Mang thai ngoài tử cung liệu có thể mang thai trở lại không? Lời khuyên của bác sĩ
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung. Thai ngoài tử cung có thể gây biến chứng đặc biệt nghiêm trọng như vỡ vòi trứng gây mất máu nhiều, thậm chí đe dọa tính mạng. Nhận biết các yếu tố nguy cơ để giảm nguy cơ mắc thai ngoài tử cung và tìm hiểu các dấu hiệu của thai ngoài tử cung để hạn chế các biến chứng nguy hiểm này.
Nội dung bài viết
Mang thai ngoài tử cung là như thế nào?
Thai ngoài tử cung xảy ra khi một trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Hơn 95% thai ngoài tử cung có vị trí làm tổ ở vòi trứng.
Ngoài ra, thai ngoài tử cung còn có thể làm tổ ở những vị trí khác của cơ thể, như buồng trứng, cổ tử cung, trong dây chằng treo tử cung, trong ổ bụng và cả ở sẹo mổ cũ (có thể là sẹo mổ lấy thai cũ, sẹo phẫu thuật khác trên thân tử cung,…).

Từng bị thai ngoài tử cung có thể mang thai bình thường lại không?
Câu trả lời là có. Hầu hết phụ nữ đã từng bị thai ngoài tử cung đều sẽ có thể mang thai lại, ngay cả khi họ đã phẫu thuật cắt vòi trứng.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng 65% phụ nữ mang thai sau 5 tháng điều trị thai ngoài tử cung. Nguy cơ mắc thai ngoài tử cung sẽ cao hơn nếu bạn đã từng bị thai ngoài tăng lên hơn người bình thường, tuy nhiên không phải là luôn luôn. Thai kì tiếp theo có khả năng: khoảng 80% là thai trong tử cung và chỉ khoảng 10% thai ngoài tử cung.1
Hãy cung cấp thông tin cho bác sĩ về thời gian và cách điều trị thai ngoài tử cung nếu bạn có tiền sử này.
Nguyên nhân thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung – thường gặp nhất là ở vòi trứng – xảy ra khi phôi bị kẹt ở vòi trứng khi đang di chuyển đến tử cung. Nguyên nhân thường gặp do vòi trứng bị tổn thương như có sẹo gây hẹp vòi trứng hay ứ dịch ở vòi trứng do viêm hay dị dạng vòi trứng.
Đôi khi, không thể biết nguyên nhân thai ngoài tử cung là gì, nhưng có những yếu tố khiến tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung như:
- Từng bị thai ngoài tử cung.
- Đã từng phẫu thuật trên vòi trứng.
- Từng phẫu thuật vùng chậu hay phẫu thuật vùng bụng.
- Nhiễm các tác nhân lây qua đường tình dục như lậu cầu, trachomatis, giang mai, chlamydia…
- Viêm vùng chậu cấp hay mạn.
- Viêm nội mạc tử cung.
Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Tuổi mẹ lớn hơn 35.
- Tiền sử vô sinh – hiếm muộn.
- Sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh nhân tạo/ thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhiều phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có những yếu tố nguy cơ đã biết. Do đó mọi phụ nữ nên có kiến thức về những thay đổi của cơ thể, đặc biệt các triệu chứng của thai ngoài tử cung.
Dấu hiệu phát hiện thai ngoài tử cung
Đầu tiên, các triệu chứng của thai ngoài tử cung có thể giống như những thai kì bình thường khác như trễ kinh, căng tức ngực hay buồn nôn. Những triệu chứng khác bao gồm:
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Đau nhẹ vùng bụng dưới và đau lưng.
- Căng tức vùng bụng một bên.
Ở giai đoạn này, có thể khó để biết những cảm giác của bạn là do thai ngoài tử cung hay là một thai kì bình thường. Nếu bạn trễ kinh, có chảy máu âm đạo bất thường và đau vùng bụng dưới hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Khi một khối thai ngoài tử cung phát triển to ra, triệu chứng sẽ trầm trọng hơn, đặc biệt là khi khối thai vỡ làm vòi trứng vỡ theo. Các triệu chứng đó là:
- Đau bụng hay vùng chậu đột ngột, dữ dội.
- Đau vai.
- Mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao.
Một thai ngoài tử cung vỡ có thể đe dọa tính mạng do mất nhiều máu. Nếu bạn đột ngột có những triệu chứng trên, hãy đến phòng cấp cứu.
Phòng ngừa thai ngoài tử cung thế nào?
Không có cách nào chắc chắn là phòng ngừa hoàn toàn thai ngoài tử cung, nhưng sau đây là những các có thể giúp làm giảm nguy cơ:
- Hạn chế quan hệ tình dục với nhiều đối tượng.
- Quan hệ tình dục an toàn để phòng trách các bệnh lây qua đường tình dục, từ đó giảm nguy cơ bị viêm vùng chậu.
- Không hút thuốc lá. Nếu có, hãy bỏ thuốc trước khi muốn mang thai.
- Tầm soát và điều trị (nếu có) các bệnh lây qua đường tình dục càng sớm càng tốt.
Để phát hiện sớm thai ngoài tử cung cũng như điều trị hiệu quả trước khi có biến chứng, hãy đi khám ngay khi nghi ngờ mình có thai. Theo dõi kinh nguyệt để nhận ra các dấu hiệu bất thường và gặp bác sĩ ngay khi bạn có bất kì vấn đề nào lo lắng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Survival analysis of fertility after ectopic pregnancyhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0015028200017611
Ngày tham khảo: 19/10/2019