Bạn đã biết về chương trình Dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) chưa?
Trong khi hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa HIV, PrEP là một giải pháp phòng ngừa HIV cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc mỗi ngày. Việt Nam hiện là quốc gia thứ hai tại Châu Á, chỉ sau Thái Lan, triển khai dịch vụ PrEP trên toàn quốc.
PrEP là gì?
Từ ngày 30/11/2018 tại TP. HCM, Bộ Y tế Việt Nam phối hợp cùng USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và PATH (tổ chức phi chính phủ toàn cầu về y tế) triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên cả nước.
PrEP là từ viết tắt của Pre-exposure prophylaxis, nghĩa là “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV”. Trong khi PEP (dự phòng sau phơi nhiễm) là dùng thuốc sau khi đã có khả năng tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, PrEP là sử dụng thuốc hằng ngày để dự phòng trước khi có xảy ra tiếp xúc với nguồn HIV.
Trong khi hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa HIV, đây là một giải pháp phòng ngừa cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Nhóm đối tượng nên được dự phòng bao gồm: vợ/chồng/bạn tình của người bệnh HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ…
Điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm như thế nào?
PrEp được sử dụng liên tục với 1 viên thuốc uống mỗi ngày phối hợp cùng với các biện pháp phòng ngừa khác như bao cao su… Tuân thủ uống thuốc hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới 90%.
PrEP sử dụng thuốc viên có chứa tenofovir-TDF hoặc viên kết hợp tenofovir/TDF 300mg + emtricitabine/FTC 200mg với liều dùng 1 viên uống mỗi ngày.
Sau khi uống liên tục 7 ngày thì thuốc đạt hiệu lực tối đa trong dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường hậu môn. Đối với dự phòng lây nhiễm qua đường máu hoặc qua quan hệ tình dục đường âm đạo thì thuốc đạt hiệu lực tối đa khi uống liên tục 21 ngày.
Tuy nhiên, PrEP không phải thần dược nên dù đã dự phòng đầy đủ mỗi ngày thì khi có quan hệ vẫn phải sử dụng bao cao su để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV cũng như các bệnh tình dục khác như giang mai, sùi mào gà, lậu…