Mẹ nên làm gì khi em bé có dây rốn thắt nút trong thai kỳ?
Nội dung bài viết
Nếu mẹ đã từng nghe qua dây rốn thắt nút và các hậu quả của tình trạng này. Ắt hẳn mẹ sẽ lo lắng và tìm tòi nhiều thông tin liên quan đến. Vậy dây rốn thắt nút là gì? Tình trạng này được chẩn đoán như thế nào? Làm sao để mẹ theo dõi sức khỏe thai kỳ tốt? Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam nhé!
Dây rốn thắt nút là gì?
Dây rốn như một cái ống dây dài chứa mạch máu liên kết giữa mẹ và con qua nhau thai. Chức năng chính của dây rốn là vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến em bé.
Để hiểu thêm về chức năng và các vấn đề liên quan khác của dây rốn, mời mẹ tham khảo thêm: Dây rốn – Tổng quan và các vấn đề thường gặp
Thực tế, có hai loại nút có thể hình thành trong dây rốn của em bé. Đó là dây rốn thắt nút thật và giả.
Dây rốn thắt nút giả (Pseudoknots)
Đây là tình trạng mà khi siêu âm, bất kì chỗ phồng hoặc lồi nào trên dây rốn của em bé sẽ có thể ghi nhận có nút thắt giả. Những “nút thắt” về giải phẫu là những biến thể nhỏ của dây rốn. Tình trạng này là do các mạch máu phồng lên hoặc do lớp Wharton’s jelly bị dầy lên ở bất kì chỗ nào của dây rốn.
Trên thực tế, những nút thắt giả này tương đối phổ biến trong thai kì. May mắn rằng nút thắt giả không có ý nghĩa trong y khoa và không gây nguy hiểm cho bé.
Dây rốn thắt nút thật sự
Giống với tên gọi của nó, nút thắt thật sự hình thành khi dây rốn quấn vào nhau và tạo thành một nút như kiểu chúng ta cột thắt một sợi dây.
Trong bài viết này chỉ đề cập đến dây rốn thắt nút thật sự.
Dây rốn thắt nút có thể hình thành trong thai kì (khi em bé hoạt động và di chuyển trong nước ối) và cả trong khi sinh.
Tình trạng này có tần xuất khoảng dưới 2% các trường hợp mang thai. Đa phần nút thắt tương đối lỏng lẻo và không ảnh hưởng em bé.
Tuy nhiên, trong trường hợp dây rốn thắt nút sớm, quá trình phát triển và chuyển động nhiều của bé về cuối thai kì có thể làm cho nút thắt càng chặt hơn. Hậu quả có thể làm ngắt nguồn cung cấp oxy và chất dinh dường đến em bé. Nút thắt sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn khi bé sắp chào đời. Trong trường hợp xấu có thể dẫn đến trẻ bị ngạt khi sinh do thiếu oxy, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong. Thống kê cho thấy nút thắt chặt có tỉ lệ tử vong chu sinh là 10%.
Dây rốn thắt nút được hình thành như thế nào?
Vào khoảng thời gian đầu của thai kì, em bé có nhiều khoảng trống để di chuyển trong bụng mẹ. Khi di chuyển xung quanh dây rốn, bé có thể vô tình thắt và kéo dây rốn thành nút. Một số nguồn tin cho rằng hầu hết các nút thắt được hình thành từ tuần thứ 9-12 của thai kỳ. Một số trường hợp, nút thắt vẫn có thể được hình thành trong quá trình chuyển dạ.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tạo nút thắt dây rốn, bao gồm:
- Mẹ lớn tuổi
- Thai là bé trai
- Dây rốn dài bất thường
- Quá nhiều nước ối trong buồng ối (đa ối)
- Mang thai từ lần thứ 2 trở đi
- Mang đa thai (song thai, tam thai, ..)
Trong quá trình chuyển dạ, các nút thắt được hình thành hoặc bị thắt chặt hơn khi em bé cần vặn người di chuyển qua ống dẫn sinh để chào đời. Thực tế, để đề phòng các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra với em bé khi chuyển dạ, luôn có máy monitor theo dõi tim thai của bé. Khi có bất kì dấu hiệu nào của suy thai, có thể nguyên do là nút thắt dây rốn hoặc nhiều nguyên do khác. Bác sỹ có thể đề nghị sinh mổ khẩn để đảm bảo an toàn cho bé.
Biểu hiện
Hoạt động thai nhi giảm sau 37 tuần thai kì là dấu hiệu phổ biến nhất. Mẹ có thể cảm thấy thai máy của bé yếu hơn hoặc ít hơn so với bình thường. Tình trạng này còn được thể hiện qua nhịp tim thai giảm bất thường. Điều này xảy ra khi nút thắt bị thắt quá chặt làm cho em bé không được cung cấp đủ oxy.
Phát hiện như thế nào?
Siêu âm trước sinh là phương pháp được lựa chọn để chẩn đoán. Khi có một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như: đa ối, dây rốn dài, đa thai, việc kiểm tra dây rốn càng được thực hiện thường xuyên hơn. Cụ thể, siêu âm 4D, siêu âm doppler màu là những xét nghiệm quan trọng nhất để đánh giá và chẩn đoán trước sinh.
Về phía người mẹ, mẹ không thể làm gì để phòng ngừa được sự hình thành của nút thắt. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể theo dõi cử động của thai nhi qua thai máy thường xuyên. Việc theo dõi này hoàn toàn giúp ích để phát hiện có bất thường nào đó xảy ra với em bé hay không.
Hơn nữa, nếu một nút thắt được hình thành sớm trong thai kì, các biểu hiện về suy thai có thể xuất hiện khoảng sau tuần thứ 37. Vì thế, mẹ cần quan tâm hơn về thai máy vào những tuần gần sinh.
Nếu nút thắt được hình thành trong quá trình sinh nở, máy theo dõi tim thai sẽ cho thấy có nhịp tim bất thường.
Mẹ có nên lo lắng khi có dây rốn thắt nút sớm?
May mắn rằng mạch máu trong dây rốn được bao bọc bởi một lớp đệm được gọi là Wharton’s jelly. Lớp đệm này sẽ bảo vệ mạch máu dây rốn.
Vì thế nút thắt vẫn không ảnh hưởng gì đến em bé miễn là nút vẫn còn lỏng lẻo.
Trường hợp nếu nút thắt quá chặt, có thể cản sự sự lưu thông máu từ nhau thai đến em bé và gây thiếu oxy. Một biến chứng như vậy thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, em bé đi qua ống dẫn sinh. Tuy nhiên, tình trạng này rất hiếm xảy ra.
Mẹ có thể làm gì cho con?
Thực tế, chúng ta không thể làm gì để phòng ngừa hoặc ngăn chặn. Tuy nhiên, mẹ có thể theo dõi tổng quát tình trạng sức khỏe của em bé, đặc biệt là giai đoạn cuối thai kì, bằng cách kiểm tra thai máy thường xuyên. Nếu mẹ thấy có bất thường về thai máy như thai máy yếu hơn, ít hơn. Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra và đứng chần chừ đến ngày hôm sau.
Trường hợp nút lỏng thắt chặt trong khi sinh, bác sĩ có thể phát hiện qua nhịp tim thai giảm. Lúc này, bác sĩ sẽ có những quyết định phù hợp để đưa con bạn được an toàn khi chào đời. Thông thường cách tốt nhất là mẹ cần sinh mổ.
Làm sao để tầm soát sớm?
Khi có các yếu tố nguy cơ, mẹ cần siêu âm kiểm tra nhiều lần để kiểm tra dây rốn. Dây rốn thắt nút đa phần không gây ảnh hưởng nhiều đến em bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến thai lưu trong tử cung.
Vì lý do này, khi có tồn tại các yếu tố nguy cơ, cần phải siêu âm thường xuyên hơn. Một khi được chẩn đoán có dây rốn thắt nút, việc theo dõi chặt chẽ tình trạng thai nhi trong suốt quá trình mang thai và sinh nở là cực kì cần thiết. Thông thường, bác sĩ có thể đề nghị mẹ nhập viện để theo dõi chặt chẽ và liên tục. Các nút thắt có thể chặt bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong quá trình chuyển dạ.
>> Xem thêm: Dây rốn quấn cổ ảnh hưởng gì đến con, liệu có đáng lo ngại?
Dây rốn thắt nút là một trong những mối lo ngại của mẹ bầu. Hiểu biết hơn về vấn đề của mình giúp mẹ an tâm và biết cách theo dõi thai nhi chặt chẽ. Ngoài ra, việc thăm khám định kỳ là vô cùng quan trọng để giúp bác sĩ cùng mẹ phát hiện những bất thường nếu có, đồng thời giúp quản lý thai nghén chặt chẽ để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh và thông minh.