Da bé bị cháy nắng: Cha mẹ cần phải làm gì?
Nội dung bài viết
Ánh nắng mặt trời dễ làm tổn thương làn da nhạy cảm của bé. Da của bé bị cháy nắng sẽ làm bé khó chịu, bứt rứt nhưng chẳng thể diễn tả bằng lời. Vì thế ba mẹ cần nhận biết những dấu hiệu cũng như cách điều trị làm dịu làn da bé nhanh chóng, kịp thời. Trong bài viết sau đây, Bác sĩ Da liễu Nguyễn Thị Thảo sẽ cùng bạn tìm câu trả lời cho thắc mắc da bé bị cháy nắng phải làm sao cùng mọi ngóc ngách của vấn đề trên.
Cháy nắng là gì?
Cháy nắng xảy ra khi da của bé tiếp xúc với quá nhiều tia cực tím (UV) của mặt trời. Điều này khiến biểu bì của trẻ xuất hiện phản ứng viêm. Hiện tượng này giống như khi bạn chạm tay vào bề mặt nóng. Trong vòng 4 đến 6 giờ đầu tiên sau khi tiếp xúc với tia cực tím, da của bé sẽ có những vết đỏ ở vị trí cháy nắng. Nếu trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu hơn, vết cháy sẽ bắt đầu trong 12 giờ đầu và gây đau.1
Da của trẻ dễ bị tổn thương bởi tia UV, ngay cả khi trẻ có làn da ngăm đen bẩm sinh. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, cực kỳ dễ bị bỏng. Bởi lẽ giai đoạn này, da của bé còn mỏng. Vì thế, khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, da của trẻ có nguy cơ bị tổn thương.1
Trẻ cũng không có nhiều sắc tố melanin như người lớn. Sắc tố này có vai trò bảo vệ chống lại tia nắng mặt trời một cách tự nhiên.1
Có hai loại tia UV mà em bé của bạn cần hạn chế tiếp xúc là: UVA và UVB. UVB là thủ phạm phổ biến nhất của cháy nắng. Trong khi đó, khi tiếp xúc với tia UVA có thể gây ra các dấu hiệu lão hóa sớm, như nếp nhăn và sạm màu. Cả hai loại tia UV đều có thể làm tăng khả năng mắc ung thư da.1
Những dấu hiệu trẻ bị cháy nắng
Hầu hết các vết cháy nắng không cần điều trị. Nhưng bạn cần nhận biết liệu bé có bị bỏng do cháy nắng hay không.
Đầu tiên, vết cháy nắng có màu nóng, đỏ. Sau đó, trẻ có thể cảm thấy khó chịu.1 Các dấu hiệu cháy nắng thường xuất hiện từ sáu đến mười hai giờ sau khi tiếp xúc. Và cảm giác khó chịu nhất là trong 24 giờ đầu tiên.2
Mặt khác, vết cháy nắng bị phồng rộp hoặc gây ra bất kỳ triệu chứng nào sau đây ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay:1
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Trẻ có vẻ đừ, kém vận động hoặc hôn mê.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Tình trạng khó chịu chung, kích thích hoặc cảm thấy không khỏe.
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy con bạn bị mất nước do bị say nắng. Do vậy, trẻ cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
Da bé bị cháy nắng phải làm sao?
Nếu vết cháy nắng của con bạn ở mức độ nhẹ, trẻ có thể điều trị tại nhà. Bạn có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Đồng thời, những giải pháp kịp thời sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục của trẻ. Bạn có thể tham khảo một số cách như sau:1
Làm mát vết cháy nắng
Bạn có thể làm dịu vết cháy nắng của trẻ bằng khăn ẩm, mát, chườm thường xuyên nếu cần. Nếu muốn sử dụng xà phòng, bạn chỉ nên dùng lượng rất ít, nhẹ nhàng trong khi tắm cho bé. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa kích ứng da của bé.
Da bé bị cháy nắng phải làm sao bằng cách dưỡng ẩm cho da?
Ngoài ra, bạn cũng có thể giữ ẩm cho làn da của con bạn bằng gel từ cây lô hội tự nhiên. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn những sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, an toàn cho trẻ nhỏ. Cố gắng tránh bất cứ thứ gì có mùi thơm vì có thể gây kích ứng.
Làm bé cảm thấy dễ chịu hơn
Tắm nước mát, dưỡng ẩm vết cháy nắng, mặc quần áo mềm và nhẹ,… Đó là những biện pháp sẽ giúp bé thoải mái hơn trong khi vượt qua cơn đau rát. Nếu con bạn vẫn cáu kỉnh hoặc da vẫn còn bị sưng tấy, bạn có thể hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau không kê đơn dành cho trẻ em. Thuốc có tác dụng tốt nhất khi có cơn đau do viêm (mô đỏ, mềm, nóng hoặc sưng tấy).
Nhìn chung, acetaminophen an toàn để sử dụng cho trẻ sơ sinh ở mọi lứa tuổi. Trong khi đó, ibuprofen an toàn cho trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, bất kỳ thuốc nào cũng cần sự chỉ định từ bác sĩ đặc biệt nếu con bạn dưới 2 tuổi.
Da bé bị cháy nắng phải làm sao và những gì nên tránh?
Trong khi vết cháy đang lành lại, phải tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Da của họ đặc biệt dễ bị tổn thương khi hồi phục sau vết bỏng trước đó.
Đồng thời, bạn cũng nên tránh chườm đá lên vết bỏng nắng của bé. Khi bị tổn thương, da của bé trở nên nhạy cảm hơn khi dùng một túi nước đá. Không chườm đá trực tiếp lên da.Thay vào đó, hãy chườm mát .
Bảo vệ trẻ khỏi bị cháy nắng
Cháy nắng có thể được ngăn ngừa. Nhưng vì chỉ có một số chiến lược phòng ngừa phù hợp cho trẻ nhỏ. Dưới đây là những điều cha mẹ có thể thực hiện để ngăn con mình bị cháy nắng:1
Tránh ánh nắng mặt trời
Ngồi ở những nơi râm mát, mang ô ngăn tia cực tím khi ở bãi biển,… Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Bởi lẽ đây là khi ánh nắng mặt trời mạnh nhất.
Sử dụng kem chống nắng
Mặt trời ít nắng không có nghĩa là không có tia UV xâm nhập vào làn da của bạn. Vì thế việc sử dụng kem chống nắng là tối quan trọng. Trẻ nên được thoa kem chống nắng vào cả những ngày ít nắng. Lưu ý rằng, kem chống nắng chỉ dùng cho bé trên 6 tháng tuổi.
Chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để chống lại tia UVA và UVB. Đồng thời, bạn nhớ thoa kem sau mỗi 90 phút. Đặc biệt, trẻ cần được thoa thường xuyên hơn nếu con bạn vừa bơi lội hoặc đổ mồ hôi nhiều.
Hy vọng bài viết trên của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo đã giải đáp được câu hỏi “Da bé bị cháy nắng phải làm sao?” cho độc giả. Chăm sóc da bé bị cháy nắng đặc biệt cần sự kịp thời và hiệu quả. Ba mẹ nên lưu ý làm mát, sử dụng kem dưỡng ẩm đều đặn. Việc dùng thuốc giảm đau cũng như làm bé dễ chịu cần sự tư vấn của bác sĩ. Bảo vệ da bé khỏi bị cháy nắng là chìa khóa giúp bé tránh bị tổn thương da.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to Prevent and Treat Infant Sunburnhttps://www.healthline.com/health/baby/baby-sunburn#what-it-is
Ngày tham khảo: 27/01/2023
-
Sunburn: Treatment and Preventionhttps://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/skin/Pages/Sunburn-Treatment-and-Prevention.aspx
Ngày tham khảo: 27/01/2023