YouMed

Điều trị rối loạn nội tiết: các bác sĩ nói gì?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Rối loạn nội tiết có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi hoặc giới tính nào. Tuy không để lại nhiều biến chứng, song tình trạng này ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Dù đây là vấn đề khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ về những nguyên nhân, biểu hiện cũng như cách điều trị rối loạn nội tiết. Hãy cùng các bác sĩ YouMed tìm hiểu thêm về hiện tượng này qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về rối loạn nội tiết

Rối loạn nội tiết hay mất cân bằng nội tiết là khi lượng hormone trong máu trở nên quá nhiều hoặc quá ít. Các hormone này đóng vai trò quan trọng trong điều hòa các hoạt động chính của cơ thể, bao gồm:

  • Chuyển hóa chất.
  • Nhịp tim.
  • Chu kì ngủ.
  • Sự sinh sản và chức năng tình dục.
  • Sự tăng trưởng và phát triển.
  • Tâm trạng và mức độ stress.
  • Nhiệt độ cơ thể.

Khi lượng hormone bị mất cân bằng, những chức năng sinh lý khác cũng bị ảnh hưởng không ít. Nữ giới có thể trải sự rối loạn estrogene hoặc progesterone. Trong khi đó hormone dễ bị rối loạn ở nam giới là testosterone.

Nguyên nhân rối loạn nội tiết

Theo các bác sĩ, đa phần tất cả mọi người đều gặp phải tình trạng rối loạn rối loạn nội tiết ở 1 thời điểm nào đó. Do đó, việc tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị rối loạn nội tiết là vô cùng cần thiết.

Rối loạn nội tiết hình thành do các tuyến nội tiết suy giảm hoạt động. Đây là nơi sản xuất, dự trữ và giải phóng các hormone vào máu. Mỗi loại tuyến nội tiết sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát các cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, một số bệnh lý hoặc thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến nội tiết, bao gồm:

  • Đái tháo đường type 1 hoặc type 2.
  • Tăng đường huyết (do cơ thể tạo ra quá nhiều glucagon).
  • Hạ đường huyết (do lượng insulin tạo ra lớn hơn lượng glucose).
  • Cường hoặc suy giáp.
  • Hội chứng Cushing hoặc Addison (khi nồng độ cortisol trong máu quá nhiều hoặc quá ít).
  • Có khối u chèn vào tuyến nội tiết hoặc tuyến nội tiết bị chấn thương.
  • Nhiễm khuẩn hoặc dị ứng nghiêm trọng.
  • Ung thư có liên quan đến tuyến nội tiết.
  • Bướu cổ do thiếu iod.
  • Đã từng dùng liệu pháp xạ trị hoặc hóa trị.
  • Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Dùng liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc tránh thai.
  • Đã từng tiếp xúc với các chất độc, hóa chất như thuốc trừ sâu hoặc thuốc bảo vệ thực vật,…

Ngoài những nguyên nhân kể trên, vẫn còn nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết.

điều trị rối loạn nội tiết
Béo phì hoặc thừa cân là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết

Những biểu hiện của rối loạn nội tiết

Theo các bác sĩ, quá trình điều trị rối loạn nội tiết sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất nếu bệnh được phát hiện sớm. Do hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào, bạn nên chú ý theo dõi sức khỏe để kịp nhận ra những dấu hiệu bất thường.

Rối loạn nội tiết có thể xảy ra ở cả phụ nữ hoặc cánh mày râu. Thông thường, những biểu hiện chung bao gồm:

  • Tăng hoặc sụt cân một cách bất thường.
  • Đổ mồ hôi nhiều và hay cảm thấy khát nước, tăng tần suất đi vệ sinh.
  • Khó ngủ.
  • Nhạy cảm với nhiệt độ.
  • Da rất khô và dễ nổi mẩn ngứa.
  • Thay đổi chỉ số huyết áp, nhịp tim và nồng độ đường huyết.
  • Xương giòn và dễ gãy.
  • Thường xuyên cảm thấy bứt rứt, bồn chồn, lo lắng.
  • Chán ăn, dễ bị đầy hơi, giảm ham muốn tình dục.
  • Phù mặt.
  • Mắt mờ, khó nhìn rõ xung quanh.

Tuy nhiên, do đặc điểm giới tính, những triệu chứng cũng sẽ có sự khác nhau giữa 2 phái.

Rối loạn nội tiết tố nữ

Chị em phụ nữ thường bị mất cân bằng hormone trong những mốc thời gian sau:

  • Dậy thì.
  • Mang thai và cho con bú.
  • Chu kì kinh nguyệt, tiền mãn kinh và mãn kinh.

Ở những giai đoạn này, chị em sẽ có những thay đổi sau:

  • Âm đạo khô.
  • Ngực căng và sưng to.
  • Tóc dễ gãy rụng, giọng nói trầm hơn.
  • Kinh nguyệt đến không đều, có thể tắt kinh.
  • Xuất huyết âm đạo dù không đến kì.
  • Nổi nhiều mụn trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
  • Lông mọc nhiều ở vùng cổ, mặt hoặc lưng.
điều trị rối loạn nội tiết
Biểu hiện của tình trạng rối loạn nội tiết ở nữ là nổi nhiều mụn trước hoặc trong kì kinh nguyệt

Rối loạn nội tiết tố nam

Với cánh mày râu, giai đoạn mất cân bằng nội tiết tố thường đến trong lứa tuổi dậy thì hoặc trong suốt quá trình trưởng thành. Một số biểu hiện điển hình được quan sát thấy như:

  • Ngực căng, mô vú phát triển quá mức.
  • Rối loạn cương dương.
  • Giảm lượng tinh trùng và khối lượng cơ bắp.
  • Lông mọc ít hơn bình thường.

Có thể thấy, mất bân bằng hormone ảnh hưởng khá nhiều đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc điều trị rối loạn nội tiết kịp thời và đúng cách là rất cần thiết.

Chẩn đoán rối loạn nội tiết

Khi nhận thấy bản thân có những triệu chứng bất thường, bạn nên liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị rối loạn nội tiết.

Hiện nay, y học vẫn chưa có các xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán tình trạng này. Bác sĩ thường hỏi bạn về những triệu chứng kèm theo khoảng thời gian xuất hiện. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ thyroid, estrogen, testosterone hoặc cortisol.
  • Khám vùng chậu.
  • Siêu âm.
  • Một số test khác như sinh thiết, MRI, X-ray,…

Điều trị rối loạn nội tiết

Phương pháp điều trị rối loạn nội tiết sẽ được lựa chọn dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay, y học có 2 hướng điều trị chính là dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Điều trị dùng thuốc

Liệu pháp estrogen

Đây là liệu pháp dành cho chị em đang khó chịu vì các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi về đêm. Estrogene liều thấp là lựa chọn được ưu tiên.

Estrogen đường âm đạo

Bác sĩ sẽ chỉ định estrogen dạng kem bôi trực tiếp lên mô âm đạo cho những trường hợp âm đạo bị khô hoặc đau rát khi quan hệ. Phương pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Kiểm soát nội tiết hoặc kiểm soát sinh sản

Với phụ nữ chưa có dự định mang thai, các loại thuốc tránh thai có chứa estrogen hoặc progesterone giúp điều chỉnh chu kì kinh nguyệt. Những thuốc tránh thai hiện có sẵn dưới dạng đường uống, đường tiêm, miếng dán hoặc vòng tránh thai.

Các thuốc kháng androgen

Androgen là hormone có ở nam và nữ. Nữ giới có nồng độ androgen cao có thể dùng thuốc để ngăn chặn các tác dụng của hormone này như:

  • Rụng tóc.
  • Lông nhiều ở mặt.
  • Mụn.

Liệu pháp testosterone

Testosterone đường tiêm, miếng dán hoặc gel giúp làm giảm các triệu chứng thiếu hụt testosterone ở nam giới. Trẻ em nam dậy thì chậm nên dùng thuốc để hỗ trợ quá trình phát triển.

điều trị rối loạn nội tiết
Nam giới có thể bổ sung testosterone qua đường tiêm, gel hoặc miếng dán

Điều trị không dùng thuốc

Song song với quá trình điều trị rối loạn nội tiết bằng thuốc, liệu pháp thay đổi lối sống cũng được các chuyên gia y tế khuyến khích.

  • Giảm cân.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Vệ sinh cá nhân tốt, tẩy bớt lông thừa.
  • Tập thể dục thường xuyên, duy trì trạng thái tinh thần khỏe mạnh.

Mất cân bằng nội tiết tố là vấn đề của mọi lứa tuổi và giới tính. Tuy nhiên, nếu biết cách điều trị rối loạn nội tiết, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại được trạng thái cân bằng và khỏe mạnh. Do đó, bạn đừng bỏ qua các dấu hiệu bất thường của cơ thể mà hãy chú ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn. Nếu gặp khó khăn, đừng ngần ngại mà hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What to know about hormonal imbalanceshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/321486

    Ngày tham khảo: 18/07/2021

  2. Everything You Should Know About Hormonal Imbalancehttps://www.healthline.com/health/hormonal-imbalance

    Ngày tham khảo: 18/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người