YouMed

Dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt mà nam giới cần biết

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Viêm là tình trạng một phần trong cơ chế bảo vệ của cơ thể và là phản ứng sinh học để cố gắng loại bỏ tác nhân gây hại. Nam giới ở độ tuổi trung niên thường mắc viêm tuyến tiền liệt. Điều này được lý giải là tuyến tiền liệt đang chống lại các tác nhân xấu xâm nhập. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu những dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt qua bài viết dưới đây.

Viêm tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt là một tuyến sinh dục có ở nam giới. Kích thước của nó khoảng bằng quả óc chó. Tuyến này nằm ngay bên dưới bàng quang. Vai trò của nó là tạo ra môi trường giúp nuôi dưỡng tinh trùng.

Trong khi đó, viêm là tình trạng xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể con người khi bộ phận đó bị kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vì vậy, viêm tuyến tiền liệt là tình trạng sưng và đau ở tuyến tiền liệt hoặc vùng quanh nó. Bệnh này không phải là ung thư. Viêm tuyến tiền liệt có thể được chia làm 4 loại:

  • Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn cấp tính.
  • Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính.
  • Hội chứng đau vùng chậu mạn tính.
  • Viêm tuyến tiền liệt không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân của bệnh này đa phần là do vi khuẩn. Một số trường hợp nguyên nhân do tổn thương dây thần kinh vùng xương chậu. Trường hợp viêm tuyến tiền liệt không rõ nguyên nhân thường được phát hiện tình cờ qua các xét nghiệm đường tiết niệu.

Hình ảnh viêm tuyến tiền liệt
Hình ảnh viêm tuyến tiền liệt

Dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt

Dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt thường không rõ ràng và diễn biến chậm rãi; trừ trường hợp người bệnh mắc phải viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn. Những triệu chứng phổ biến:

  • Đau hoặc rát khi đi tiểu.
  • Quá trình bắt đầu tiểu khó khăn.
  • Dòng tiểu yếu và bị gián đoạn.
  • Nước tiểu đục hoặc có lẫn máu.
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm, tiểu rắt.
  • Đau ở bụng, bẹn hoặc lưng dưới.
  • Đau ở vùng giữa bìu và trực tràng
  • Đau hoặc khó chịu ở dương vật hoặc tinh hoàn.
  • Có các triệu chứng giống cúm.

Các dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt này gần giống với triệu chứng của bệnh đường tiết niệu nên hay bị nhầm lẫn. Đây cũng là căn bệnh khó nói của nam giới nên nhiều người thường ngần ngại đi khám. Điều này làm mất thời gian “vàng” điều trị bệnh. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời có thể có các biến chứng nguy hiểm, như:

  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Viêm mào tinh hoàn
  • Áp-xe tuyến tiền liệt.
  • Rối loạn chức năng tình dục.
  • Tinh dịch bất thường.
  • Vô sinh.
Triệu chứng giống cúm có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm tuyến tiền liệt
Triệu chứng giống cúm có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm tuyến tiền liệt

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt bằng cách nào?

Các bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi về tiền sử bệnh và các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày bao gồm cả sinh hoạt tình dục của bệnh nhân. Sau đó để chắc chắn về kết quả chẩn đoán của mình, bác sĩ sẽ làm một trong các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm nước tiểu

Bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu phân tích để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng trong nước tiểu.

Xét nghiệm máu

Giống như xét nghiệm nước tiểu, phương pháp này được dùng để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng.

Xét nghiệm hình ảnh

Các phương pháp bao gồm chụp CT hoặc siêu âm tuyến tiền liệt và đường tiết niệu. Hình ảnh chụp CT cung cấp thông tin chi tiết hơn so với chụp X-quang. Phương pháp siêu âm sẽ có được hình ảnh trực quan.

Phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt

Việc lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt và phân loại viêm tuyến tiền liệt của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị như:

Sử dụng thuốc điều trị

Thuốc kháng sinh

Sử dụng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Sau khi thực hiện kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh dựa vào vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng cho bệnh nhân.

Khi bệnh nhân có biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm truyền tĩnh mạch kháng sinh. Điều trị ở trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính có thể phái sử dụng kháng sinh lâu dài để phòng ngừa tái phát.

Các thuốc giảm đau, kháng viêm

Thuốc này sử dụng để làm giảm khó chịu cho bệnh nhân.

Thuốc chẹn alpha

Thuốc này giúp giãn cơ bàng quang và các cơ ở tuyến tiền liệt. Đây cũng là thuốc để điều trị triệu chứng, không phải điều trị bệnh lý.

Thuốc an thần (SSRI, benzodiazepin)

Các nhóm thuốc này được sử dụng ở bệnh nhân bị hội chứng đau vùng chậu mạn tính.

Kháng sinh là thuốc điều trị viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất
Kháng sinh là thuốc điều trị viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất

Kết hợp lối sống lành mạnh

Việc kết hợp uống thuốc và thay đổi thói quen sống có thể làm giảm đi các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt

  • Hạn chế sử dụng thức uống có cồn, đồ ăn cay chua. Vì điều này có thể làm tăng kích thích bàng quang của bạn.
  • Tránh các hoạt động có thể kích ứng tuyến tiền liệt như đi xe đạp, cưỡi ngựa hoặc ngồi lâu.
  • Uống đủ nước.
  • Bỏ thói quen nhịn tiểu.
  • Tập thể dục đều đặn.

Bệnh nhân có thể kết hợp với xoa bóp tuyến tiền liệt trong quá trình điều trị. Việc này sẽ giúp cải thiện tình trạng đi tiểu khó khăn của người bệnh. Xoa bóp tuyến tiền liệt nên được thực hiện đúng kỹ thuật và kiên trì tiến hành vào sáng sớm, trước khi ăn 2-3 giờ và sau khi tiểu tiện.

Viêm tuyến tiền liệt có thể tái phát trở lại và khó điều trị hơn. Nam giới cần lựa chọn phương pháp phù hợp với chứng bệnh của mình và tuân thủ các chỉ định liên quan. Điều này giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh

Khi nhận biết rõ dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt, cánh mày râu có thể biết được nguy cơ mình có mắc phải bệnh hay không. Trường hợp nam giới có khả năng cao mắc bệnh hãy tìm một địa chỉ uy tín để thăm khám. Bệnh này không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Prostatitishttps://www.healthline.com/health/prostatitis

    Ngày tham khảo: 29/04/2021

  2. What Is Prostatitis?https://www.webmd.com/men/guide/prostatitis

    Ngày tham khảo: 29/04/2021

  3. Prostatitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostatitis/symptoms-causes/syc-20355766

    Ngày tham khảo: 29/04/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người