Đau răng khi mang thai: Nguyên nhân và cách giải quyết
Nội dung bài viết
Mang thai là một giai đoạn tuyệt vời của phụ nữ. Nhưng hành trình mang thai này không hề dễ dàng đối với tất cả các chị em. Trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ phải trải qua những thay đổi về sức khỏe và nguy cơ khác nhau. Đau răng khi mang thai là một vấn đề sức khỏe mà không ít chị em gặp phải. Mặc dù đau răng khi mang thai có thể được coi là một biến chứng nhỏ, nhưng nó có thể khiến bạn rất khó chịu. Hãy đọc bài viết này để tìm hiểu những nguyên nhân nào gây ra điều này. Bài viết cũng sẽ hướng dẫn bạn cách để chăm sóc răng miệng khi mang thai.
Tại sao mang thai lại khiến bạn dễ đau răng?
Có thể rất nhiều người thắc mắc rằng: Tại sao mang thai lại khiến bạn dễ bị đau răng hơn. Dường như điều này có vẻ không liên quan. Nhưng sự thật là sự thay đổi về hormone cơ thể, chế độ ăn uống và những triệu chứng thai kỳ như ốm nghén… đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Điều này khiến bạn dễ mắc phải các tình trạng như: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, u nhú thai kỳ…
Tuy nhiên, các mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ cần bạn chăm sóc răng miệng thật tốt; thường xuyên thăm khám nha sĩ để theo dõi răng miệng; có kế hoạch điều trị phù hợp, kịp thời thì việc đau răng khi mang thai; hay những vấn đề răng miệng khác hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Sau đây là một số nguyên nhân có thể gây đau răng khi mang thai:
Nôn ói
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của các bà mẹ khi ốm nghén là nôn ói. Ói khiến axit dạ dày đi ngược lên khoang miệng, dẫn đến thay đổi môi trường miệng; tạo điều kiện cho sâu răng và các vấn đề răng miệng khác. Điều này có thể dẫn đến đau răng khi mang thai.
Thay đổi nội tiết tố
Sự gia tăng estrogen và progesterone có thể gây ra các triệu chứng như nôn và buồn nôn. Những thay đổi này cũng có thể khiến bạn dễ bị mảng bám răng. Sự tích tụ mảng bám này là nguyên nhân dẫn đến viêm nướu khi mang thai. Nó ảnh hưởng đến 75% phụ nữ mang thai. Và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm nướu khi mang thai mà bạn có thể mắc bệnh nha chu. Đây là một bệnh nhiễm trùng phá hủy mô nâng đỡ răng và có thể dẫn đến mất răng.
Đồng thời sự thay đổi nồng độ nội tiết tố cũng làm cơ thể bạn nhạy cảm hơn với các mảng bám răng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng u nhú thai kỳ. Đó là khối u phát triển từ nướu, dễ chảy máu, do sự kích thích của mảng bám. Nghe có vẻ đáng sợ! Tuy nhiên, khối u này lành tính và có thể tự thoái triển sau sinh. Điều ảnh hưởng của nó đó là cản trở ăn uống, gây khó chịu, đau nhức trong quá trình mang thai.
Thay đổi chế độ ăn uống
Trong thai kỳ, chế độ ăn uống của mẹ cũng có nhiều thay đổi. Một số phụ nữ có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có đường tăng lên đáng kể. Điều này khiến tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng.
Điều trị đau răng khi mang thai
Việc điều trị răng miệng khi mang thai cũng là một vấn đề được quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thời điểm và tình trạng thai kỳ nào cũng phù hợp cho việc điều trị răng miệng. Đau răng khi mang thai sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu. Do đó chúng ta cần hiểu một số vấn đề giúp điều trị đau răng khi mang thai hiệu quả:
Thời điểm điều trị đau răng khi mang thai phù hợp
Cơn đau răng khẩn có thể được điều trị giảm đau bất cứ lúc nào của giai đoạn thai kỳ. Tuy nhiên, để lựa chọn điều trị tận gốc nguyên nhân hay điều trị trì hoãn còn tùy thuộc vào thời điểm thai kỳ. 3 tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian phù hợp nhất. 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm thai nhi bắt đầu hình thành cơ quan. Mọi điều trị có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi cần được hoãn lại. Trong khi đó, việc điều trị vào 3 tháng cuối có thể gây nguy cơ sinh non.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau răng, bác sĩ sẽ yêu cầu việc khám lâm sàng kết hợp với một số cận lâm sàng như: X quang, Xét nghiệm máu,…Trong đó, X quang là vấn đề mà nhiều phụ nữ lo lắng. Tuy nhiên, X quang nha khoa với liều lượng nhỏ; chỉ khu trú vùng miệng nên hầu như không ảnh hưởng đến vùng bụng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chụp X quang, mẹ bầu cũng sẽ được che chắn bởi áo chì. Điều này sẽ giúp ngăn những tác động xấu của chụp X-quang đến thai nhi.
Điều trị
Thuốc
Một số loại thuốc trị đau răng có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và các biến chứng khác cho em bé nếu dùng trong thai kỳ. Do đó bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ về tình trạng mang thai của mình trong khi điều trị.
Làm sạch răng miệng định kỳ
Việc làm sạch răng định kỳ không gây hại cho em bé của bạn. vì vậy bạn có thể thăm khám nha sĩ và làm sạch định kỳ như bình thường. Trên thực tế, làm sạch răng có thể giúp bạn loại bỏ tình trạng ê buốt do quá nhiều mảng bám.
Việc vệ sinh cũng có thể điều trị viêm lợi khi mang thai. Do nguy cơ bị viêm nướu khi mang thai, nha sĩ thậm chí có thể khuyên bạn nên làm sạch nướu thường xuyên hơn trong khi mang thai. Có thể là 3 tháng một lần thay vì 6 tháng một lần.
Loại bỏ mảng bám cũng có thể làm giảm bớt sự khó chịu do các khối u mang thai, các khối u phát triển quá mức không phải ung thư trên nướu của bạn. Chỉ cần biết rằng khối u có thể không biến mất cho đến sau khi sinh và điều đó không sao.
Thực hiện các thủ thuật
Đôi khi u nhú thai kỳ có thể cản trở việc ăn uống. Nếu vậy, nha sĩ của bạn có thể xem xét loại bỏ. Nhưng bạn cần phải đợi đến tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Nếu trong quá trình mang thai, răng bị viêm nha chu và lung lay, thì việc nhổ răng trong tam cá nguyệt thứ hai có thể làm hết đau và ê buốt. Một số lựa chọn phục hồi rằng như: cấy ghép răng hoặc cầu răng cố định có thể được thực hiện an toàn sau tam cá nguyệt thứ hai.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu việc điều trị tại bệnh viện bị trì hoãn, bạn có thể sử dụng một số để giảm đau tại nhà. Bạn có thể bắt đầu bằng cách xác định các loại thực phẩm và đồ uống làm trầm trọng thêm tình trạng nhạy cảm hoặc đau.
Một số phụ nữ nhận thấy rằng độ nhạy cảm tăng lên khi họ ăn thức ăn nóng hoặc uống đồ uống nóng, trong khi những người khác lại nhạy cảm với đồ uống lạnh hoặc thức ăn lạnh. Nước súc miệng có chứa cồn cũng có thể làm cơn đau của bạn trầm trọng hơn.
Súc miệng bằng nước ấm có thể giúp giảm sưng và viêm. Hoặc chườm lạnh bên ngoài má để giảm viêm.
Đinh hương
Việc sử dụng đinh hương hoặc dầu đinh hương có tác dụng tốt trong các vấn đề về răng và nướu. Vì nó là một chất khử trùng tự nhiên hiệu quả. Nó có thể loại bỏ nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu bạn bị đau răng, hãy nhai một cây đinh hương hoặc thoa dầu đinh hương lên răng và nướu để giảm đau nhanh chóng. Đối với cơn đau răng, bạn cũng có thể ngâm một miếng bông trong dầu đinh hương và đặt nó lên vùng khiến bạn đau.
Quả lựu
Lựu được biết là có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Có thể hữu ích trong việc duy trì sức khỏe răng miệng tốt và chống lại mảng bám răng. Bạn có thể lấy 30 ml nước ép lựu cho vào cốc và súc miệng mỗi ngày để đánh bay mảng bám răng. Nó cũng làm giảm nhiễm trùng do vi khuẩn.
Nha đam
Loại cây này chắc chắn là một trong những lựa chọn tốt nhất để chữa đau răng khi mang thai. Nó bao gồm 99% nước và có các đặc tính chữa bệnh khác nhau như: kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi trùng. Trong thời kỳ mang thai, khi nướu trở nên nhạy cảm cao; nó sẽ giúp giảm viêm, sưng và chảy máu nướu. Vì lô hội có nhiều dạng khác nhau như: nước trái cây, thực phẩm bổ sung, gel, nước súc miệng và kem đánh răng, bạn có thể chọn sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của mình và sử dụng nó cho phù hợp.
Dầu cây trà
Nổi tiếng là một trong những phương pháp điều trị đáng tin cậy cho các vấn đề về răng miệng, dầu cây trà có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề về nướu và răng xảy ra trong thai kỳ. Nó có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn khiến nó trở thành một lựa chọn rất phổ biến. Nếu bị viêm nướu, bạn có thể súc miệng bằng nước và tinh dầu trà.
Tỏi
Trong thời kỳ mang thai, điều quan trọng là hạn chế sử dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh. Tỏi đã được chứng minh là một phương thuốc hữu hiệu cho bà bầu. Bóc một nhánh tỏi và nhai trực tiếp hoặc đắp lên vùng da bị mụn. Vì tỏi có chứa allicin, là một chất kháng sinh tự nhiên, nó sẽ tiêu diệt vi khuẩn ở vùng bị nhiễm trùng, làm giảm cơn đau. Nó sẽ làm giảm cơn đau răng của bạn ngay lập tức và giảm đau nhanh chóng mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Baking Soda
Thành phần thường được sử dụng trong mọi nhà bếp này là một chất trung hòa tuyệt vời của các axit khác nhau dẫn đến nhiễm trùng nướu răng trong miệng. Việc sử dụng nó cũng khá đơn giản. Tất cả những gì bạn phải làm là nhúng bàn chải ướt vào một ít bột baking soda và đánh răng với nó. Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn baking soda với kem đánh răng, nhưng bạn nên súc miệng bằng baking soda và nước hoặc chải với nó. Làm điều này 2-3 lần một ngày sau bữa ăn để có kết quả tốt nhất.
Nghệ
Vì nghệ có nhiều đặc tính chữa bệnh, nên nó được sử dụng kết hợp với các thành phần khác để điều trị các vấn đề về răng miệng. Củ nghệ có chứa chất curcumin có hiệu quả cao trong việc chống lại nhiễm trùng và viêm. Bạn có thể trộn 1 thìa cà phê bột nghệ và ½ thìa cà phê dầu mù tạt và muối để tạo thành hỗn hợp sền sệt.
Sử dụng hỗn hợp này để xoa bóp nướu của bạn một cách nhẹ nhàng ít nhất hai lần một ngày để có kết quả tốt nhất. Nghệ cũng có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của ung thư trong miệng do sự hiện diện của chất curcumin.
Cách ngăn ngừa tình trạng đau răng khi mang thai
Hãy giữ thói quen siêng năng trong việc chăm sóc răng miệng. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đau răng khi mang thai. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần. Ngoài ra, sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa fluor để ngăn ngừa sâu răng và giúp răng chắc khỏe.
Uống nước hoặc súc miệng sau khi nôn, nếu bạn bị ốm nghén. Điều này giúp loại bỏ axit dạ dày khỏi răng. Tuy nhiên, đừng đánh răng ngay lập tức. Nồng độ axit trong miệng của bạn sẽ tăng lên sau khi nôn. Đánh răng có thể gây hại nhiều hơn lợi. Vì vậy hãy đợi ít nhất một giờ sau khi nôn trước khi đánh răng.
Hạn chế thức ăn có đường và carbohydrate. Ăn nhẹ với các loại thực phẩm lành mạnh như: rau salad, bánh quy làm từ lúa mì nguyên cám và trái cây.
Đau răng khi mang thai hẳn là tình huống vô cùng khó chịu. Tuy nhiên với việc chăm sóc răng miệng đúng cách và thăm khám thường xuyên; hầu hết các bà mẹ đều có thể phòng ngừa được tình trạng này. Hãy chăm sóc nhiều hơn cho sức khỏe răng miệng khi mang thai để có thai kỳ vui vẻ, nhẹ nhàng hơn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Why Teeth Pain During Pregnancy Is a Thing — and What You Can Do About Ithttps://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-teeth-pain
Ngày tham khảo: 01/11/2020