YouMed

Gai bồ kết – Vị thuốc hiệu quả ít người biết

Bác sĩ TRẦN THỊ KIỀU VÂN
Tác giả: Bác sĩ Trần Thị Kiều Vân
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây bồ kết có thể tạo ra rất nhiều vị thuốc, từ quả, từ hạt và từ gai cây bồ kết. Trong khi gội đầu bằng bồ kết cho sạch gàu là thói quen của nhiều người dân Việt, thì gai bồ kết lại là một dược liệu quý không nhiều người biết. Bài viết dưới đây đề cập đến đặc điểm, tính vị cũng như tác dụng của gai bồ kết, thông qua y văn và các nghiên cứu dược lý hiện đại.

1. Giới thiệu chung về Gai bồ kết

Từ Cây bồ kết (Tạo giác) có thể tạo ra rất nhiều vị thuốc:

  • Tạo giác: Là quả bồ kết chín khô.
  • Tạo giác tử: Hạt lấy ở quả bồ kết chín đã phơi hay sấy khô.
  • Tạo giác thích (Tạo thích): Là gai của cây bồ kết.
 Gai bồ kết là gai hái ở thân cây bồ kết
Gai bồ kết là gai hái ở thân cây bồ kết

Trong các vị nêu trên, Gai bồ kết được biết đến ít nhất. Gai Bồ kết dùng làm thuốc được ghi nhận đầu tiên trong sách Bản thảo đồ kinh gọi là Tạo giác trâm. Thường chỉ được các thầy thuốc sử dụng trong các bài thuốc kinh nghiệm trị viêm xoang, sưng vú, tắc tia sữa.

Tên thường gọi: Tạo giác thích, Tạo thích, Tạo giác trâm. Tên tiếng Trung là  皂角刺 (Zao-jiao-ci)

Tên khoa học: Spina Gleditsciae

Họ: Vang (Caesalpiniaceae)

2. Mô tả dược liệu

Gai bồ kết là gai hái ở thân cây bồ kết. Bồ kết là 1 loại cây gỗ có thể cao tới 5 – 10m. Cây có gai cứng, to, chia nhánh.

Gai phân nhánh bao gồm gai chính cùng các gai nhánh. Đôi khi có 2 – 7 gai xếp thành 1 cụm xoắn ốc. Gai chính dài khoảng 3 – 15cm hay hơn, đường kính khoảng 0,3 – 1cm. Còn các gai nhánh dài khoảng 1 – 6cm, mặt phía ngoài có màu nâu hoặc tím. Chất nhẹ và cứng, khó bẻ gãy. Phần gỗ có màu trắng vàng, vị nhạt, không mùi.

3. Phân bố và khai thác

Bồ kết thường phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt ở đảo Cát Bà – Hải Phòng. Tuy nhiên, nguồn cung cấp chính hiện nay là từ miền Nam Trung Quốc.

Để khai thác được nguyên phần củ của cuống gai bồ kết cần sự kiên trì và đòi hỏi sự khéo léo của người hái. Vì gai của nó rất nhọn, khi bị đâm thì rất nhức và nguy hiểm.

Người dân thường dùng một cái cưa sắt được uống thành vòng giống lưỡi liềm. Nếu muốn khai thác lâu dài khi cào phải khéo để tránh phạm vào lớp vỏ thân cây. Ngoài ra, có thể kích thích gai mọc nhiều bằng cách bôi lớp nhựa cây chuối hoặc lấy hạt quả bồ kết sát vào.

Gai bồ kết thu hái quanh năm, chọn loại gai còn tươi từng chùm ở thân hoặc cành
Gai bồ kết thu hái quanh năm, chọn loại gai còn tươi từng chùm ở thân hoặc cành

4. Thu hái – Chế biến:

Gai bồ kết thu hái quanh năm. Chọn loại gai còn tươi từng chùm ở thân hoặc cành. Khi thu hái chỉ cần lấy dao lau sau đó phơi khô cắt nhỏ sao qua dùng. Loại gai để lâu chết khô trên cây không dùng.

Gai sau khi thu hái được thái mỏng rồi phơi khô. Có nơi sao vàng rồi nghiền thành bột để trong hộp sử dụng lâu dài.

5. Thành phần hoá học

Phân tích thành phần hoá học Gai bồ kết phát hiện một số hợp chất, chủ yếu là các saponin triterpenoid. Bao gồm: glenidin, gledigenin, gleditschia saponin ceryl alcohol, nonacosane, stigmasterol, sitosterol, phenols, flavonoids, amino acids.

6. Tác dụng dược lý

Qua các nghiên cứu hiện đại, Gai bồ kết có chứa các hoạt chất kháng khuẩn, kháng nấm. Nước sắc gai bồ kết có tác dụng ức chế tụ cầu vàng trên in vitro.

Li và cộng sự, năm 2016 nghiên cứu tác dụng chống viêm trên in vitroin vivo của Tạo giác thích. Kết quả, chiết xuất dạng nước Tạo giác thích cho thấy tác dụng ức chế đáng kể trên mô hình phù chân ở chuột với liều 100 mg/kg. Hơn nữa, chiết xuất nước Tạo giác thích làm giảm sự biểu hiện của cyclooxygenase (COX-2). Đồng thời, giảm đáng kể PGE2, yếu tố hoại tử khối u TNF-α, sự sản xuất interleukin IL-1β và IL-6 trong các đại thực bào được hoạt hóa bằng LPS.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện chiết xuất nước Tạo giác thích tác dụng chống oxy hóa qua việc ức chế sản xuất ROS trong các tế bào do LPS gây ra.

Ngoài các chức năng kể trên, Gai bồ kết cũng được nghiên cứu với các công dụng chống oxy hoá, chống dị ứng, chống khối u (kết hợp với Thăng ma)…

7. Công năng theo y học cổ truyền.

Gai bồ kết sử dụng trong y học cổ truyền từ lâu đời với tên Tạo giác thích.

  • Tạo giác thích là dược liệu có vị cay, tính ôn, độc mức độ nhẹ.
  • Quy kinh Can Vị

Tác dụng

  • Công dụng: Trừ đàm, hoạt huyết, tiêu thũng, thác độc, bài nùng, thông sữa.
  • Chủ trị: Các chứng ung, sang độc sơ khởi hay chưa vỡ mủ do nhiệt độc, đau nhức xương khớp do đàm thấp.

Kiêng kỵ

  • Phụ nữ có thai, huyết hư
  • Âm hư hoả vượng

8. Một số bài thuốc kinh nghiệm

8.1. Chữa viêm xoang

Tạo giác thích giúp tiêu mủ, diệt khuẩn, giảm phù nề niêm mạc khiến xoang được thông thoáng, chống viêm nhiễm. Tạo giác thích được dùng kết hợp với các dược liệu khác như: Kinh giới tuệ, Kim ngân hoa, Liên kiều, Cát cánh, Hoắc hương, …

 Tạo giác thích giúp tiêu mủ, diệt khuẩn, giảm phù nề niêm mạc khiến xoang được thông thoáng, chống viêm nhiễm
Tạo giác thích giúp tiêu mủ, diệt khuẩn, giảm phù nề niêm mạc khiến xoang được thông thoáng, chống viêm nhiễm

8.2. Chữa viêm tuyến vú

  • Giai đoạn sữa ứ trệ

Cần 8g gai bồ kết, 6g cam thảo, 12g thanh bì, 12g kim ngân hoa, 12g sài hồ, 12g ngưu bàng tử, 12g qua lâu, 8g liên kiều, 16g thiên hoa phấn, 10g trần bì, 10g sơn chi tử cùng 10g hoàng cầm. Cho hết các vị thuốc vào ấm rồi đổ 2 thăng nước vào. Tiến hành sắc lọc bỏ bã để lấy 200ml. Chia đều thành 3 lần uống mỗi ngày, dùng liều 1 thang/ngày. Thầy thuốc có thể gia giảm thêm 1 số vị tùy thuộc vào triệu chứng ở từng đối tượng người bệnh.

  • Giai đoạn làm mủ

Cần 6g gai bồ kết, 6g cam thảo, 6g xuyên sơn giáp, 10g hoàng liên, 10g liên kiều, 10g đại hoàng, 10g đinh lăng, 10g thăng ma, 12g bạch chỉ, 12g hoàng kỳ, 12g bạch thược, 12g cát cánh, 12g đương quy, 12g hoàng cầm, 12g sơn chi tử, 8g mộc hương cùng 8g bạc hà. Cho hết tất cả vị thuốc vào ấm sắc cùng với 1 thăng nước. Tắt bếp khi nước cô lại còn 200ml. Lọc bỏ bã chia đều 3 lần uống, ngày 1 thang.

  • Giai đoạn vỡ mủ

Cần tạo giác thích, 6g xuyên sơn giáp, 6g cam thảo, 10g thăng ma, 10g nhân sâm, 12g hoàng kỳ, 12g đương quy, 12g bạch truật, 12g bạch chỉ, 12g thanh bì. Đem cho hết các vị thuốc này vào ấm, đổ thêm 1 lít nước. Đun trên lửa nhỏ thu lấy 200ml thuốc, lọc bỏ bã. Chia đều thành 3 lần uống, dùng 1 thang/ngày.

8.3. Chữa mụn nhọt sưng nhức

Tạo giác thích 12g, Sinh kỳ 12g, Xuyên sơn giáp10g, Xuyên  khung 14g, Đương quy 14g. Sắc ngày một thang, uống 3 lần trong ngày. Công dụng: Thác độc vỡ mũ (Thấu nùng Tán)

8.4. Chữa thanh niên nỗi mụn bọc trên mặt và sau lưng (do gan huyết nhiệt):

Tạo giác tích 20g, Bồ công anh 20g. Sắc uống ngày một thang

Hoặc

Dùng 4g tạo giác thích, 6g hoàng kỳ, 4g hoạt thạch, 4g nhũ hương, 4g bạch thược, 4g bạch tật lê, 4g địa cốt bì, 4g trân châu, 4g bạch cập. Tất cả các vị thuốc trên đem ngâm chung với cồn 70° trong khoảng 3 ngày. Sau đó lọc lấy nước thuốc rồi pha thêm với 10ml glycerine, đem bảo quản trong hũ thủy tinh để dùng dần. Mỗi tối trước khi đi ngủ, vệ sinh da mặt sạch sẽ rồi lấy 1 ít thuốc thoa 1 lớp mỏng lên mặt. Một liệu trình duy trì liên tục trong vòng 7 ngày.

Gai bồ kết còn có tên gọi thông dụng khác trong Đông y là Tạo giác thích. Đây là vị thuốc có vị cay và tính ôn thường dùng chữa các chứng ung nhọt mưng mủ, thông tắc sữa, viêm xoang, …. Qua các nghiên cứu hiện đại, Gai bồ kết cho thấy được tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng,… Khi sử dụng nguyên liệu này để chữa bệnh bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Tế, B.Y., Dược điển Việt Nam V. 5th ed. 2107, Hà Nội: Nhà xuất bản Y học.
  • Lợi, Đ. T. (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.
  • Đỗ, H. B. (2006). Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Ở Việt Nam. Tập 1
  • Li, K. K., Zhou, X., Wong, H. L., Ng, C. F., Fu, W. M., Leung, P. C., … & Ko, C. H. (2016). In vivo and in vitro anti-inflammatory effects of Zao-Jiao-Ci (the spine of Gleditsia sinensis Lam.) aqueous extract and its mechanisms of action. Journal of ethnopharmacology, 192, 192-200.
  • Hongru, L. I., Zhao, B., & Gangjun, D. U. (2013). Experimental Study on Anti-tumor Prescription Screening and Therapeutic Effects of Shengma Combined with Zao Jiao-ci. Chinese Journal of Information on Traditional Chinese Medicine, (8), 32-35.
  • Gao, J., Yang, X., & Yin, W. (2016). From traditional usage to pharmacological evidence: a systematic mini-review of spina gleditsiae. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, 2016.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người