YouMed

Hoa hiên: vị thuốc từ loài hoa làm cảnh độc đáo

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Hoa hiên không chỉ là một loài hoa làm cảnh độc đáo mà còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể giải nhiệt, giảm viêm, cầm máu… hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của Hoa hiên.

Tìm hiểu chung về Hoa hiên

  • Tên gọi khác: Kim châm, Hoàng hoa, Kim ngân thái, Huyên thảo…
  • Tên khoa học: Hemerocallis fulva L.
  • Họ: Hành tỏi (Liliaceae)
  • Tên dược liệu:
    • Rễ và thân rễ phơi khô (Radix Hemerocallis).
    • Lá (Folium Hemerocallitis).

Đặc điểm sinh trưởng của Hoa hiên

Hoa hiên là cây thuộc khu vực ôn đới của châu Âu và châu Á. Hiện nay, loài này phân bố ở khá nhiều nơi kể cả vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới để trồng làm cây cảnh, hoặc nguyên liệu nấu ăn. Nơi trồng nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.

Một số vùng có khí hậu quanh năm ẩm mát ở Việt Nam như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng có trồng Hoa hiên để làm cảnh…

Thường sinh trưởng và phát triển gần như quanh năm. Ra hoa quả nhiều vào mùa hè và mùa thu. Người ta nhân trồng bằng phần gốc sau khi đã thu hoạch củ.

Hằng năm vào khoảng tháng 4 và tháng 9 chính là mùa ra hoa quả của loài cây này.

Hoa hiên không chỉ là loài cây làm cảnh độc đáo mà còn là vị thuốc quý
Hoa hiên không chỉ là loài cây làm cảnh độc đáo mà còn là vị thuốc quý.

Mô tả toàn cây Hoa hiên

Thuộc loài thân thảo sống lâu năm, Hoa hiên có:

  • Phần rễ có nhiều rễ mầm nhỏ, trong khi đó thân rễ khá ngắn.
  • Lá cây có kích thước rộng khoảng 2,5cm, dài khoảng 30 – 50cm, hình sợi. Phía trên mặt lá có chứa nhiều mạch xếp thành hai dãy trong một mặt phẳng. Gốc có bẹ to mọc ốp vào nhau. Đầu lá thuôn nhọn, thường gập xuống, gân song song.
  • Phía trên trục mang hoa có phần nhánh, chứa khoảng 6 – 12 hoa. Trục này thường sẽ cao bằng lá. Hoa có kích thước to, màu vàng đỏ đẹp đẽ, ngửi có mùi thơm dễ chịu, nhẹ nhàng. Bao hoa hình phễu, xẻ thành 6 phiến ở phía trên. Bầu có 3 ngăn, nhị 6.
  • Quả có hình 3 cạnh. Bên trong chứa các hạt màu đen, bóng.

Bộ phận làm thuốc và bảo quản

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cả rễ, hoa, lá của cây đều có giá trị dược liệu cao:

  • Phần lá thường được dùng ở dạng tươi. Có thể được thu hái vào bất cứ mùa nào trong năm.
  • Hoa có thể đem phơi hay sấy nhẹ cho đến khi khô để dùng.  Hái vào mùa hạ hay đầu thu, lúc mới chớm nở.
  • Rễ có thể dùng tươi hay phơi khô, được thu hái vào mùa thu.

Bảo quản những phần dược liệu đã qua khâu chế biến trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Không nên để có mối mọt, sâu bọ.

Cả rễ, lá và hoa Hoa hiên đều có vị ngọt, tính mát.
Cả rễ, lá và hoa đều có vị ngọt, tính mát

Thành phần hóa học và tác dụng của Hoa hiên

Thành phần hóa học

Hiện nay, có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về thành phần của cây:

Theo tài liệu Ấn Độ:

  • Hoa hiên Trung Quốc chứa 85,49% nước, 1,66% protein, 0,4% chất béo, 10,44% nitơ tự do, 0,78% tro, đường khử, các acid amin như adenin, cholin, arginin; còn có iodin.
  • Rễ có chứa asparagin.
  • Là nguồn nguyên liệu tốt cho vitamin A, vitamin C, thiamin.

Theo sách “Trung dược từ hải”, thành phần hóa học của Hoa hiên gồm: Chrysophanol, optisufulin, aloe emodin, hemerocal, athraquinon…

Tác dụng Y học hiện đại

Ức chế vi trùng, có độc tính: Theo nghiên cứu của Khương Chi Nghĩa (Viện dược học Nam kinh Trung Quốc) đã chiết xuất được từ rễ Hoa hiên 3 chất  có tinh thể gọi là chất A, B, C có độ chảy 165-167 độ C.

Năm 1964, trên Tạp chí đông y số 76/1966, trang 18-22, thầy Ngô Thế Phương và Dương Hữu Lợi thuộc Trường đại học y khoa Hà nội, đã dựa vào kinh nghiệm nhân dân, nghiên cứu cơ chế tác dụng của nước sắc Hoa hiên trên súc vật thì cho nhận định rằng:

  • Thời gian đông máu Quick giảm rõ rệt, nghĩa là làm tăng tỷ lệ protrombin toàn phần.
  • Chống lại tác dụng của dicoumarin tương tự như vitamin K, làm kéo dài thời gian đông máu.
  • Số lượng và công thức bạch cầu không bị ảnh hưởng trong khi lượng hồng cầu và tiểu cầu tăng lên.
  • Tác dụng trung ương không rõ rệt bằng tác dụng ngoại vi.

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Cả rễ, lá và hoa đều có vị ngọt, tính mát

Công dụng:

  • Rễ: thanh nhiệt, lợi niệu, làm mát cơ thể và cầm máu.
  • Lá và hoa: làm yên ngũ tạng, khoan khoái trong lòng, trừ thấp nhiệt, an thai, lợi tiểu, ăn ngon ngủ yên, sáng mắt nhẹ mình…
  • Ngoài ra, dược liệu còn có công dụng chữa vàng da do rượu, tiểu tiện ra sỏi, vú sưng đau, chảy máu cam, sưng đau khớp xương, kinh nguyệt không đều…

Ở Trung quốc, gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện: rễ Hoa hiên cho kết quả rõ rệt bệnh do sán máu, sán máng (schistosomiase) gây nên, nhưng với liều cao có thể gây mờ mắt.

Cách sử dụng Hoa hiên

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Thảo dược Hoa hiên thường được sử dụng bằng cách sắc lấy nước uống hoặc lấy củ tươi giã nát và đắp ngoài da lên vị trí sưng đau, viêm, mụn nhọt.

Liều dùng:

  • 6 – 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc uống.
  • Dùng ngoài không kể liều lượng.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian, lá và hoa là những nguyên liệu nấu ăn bổ dưỡng khi được dùng với thịt gà, heo…Hoặc trong ẩm thực Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…người ta có thể làm ra màu nhuộm bằng hoa tươi hoặc khô.

Kiêng kỵ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng

  • Cần chú ý về liều lượng khi sử dụng cây vì chúng có độc nhẹ.
  • Dễ bị ngộ độc khi dùng Hoa hiên để ăn sống.

Khi dùng quá liều có thể gặp các tác dụng không mong muốn:

  • Giãn đồng tử
  • Mờ mắt
  • Tiêu tiểu không tự chủ
  • Nặng hơn có thể làm ngưng hô hấp.
Hoa hiên là nguyên liệu nấu ăn bổ dưỡng khi được dùng với thịt gà, heo...
Hoa hiên là nguyên liệu nấu ăn bổ dưỡng khi được dùng với thịt gà, heo…

Một số bài thuốc từ Hoa hiên

Chữa kinh nguyệt không đều

Hoa hiên 15g, Ích mẫu thảo 12g, Ngải cứu 12g, rễ củ Gai 20g. Mỗi ngày sắc uống một thang, chia làm 2 lần uống. Dùng liên tục trong 7 ngày.

Chữa chảy máu cam do nhiệt, người nóng

Rễ Hoa hiên tươi 15g đem rửa sạch rồi giã nát. Sau đó cho thêm nước và chắt còn 1 chén nước đặc. Để vào 1 thìa mật ong, khuấy đều rồi uống.

Chữa đái buốt đái rắt, lợi tiểu, thông niệu

Rễ hoa hiên 15g, Mã đề 12g, Râu ngô 12g. Mỗi ngày sắc uống một thang, chia làm 2 lần. Dùng trong khoảng 10 ngày.

Chữa bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh, nóng trong người, dễ cáu giận

Hoa hiên 10g, lá Dâu 20g. Nấu canh ăn hàng ngày.

Chữa mất ngủ, giúp an thần

Hoa hiên 12g, lá Dâu tằm 20g, lá Vông nem 10g. Nấu canh ăn hàng ngày. Hoặc đem Hoa hiên phơi khô trong râm, sao qua lửa, uống hằng ngày, cũng rất tốt.

4.6 Chữa viêm tai giữa, viêm tuyến vú

Hoa hiên khô 20g. Mỗi ngày dùng 1 thang dưới dạng thuốc sắc. Có thể tận dụng phần bã còn lại để đắp vào vị trí bị sưng đau viêm nhiễm.

Chữa chứng vàng da do uống rượu nhiều

Dùng rễ củ Hoa hiên tươi giã nhỏ vắt lấy nước cốt uống ngày 15g (theo Nam dược thần hiệu).

Hoa hiên không chỉ là món ăn quen thuộc, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học

  2. Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật

  3. G.S Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. NXB Trẻ

  4. PTS Võ Văn Chi (1998). Câu rau làm thuốc. NXB Tổng hợp Đồng Tháp

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người