Củ sen – vị thuốc có nhiều công dụng bất ngờ
Nội dung bài viết
Củ sen là thân rễ phình to thành củ, nằm dưới bùn ao của cây sen. Các bộ phận hoa, lá, hạt, tâm sen của cây sen đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Đặc biệt, củ sen có nhiều tác dụng đối với hệ miễn dịch, tim mạch, chuyển hóa, kháng viêm, giảm stress, hạ đường huyết,… Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết của bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Thiên Hương dưới đây.
Củ sen là gì?
Củ sen còn gọi là liên ngẫu, là thân rễ của cây sen, có tên khoa học Rhizoma Nelumbinis. Thuộc họ sen (Nelumbonaceae)
Cây sen là cây mọc dưới nước, sống dai nhờ thân rễ (còn gọi là ngó sen). Ngó sen màu trắng, tiết diện gần tròn, khía dọc màu nâu, ngọn mang chồi hình chóp nhọn. Thân rễ phình to thành củ, hình dùi trống, màu vàng nâu, gồm nhiều đoạn, thắt ở giữa, trong có nhiều khuyết rộng.
Lá hình lọng, 2 thùy, sâu, đối xứng nhau, dài 30-55 cm, rộng 20-30 cm. Mép lá hơi uốn lượn, mặt trên xanh đậm, nhẵn bóng; mặt dưới xanh nhạt, nhám. Gân lá tỏa tròn, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá màu xanh, hình trụ, dài 1-1,5 m, rám, có nhiều gai.
Hoa đơn độc, màu trắng hoặc hồng, to. Đế hoa lồi dạng nón ngược, bao hoa xoắn ốc, không phân biệt rõ lá đài và cánh hoa. Cánh hoa dạng phiến thuôn dài hình thuyền, màu trắng hồng, ở bìa và ngọn cánh hoa đậm hơn.
Nhị nhiều, rời, đều. Quả bế, nhẵn, màu xanh, hình bầu dục, dài 1,6-2,5cm, đường kính 0.5-1.2 cm. Hạt trắng, dài. 2 lá mầm màu trắng chứa tâm sen màu xanh bên trong.
Thời điểm thu hái: quanh năm.
Công dụng của củ sen
Giảm cân
Do chứa chất xơ (13%), hàm lượng Calo ít (74Cal) tạo cảm giác no lâu, dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn kiêng giảm cân. Thêm nữa, củ sen cũng thúc đẩy tăng trao đổi chất trong cơ thể nên giảm cân tốt hơn. Đồng thời do không chứa cholesterol, hàm lượng chất béo thấp (0.1%) nên có tác dụng giảm béo và còn tốt cho tim mạch.
Giàu vitamin C
Vitamin C là một vitamin quan trọng đối với xương, mô, cơ bắp, hệ miễn dịch. Giúp cơ thể hấp thụ sắt, tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại nhiễm khuẩn. Đặc biệt là giúp cơ thể phục hồi nhanh sau ốm dậy, mau lành vết thương. Củ sen là thực phẩm giàu vitamin C (chứa khoảng 73% Vitamin trong 100gr). Đây là lựa chọn tốt để tăng cường miễn dịch và bổ sung vitamin C đầy đủ.
Tăng sức đề kháng
Loại thực vật này chứa khoảng 6mg Canxi, 2.4mg Sắt, 0.2mg kẽm trong mỗi 100gr. Các khoáng chất này cần cho sự tạo xương, tạo máu, giảm nguy cơ thiếu máu. Kích thích hoạt động của các enzym, tham gia hỗ trợ hệ miễn dịch.
Chống viêm nhiễm
Viêm là phản ứng cơ thể trước các tổn thương. Viêm thể hiện qua sưng, đau, phù nề, nóng, đỏ vùng tổn thương. Triệu chứng viêm khá đa dạng và gây khó chịu. Theo các nghiên cứu, Axit betulinic triterpenoid được phân lập từ chiết xuất methanol của củ sen được đánh giá về hoạt tính chống viêm rõ rệt, đặc biệt là giảm phù nề. Do đó sử dụng củ sen hàng ngày mang lại cảm giác dễ chịu, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.
Hạ đường huyết
Đái tháo đường được gọi là sát thủ thầm lặng của con người bởi những biến chứng âm thầm của bệnh. Vấn đề hạ đường huyết luôn được quan tâm của đa số người dân. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc hạ đường huyết thông thường, chúng ta cũng nên bổ sung bằng các thực phẩm dinh dưỡng gần gũi.
Theo các nghiên cứu, chiết xuất từ củ sen cho thấy hạ đường huyết đáng kể. Cơ chế hạ đường thông qua tăng dung nạp glucose ở ngoại vi, tăng tiết insulin ở tụy. Sử dụng củ sen thường xuyên sẽ giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết quá mức.
Thư giãn, giảm stress
Do chứa hàm lượng lớn Kali nên củ sen giúp giãn mạch, tăng lưu thông mạch máu. Ngoài ra còn chứa vitamin B6, giúp ổn định thần kinh và tuần hoàn. Bổ sung hàng ngày sẽ giảm mệt mỏi, lo âu, tăng cường trí nhớ.
Tác dụng theo y học cổ truyền
Liên ngẫu có vị ngọt, tính mát, quy kinh Tâm, Can, Tỳ.
Công dụng: thanh nhiệt lương huyết, tả vị hỏa, tiêu thực, bổ tâm, thanh nhiệt
Chủ trị các chứng ăn nhanh đói, đau dạ dày, nóng rát thượng vị, xuất huyết.
Liều dùng: 10-20g/ngày dạng thuốc sắc hoặc dùng sống. Đối với các chứng đau dạ dày thì phơi khô sao thơm để dùng. Đối với các chứng xuất huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu thì sao tồn tính để dùng.
Bài thuốc kinh nghiệm
Nôn
30g củ sen sống, 3g gừng sống, giã nát, vắt lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày.
Ho ra máu
Củ sen 20g, bách hợp hoặc trắc bá diệp 20g, cỏ nhọ nồi 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc 400ml nước còn 100ml. Uống 2 lần/ngày
Băng huyết
Củ sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng, 8g mỗi vị, bách thảo sương 6g. Sắc 1 thang/ngày.
Tiểu máu
Củ sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g. Tiểu kế, mộc thông, bồ hoàng, đạm trúc diệp, sơn chi tử, 12g mỗi vị. Chích cam thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống trong ngày.
Điều hòa huyết áp, thư giãn
Trà củ sen: Chọn củ sen già, bỏ chỗ sâu, đầu đuôi, ngâm muối, rửa sạch, để ráo. Đem thái mỏng, phơi khô, sao vàng hạ thổ. Dùng 10-20g củ sen đã sơ chế đun nhỏ lửa 15 phút, thêm vài lát gừng mỏng (nướng cháy vỏ), thêm chút muối, uống lúc nóng.
Lưu ý, kiêng kị
Nên hạn chế dùng củ sen dạng ống do dễ nhiễm ký sinh trùng. Ở những người hay đau dạ dày, hội chứng kích thích đường ruột thì cũng không nên dùng thường xuyên. Bởi lẽ, loại thực vật này chứa nhiều chất xơ khi ăn nhiều dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Sen là một thực vật đẹp và độc đáo từ thiên nhiên. Toàn bộ thành phần của sen đều được dùng trong thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh. Củ sen có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như hạ huyết áp, hạ đường huyết, tăng cường miễn dịch, giảm cân, giảm stress. Tuy nhiên khi dùng loại thực vật này làm thuốc chữa trị, quý độc giả nên tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị. Hi vọng bài viết này mang đến nhiều thông tin bổ ích cho độc giả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Phytochemical Profile and Biological Activity of Nelumbo nuciferahttps://www.hindawi.com/journals/ecam/2015/789124/
Ngày tham khảo: 13/05/2021
-
15 công dụng tuyệt vời của củ sen với sức khỏehttps://suckhoedoisong.vn/15-cong-dung-tuyet-voi-cua-cu-sen-voi-suc-khoe-n145629.html
Ngày tham khảo: 13/05/2021
-
Loài Nelumbo nucifera Gaertn. (Cây Sen)http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/151
Ngày tham khảo: 13/05/2021