Dị vật trong tai: Những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Trong đời sống thường ngày, chúng ta có thể bắt gặp các trường hợp có vật lạ (dị vật) lọt vào trong tai. Nhất là ở trẻ nhỏ. Dị vật tai có thể là bất cứ cái gì: miếng gòn, đồ chơi hay côn trùng,…Có rất nhiều phương pháp truyền miệng về cách lấy dị vật tai nhưng chưa có cơ sở rõ ràng. Liệu bạn đã xử trí dị vật tai đúng cách hay chưa? Và nếu xử trí không đúng thì có thể dẫn đến những nguy cơ gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về dị vật tai và các cách xử trí dị vật tai an toàn qua bài viết dưới đây nhé!
1. Cấu trúc của tai
Dị vật tai thường nằm trong vùng ống tai ngoài. Ống tai ngoài có hình ống, đi từ phía ngoài vào đến màng nhĩ.
2. Tổng quan về dị vật tai
- Dị vật (vật lạ) mắc kẹt trong tai là một tình trạng khá phổ biến. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Ống tai của chúng ta rất nhạy cảm, nên bạn thường cảm giác được ngay nếu có vật gì đó ở trong tai mình.
- Đa số những trường hợp có dị vật tai thường không nghiêm trọng. Bạn có thể đợi đến sáng hôm sau hoặc thậm chí vài ngày sau để lấy ra. Tuy nhiên, nên lấy dị vật ra sớm nhất có thể, bằng những phương pháp an toàn.
- Những dị vật tai thường thấy bao gồm: thức ăn, các loại hạt, đồ chơi hay côn trùng. Trẻ con thường hay tự nhét các vật lạ vào tai vì sự tò mò.
- Mặc dù ráy tai không phải là vật lạ từ bên ngoài cơ thể, nhưng nó có thể tích tụ lại trong tai, gây khó chịu và nghe kém như các loại dị vật khác.
Đa phần dị vật tai không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức. Nhưng có một số dị vật nguy hiểm và trong một vài trường hợp bạn cần đến gặp bác sĩ ngay. Những loại dị vật hay trường hợp đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết “Dị vật trong tai: khi nào cần đến khám bác sĩ?” ngay!
3. Nguyên nhân khiến dị vật lọt vào trong tai là gì?
Đa số các dị vật tai thường do trẻ em tự đặt vào vì sự tò mò. Cha mẹ không nên nóng giận, mà phải thật bình tĩnh khi hỏi trẻ về việc này. Vì trẻ có thể sẽ sợ và phủ nhận việc đã bỏ thứ gì đó vào trong tai. Điều này có thể khiến phát hiện dị vật muộn và làm tăng nguy cơ xảy ra những biến chứng.
Những loài côn trùng có thể bò vào trong tai khi bạn đang ngủ. Vì vậy ngủ dưới sàn hay ngủ ngoài trời có thể làm tăng nguy cơ này.
4. Dị vật trong tai gây ra những biểu hiện gì?
May mắn là, đa số mọi người đều có thể biết được khi có vật lạ lọt vào trong ống tai của mình. Ống tai ngoài hay màng nhĩ đều rất nhạy cảm. Biểu hiện khi có dị vật trong tai phụ thuộc vào kích thước, hình dạng và chất liệu của dị vật đó.
Các biểu hiện hay triệu chứng tùy từng trường hợp:
- Đau là triệu chứng thường gặp nhất.
- Nếu dị vật bịt kín ống tai, bạn có thể nghe kém đi phía bên tai đó.
- Dị vật trong tai sẽ kích thích ống tai ngoài làm bạn buồn nôn hay thậm chí nôn. Một số người còn có thể ho hoặc tằng hắng (phát ra tiếng như tiếng ho khẽ trong cổ họng).
- Chảy máu tai cũng thường gặp. Đặc biệt khi dị vật nhọn hoặc khi bạn cố gắng lấy nó ra bằng cách đưa các que dài vào trong ống tai.
- Cảm giác khó chịu nhất là khi dị vật là một con côn trùng sống. Khi nó cử động, có thể tạo ra tiếng vo ve ồn ào trong tai.
- Khi một vật lạ trong tai không được phát hiện. Lâu dần nó có thể gây viêm nhiễm ống tai. Trong trường hợp này, bạn có thể bị chảy dịch mủ từ tai.
5. Cách lấy dị vật tai: Bạn nên và không nên làm gì?
5.1. Đối với dị vật là vật dụng, ráy tay
Điều bạn phải thực hiện được khi gặp tình huống có dị vật trong tai chính là giữ bình tĩnh và xử trí dị vật tùy từng tình huống cụ thể:
- Tuyệt đối không được dùng các vật dụng như que tăm bông để đưa vào trong tai. Vì nó có thể khiến cho dị vật bị đẩy vào sâu hơn và gây tổn thương ống tai, màng nhĩ. Điều này đặc biệt đúng với ráy tai.
- Ráy tai thường mềm và sệt. Nếu bạn dùng que tăm bông hay những vật tương tự để lấy ráy tai, đa phần ráy tai sẽ bị nhét vào sâu hơn bên trong ống tai. Sau đó nó sẽ trở nên cứng và khó lấy ra hơn.
- Lấy bỏ dị vật nếu có thể. Nếu dị vật mềm, có thể nhìn thấy được và có thể nắm kéo dễ dàng bằng nhíp thì bạn hãy lấy nó ra nhẹ nhàng.
- Hình dạng của ống tai ngoài sẽ thay đổi nhẹ khi kéo vành tai ra sau. (vành tai là phần tai nhô ra 2 bên đầu). Bằng cách nghiêng đầu để tai có dị vật hướng xuống dưới và kéo nhẹ vành tai ra sau, dị vật có thể rớt ra ngoài.
- Nếu dị vật bị kẹt và những phương pháp trên không thành công thì tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để được lấy ra. Bác sĩ có thể dùng các loại đèn và thiết bị để thấy được dị vật. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho nội soi tai kiểm tra.
5.2. Đối với dị vật là côn trùng:
- Nếu dị vật là côn trùng sống, có thể gây cảm giác cực kỳ khó chịu. Khi côn trùng cử động có thể tạo ra tiếng vo ve ồn ào. Bạn có thể xử trí bằng cách nhỏ một vài giọt dầu vào ống tai.
- Nghiêng đầu để tai có dị vật hướng lên trên. Đổ các loại dầu như dầu khoáng, dầu dưỡng cho em bé (baby oil) hay dầu olive vào tai có côn trùng. Nên dùng dầu ấm nhưng không nóng. Điều này có thể giết chết côn trùng, làm nó nổi lên và tràn ra ngoài tai. Hoặc nếu nó không rơi ra, côn trùng không còn cựa quậy cho phép bạn có thể bình tĩnh hơn để đến gặp bác sĩ.
- Nên nhớ, không dùng dầu để loại bỏ các dị vật khác ngoài côn trùng. Phương pháp này cũng không được dùng khi nghi ngờ bị thủng màng nhĩ.
Dị vật trong tai khá phổ biến. Nhưng không phải ai cũng biết cách xử trí phù hợp. Quan trọng là bạn cần bình tĩnh trong mọi trường hợp và xử trí tùy từng dị vật cụ thể. Bạn tuyệt đối không được dùng các loại que như tâm bông vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn. Nếu thực hiện theo các phương pháp trên mà vẫn không lấy được dị vật ra thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được gắp ra kịp thời.
Bác sĩ: Sử Ngọc Kiều Chinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Emedicinehealth, Foreign body in ear, https://www.emedicinehealth.com/foreign_body_ear/article_em.htm#how_do_you_remove_an_object_stuck_in_your_ear.
MAYOCLINIC, Foreign object in the ear: First aid, https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid/basics/art-20056709