YouMed

Giác mạc hình chóp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Sinh viên NGUYỄN HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến
Chuyên khoa: Đa khoa

Giác mạc, dân gian còn gọi là lòng đen, là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu. Giác mạc có hình vòm, giống như một quả bóng. Tuy nhiên, một vài người có cấu trúc giác mạc suy yếu, không đủ để giữ hình dạng vòm bình thường. Tình trạng này làm giác mạc mỏng và phình ra bên ngoài, tạo thành hình chóp. Chúng được gọi là giác mạc hình chóp.

1. Thông tin chung

Giác mạc hình chóp ban đầu chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Đến cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến cả hai mắt. Tuy nhiên, hai mắt thường có khả năng nhìn mờ ở mức độ khác nhau. Sự dãn và phình ra ngoài của giác mạc có thể phát triển nhanh chóng hoặc chậm đến vài năm. Thay đổi này gây ra các vấn đề về tầm nhìn như: nhìn mờ, loạn thị không đều, cận thị tăng liên tục, nhạy cảm với ánh sáng… Sự thay đổi này có thể dừng lại bất cứ lúc nào hoặc chúng có thể tiếp tục phát triển đến mức trầm trọng trong nhiều thập kỷ. Không có một nghiên cứu hay tài liệu nào có thể dự đoán được diễn tiến của bệnh cảnh này.

Giác mạc hình chóp
Giác mạc hình chóp

Giác mạc hình chóp có thể điều trị bằng kính thuốc, kính áp tròng trong giai đoạn đầu của bệnh. Nếu tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, kính không còn tác dụng điều chỉnh sự nhìn rõ. Lúc này, điều trị bằng phẫu thuật ghép giác mạc được cho là giải pháp tối ưu cuối cùng.

Tần suất của giác mạc hình chóp là 1/500 – 2.000 người trên toàn thế giới. Chúng thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi thiếu niên và diễn biến xấu đi cho đến giữa tuổi trưởng thành. Một số trường hợp, bệnh có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn khoảng sau 30 đến 40 tuổi.

2. Nguyên nhân dẫn đến giác mạc hình chóp là gì?

Ở trong giác mạc có các sợi nhỏ bản chất là protein được gọi là collagen. Chúng giúp giữ giác mạc không bị phồng lên. Khi các sợi này trở nên yếu, giác mạc không thể giữ được hình dạng, bị dãn và phình ra quá mức tạo thành hình chóp.

Nguyên nhân chính xác tại sao thì vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều yếu tố khác nhau, về cả mặt di truyền và môi trường, được cho là ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh giác mạc hình chóp.

 Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:

  • Có bệnh rối loạn hệ thống đi kèm: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giác mạc hình chóp thường có đi kèm với những rối loạn toàn thân khác. Chúng bao gồm: hội chứng Down, hội chứng Ehlers-Danlos và bệnh xương giòn. Ngoài ra, chúng còn có liên quan đến các bệnh dị ứng như: hen suyễn, dị ứng mùa…
  • Chà mắt – Dụi mắt quá mức: Một vài nghiên cứu báo cáo rằng giác mạc hình chóp có liên quan đến việc dụi mắt quá mức. Hành động này có thể gây chấn thương giác mạc và làm cho giác mạc mỏng dần đi. Tuy nhiên, báo cáo này không rõ dụi mắt quá mức làm gây ra giác mạc hình chóp hay là một phản ứng với sự khó chịu của mắt trong giai đoạn đầu của bệnh. Nhưng nếu dụi mắt không liên quan đến sự phát triển của giác mạc hình chóp, chúng vẫn có thể góp phần làm cho tình trạng bệnh càng tồi tệ hơn.
  • Sử dụng kính áp tròng: Điều này có liên quan đến sự phát triển của giác mạc hình chóp. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng hỗ trợ cho lý giải này.
  • Di truyền: Một nghiên cứu cho thấy rằng bệnh này có xuất hiện ở các cặp sinh đôi. Tức là nếu một trẻ mắc bệnh, khả năng rất cao trẻ còn lại cũng đồng mắc. Một nghiên cứu khác cũng báo cáo rằng có 6 – 8% các trường hợp có liên quan đến người trong gia đình.
Dụi mắt quá nhiều có thể là một nguyên nhân gây giác mạc hình chóp
Dụi mắt quá nhiều có thể là một nguyên nhân gây giác mạc hình chóp

3. Biểu hiện của giác mạc hình chóp là gì?

Bệnh cảnh này có thể thay đổi thị lực theo hai cách:

  • Khi giác mạc thay đổi từ hình vòm sang hình chóp, bề mặt nhẵn sẽ bị biến dạng, gây ra loạn thị không thường xuyên.
  • Càng về sau, phía trước giác mạc dãn rộng. Điều này làm cho bất cứ thứ gì ở xa sẽ nhìn rất mờ – gọi là cận thị.

Ngoài ra, người có giác mạc bất thường này thường hay than phiền về:

  • Suy giảm thị lực không đối xứng hai măt: Giác mạc hình chóp thường là một bệnh tổn thương cả hai mắt. Tuy nhiên, người bệnh có thể có các triệu chứng không đối xứng, do một mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với mắt kia. Một nghiên cứu trên 64 người có giác mạc hình chóp báo cáo rằng 41% mắc một bên mắt tại thời điểm phát hiện bệnh.
  • Thay đổi thị lực đột ngột: Khi bệnh tiến triển, việc điều chỉnh kính để nhìn rõ trở nên khó khăn do thị lực thay đổi liên tục. Người mắc bệnh thường xuyên phải thay đổi kính khi loạn thị và cận thị tiến triển nhanh chóng.
  • Phù giác mạc: Một số trường hợp người bệnh có thể bị chứng sợ ánh sáng và đau mắt đột ngột. Điều này là do chứng phù giác mạc.
  • Dấu hiệu Munson: Khi để mắt nhìn xuống và kéo hai mi trên sẽ thấy giác mạc lồi rất rõ.
  • Nhìn thấy hình ảnh đôi hoặc ba.
  • Nhìn các vật gần và xa bị bóp méo.
  • Lái xe không thoải mái do tầm nhìn mờ, đặc biệt là vào ban đêm.

4. Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Công nghệ phổ biến nhất hỗ trợ chẩn đoán giác mạc hình chóp được gọi là chụp bản đồ giác mạc. Bản đồ cho hình ảnh các vòng tròn méo mó hoặc đường viền các vòng đồng tâm không đều.

Chụp bản đồ giác mạc
Chụp bản đồ giác mạc

Ngoài ra, bác sĩ nhãn khoa có thể sử dụng các công nghệ hỗ trợ chẩn đoán khác, bao gồm:

  • Soi bóng đồng tử và soi đáy mắt trực tiếp: Giai đoạn sớm, soi ánh đồng tử bằng máy soi đáy mắt sẽ thấy hình ảnh “giọt dầu”.
  • Đo tật khúc xạ: Tăng cận thị và loạn thị không thường xuyên.
  • Đo độ cong giác mạc.
  • Khám mắt bằng kính hiển vi (đèn khe): Cho thấy nhu mô giác mạc mỏng với những đường khía – còn gọi là vân Vogt. Ở giai đoạn muộn hơn, giác mạc mỏng đáng kể, chỉ còn bằng 1/3 bề dày bình thường kèm theo giảm thị lực trầm trọng. Trong những trường hợp nặng, giác mạc có thể hình thành sẹo. Tình trạng này gọi là sẹo giác mạc.

>> Tìm hiểu về viêm giác mạc, một căn bệnh khá nguy hiểm: Viêm giác mạc và những điều cần biết.

5. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ về giác mạc hình chóp, hãy đến cơ sở Nhãn khoa càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Hãy đi khám khi thấy dấu hiệu bất thường
Hãy đi khám khi thấy dấu hiệu bất thường

Ngoài ra, bệnh cảnh này có tính di truyền, tuy chỉ chiếm ít phần trăm truyền cho con. Dù vậy, trẻ em có cha hoặc mẹ mắc bệnh nên được kiểm tra mắt, đo giác mạc hằng năm. Điều này nên bắt đầu từ 10 tuổi. Việc kiểm tra định kỳ mỗi năm giúp bác sĩ dễ dàng nhận thấy sự biến đổi nhỏ của giác mạc qua từng năm. Điều này giúp cho bác sĩ có chiến lược điều trị sớm và tối ưu hóa việc điều trị.

6. Giác mạc hình chóp được điều trị như thế nào?

Việc điều trị như thế nào phụ thuộc vào mức độ của bệnh:

  • Kính thuốc (kính cận, loạn thị): Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn trong giai đoạn đầu của bệnh. Khi độ cận, loạn thị còn nhỏ và bệnh còn nhẹ.
  • Kính áp tròng: Khi bệnh tiến triển và loạn thị không đều, kính áp tròng có thể cần thiết để tối đa hóa thị lực. Kính áp tròng có thể được chia làm 2 loại: mềm và cứng. Loại cứng được dùng khi giác mạc bị lồi ra nhiều. Tuy nhiên, kính áp tròng không dùng được trong trường hợp sẹo giác mạc.
  • Ghép biểu mô giác mạc: Là phương pháp được lựa chọn khi kính áp tròng không còn hữu ích. Nhưng cũng không được áp dụng trong trường hợp có sẹo giác mạc.
Ghép giác mạc
Ghép giác mạc
  • Ghép giác mạc xuyên: Đây là phương pháp tối ưu cuối cùng. Nó được chỉ định khi không đeo được kính áp tròng, có sẹo giác mạc, giác mạc quá mỏng, vị trí hình chóp lệch trung tâm nhiều, xuất hiện phù giác mạc cấp tính. Tỉ lệ thành công của phương pháp này là 90 – 97%.

Giác mạc hình chóp là một trong những bệnh về mắt có thể ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng nhìn. Tùy vào mức độ, giai đoạn mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, nên đến cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi theo sự tư vấn của bác sĩ.  

Sinh viên Nguyễn Hoàng Yến

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Laura L Wayman, MD, UpToDate, “Keratoconus”, đăng nhập 12/04/2020 tại website https://www.uptodate.com/contents/keratoconus
  • National Library of Medicine NIH (2020), “Keratoconus”, đăng nhập 12/04/2020 tại website  https://ghr.nlm.nih.gov/condition/keratoconus
  •  

    Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người