bạn thuần thục.
Ở các nước đang phát triển, sự quan tâm cho chăm sóc răng miệng chưa đầy đủ. Mỗi người đều tự thực hiện theo bản năng. Do đó việc vệ chải răng đúng chưa đạt được. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý khác. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu hằng ngày chúng ta đã thực hiện chải răng đúng chưa?
1. Lợi ích của việc chải răng đúng cách
- Chải răng là cách tốt nhất để loại bỏ mảng bám và các chất lắng đọng.
- Ngăn ngừa sự hình thành mảng bám.
- Kích thích và xoa nắn mô nướu giúp nướu khỏe mạnh hơn.
- Có thể sử dụng bàn chải trong việc làm sạch lưỡi khi chải răng.
- Bàn chải cũng là dụng cụ để áp kem đáng răng có chứa các tác nhân dự phòng: giúp ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu hoặc quá cảm ngà.
2. Cách chọn lựa bàn chải phù hợp để chải răng đúng
Đầu tiên muốn thao tác đúng thì chúng ta cần có công cụ “đúng”. Bạn cần phải lựa bàn chải phù hợp với mình. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bàn chải khác nhau.Đa phần mọi người sẽ sử dụng bàn chải thông thường bằng tay hoặc bàn chải điện thuộc nhiều hãng nổi tiếng khác nhau như: Colgate, PS, Oral B..v.v.
Tuy nhiên để lựa chọn một bàn chải tốt và phù hợp nên đạt được các đặc điểm sau:
- Bàn chải phải dễ dàng sử dụng, đi vào tất cả các vùng trong miệng.
- Bàn chải phải đạt được hiệu quả làm sạch, dễ dàng vệ sinh, bền, không quá đắt.
- Kích thước, hình dạng, kết cấu phù hợp với nhu cầu từng người, từng kĩ thuật chải răng.
- Đầu các sợi lông phải được mài tròn.
- Sắp xếp các túm lông không quá dày đặc hoặc quá thưa.
Theo ADA, bàn chải chuẩn phù hợp nên sử dụng: cán thẳng, đầu có chiều dài 3cm, rộng 1cm, cao 1cm, có 2 – 4 búi lông, 5 – 12 búi một hàng. Các sợi lông phải dài bằng nhau, số sợi không quá lớn, đường kính mỗi sợi 0,2 – 0,3mm. - Các sợi lông bàn chải không xơ, cứng hay quá mềm.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải thay và nên thay khi nào?
Một bàn chải cần được thay mới thường 3 tháng/ lần hoặc bất cứ khi nào có biểu hiện:
- Tưa, cong, toe.
- Mất độ nhọn.
- Thay đổi đặc tính của lông bàn chải.
Bạn cần thay mới vì: Bàn chải chính là hồ chứa vi khuẩn lơ lửng trong không khí nhà tắm hoặc môi trường xung quanh. Khi nó mòn, sẽ dễ gây vi chấn thương cho mô mềm. Bàn chải sẽ gián tiếp đưa mầm bệnh vào cơ thể.
3. Thời gian và tần suất chải răng
Theo nhiều nghiên cứu, thời gian chải răng đạt tối ưu là từ 2 – 3 phút/ lần chải. Mỗi ngày nên chải tối thiểu 2 lần/ ngày. Nên chải răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ buổi tối và sáng sau khi dậy.
4. Trình tự chải răng
Nên chia răng ra thành nhiều vùng nhỏ để tránh bỏ sót. Chải lần lượt từ trái sang phải, từ mặt ngoài hàm trên xuống hàm dưới. Sau đó ngược lại từ mặt trong hàm dưới lên hàm trên. Chải mặt nhai các răng và mặt trong các răng trước hai hàm. Chú ý chải mặt xa của răng sau cùng. Nên chải 3 răng một lần. Khi di chuyển vùng này sang vùng kế nên có vùng lặp để tránh bỏ sót.
5. Cách cầm bàn chải
Cầm trọn bàn chải trong lòng bàn tay, ngón cái duỗi thẳng theo trục bàn chải hoặc ôm lấy bàn chải sao cho thuận tiện nhất.
6. Các phương pháp chải răng
Không có phương pháp chải răng nào thích hợp cho tất cả mọi người. Việc lấy đi hoàn toàn mảng bám răng quan trọng hơn là sử dụng kĩ thuật nào. Do đó mỗi người nên lựa chọn phương pháp phù hợp riêng mình, nhưng phải đảm bảo hiệu quả. Việc lựa chọn kỹ thuật còn tùy thuộc vào tình trạng răng miệng. Mọi người phải ý thức được việc chải răng chỉ làm sạch được mặt ngoài và trong của răng. Muốn làm sạch mặt bên của răng cần phải sử dụng đến các biện pháp bổ trợ khác: chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước…v.v…
>> Xem thêm: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
6.1. Phương pháp Bass (phương pháp trong khe nướu)
Đây là phương pháp có hiệu quả trong việc làm sạch mảng bám ở 1/3 cổ răng và khe nướu. Để thực hiện phương pháp này cần dùng bàn chải lông mềm. Độ dày lông bàn chải đồng nhất khoảng 0,2mm.
Các bước thực hiện:
- Há miệng vừa phải.
- Mặt ngoài và trong các răng: Đặt bàn chải ngang, nghiêng góc 45 độ so với trục răng, lông bàn chải ngang đường viền nướu. Vừa ép vừa dùng lực rung nhẹ, kéo tới lui với biên độ nhỏ khoảng 20 lần. Một lần chải 3 răng, sau đó di chuyển sang vùng kế tiếp.
- Mặt trong các răng trước, đặt bàn chải dọc theo trục răng. Rung nhẹ tại chỗ hoặc kéo tới lui biên độ nhỏ.
- Mặt nhai các răng sau: đặt lông bàn chải vuông góc và kéo tới lui để làm sạch.
Ưu điểm:
- Làm sạch được các mảng bám
- Kích thích, xoa nắn nướu tốt
Nhược điểm:
- Dễ gây chấn thương viền nướu.
- Tốn thời gian
6.2 Phương pháp Bass (cải tiến)
Phương pháp này khác với ban đầu ở điểm: Sau khi rung nhẹ và kéo tới lui, thêm động tác hất nhẹ lông bàn chải từ vùng cổ răng về phía mặt nhai hoặc cạnh cắn của răng.
Phương pháp này được khuyến cáo sử dụng trong vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Ưu điểm:
- Làm sạch mảng bám tốt hơn
- Làm sạch tốt vùng khe nướu và một phần vùng tiếp cận của răng.
- Giúp kích thích tốt mô nướu.
Nhược điểm:
Phương pháp này cần có sự khéo léo nhiều hơn.
6.3 Phương pháp Stillman
Phương pháp thường dùng ở bệnh nhân có tụt nướu tiến triển. Mục đích nhằm kích thích nướu.
Cách thực hiện:
Phương pháp này cũng đặt lông bàn chải tạo góc 45 độ tương tự như Bass. Tuy nhiên lông bàn chải ở đây đặt một phần trên nướu, một phần trên răng. Ép lông bàn chải để thấy nướu trắng ra. Dùng động tác xoay, rung nhẹ nhàng. Các lông bàn chải vẫn nằm một vị trí.
6.4 Phương pháp Stillman biến đổi
Tương tự như phương pháp Stillman. Thêm động tác hất lông bàn chải về phía cạnh cắn hoặc mặt nhai. Tương tự như Bass cải tiến.
Ưu điểm:
Làm sạch mảng bám, xoa nắn nướu
Nhược điểm:
Tốn thời gian thực hiện, dễ gây tổn thương biểu mô bám dính.
6.5 Phương pháp Charter
Phương pháp này được dùng khi:
- Gai nướu không lấp đầy kẽ răng do tụt nướu, răng thưa.
- Bề mặt chân răng bị lộ.
- Bệnh nhân mang khí cụ chỉnh nha, khí cụ cố định.
- Bệnh nhân sau phẫu thuật nha chu.
Với những trường hợp có khe giữa các răng rộng, phương pháp này giúp làm sạch mặt bên các răng.
Cách thực hiện:
Đặt lông bàn chải hướng hướng về phía thân răng, tại vị trí viền nướu. Lông bàn chải nghiêng 45 độ với trục dọc răng. Thực hiện động tác tới lui ngắn. Sau đó di chuyển qua vùng răng kế tiếp.
Ưu điểm:
Giúp xoa nắn và kích thích nướu.
Nhược điểm:
- Loại bỏ mảng bám vi khuẩn kém.
- Giới hạn vị trí chải.
- Yêu cầu khéo léo cao.
6.6 Phương pháp Roll
Cách thực hiện:
Đặt lông bàn chải hướng về phía chóp răng. Phần mặt bên lông bàn chải chạm nướu, phần nhựa đầu bàn chải chạm răng. Nghiêng nhẹ cho lông bàn chải áp vào nướu, lăn nhẹ bàn chải lên bề mặt theo hình dạng răng. Động tác nhẹ nhàng, lông bàn chải áp sát quét theo hình dạng răng. Mỗi vùng lặp lại 5 lần rồi di chuyển qua vùng kế.
Phương pháp này thường được kết hợp với các phương pháp: Bass, Stillman, Charter để tăng hiệu quả làm sạch.
6.7 Phương pháp chà ngang
Cách thực hiện:
Lông bàn chải chà theo chiều dọc, chiều ngang và tạo vòng tròn trên các bề mặt răng.
Ưu điểm:
Dễ thực hiện.
Nhược điểm:
Phương pháp này thực sự không làm sạch được mảng bám. Ngoài ra còn có thể gây mòn răng, tụt nướu. Khuyến cáo nên hạn chế sử dụng.
6.8 Phương pháp chà dọc
Cách thực hiện:
Cắn hai hàm lại. Đặt lông bàn chải vuông góc bề mặt răng. Chải lên xuống theo chiều dọc đồng thời cả hai hàm với lực lớn.
Ưu điểm:
Thuận tiện và hiệu quả đối với trẻ nhỏ còn răng sữa.
Nhược điểm:
Phương pháp này không làm sạch được vùng kẽ răng người lớn.
6.9 Phương pháp chải răng sinh lý của Smith và Bell
Phương pháp này có lợi ở những trường hợp mà bề mặt răng và nướu có hình dạng sinh lý bình thường. Phương pháp mô phỏng theo quá trình thoát của thức ăn trong khi nhai.
Cách thực hiện:
Lắc nhẹ bàn chải sao cho đầu các sợi trượt từ mặt nhai đến mặt ngoài răng. Sau đó đến nướu và ngách miệng.
Ưu điểm:
- Làm sạch theo cơ chế tự nhiên
- Làm sạch bề mặt trên nướu
Nhược điểm:
Vùng kẽ răng và dưới nướu không được làm sạch đủ.
6.10 Phương pháp Fones (phương pháp xoay tròn)
Phương pháp được sử dụng ở:
- Trẻ em.
- Người thao tác kém.
- Bệnh nhân có vấn đề vận động tay.
Cách thực hiện:
Đặt bàn chải sao cho sợi lông vuông góc bề mặt răng. Cắn hai hàm lại, xoay tròn những vòng lớn đi trên cả bề mặt răng và nướu. Xoay 4 – 5 vòng cho mỗi vùng răng. Sau đó di chuyển sang vùng kế tiếp.
Ưu điểm:
- Dễ thực hiện.
- Thời gian ngắn.
Nhược điểm:
- Có thể gây chấn thương nướu.
- Không làm sạch được vùng kẽ răng.
>> Để có cách chải răng đúng theo ADA (Hiệp hội nha khoa Mỹ), bạn có thể tham khảo tại bài viết: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
Mong rằng với những kiến thức trên đây có thể giúp các bạn thực hiện chải răng đúng hơn tại nhà. Nếu có khó khăn trong việc chăm sóc, đừng ngần ngại gặp nha sĩ. Mọi công việc đều cần quá trình để trở nên hoàn hảo. Luyện tập chính là chìa khóa cho sự hoàn thiện. Hãy bắt đầu từ công việc chải răng đơn giản này để có một sức khỏe tốt hơn các bạn nhé!
Xem thêm các bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Gunjan Kumar MDS1, M.d. Jalaluddin MDS2 ,Dhirendra Kumar Singh MDS3 (2013), "Toothbrush and brushing technique", Journal of Advances in Medicine , page 65-76