Bệnh mũi họng : Cần chuẩn bị gì trước khi gặp bác sĩ
Nội dung bài viết
Bệnh mũi họng trong khi thăm khám, việc giao tiếp hiệu quả giữa bệnh nhân và bác sĩ là một yếu tố vô cùng quan trọng. Sự chuẩn bị kĩ càng cùng cách đặt câu hỏi thông minh của bạn sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ vấn đề của người bệnh, từ đó đưa ra hỗ trợ và phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Sau đây, YouMed sẽ chỉ cho các bạn những thông tin cần chuẩn bị và những câu hỏi thường dùng khi đi khám bệnh Mũi – Họng nhé.
1. Bệnh mũi họng cần chuẩn bị gì trước khi đi khám bệnh?
- Liệt kê ra những khó chịu mà hiện tại bạn đang có. Bạn mô tả càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như: Khó chịu ở vị trí nào? Thường bị lúc nào? Bị bao lâu rồi? Nó xuất hiện đột ngột hay do điều gì đó gây nên?…
- Liệt kê ra các bệnh lý khác mà bạn đang điều trị, tên các thuốc điều trị, thuốc bổ hoặc các thực phẩm chức năng đang dùng. Chú ý nếu bạn có dị ứng với một loại thuốc nào đó, cần cho bác sĩ biết tên cụ thể của loại thuốc đó.
- Nếu đã từng đi khám trước đây, cần nhớ đem theo những giấy tờ của lần trước như: toa thuốc, kết quả nội soi, X-quang… Nhớ đem theo bảo hiểm y tế của bạn nữa nhé!
Có thể dẫn theo người thân, đặc biệt nếu người bệnh là người già và trẻ em: người thân sẽ giúp bệnh nhân nắm các thông tin cần thiết mà bác sĩ cung cấp trong buổi khám.
Bạn cũng nên chuẩn bị trước các câu hỏi cần được bác sĩ giải đáp. Liệt kê trước các câu hỏi sẽ giúp người bệnh đỡ quên trong lúc gặp bác sĩ.
2. Những câu hỏi người bệnh có thể hỏi bác sĩ để khai thác thêm thông tin về bệnh
Hãy viết lại những câu hỏi mà bạn thắc mắc trước khi đi khám! Điều này sẽ giúp bạn trao đổi với bác sĩ hiệu quả hơn, tránh trường hợp quên những điều cần hỏi do tâm lý lo lắng căng thẳng khi gặp bác sĩ.
- Tôi có cần làm thêm những xét nghiệm, nội soi hay chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh nào khác?
- Tôi có cần phải kiêng cữ, thay đổi lối sống hay luyện tập thế nào không?
- Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng các thuốc được kê trong đơn thuốc? Có triệu chứng nào tôi cần phải đặc biệt chú ý?
- Các triệu chứng sẽ bắt đầu thuyên giảm bao lâu sau khi bắt đầu điều trị?
- Bệnh lý của tôi là mãn tính hay tạm thời? Tôi có cần phải sử dụng thuốc lâu dài hay không?
Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thăm khám, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ. Bệnh nhân không nên đem nỗi bất an và những thắc mắc không được giải quyết về nhà.
3. Những câu hỏi bác sĩ có thể hỏi người bệnh mũi họng trong lúc thăm khám
Bệnh nhân cần chuẩn bị câu trả lời cho mỗi câu hỏi của bác sĩ. Nội dung dưới đây sẽ liệt kê các câu hỏi bác sĩ Tai Mũi Họng có thể sẽ hỏi người bệnh khi tiến hành thăm khám.
3.1. Nếu bạn đến gặp bác sĩ Tai Mũi Họng vì vấn đề gặp phải ở Mũi
- Bạn có bị sổ mũi (chảy nước mũi) không?
- Tình trạng chảy nước mũi có xảy ra thường xuyên không?
- Nước mũi của bạn như thế nào? Lỏng như nước hay nước mũi nhầy đặc? Có máu? Hoặc như mủ?
- Nước mũi màu gì? – Dịch trong không màu/màu trắng/màu vàng/màu xanh.
- Nước mũi có nặng mùi (có mùi hôi) không?
- Bạn có bị chảy máu mũi không? Chảy máu mũi có xảy ra thường xuyên không? Chảy máu mũi có dễ cầm không?
- Bạn có thể thở qua mũi bình thường không?
- Bạn bị nghẹt mũi cả 2 bên hay chỉ 1 bên?
- Bạn có bị nhức ở mũi hay vị trí nào trên mặt không?
- Khả năng ngửi của bạn có bị ảnh hưởng không? Bạn có bị mất mùi không?
- Bạn có bị dị ứng với phấn hoa, bụi, lông chó, lông mèo hay loại dị ứng nào khác không?
- Bạn có ho/hắt hơi nhiều không? Bạn có nhảy mũi, ngứa mũi nhiều không? Có triệu chứng bất thường nào khác kèm theo không?
3.2. Nếu bạn đến gặp bác sĩ về bệnh mũi họng
Sau đây là các vấn đề bác sĩ có thể hỏi người bệnh. Bạn có thể tự trả lời trước ở nhà trước khi đến gặp bác sĩ, để không bị bối rối dẫn đến không trình bày đủ thông tin cho bác sĩ khi đi thăm khám.
Triệu chứng ở họng
- Bạn có cảm giác gì ở họng (ngứa/đau/rát)? Các triệu chứng đó bắt đầu xuất hiện khi nào? Có thường tái phát hay không?
- Triệu chứng ở họng có kèm với ho không?
- Bạn có bị khàn giọng không? Bạn bị thay đổi giọng nói từ khi nào?
- Bạn có thường phải khạc ra không?
- Bạn có cảm thấy gì vướng víu trong họng không?
- Bạn có bị khó nuốt / nuốt vướng không?
Triệu chứng khác có thể liên quan đến vùng họng
- Bạn có gặp vấn đề gì khác ở vùng miệng, lưỡi hay lợi không?
- Bạn có thường bị chảy máu chân răng không?
- Có thay đổi về nếm không?
- Bạn có một vết loét trên lưỡi
- Bạn bị tưa lưỡi/đẹn lưỡi không?
Câu hỏi khác liên quan đến lối sống hàng ngày
- Công việc của bạn có cần phải nói nhiều/nói lớn tiếng không?
- Bạn có mang răng giả không?
- Bạn có hút thuốc không?
- Bạn uống bia rượu cỡ nào?
Việc biết cách cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ là rất cần thiết. Sự chuẩn bị kĩ càng trước khi đi khám của bạn sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ vấn đề của người bệnh, từ đó đưa ra hỗ trợ và phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Có thể bạn quan tâm :
- Top 5 bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng Nhi tốt ở TPHCM
- Một số bác sĩ, phòng khám Tai Mũi Họng tốt tại TP. HCM
- Hướng dẫn khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương
Giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ đóng vai trò then chốt trong kế hoạch điều trị. Hi vọng qua bài viết trên của YouMed, các bạn đã có một sự chuẩn bị tốt nhất để có một buổi trò chuyện thật hiệu quả với bác sĩ của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Tổng hợp từ: mayoclinic.org