YouMed

Đậu mèo: loài cây có độc nhưng cũng có tác dụng trị bệnh

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Đậu mèo là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc có thể chữa đau bụng, trị giun,…hiệu quả. Sau đây, hãy cùng Youmed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

Đậu mèo là gì?

  • Tên gọi khác: Đao đậu tử, Đậu rựa, Mắt mèo , Đậu ngứa, , Đậu mèo lông bạc, Đậu mèo leo, Móc mèo…
  • Tên khoa học: Mucuna cochinchinensis hoặc Mucuna pruriens (L.) DC.
  • Tên dược liệu: Semen Mucunae Cochinchinensis
  • Họ: Đậu (Fabaceae)

Đặc điểm sinh trưởng Đậu mèo

Theo nhiều nghiên cứu, Đậu mèo có nguồn gốc ở Ấn Độ. Hiện nay, cây đã di thực và phân bố rải rác nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt vùng nhiều đới Đông Nam Á và Nam Á như Lào, Nhật Bản, Campuchia…Ở Việt Nam, loài thực vật này mọc hoang ở các tỉnh miền núi, đặc biệt từ Quảng Bình trở ra, thường mọc leo vào những cây cỏ hoặc cây bụi cao. Thường thấy mọc hoang dại ven rừng, ở đồi hay nương rẫy bỏ hoang, ít được trồng do lông của loài này gây ngứa da khi chạm vào.

Thuộc nhóm ưa sáng, ra hoa nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Khoảng 5 tháng tính từ khi mọc đến khi tàn, được cho là vòng đời của cây.

Bên cạnh đó, nhân dân miền núi còn trồng cây để chống xói mòn đất và phủ xanh đồi núi trọc, nhờ đặc điểm sống khỏe và dai của nó.

Mô tả toàn cây Đậu mèo

Thuộc thân mềm, thuộc loại dây leo quấn dài, sống hằng năm. Thân cành phủ lông mềm trắng hoặc vàng, áp sát nhau. Bên ngoài thân có nhiều khía rãnh dọc.

Lá kép mọc so le, có 3 lá chét dài kích thước 7-12cm, rộng 5-8 cm, đầu nhọn. Phiến lá có 2 mặt không giống nhau, phía dưới có lông trắng phủ, còn mặt trên thì nhẵn, có 9 đôi gân. Lá chét 2 bên hình tam giác còn ở giữa thì hình trái xoan. Cuống chung dài 8-12cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài khoảng 30 cm, thường rũ xuống. Lá bắc và lá bắc con hình mác. Hoa màu tím sẫm hoặc xanh nhạt, đài có răng tam giác nhọn, có lông ở mặt ngoài. Tràng có cánh rộng, nhị 2. Cuống hoa có kích thước to và dài khoảng 5 mm.

Quả dạng đậu, cong hình chữ S, chiều ngang 1.3cm và dài 12cm,  được phủ lông trắng hoặc hung vàng, một số cây gây ngứa da khi chạm vào. Mỗi quả chứa trung bình 5 hạt hình trứng, chiều dài từ 1.2 – 15cm.

Thời điểm thích hợp là: Tháng 7 – 11 ra hoa và tháng 11 – 12 hằng năm ra quả.

Đậu mèo là loài cây thường mọc hoang ở phía bắc nước ta.
Đậu mèo là loài cây thường mọc hoang ở phía bắc nước ta.

Bộ phận làm thuốc

Bộ phận làm thuốc: Hạt ở những quả chín hoặc phần rễ của cây

Bào chế:

  • Sau khi thu hoạch quả Đậu mèo chín, ta tách đôi ra, bóc vỏ đi, rồi đem phần hạt phơi khô để dự trữ. Cần cẩn thận trong quá trình lấy hạt, bởi quả cây này có thể gây ngứa, khó chịu.
  • Dược liệu có phẩm chất tốt là phần hạt sáng bóng ở mặt ngoài và có nếp nhăn. Kích thước dài khoảng 2-2,5 cm, dày 1 cm, rộng trung bình 2 cm.

Bảo quản Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Tác dụng của Đậu mèo

Thành phần hóa học

Theo các tài liệu, Đậu mèo có thành phần hóa học phong phú:

  • Cụ thể: Hạt chứa nước 9,1 %, protein 25,03%, chất tan trong ether 8,96%, sợi 6,75%, chất vô cơ 3,95%, glutathione, glucoside, acid gallic. Ngoài ra còn chứa, alkaloid gồm nicotin, prurieninin, 4-dihydroxy-phenylalanin (L-dopa), lecithin, phốt pho, canxi, protein, sắt, magie.…
  • Nhân hạt chứa 5,9% chất dầu màu nâu sẫm.

Tác dụng Y học hiện đại

  • Hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson: Hoạt chất 4-dihydroxy-phenylalanin thuộc nhóm L-dopa được chuyển đổi thành dopamine ở não  giúp hỗ trợ bênh nhân Parkinson. Ngoài ra chất này còn có tác dụng kích thích hoạt động và ham muốn tình dục.
  • Tăng khả năng sinh sản: Tại Nepal, nhân dân sử dụng hạt 25g trộn vào thức ăn của trâu làm kích thích khả năng sinh sản của loài.
  • Hỗ trợ trị giun sán: Nên dùng với liều thấp bởi khi sử dụng liều cao sẽ làm rối loạn tiêu hóa
  • Hạ đường máu: Thí nghiệm trên chuột cống trắng cho thấy Đậu mèo làm giảm đường máu trên chuột bình thường, nhưng không gây hạ trên chuột đã được gây đái tháo đường.
  • Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị:

  • Hạt: Vị ngọt, tính ôn.
  • Vỏ quả: Vị đắng, chát, tính bình.
  • Quy kinh: kinh Thận và Vị.

Công dụng: Hỗ trợ tiêu hóa, làm ấm tỳ vị, giảm ợ nóng hay nấc cụt, trị tiêu chảy, sát trùng, hút độc do rắn cắn…

Đậu mèo là loài cây có công dụng điều trị bệnh hiệu quả.
Đậu mèo là loài cây có công dụng điều trị bệnh hiệu quả.

Cách sử dụng Đậu mèo

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Đậu mèo có thể dùng dưới dạng bột hoặc sắc, dùng độc vị hoặc kết hợp với các dược liệu khác. Tuy nhiên, hạt, hoa, lá và thân của cây đều rất độc.

Liều dùng:

  • Hạt: 5-6g/ngày
  • Vỏ quả: 10-15g/ ngày.

Cách dùng:

  • Chia đôi hạt đắp hút nọc độc do rắn cắn.
  • Có nơi, lấy hạt làm thuốc tẩy xổ nhưng liều cao sẽ rối loạn tiêu hóa, thậm chí tử vong.
  • Ở Ấn Độ, nhân dân lấy hạt nghiền nhỏ thành bột, pha với mật ong làm thuốc trị giun đũa. Sử dụng đối với người lớn là 15g, trẻ em là 4g trong 5 ngày liên tục.
  • Dân tộc người Mèo ở nước ta còn lấy hạt để nấu cháo ăn, làm nhân bánh, xôi, hay làm thức ăn cho vật nuôi…
  • Rễ còn được làm thuốc ở một số địa phương tại Lào.

Một số bài thuốc từ Đậu mèo

Hỗ trợ trị rắn cắn

Hạt Đậu mèo chia đôi, nghiền nhỏ rồi đắp lên vết thương bị rắn cắn để có thể hút được độc tố, băng bó lại. Sau đó, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay để kiểm tra và xử lý.

Hỗ trợ trị giun

Hạt đậu mèo 15g tán thành bột mịn rồi pha với mật ong thành thuốc dẻo, cất trữ dùng dần, uống trong vòng 5 ngày.

Lông Đậu mèo có thể gây ngứa, khó chịu.
Lông Đậu mèo có thể gây ngứa, khó chịu.

Một số chú ý khi sử dụng Đậu mèo

Kiêng kỵ

  • Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần có trong dược liệu.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần cẩn trọng khi dùng.
  • Người mắc các bệnh tâm thần, tim mạch, thận… cũng không nên dùng.
  • Không nên dùng ở người có thay đổi bất thường ở da, tiền sử u ác tính (ung thư da) do hoạt chất trong cây làm tăng việc tạo sắc tố melanin, làm tình trạng bệnh xấu đi.
  • Không sử dụng, dược liệu trong vòng 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Tác dụng phụ:

  • Rối loạn tâm thần, đau đầu, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn, bụng trướng, mất ngủ…Nếu dính vào da, dược liệu có thể gây sưng tấy, nóng rát và ngứa.
  • Tăng nguy cơ chảy máu ở người có tiền sử viêm loét dạ dày (do hoạt chất L-dopa).

Tương tác với các thuốc khác:

  •  Guanethadine: Tăng tác dụng hạ huyết áp và khiến huyết áp giảm thấp đột ngột.
  • Thuốc chống trầm cảm (MAOIs): Tăng nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ như động kinh, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, lo lắng,…
  • Thuốc trị bệnh tiểu đường: Tăng tác dụng giảm đường trong máu.
  • Thuốc chống loạn thần: Giảm tác dụng điều trị của thuốc do hoạt chất trong dược liệu làm tăng dopamine trong não bộ, đối kháng với tác dụng của thuốc chống loạn thần.

Đậu mèo là loài cây hoang dã mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
  • G.S Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. NXB Trẻ
  • PTS Võ Văn Chi (1998). Câu rau làm thuốc. NXB Tổng hợp Đồng Tháp

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người