Hoàng liên ô rô: Cái tên độc lạ ẩn chứa vị thuốc tiềm năng
Nội dung bài viết
Từ lâu, Hoàng liên ô rô đã được nhân dân tỉnh Lào Cai sử dụng để chữa trị những bệnh lý đường tiêu hóa. Vì lá giống lá ô rô lại có công dụng gần như vị hoàng liên nên cây này được đặt tên là hoàng liên ô rô. Ngoài ra, cây còn có nhiều tác dụng khác trong việc điều trị bệnh. Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết sau!
1. Mô tả dược liệu
1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế
- Còn gọi là Thập đại công lao (Trung Quốc).
- Tên khoa học Mahonia bealei Carr.
- Thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae).
- Cây này tại địa phương không có tên, hoặc được nhân dân gọi là cây hoàng liên, thổ hoàng liên, hay thổ hoàng bá v.v… Để tránh nhầm lẫn và vì lá giống lá Ô rô lại có công dụng gần như vị Hoàng liên nên từ năm 1967, cây này được đặt tên là Hoàng liên ô rô. Tại Trung Quốc cây này có tên là Thập đại công lao.
1.2. Đặc điểm thực vật
- Cây nhỏ cao 3 – 4m, cành không có gai. Lá kép, dìa lẻ, dài 30 cm có hai gai nhỏ ở phía cuống lá, 5 – 7 lá chét hình trứng. Lá Hoàng liên ô rô đầu nhọn sắc, phía cuống tròn, dài 6 – 10 cm, rộng 20 – 45 mm, mỗi bên 3 – 8 răng sắc ngắn dài 3 – 6 mm.
- Cụm hoa tận cùng mọc thành bong, phân cành ở phía dưới, nhiều hoa. Lá bắc hai lần ngắn hơn cuống hoa phụ. Hoa màu vàng nhạt. Lá đài 9 cánh xếp thành 3 lớp, mỗi lớp 3 cánh. Cánh tràng 6. Nhị 6. Bầu hình nón, phình ở giữa. Quả mọng màu xanh hình cầu.
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
Năm 1967, cây này mới được đoàn điều tra dược liệu của tỉnh Lào Cai do trường Đại học Dược khoa giúp về chuyên môn phát hiện lần đầu tiên ở vùng núi cao huyện Bát Xát.
Nhân dân ở đây vẫn dùng như vị hoàng liên hay hoàng bá. Tên Hoàng liên ô rô được đặt cho vì lá giống cây Ô rô, tác dụng như cây Hoàng liên.
Theo tài liệu cũ, chỉ nói thấy phát hiện ở miền nam, vùng cao nguyên Langbiang tỉnh Lâm Đồng, và được xác định tên khoa học là Mahonia annamica Gagne. cùng họ.
Cây thường được hái thân về, thái thành từng đoạn ngắn phơi khô, thường sắc uống hay tán bột uống. Không chế biến gì khác.
1.4. Bộ phận sử dụng
Bộ phận thường dùng: thân cây, lá cây.
2. Thành phần hóa học
Trong thân cây Hoàng liên ô rô có từ 0.35 đến 2.5% becberin
Trong một loài khác là Mahonia fortunei (Fort.) Carr. có khoảng 0.3% alkaloid, trong đó chủ yếu là becberin, panmatin, jatrorrhizin, magnoflorin, oxyacanthin, và bacbamin
3. Tác dụng dược lý
3.1. Theo Y học cổ truyền:
Hoàng liên ô rô được nhân dân sử dụng theo kinh nghiệm. Dùng để chữa lỵ, ăn uống không tiêu, vàng da, đau mắt.
Ngoài ra, nó còn được dùng ngoài để chữa mẩn ngứa, mụn nhọt. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Cách trị sẹo và ngăn ngừa sẹo sau mụn.
3.2. Theo Y học hiện đại
3.2.1. Tác dụng kháng khuẩn, chống virus cúm
Hoàng liên ô rô chữa bệnh lỵ trực trùng. Bệnh lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella gây ra bệnh cảnh đau thốn vùng trực tràng, mót rặn, sốt, tiêu chảy cấp kèm phân có nhày máu.
Ngoài ra, nó còn có khả năng kháng một số chủng vi khuẩn khác như: hai vi khuẩn Gram âm là Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli (cả kháng và nhạy cảm), hai vi khuẩn Gram dương là Bacillus subtilis và Staphylococcus aureus.
Tác dụng chống virus cúm của alkaloid từ rễ cây này đã được nghiên cứu trong ống nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy dược tính trong cây có thể ức chế sự sinh sôi của virus cúm.
3.2.2. Tác dụng chống oxy hóa
Cơ thể con người có khả năng tự tạo ra các gốc tự do trong quá trình tập thể dục và tiêu hóa thức ăn. Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với tia cực tím, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá và hóa chất công nghiệp, cũng là nguồn gốc gây ra các gốc tự do.
Nếu số lượng các gốc tự do vượt quá khả năng cân bằng của cơ thể, một tình trạng gọi là stress oxy hóa có thể xảy ra. Theo thời gian, điều này góp phần gây lão hóa và phát triển các bệnh, bao gồm cả ung thư.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước của lá Hoàng liên ô rô có đặc tính chống oxy hóa cực cao. Điều đó được chứng minh bằng khả năng loại bỏ 50% gốc tự do DPPH, và loại bỏ khoảng 71,19% các gốc tự do superoxide.
3.2.3. Tác dụng ức chế tăng sinh khối u
Dịch chiết nước của lá Hoàng liên ô rô cho thấy khả năng khử mạnh và cung cấp sự bảo vệ các tế bào để chống lại sự phá hủy protein do các gốc tự do gây ra.
Những kết quả chứng minh rằng dịch chiết nước của lá cây đã ức chế đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư đại – trực tràng ở người bằng cách tái lập chu trình “chết” tế bào và ức chế các cytokine gây viêm.
4. Liều dùng, cách dùng
- Mỗi ngày sử dụng 4 đến 12 gram dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
5. Kiêng kỵ
- Người bị tiêu chảy mạn tính do tỳ hư, tiêu chảy sau ăn đồ sống lạnh không dùng được.
Hoàng liên ô rô là dược liệu có những chỉ định và chống chỉ định riêng. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Zeng X, Lao B, Dong X, Sun X, Dong Y, Sheng G, Fu J. "Study on anti-influenza effect of alkaloids from roots of Mahonia bealei in vitro". Zhong Yao Cai. 2003 Jan;26(1):29-30. Chinese. PMID: 12858771.
- Hu W, Yu L, Wang MH. Antioxidant and antiproliferative properties of water extract from Mahonia bealei (Fort.) Carr. leaves. Food Chem Toxicol. 2011 Apr;49(4):799-806. doi: 10.1016/j.fct.2010.12.001. Epub 2010 Dec 3. PMID: 21130829.