YouMed

Củ Mã thầy, vị thuốc trong dân gian lạ mà quen

Bác sĩ DƯƠNG THỊ NGỌC LAN
Tác giả: Bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Củ Mã thầy hay còn gọi là Củ năng, là một loại thực phẩm không còn xa lạ với nhiều người. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về nhiều công dụng tuyệt vời của loại thức ăn cũng như là vị thuốc này. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu trên.

Củ mã thầy là củ gì

Tên thường gọi: Củ Mã thầy hay còn gọi là củ năng, Củ năn (miền Bắc), Bột tề…

Tên khoa học: Eleocharis dulcis (Heleocharis plantaginea R. Br.)

Họ khoa học: thuộc họ Cói (Cyperaceae).

Mô tả Cây mã thầy

Cây mã thầy là cây thảo thuỷ sinh sống nhiều năm, mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước (cả nước phèn và nước ngọt). Củ nạc to, vỏ ngoài màu nâu đen, khi gọt vỏ thì bên trong trắng, ăn giòn có vị hơi ngọt. Thân giả hành hình trụ cao 15 – 60cm hoặc có thể lên đến 1m, đường kính 1,5 – 3mm hay hơn, bóng. Lá teo nhỏ thành bẹ ngắn ở gốc, dễ rách. Cụm hoa bông dạng tháp bút, dài 2 – 5cm, rộng bằng thân. Hoa có 7 tơ màu vàng nâu, mỗi hoa có từ 2 – 3 nhị và đầu nhuỵ. Quả bế dài bằng 1/2 vẩy, có 5 – 7 tia, tròn. Cây mã thầy ra hoa vào tháng 11 – 12.

Mã thầy
Cây Mã thầy

 Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến

Mã thầy là loài bản địa của châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines…), Úc, các nước nhiệt đới châu Phi, và nhiều quần đảo khác trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ở nước ta, cây mọc phổ biến từ Bắc đến Nam, tuy nhiên được trồng tập trung trên diện tích lớn ở Đồng Tháp Mười. Cây phát triển mạnh ở đất phèn, trong mùa mưa, thích hợp với đất chua có pH = 4 – 5, là cây chỉ thị vùng đất phèn. Cây phát triển nhanh. Thời điểm thu hoạch Mã thầy thích hợp là khi mặt đất phía dưới gốc cây chuyển sang màu vàng, điều này chứng tỏ củ Mã thầy đã trưởng thành và sẵn sàng để thu hoạch. Trồng khoảng 200 – 240 ngày là có thu hoạch, có thể cho 10 – 15 tấn trên mỗi hecta. Bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ 4oC để giảm sự thoát hơi nước của củ và hạn chế nảy mầm.

Củ Mã thầy thường được dùng tươi, không cần qua công đoạn chế biến.

Mã thầy
Củ Mã thầy tươi sau khi thu hoạch

Tác dụng của Mã thầy

Thành phần hóa học

Củ Mã thầy có giá trị dinh dưỡng cao với các thành phần như:

  • Cacbonhydrate (24%), chất béo (0.1%), chất đạm (1%)
  • Các Vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B5, B6, B9. Ngoài ra còn có vitamin C, vitamin E
  • Khoáng chất vi lượng như: Magie, mangan, photpho, kali, kẽm
  • Ngoài ra vỏ củ còn chứa các flavonoid như: fisetin, tectorigenin, quercetin, luteolin, apigenin, diosmetin, jaceosidin, và galangin

Tác dụng dược lý

Qua các nghiên cứu cho thấy vị thuốc Mã thầy có các tác dụng sau:

  • Các flavonoid từ vỏ củ có tác dụng chống oxy hóa, ức chế tế bào ung thư phổi bằng cách ngưng quá trình phân bào và kích hoạt apoptosis tế bào ung thư phổi.
  • Kháng một số vi khuẩn: tụ cầu vàng, Bacillus coli…
  • Ổn định đường huyết
  • Nhuận tràng, điều trị táo bón

Mã thầy trong y học cổ truyền

Vị ngọt, tính mát; quy kinh Phế, Vị

Có tác dụng khai vị, ích khí, an trung, giải độc, thanh nhiệt, tiêu thức ăn và giúp ích cho dạ dày và ruột.

Cách dùng và liều dùng

Củ mã thầy thường dùng nấu chè, nấu canh với thịt gà, vịt. Cũng được sử dụng làm thuốc tiêu đờm, giải nhiệt, mạnh dạ dày, sáng mắt, dùng chữa trẻ em bị tích, phát nóng.

Tùy mục đích sử dụng mà liều lượng có thể thay đổi, tuy nhiên liều lượng khuyến cáo mỗi ngày là 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc.

Lưu ý khi sử dụng

Do sinh trưởng ở dưới bùn đất vì thế có thể có nhiều loại ký sinh trùng sinh trưởng ký sinh, vì vậy cần gọt vỏ và rửa sạch, chế biến kỹ trước khi sử dụng. Đã có trường hợp báo cáo nhiễm sán lá gan khi sử dụng.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Tiêu thũng, thanh nhiệt cơ thể

Dùng 500g Củ năng, 500g thịt vịt cỏ, 30g đường phèn, ninh nhỏ lửa, dùng ăn. Ngoài ra, có thể dùng Mã thầy 60g, cá Diếc 300 g nấu cùng hành, dấm, 20g đường cát, dùng ăn trong ngày.

Hỗ trợ bổ phế, ích thận

Sử dụng 100 g Củ năng, 1 đôi cật lợn, 30g đường phèn dập nát, nấu cùng 2 lít nước. Nấu với lửa nhỏ trong vòng 20 -25 phút, ăn khi còn nóng.

Hạ huyết áp, tiêu thũng, thanh nhiệt cơ thể

Dùng 100g Củ năng, 300g thịt lợn nạc, 200g Rau cần xào chín. Nêm gia vị cho vừa miệng kèm thêm chút tiêu và hành lá, dùng ăn khi còn nóng.

Hỗ trợ tiêu hóa, sinh tân dịch, lợi tiểu, giải độc rượu

Củ năng tươi dùng ăn hàng ngày hoặc ép lấy nước uống. Có thể phối hợp với rễ cỏ tranh và ngó sen với lượng bằng nhau, sắc thành nước, dùng uống hàng ngày.

Mã thầy không chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một vị thuốc có nhiều tác dụng tuyệt vời. Hi vọng với bài viết trên có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về tác dụng tuyệt vời của dược liệu này. Tuy nhiên, quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn về chỉ định, liều lượng và thời gian dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như tránh các tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • 3033 Cây thuốc Đông Y – Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh
  • Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Luyao Xiao, Jiahui Chen, Xingchi Wang, Ruyu Bai, Dawei Chen, Jun Liu , Structural and physicochemical properties of chemically modified Chinese water chestnut [Eleocharis dulcis (Burm. f.) Trin. ex Hensch] starches. Biomac (2018), doi:10.1016/j.ijbiomac.2018.08.161
  • Morton, J.F.; Sanchez, C.A.; Snyder, G.H. (1988). Chinese waterchestnut in florida – past, present, and future. Proc. Fla. State Hort. Soc (101): 139–144.
  • Bhatti, H. S.; Malla, N; Mahajan, R. C.; Sehgal, R (2000). “Fasciolopslasis–a re-emerging infection in Azamgarh (Uttar Pradesh)”. Indian Journal of Pathology & Microbiology. 43 (1): 73–6.
  • Phenolics and phenolic-polysaccharide linkages in Chinese water chestnut (Eleocharis dulcis) cell walls. Grassby Terri, Doctoral thesis, 2008, University of East Anglia.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người