HBsAg dương tính khi mang thai và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
HBsAg là gì? Dương tính khi nào? Ảnh hưởng của vấn đề này lên con người là gì? Liệu nó có ảnh hưởng đến thai nhi? Phương pháp phòng ngừa? Nếu trẻ nhiễm phải bệnh lý này thì sao? Phương pháp điều trị và dự hậu về sau sẽ như thế nào?… Hàng loạt câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
1. HBsAg là gì? Dương tính khi nào?
Như hình, ta có thể thấy HBsAg là một bộ phận của virus viêm gan B.
Và các thành phần lạ xuất hiện trong cơ thể con người sẽ được gọi chung với các tên “kháng nguyên”. Do đó, HBsAg là một kháng nguyên.
Virus viêm gan B là gì?
Virus viêm gan B là một virus gây ra viêm gan mạn tính. Viêm gan do virus viêm gan B gây ra có thể diễn tiến nặng, xuất hiện những đợt viêm gan cấp tính, thậm chí là suy gan, hoặc trở thành ung thư gan sau một thời gian viêm gan mạn lâu dài.
Khoảng 5% dân số trên thế giới mắc phải virus viêm gan B !!!. Tuy nhiên, tỷ lệ này thực sự rất khác biệt giữa các vùng trên thế giới.
Virus viêm gan B xuất hiện chủ yếu ở các vùng châu Á, châu Phi, Trung Đông. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân gây suy gan, xơ gan, ung thư gan hàng đầu trên thế giới.
Lây nhiễm virus viêm gan B qua 3 con đường :
- Qua máu.
- Quan hệ tình dục.
- Từ mẹ sang con trước và trong lúc sanh.
Do đó, virus này không lây khi :
- Tiếp xúc thông thường, như nắm tay.
- Ăn thức ăn được chuẩn bị bởi người bị nhiễm bệnh.
- Hôn hoặc ôm.
- Dùng chung đồ dùng bằng sứ như đĩa hoặc cốc.
- Đến thăm nhà một người bị nhiễm bệnh.
- Hắt hơi hoặc ho.
- Cho con bú.
Như đã biết, HBsAg là một thành phần của virus viêm gan B. HBsAg nằm ở lớp vỏ của virus này. Ngoài tư cách là một kháng nguyên, HBsAg đặc biệt hơn các kháng nguyên khác, nó kích thích cơ thể người tiết ra các kháng thể chống lại virus viêm gan B. Do đó, HBsAg cũng là một nguyên liệu giúp chúng ta tạo ra vaccine chống virus viêm gan B.
2. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm HBsAg ?
- Nếu HBsAg âm tính: Bệnh nhân không bị mắc viêm gan B. Khi nghi ngờ bệnh nhân bị phơi nhiễm viêm gan B hoặc có nguy cơ bị phơi nhiễm cao thì cần làm thêm xét nghiệm Anti-HBc để biết chính xác;
- Nếu HBsAg dương tính: Bệnh nhân đang bị nhiễm virus viêm gan B. Virus này sẽ tăng nhanh chóng trong khoảng 10 tuần nhiễm bệnh.
Trường hợp cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì virus có thể giảm dần và dần biến mất trong khoảng 4 – 6 tháng tiếp theo. Nếu cơ thể khỏi bệnh thì bệnh nhân sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời với virus viêm gan B. Bệnh nhân nên đi khám vàxét nghiệm viêm gan B lại sau 6 tháng để kiểm tra.
Trường hợp sức khỏe yếu, không thể đẩy lùi được virus thì bệnh nhân sẽ bị viêm gan B mãn tính. Trường hợp này được xác định khi kết quả xét nghiệm HBsAg lại sau 6 tháng vẫn dương tính. Nếu bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính thì sẽ phải làm thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan như: xét nghiệm huyết học, xét nghiệm sinh hóa và các xét nghiệm sinh học phân tử như: HBV-DNA (đếm số lượng virus trong cơ thể). Do đó, để xác định bệnh nhân có bị viêm gan B mạn tính hay không cần xét nghiệm HBsAg ít nhất 2 lần.
Tuy nhiên, cần xác định rõ rằng HBsAg âm tính không có nghĩa bạn không mắc phải viêm gan siêu vi B!!!.
Để dễ hiểu rõ vấn đề hơn, ta có thể dựa vào biểu đồ sau:
HBsAg âm tính “giả tạo”:
Theo đó, ta dễ dàng nhận thấy, nếu bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B cấp tính và tự khỏi thì khi xét nghiệm HBsAg giai đoạn gần hết hoặc đã hết triệu chứng sẽ có kết quả là âm tính.
Ngoài ra, trong giai đoạn sớm, HBsAg chưa đạt nồng độ cao nhất định trong máu thì xét nghiệm cũng sẽ là âm tính!!!.
Ngược lại, nếu HBsAg dương tính, có nghĩa là bạn đang mắc phải virus viêm gan siêu vi B.
3. Nhiễm viêm gan siêu vi B có thể tự khỏi được không?
Hầu hết các trường hợp người lớn nhiễm viêm gan siêu vi B sẽ tự khỏi bệnh sau vài tháng. Để xác định việc này, bác sĩ sẽ xét nghiệm lại máu của bệnh nhân sau 6 tháng.
Thật không may, khoảng 2% người lớn và hơn thế nữa là hơn 90% trẻ em dưới 1 tuổi không thể loại bỏ virus này khỏi cơ thể của họ. Điều này đồng nghĩa với việc mắc phải bệnh viêm gan B mãn tính!!!.
4. Triệu chứng của viêm gan siêu vi B là gì?
Hầu hết trẻ em nhiễm viêm gan siêu vi B sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. 50% người trưởng thành sẽ có triệu chứng, bao gồm:
- Ăn không ngon.
- Buồn nôn ói mửa.
- Sốt.
- Yếu đuối, mệt mỏi, giảm khả năng làm việc kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
- Đau bụng.
- Vàng da và mắt (vàng da).
- Đau khớp, đau cơ.
- Nước tiểu màu xá xị.
- Phân màu đất sét hoặc phân “cò” (màu xám).
Viêm gan cấp:
Có triệu chứng rõ ràng như da vàng (xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân), gan to (xác định bởi bác sĩ). Đôi khi bệnh nhân đau bụng vùng dưới khung xương sườn phải.
Viêm gan mạn:
Bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì hoặc chỉ có các dấu hiệu mơ hồ như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn…
Viêm gan tối cấp (suy gan cấp tính, nặng):
Tương đối hiếm gặp, chỉ khoảng 1% bệnh nhân nhiễm viêm gan B mắc phải. Lúc này bệnh nhân thường vàng da rất rõ, đau bụng nhiều, lơ mơ, lừ đừ… Nguy cơ tử vong lúc này rất cao.
Ung thư gan:
Sau nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính, bệnh nhân có thể bị ung thư gan với nguy cơ khá cao. Biểu hiện ung thư gan thường là chán ăn, sụt cân thấy rõ, da vàng, đau bụng. Ung thư gan thường được coi là nan y, tỷ lệ tử vong rất cao.
5. Bảo vệ thai nhi như thế nào khi mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B?
Thai phụ cần hiểu một số vấn đề sau:
- Mẹ nhiễm virus này trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%.
- Nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10%.
- Sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60-70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
Viêm gan B hoàn toàn có thể lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ, thậm chí kể cả khi em bé được sinh mổ cũng vậy.
Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B cấp, nguy cơ nói chung có thể lây cho trẻ là 90%. Còn khi bạn nhiễm virus viêm gan B mạn tính từ lâu thì nguy cơ này là 10 – 20%. Nên nhớ, ở bệnh nhân bị mạn tính có thể xuất hiện các đợt viêm gan cấp.
90% trẻ nhiễm viêm gan siêu vi B sẽ phát triển thành viêm gan mạn tính (trái ngược với người lớn chỉ với 2%). Và ở những đứa trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan siêu vi B thì 25% trong số chúng khi lớn sẽ tử vong vì xơ gan và ung thư gan.
Hầu như trẻ sẽ không có biểu hiện triệu chứng bất thường khi mới vừa nhiễm virus này. Tuy nhiên, như đã biết, nguy cơ có những đợt viêm gan cấp, tối cấp thậm chí là ung thư gan hoàn toàn có thể xảy ra.
Biện pháp:
Em bé sinh ra bởi thai phụ nhiễm virus viêm gan B được tiêm hai mũi ngay sau khi sinh. Một là vaccin viêm gan B và một mũi tiêm khác được gọi là HBIG – kháng thể miễn dịch chống virus viêm gan B. Hai mũi tiêm giúp ngăn bé bị viêm gan B. Các mũi tiêm hoạt động tốt nhất khi chúng được tiêm trong vòng 12 giờ sau được sinh ra.
Vaccin viêm gan B tiêm 1 mũi là không đủ, do đó còn nên được tiêm tiếp tục vào 6 tuẩn tuổi, 3 tháng và 5 tháng tuổi , để giúp phòng ngừa trẻ nhiễm viêm gan B trong tương lai. Phòng ngừa tiêu chuẩn sẽ giúp 95% trẻ không mắc phải virus viêm gan B.
Vaccin viêm gan B chứa HBsAg – chỉ là vỏ của virus viêm gan B => Do đó, vaccin này không làm trẻ nhiễm viêm gan B.
6. Tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh có thể thất bại hay không?
Có!!!.
Thất bại trong điều trị bằng vắc-xin viêm gan B và HBIG có thể xảy ra ở những sản phụ có xét nghiệm HBeAg dương tính và có số lượng virus trong máu rất cao. Do đó, khả năng cao có thể truyền bệnh viêm gan B cho thai nhi.
Với chỉ số HBV – DNA 200.000UI/ml hoặc 1.000.000 cp/ml sẽ xác định khả năng hoạt động của virus viêm gan B ở thai phụ là rất mạnh mẽ. Vì vậy sản phụ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus như Tenofovir, sau đó sẽ được sử dụng thuốc chống siêu vi bao gồm Telbivudine hoặc Lamivudine. Điều trị bằng thuốc kháng virus bắt đầu từ tuần thứ 28-32 và tiếp tục 3 tháng sau sinh.
7. Cho con bú khi mẹ đang nhiễm virus viêm gan B được hay không?
Hoàn toàn có thể.
Việc cho con bú không làm lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con. Do đó, thai phụ có thể cho trẻ bú ngay sau khi sinh ra.
8. Cần làm gì khi đứa trẻ không may mắc phải viêm gan siêu vi B?
Cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nhiễm hoặc nội tiêu hoá – gan mật tuỵ. Tại đây, họ sẽ xác định mức độ nhiễm cũng như chức năng gan của trẻ.
Điều trị cho trẻ lúc này chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện của viêm gan.
Hiện nay, chưa một loại điều trị nào chứng minh vai trò của mình trong trường hợp viêm gan siêu vi B cấp ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, việc tiêm ngừa viêm gan siêu vi A cho những trẻ đã mắc viêm gan siêu vi B là vô cùng cần thiết. Do ở những nước có tỷ lệ viêm gan B cao thì viêm gan A cũng cao. Viêm gan A có thể gây ra viêm gan cấp rất nặng và tử vong.
Những thuốc kháng virus như đã nói như Interferon alfa, Lamivudine, Adefovir chỉ được sử dụng khi có chỉ định của các chuyên gia nhi khoa về gan.
9. Kết luận
HBsAg là một thành phần cấu tạo nên lớp vỏ của virus viêm gan B. Khi HBsAg dương tính có nghĩa là thai phụ đang mắc phải viêm gan siêu vi B.
Tuy nhiên, có một số trường hợp, thai phụ nhiễm virus này nhưng HBsAg âm tính.
Viêm gan siêu vi B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị viêm gan B cấp tính thì dễ dàng lây qua thai hơn so với mạn tính. Tương tự, nhiễm cấp ở 3 tháng cuối thai kỳ sẽ dễ lây hơn 3 tháng đầu rất nhiều.
Trẻ mắc phải virus này dễ dàng bị mạn tính hơn người lớn rất nhiều (90%). 25% số trẻ bị nhiễm virus viêm gan B mạn khi lớn sẽ tử vong do xơ gan, ung thư gan!!!.
Điều trị cho mẹ trong giai đoạn nhiễm cấp, hoặc khi virus hoạt động mạnh mẽ để giảm tỷ lệ lây qua trẻ. Ở trẻ mới sinh ra, tiêm 2 mũi (kháng thể và vaccin viêm gan B) trong 12h đầu sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm viêm gan B ở trẻ.
Mẹ nhiễm viêm gan B có thể cho con bú mà không sợ lây nhiễm sang con.
Nếu trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B, cần tham khảo ý kiến chuyên gia nhi khoa về gan (tiêu hoá)
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.