Bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào?
Nội dung bài viết
Thủy đậu là bệnh lý nhiễm khá thường gặp trong da liễu. Nhiễm thủy đậu ở trẻ em thường nhẹ và bệnh có thể tự giới hạn được. Tuy nhiên, nhiễm thủy đậu trong thai kỳ lại có thể để lại hậu quả nguy hiểm lên thai nhi. Và bản thân mẹ bầu cũng sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn. Vậy, bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào? Mẹ bầu cần làm gì để phòng tránh nhiễm thủy đậu? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam tìm hiểu về chủ đề này nhé!
Những thông tin chung về bệnh thủy đậu trong thai kỳ
1. Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em. Bệnh gây ra bởi virus Varicella-zoster (VZV). Nhiễm thủy đậu ở trẻ em thường nhẹ, bệnh có thể tự giới hạn trong 1 – 2 tuần.1 Trong khi đó, nhiễm trùng ở người lớn thường nặng hơn với các biến chứng có thể dẫn tới tử vong.
VZV (varicella zoster virus) là một loại virus DNA thuộc họ herpes rất dễ lây lan và lây truyền qua các giọt hô hấp. Một con đường lây khác bằng cách tiếp xúc cá nhân trực tiếp với chất lỏng mụn nước hoặc gián tiếp thông qua fomites (ví dụ: tế bào da, tóc, quần áo và giường ngủ). Nhiễm trùng tiên phát được đặc trưng bởi sốt, mệt mỏi và hồng ban dát sẩn ngứa. Sau đó, nổi mụn nước trên nền hồng ban và đóng mày trước khi lành hoàn toàn.
Thời gian ủ bệnh thường là 2 tuần.2 Bệnh truyền nhiễm 48 giờ trước khi phát ban và tiếp tục lây truyền cho đến khi xuất hiện lớp mày bên trên.3 Các mụn nước thường đóng mày trong vòng 5 ngày.1
2. Bệnh thủy đậu trong thai kỳ
Bệnh thủy đậu trong thai kỳ có thể gây tử vong cho mẹ hoặc gây bệnh tật nghiêm trọng. Nó cũng có thể gây ra hội chứng thủy đậu bẩm sinh (FVS) và nhiễm thủy đậu ở trẻ sơ sinh.4
Vắc-xin là một loại thuốc bạn có được giúp bảo vệ chống lại một số bệnh. Nhiều phụ nữ không biết rằng họ có thể miễn dịch với bệnh thủy đậu hay không. Nếu bạn không chắc chắn, hãy trao đổi cùng Bác sĩ trong lần khám thai đầu tiên của bạn.
Các nghiên cứu về phụ nữ mang thai ở Tây Ban Nha và Pháp cho thấy 96,1% và 98,8% tương ứng miễn dịch với thủy đậu. Vì lý do này, nhiễm VZV tiên phát trong thai kỳ vẫn không phổ biến. Mặc dù tiếp xúc với thủy đậu là phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là ở phụ nữ có con nhỏ. Tỉ lệ ước tính số ca có biến chứng do bệnh là 3 trong mỗi 1000 ca mang thai.5
Bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và thai nhi như thế nào?
Bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai lẫn thai nhi. Nếu mẹ bầu nhiễm thủy đậu thì có khả năng gặp các biến chứng dưới đây.
1. Bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào?
Nếu nhiễm thủy đậu trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu có thể có nguy cơ:6
- Viêm phổi.
- Viêm não.
- Các bệnh viêm gan.
- Thủy đậu thai kỳ cũng có thể dẫn đến tử vong cho người mẹ, tuy nhiên, trường hợp này là rất hiếm.
Mẹ bầu có nguy cơ gặp biến chứng do thủy đậu cao nếu:6
- Hút thuốc lá.
- Bị bệnh phổi, như viêm phế quản hoặc khí phế thũng.
- Đang dùng hoặc đã sử dụng steroid trong 3 tháng qua.
- Đang mang thai hơn 20 tuần.
2. Bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Các biến chứng lên thai nhi có thể ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào số tuần thai.
Mắc thủy đậu trong 20 tuần thai đầu
Nếu mẹ mắc thủy đậu trong 20 tuần đầu thai kỳ, đặc biệt là tuần thứ 8 đến tuần 20, thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh.7
Hội chứng thủy đậu bẩm sinh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:8
- Sẹo.
- Khiếm khuyết mắt, chẳng hạn như đục thủy tinh thể.
- Ngắn chi.
- Tổn thương não.
- Tật đầu nhỏ.
Trong một nghiên cứu cho thấy có 9 trường hợp trẻ sơ sinh mắc thủy đậu bẩm sinh trong số trên 1373 phụ nữ mang thai mắc thủy đậu và 366 mẹ bầu mắc zona cho thấy trong 20 tuần đầu tiên. Trong đó, nguy cơ mắc thủy đậu bẩm sinh cao nhất là từ tuần 13 đến tuần 20.9
Mắc thủy đậu trước khi sinh vài ngày hoặc sau khi sinh 48 giờ
Nếu mẹ bầu mắc thủy đậu trước ngày sinh vài ngay đến sau ngày sinh 48 giờ em bé có thể mắc bệnh thủy đậu sơ sinh. Thủy đậu sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng trẻ sơ sinh.7
Do đó, cần liên hệ bác sĩ ngay nếu bạn có thai hoặc đã sinh con trong bảy ngày qua và bạn nghĩ rằng bạn có thể bị thủy đậu, hoặc nếu bạn đã tiếp xúc với người bị thủy đậu.
Khi nào bạn cần tư vấn y tế?
Đi khám để nhận lời khuyên thích hợp nhất từ các bác sĩ sản khoa ngay lập tức nếu bạn đang mang thai và:
- Nghĩ rằng bạn có thể bị thủy đậu.
- Chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc bạn không chắc chắn và bạn vừa tiếp xúc gần với một người mắc bệnh này (ngay cả khi bạn không bị phát ban hoặc các triệu chứng khác).
- Bạn bị thủy đậu trong vòng 7 ngày sau khi sinh
Làm thế nào bạn có thể tránh được bệnh thủy đậu khi mang thai nếu bạn không được miễn dịch?
1. Nếu bạn chưa có thai
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thủy đậu là tiêm vắc-xin thủy đậu. Trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn đều nên tiêm hai liều vắc-xin thủy đậu nếu chưa có miễn dịch.
Đầu tiên, hãy làm xét nghiệm máu để tìm hiểu xem bạn có miễn dịch với bệnh thủy đậu hay không. Làm xét nghiệm nếu bạn mang thai hoặc dự định có thai. Nếu kết quả là không, bạn cần được tiêm chủng vắc-xin thủy đậu.
Vắc xin thủy đậu rất an toàn và phòng bệnh hiệu quả. Hầu hết những người chủng ngừa sẽ không bị thủy đậu. Nếu một người đã được tiêm phòng mắc bệnh thủy đậu, các triệu chứng thường nhẹ hơn.10
Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên chủng ngừa đủ 2 mũi vắc-xin thủy đậu trước khi có thai 3 tháng.7
2. Nếu bạn đang có thai
Khi bạn đã có thai, đừng tiêm vắc-xin cho đến khi bạn sinh con. Trong khi đó, tránh tiếp xúc với bất cứ ai bị thủy đậu hoặc bệnh zona. Nếu bạn không miễn dịch với bệnh thủy đậu và bạn tiếp xúc với người mắc bệnh này, hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức. Bác sĩ có thể cho bạn điều trị bằng thuốc có kháng thể thủy đậu. Điều quan trọng là phải điều trị trong vòng 4 ngày sau khi bạn tiếp xúc với thủy đậu để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc làm cho nó bớt nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hãy nói với bác sĩ nếu bạn tiếp xúc với một người bị bệnh zona. Bác sĩ cũng có thể điều trị cho bạn bằng thuốc kháng virus.
Bệnh thủy đậu được điều trị như thế nào khi mang thai?
Nếu mẹ bầu bị thủy đậu, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus đường uống để giúp mẹ bầu mau lành bệnh. Thuốc này có hiệu quả nhất trong vòng 24 giờ sau khi các nốt thủy đậu xuất hiện.7
Nếu mẹ bị thủy đậu khi sinh, em bé có thể được điều trị bằng sản phẩm globulin miễn dịch ngay sau khi sinh để cố gắng ngăn ngừa bệnh thủy đậu sơ sinh. Nếu em bé bị thủy đậu trong hai tuần đầu đời, thuốc kháng vi-rút cũng có thể được chỉ định.7
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai như thế nào. Như vậy, để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé, mẹ bầu tốt nhất nên được sự tư vấn tiền sản về thủy đậu trong thai kỳ. Và nếu chưa có miễn dịch, chủng ngừa là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn. Nếu đã có thai hay đã nhiễm thủy đậu lúc có thai, hãy trao đổi ngay với bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa lời khuyên tốt nhất để giảm thiểu rủi ro thấp nhất cho bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chickenpoxhttps://www.nhs.uk/conditions/chickenpox/
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Varicella Zoster (Chickenpox)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448191/
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Chickenpoxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Varicella Zoster Virus (Chickenpox) Infection in Pregnancyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3155623/
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Varicella-Zoster Virus Prevalence among Pregnant Women: A European Epidemiological Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9966538/
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Chickenpox in Pregnancyhttps://www.rcog.org.uk/media/y3ajgkda/gtg13.pdf
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
What are the risks associated with chickenpox and pregnancy?https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/chickenpox-and-pregnancy/faq-20057886
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Congenital Varicella Syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK568794/
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Consequences of varicella and herpes zoster in pregnancy: prospective study of 1739 caseshttps://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(94)92943-2/fulltext
Ngày tham khảo: 31/05/2023
-
Chickenpox (Varicella) - Prevention and Treatmenthttps://www.cdc.gov/chickenpox/about/prevention-treatment.html
Ngày tham khảo: 31/05/2023