YouMed

Hàm trainer: Không nên tự ý sử dụng tại nhà

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu về sức khỏe và thẩm mỹ càng cao. Các bậc cha mẹ càng quan tâm hơn đến sự phát triển và ngoại hình của con cái. Một số trẻ sớm có biểu hiện các vấn đề về răng như: hô, móm, chen chúc… Vì thế nhiều cha mẹ muốn con được điều trị chỉnh hình để có thể thay đổi từ sớm. Tuy nhiên trước sự quảng cáo của nhiều nơi kinh doanh, một số phụ huynh đã tự ý mua các hàm chỉnh nha tại nhà – hàm trainer , để mang cho con mà không thông qua sự đánh giá và tư vấn của nha sĩ. Điều này thực sự rất nguy hiểm!

Các đặc điểm của bộ răng cũng như sự phát triển của mỗi đứa trẻ là hoàn toàn khác nhau. Nếu tự ý mang hàm chỉnh nha có thể gây những sai lệch vô cùng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu xem: Hàm trainer là gì? Nó tác động như thế nào đến sự phát triển của bộ răng trẻ. Và quan trọng nhất là: Tại sao chúng ta không được tự ý mang hàm trainer cho trẻ tại nhà?

1. Hàm trainer là gì?

Các yếu tố gây sai lệch khớp cắn gồm: răng, vị trí xương hàm và các thói quen cận chức năng. Hầu hết chúng ta chỉ chú ý đến các sai lệch do răng và xương . Tuy nhiên các thói quen xấu là yếu tố đáng chú ý nhất. Nó có thể góp phần làm chậm quá trình điều trị và là nguyên nhân gây tái phát. 

Hàm trainer là một loại khí cụ bằng nhựa được dùng trong giai đoạn tiền chỉnh nha.  Đây là khí cụ hướng dẫn chức năng và hướng dẫn răng. Hàm trainer được dùng với mục đích ngăn các hoạt động cận chức năng gây hại của môi, má, lưỡi đến sự phát triển của bộ răng. Từ đó ngăn ngừa sự lệch lạc của bộ răng sau này và hướng dẫn các răng mọc đúng vị trí. Việc đeo hàm trainer sẽ giúp chỉnh nha trong tương lai dễ dàng, toàn diện hơn và hạn chế được nhổ răng. 

>> Bạn đang có ý định niềng răng cho trẻ? Tìm hiểu ngay Niềng răng là gì? Công dụng niềng răng ngay tại đây nhé!

hàm trainer

Hàm trainer được làm bằng nhựa thích hợp sinh học với cơ thể, hoàn toàn mềm mại và không gây khó chịu. Hình dạng hàm trainer bên ngoài mô phỏng theo cung răng parabol thường gặp. Hàm trainer được thiết kế sẵn, không cần lấy dấu, đổ mẫu. Nó có các đặc điểm được thiết kế tương thích với vị trí răng và các cơ quan xung quanh: môi, má, lưỡi. Hàm trainer không có các mắc cài hay dây cung. 

Thông thường hàm trainer được mang vào ban đêm và thêm 1-2 tiếng ban ngày. Quá trình điều trị thường được chia làm 2 giai đoạn: sử dụng lần lượt 2 loại hàm mềm và cứng: 

  • Loại mềm: giúp giới hạn các vấn đề do ảnh hưởng của thói quen xấu. Thường dùng khi mới bắt đầu. Hàm loại này mềm giúp trẻ dễ dàng tuân thủ việc đeo và thích hợp được với những trường hợp sai lệch nghiêm trọng. Thời gian sử dụng trung bình 6 tháng.

hàm trainer mềm

  • Loại cứng: giúp điều trị tiếp theo sau khi dùng hàm mềm. Hỗ trợ việc sắp xếp các răng. Hoạt động theo nguyên tắc của chỉnh nha cố định. Việc sử dụng loại này bắt buộc phải theo hướng dẫn của nha sĩ.

hàm trainer cứng

Cấu tạo của hàm trainer bao gồm:

  • Phần hướng dẫn răng:

1. Rãnh răng

2.Cung phía môi: tác động một lực nhẹ vào các răng trước bị lệch

  • Phần hướng dẫn chức năng:

3. Miếng đặt lưỡi: giúp đầu lưỡi đặt đúng vị trí

4. Phần bảo vệ lưỡi: giúp ngăn đẩy lưỡi khi lưỡi đặt vào đúng vị trí và buộc trẻ phải thở bằng mũi.

5. Tấm chặn môi: Ngăn hoạt động quá mức của các cơ vùng môi.

  • Phần định vị hàm:

6. Cạnh định vị trí hàm ở hạng I: được thiết kế giống như hầu hết các khí cụ chức năng khác. Cùng với việc điều trị các thói quen: đẩy lưỡi, thở mũi…giúp khắc phục khớp cắn hạng II ở một số ca. 

hàm trainer 4

2. Các tác động của hàm trainer

2.1. Hướng dẫn răng

Hàm trainer làm từ nhựa dẻo, là vật liệu có tính đàn hồi, linh hoạt. Các cung phía môi ở hàm trên và dưới tác động như chỉnh nha bằng dây cung. Đồng thời chúng được tạo hình parabol theo cung răng tự nhiên để thích hợp với các cung răng lớn nhỏ khác nhau.

Cũng như việc điều trị bằng dây cung, dùng hàm trainer không yêu cầu kích thước mà quan tâm độ dài ngắn của hàm. Tuy nhiên có thể điều chỉnh bằng cách cắt để phù hợp với vị trí mặt xa răng 6. Cung phía môi cùng với kênh định vị các răng trước tác động một lực liên tục lên các răng trước xô lệch để điều chỉnh chúng vào đúng vị trí.

Loại hàm Trainer dành cho người mới dùng tác động một lực nhẹ lên răng. Sau 6-8 tháng sử dụng, hàm trainer cứng chắc sẽ được thay thế để tác động một lực lớn hơn lên các răng xô lệch phía trước. Đây cũng là nguyên tắc khi chỉnh nha dây cung thẳng, bắt đầu bằng dây nhỏ và tăng dần để sắp xếp răng (lực tác động để di chuyển răng trước chỉ 1,7 gm). Nhờ công nghệ thiết kế kỹ thuật số, các nhà sản xuất đã tích hợp nguyên tắc này vào thiết kế của hàm Trainer.

>> Đọc ngay bài viết của Bác sĩ Răng Hàm Mặt về vệ sinh răng miệng đúng cách!

2.2. Hướng dẫn chức năng các thói quen xấu

Vị trí và chức năng lưỡi sai, đẩy lưỡi hay các thói quen răng miệng xấu khác có thể là nguyên nhân gây sai khớp cắn. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tái phát. Việc sửa các lực bất thường đặt lên răng sẽ giúp điều chỉnh răng và xương hàm. Hàm trainer chính là một khí cụ giúp sửa đổi các thói quen xấu này.

  • Việc thiết kế miếng đặt lưỡi giúp lưỡi đặt đúng vị trí, đồng thời cũng nhắc nhở vị trí của lưỡi đúng sau này khi không còn sử dụng hàm.

Liệu pháp điều trị này giúp thiết lập lại hệ thống cơ miệng. Phần bảo vệ lưỡi cũng có tác dụng huấn luyện vị trí lưỡi, giúp ngăn đẩy lưỡi khi nuốt. 

  • Tấm chặn môi có tác động kéo dãn môi, ngăn hoạt động quá mức của các cơ môi, có liên quan với hoạt động nuốt đẩy lưỡi.

Tấm chặn môi cho thấy hiệu quả sử dụng giúp cung răng đạt được độ dài ở những trường hợp chen chúc nhẹ và vừa.

  • Hàm trainer giúp ngăn thở miệng khi sử dụng

Việc mang hàm trainer tương tự như mang 2 hàm bảo vệ răng trong miệng. Do đó trẻ buộc phải thở bằng mũi. Hầu hết trẻ thở miệng là do thói quen và có thể sửa đổi được. Đối với những trẻ thở miệng biểu hiện sự phát triển hàm trên kém hơn so với trẻ bình thường. Khi mang hàm qua đêm, hàm Trainer sẽ giúp trẻ ngăn được sự kém phát triển và mất kích thước cung răng ở những trẻ có thói quen thở miệng trước đây. 

>> Thở miệng là thói quen không tốt và có thể ảnh hưởng răng miệng. Tìm hiểu ngay thở miệng là gì để tránh hậu quả không đáng có!

thở miệng

Khí cụ chức năng

Hàm trainer hoạt động như một khí cụ chức năng, được đặt vào vị trí khớp cắn hạng I. Điều đặc biệt là nó không cần điều chỉnh quá nhiều, và làm từ vật liệu đàn hồi ngăn sự gãy vỡ. Đây là những điểm bất lợi của các khí cụ chức năng khác .

Sự kết hợp của nhiều đặc tính quan trọng

Hàm trainer cho thấy hiệu quả trên sự sai khớp cắn ở trẻ từ 6-11 tuổi khi mang tối thiểu 1 giờ ban ngày cùng với ban đêm. Vì chỉ cần một lực rất nhẹ để điều chỉnh các răng trước, do đó có thể kết hợp sử dụng lực nhẹ để điều chỉnh răng và loại bỏ các lực đặt sai từ lưỡi, môi hay sửa đổi kiểu thở. Đồng thời nó còn có các đặc điểm của khí cụ chức năng giúp hàm hoạt động hiệu quả.

Hàm trainer có hiệu quả tốt ở sai khớp cắn hạng II ( hô), giúp hướng dẫn sự phát triển xương hạng I cũng như hạn chế sự nhô ra trước của các răng cửa và thúc đẩy sự phát triển hàm dưới. Hàm trainer cũng có hiệu quả trên sự phát triển hàm trên ở một số ca hạng III (móm). Tuy nhiên nó không phù hợp để sử dụng ở những trường hợp hạng III nặng.

3. Độ tuổi thường được nha sĩ hướng dẫn sử dụng hàm trainer?

  • Thời gian điều trị phù hợp thường độ tuổi từ 6-10 tuổi. Hàm trainer được thiết kế cho hệ răng hỗn hợp.

Thông thường hàm được sử dụng khi bé ở độ tuổi 6-8. Đây lúc trẻ đã mọc các răng cối lớn thứ nhất (răng 6) và các răng cửa vĩnh viễn. Lúc này cha mẹ sẽ thấy trẻ bắt đầu xuất hiện những sai lệch. 

Trẻ có thể có răng cửa giữa nhô ra ngoài, xoay lệch, các răng cửa bên không mọc được do không đủ chỗ hoặc khớp cắn có sai lệch: cắn ngược, cắn hở. Lúc này các bố mẹ sẽ lo lắng và muốn trẻ được sửa sai ngay. Tuy nhiên, việc chỉnh nha niềng răng lại chưa thể thực hiện được vì chỉ thực hiện khi các răng vĩnh viễn mọc đủ. Hàm trainer chính là phương pháp điều trị tiền chỉnh nha cho trẻ. 

  • Hàm trainer cũng có thể sử dụng cho các bé ở độ tuổi nhỏ hơn.

Tuy nhiên hiệu quả điều chỉnh răng có thể kém hiệu quả. Hàm trainer lúc này cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với trẻ do thiếu răng 6. 

>> Niềng răng là một trong những phương pháp chỉnh nha được nhiều người biết đến. Tìm hiểu các loại chỉnh nha phổ biến hiện nay tại đây nhé!

4. Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định sử dụng hàm Trainer

4.1. Chỉ định

  •  Răng cửa trước dưới chen chúc
  • Cắn hở răng trước
  • Cắn sâu 
  • Hạng II chi 1 và 2
  • Hạng I có chen chúc
  • Các thói quen xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi, thở miệng
  • Tư thế hàm dưới sai
  • Hạng III nhẹ

4.2. Chống chỉ định

  • Trẻ không hợp tác
  • Cắn chéo răng sau
  • Hạng III nặng
  • Tắc nghẽn hoàn toàn đường mũi.

5. Tại sao phụ huynh không được tự ý điều trị hàm trainer ở nhà cho trẻ?

  • Phụ huynh không thể tự đánh giá được trường hợp của con mình có thích hợp để sử dụng không

Như đã giới thiệu ở trên, không phải tất cả trẻ đều có thể sử dụng được hàm Trainer. Có những trường hợp chỉ định và chống chỉ định sử dụng. Việc đánh giá trẻ thuộc trường hợp nào, mức độ ra sao và có hiệu quả khi sử dụng hay không, là cần kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lâm sàng của nha sĩ. Phụ huynh không được tự ý mang cho trẻ vì có thể sẽ không hiệu quả như mong muốn. Thâm chí là gây hại đến sự phát triển răng, mặt của trẻ.

  • Việc điều trị bằng hàm trainer chỉ là điều trị tiền chỉnh nha. Mục đích giúp giảm bớt sự ảnh hưởng của các thói quen xấu, tạo điều kiện cho sự phát triển bình thường của xương, răng.

Những vấn đề sai lệch chỉ được giảm nhẹ và có thể không thay đổi được hoàn toàn. Do đó, trẻ vẫn cần được điều trị chỉnh hình tiếp tục sau này để có thể khắc phục hoàn toàn các sai lệch. 

  • Điều trị hàm trainer cần có sự theo dõi, tái khám đánh giá mỗi 4- 6 tuần của nha sĩ.

Nha sĩ sẽ chụp phim và chụp hình khuôn mặt để so sánh sự thay đổi theo thời gian. Từ đó đưa ra kết luận việc mang hàm trainer có hiệu quả với trẻ không.

  • Vì hàm trainer được thiết kế sẵn do đó trong một số trường hợp sẽ cần điều chỉnh nhẹ.

Việc điều chỉnh này phải có sự đánh giá của nha sĩ. Cha mẹ không được tự ý điều chỉnh được. Ở một số trẻ có cung răng hẹp việc mang hàm trainer có thể khiến trẻ vướng đau và không khép môi được hoặc trẻ có răng trước nhô ra nhiều hay cắn hở, cần điều chỉnh để tránh hàm gây đau và tác dụng lực sai lên răng. 

Hiện nay có rất nhiều cửa hàng tự do bán hàm trainer với lời quảng cáo ngọt ngào: sử dụng cho trẻ để không cần chỉnh nha. Điều này là hoàn toàn sai và vô cùng nguy hiểm. Việc sử dụng hàm trainer bắt buộc phải có chỉ định và sự theo dõi của nha sĩ. Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ ràng, để tránh việc sử dụng không hiệu quả, lại “tiền mất tật mang”, gây hại cho con em mình.

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

 

1/ Myoresearch team, “ The pre-orthodontic trainer”, đăng nhập trên website http://www.myoresearch.nl

2/ Cosmodentalcentre staff team, “Top Three Benefits of Using a Pre-Orthodontic Trainer”, đăng nhập ngày 31-08-2017 tại website http://www.cosmodentalcentre.com

 

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người