Hậu phác: Vị thuốc điều trị trầm cảm và hen suyễn hiệu quả
Nội dung bài viết
Hậu phác đã được sử dụng hàng nghìn năm trong dược điển Trung Quốc. Ngày nay, hậu phác được sử dụng trong các loại thuốc Trung Quốc và Nhật Bản để điều trị lo âu, hen suyễn, trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, v.v… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế
Tên hậu phác dùng để chỉ nhiều loại thuốc khác nhau. Chỉ có vị hậu phác nhập của Trung Quốc mới được xác định chắc chắn. Còn hậu phác khai thác tại nhiều tỉnh khác nhau trong nước ta, cần xác định lại.
- Họ: Magnoliaceae
- Chi: Magnolia
- Tên khoa học: Magnolia officinalis
1.2. Đặc điểm thực vật
- Hậu phác chính thức (Magnolia officinalis) là mộ loại cây cao to, cao từ 7 – 15 m, vỏ thân tím nâu. Lá mọc so le, cuống to, mập dài, từ 2.4 – 4.4 cm, không long, phiến lá hình trứng thuôn, dài 22 – 40 cm, rộng từ 10 – 20 cm, đầu hơi nhọn, phía cuống hẹp lại.
- Hoa màu trắng, thơm, đường kính có thể tới 12 cm. Cuống hoa to thô, quả kép gồm nhiều đại rời, hình trứng dài từ 9 – 1cm, đường kính 5 – 6.5 cm
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
Cây này hiện chưa phát hiện ở nước ta, nhưng qua địa lý phân bổ của cây này ở Trung Quốc như những nơi khí hậu mát mẻ, ẩm ướt ở Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến. Chúng ta có thế tìm tại các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang.
Vào những tháng 5 – 6, chọn những cây đã được 20 năm tuổi trở lên, lấy vỏ như lấy vỏ quế. Sau đó đem về chế biến sơ bộ. Có nhiều cách chế biến khác nhau. Dưới đây là hai phương pháp phổ biến nhất:
- Cho vỏ vào ngăn gỗ, đun nóng cho bốc hơi nước, rồi phun nước lạnh vào, đun và phun nước lạnh như vậy 3 lần là được, đem ra cuộn thành cuộn
- Đào hố dưới đất, cho vỏ vào, đậy rơm và ủ trong 3 – 4 ngày cho ra hơi nước, sau đấy cuộn lại thành ống.
Do cách chế biến khác nhau cho nên hình dáng vị thuốc khác nhau. Ở nước ta thường chỉ phơi khô, không cuộn gì cả.
1.4. Bộ phận sử dụng
Hậu phác (Cortex Magnoliae) là vỏ thân hay vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây hậu phác Magnolia officinalis Rehd. et Wils.
2. Thành phần hóa học
- Trong hậu phác, người ta lấy được khoảng 5% phenol là magnolola, tetra-hydro-magnolola, iso-magnolola.
- Ngoài ra còn có khoảng 1% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là machilola.
- Năm 1951 và 1952, Masao và Tomita đã chiết được từ một loại hậu phác Nhật Bản (M. obovata Thunb.) một chất tinh thể là magnocurarin.
3. Tác dụng dược lý
3.1. Theo Y học cổ truyền
- Hậu phác là vị thuốc dùng trong Y học cổ truyền.
- Theo Y học cổ truyền, hậu phác có vị đắng, cay, có tính ôn, không độc. Quy vào 3 kinh tỳ, vị, và đại trường.
- Chủ trị đầy bụng, ăn không tiêu, đau bụng, nôn mửa, đại tiện bí táo.
3.2. Theo Y học hiện đại
3.2.1. Tác dụng lên đường tiêu hóa
Các bệnh về đường tiêu hóa rất phổ biến và đa dạng, bao gồm hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa chức năng, đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, v.v… có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và chi phí chăm sóc sức khỏe. Hậu phác thường được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị các rối loạn tiêu hóa như vậy.
Ngày nay, các thí nghiệm cho thấy hậu phác làm giảm đáng kể loét dạ dày, bệnh tiêu chảy, có tác dụng lợi mật rõ rệt trên chuột. Hậu phác có thể thông qua tác dụng chống co thắt dẫn đến thư giãn cơ trơn đường tiêu hóa.
3.2.2. Tác dụng kháng khuẩn
Tại Trung Quốc, người ta phát hiện tác dụng kháng sinh của nước sắc hậu phác đối với vi khuẩn thương hàn, tả, Staphylococcus, Streptococcus và lỵ Shigella.
3.2.3. Tác dụng chống viêm
Viêm, một phản ứng bảo vệ liên quan đến các tế bào miễn dịch, mạch máu và chất trung gian, là một phần của phản ứng sinh học phức tạp của cơ thể chống lại các kích thích có hại, chẳng hạn như mầm bệnh, tế bào bị tổn thương hoặc chất kích thích.
Hậu phác được chứng minh là có khả năng ức chế sự hình thành các hóa chất trung gian gây viêm, từ đó giúp làm giảm tình trạng viêm.
>> Xem thêm: Hạ khô thảo: Loài hoa cỏ kháng viêm, làm mát cơ thể
3.2.4. Tác dụng chống hen phế quản
Tác dụng của hậu phác đối với bệnh hen suyễn là từ hai loại cơ chế:
- Dược chất trong cây ức chế quá trình tạo tế bào lympho người ở thử nghiệm trong ống nghiệm, có tác dụng chống hen thông qua việc ức chế phản ứng dị ứng loại IV (qua trung gian tế bào lympho).
- Chiết xuất hậu phác gây giãn phế quản bằng cách giãn cơ trơn phế quản.
Ngoài ra, hậu phác còn nhiều tiềm năng điều trị trong các bệnh lý mạch vành, xơ vữa động mạch, chống kết tập tiểu cầu, đái tháo đường, trầm cảm, lo âu, Alzheimer, sản phẩm mỹ phẩm,…
4. Liều dùng, cách dùng
Liều dùng trong ngày: 6 – 12 gram dưới dạng sắc.
Một số bài thuốc dân gian
Hậu phác tam vật thang (đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh) chữa đau bụng, viêm ruột, đi lỵ: Hậu phác 6 gram, Chỉ thực 3 gram, Đại hoàng 3 gram, nước 600 ml, sắc còn 300 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Đơn thuốc chữa đau bụng: Hậu phác tẩm gừng rồi nướng hay sao vàng, tán nhỏ. Ngày uống 2 hay 3 lần, mỗi lần 3 – 4 gram dạng bột này.
5. Kiêng kị
Theo Y học cổ truyền, người có tỳ vị hư nhược, thể trạng ốm yếu (chân nguyên bất túc), phụ nữ có thai thì không dùng.
Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích, chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Poivre M, Duez P. Biological activity and toxicity of the Chinese herb Magnolia officinalis Rehder & E. Wilson (Houpo) and its constituents. J Zhejiang Univ Sci B. 2017;18(3):194-214. doi:10.1631/jzus.B1600299
- Zhu Z, Zhang M, Shen Y, Wang H. [Pharmacological effect of cortex Magnoliae officinalis on digestion system]. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi. 1997 Nov;22(11):686-8, 704 inside back cover. Chinese. PMID: 11243189.