Hương bài: loài dược liệu có độc tính cao cần lưu ý
Nội dung bài viết
Hương bài có tên khoa học Dianella ensifolia còn có tên gọi khác là cát cánh lan, lưỡi đòng, huệ rừng – hương lâu, rẻ quạt, xường quạt, sơn gian lan. Đây là loại cây quen thuộc được trồng và mọc hoang nhiều ở miền bắc nước ta. Cây hương bài thường được dùng để làm hương thắp vì rễ cây vốn có mùi thơm đặc biệt. Tuy nhiên loại cây này có độc tính cao, nếu ăn nhầm có thể nguy hiểm gây tử vong. Đặc biệt là quả cây có màu tím rất bắt mắt. Vì vậy khi trồng và sử dụng cần chú ý để sử dụng an toàn và đảm bảo hiệu quả.
Hương bài là gì?
Tên gọi
Tại một số địa phương còn có loại cây khác cùng tên hương lau (Vetiveria zianioides Nash) thuộc họ Lúa (Gramineae). Loại cây này thường dùng rễ để nấu nước gội đầu cho thơm.
Xuất xứ tên của cây hương bài bắt nguồn từ chính đặt điểm của cây. Cây tên hương vì rễ cây có hương thơm đặc biệt, được dùng làm hương đốt trong những ngày tết, còn tên bài vì hình dáng cây trông giống như cỗ bài.
Mô tả cây Hương bài
Cây hương bài là một loại cỏ, có thân rễ nằm ngang, thân cao chừng 40 – 50cm, có thể cao tới 1m. Lá mọc so le, ôm lấy thân theo hai bên thân hình nan quạt giấy giống như chiếc quạt hay quân bài, do đó cây còn có tên khác là cây rẻ quạt. Lá hình mác dài 40 – 70cm, rộng 1,5 – 3,5 cm, không cuống, phía dưới thành bẹ dài ôm lấy thân. Cụm hoa tận cùng, dài 10 – 20cm (không kể cuống) mọc thành thùy xim ngắn. Hoa màu vàng nhạt hay hơi tím nhạt, khi còn là nụ có hình trứng, 3 lá bài, 3 cánh tràng, 6 nhị, bầu hình cầu, 3 ngăn, quả mọng màu đỏ tía sẩm hay xanh đen, hình cầu đường kính 8 – 9mm ngăn có 1 – 3 hạt hình trứng.
Nơi phân bố
Cây hương bài được trồng và mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, nhưng tập trung nhiều tại các tỉnh miền Bắc. Cây được trồng chủ yếu ở các làng quanh vùng Tiền Hải tỉnh Thái Bình để lấy rễ làm hương thắp. Ngoài ra còn trồng nhiều ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Lâm Đồng.
Trên thế giới, cây hương bài còn phân bố ở các nước châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, nam Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan,…
Cây được trồng trong bóng râm, đất trồng là đất mùn, đất vườn. Mùa hoa vào tháng 6 – 7.
Tác dụng của cây hương bài
Ngoài ra, rễ và quả của cây lại chứa độc tính, nếu ăn nhầm có thể gây tử vong. Chính vì vậy người dân cần tuyệt đối chú ý. Đặc biệt là các gia đình có em bé và trẻ em.
Trên thế giới, ở Thái Lan người dân thường dùng rễ cây để trị bệnh thận. Còn ở Trung Quốc, người dân thường dùng để đắp ngoài da trị sưng mủ, nấm da đầu,…
Về các hoạt chất tác dụng của cây, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu. Một số nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy một số loại flavonoids, propanes, triterpenoids, aromatics trong cây hương bài.
Năm 2019, nhà khoa học Lê Thị Hồng Nhung và các cộng sự đã tìm thấy các chất phenolics trong giống cây hương bài được trồng tại tỉnh Lâm Đồng.
Cách sử dụng Hương bài
Thu hái: cây thường được thu hái vào cuối mùa thu, đào lấy rễ và thân rễ.
Chế biến: Tùy mục đích sử dụng mà có cách chế biến khác nhau. mang đi rửa sạch rồi phơi khô.
Ở nước ta, các bộ phận của cây được sử dụng với các mục đích khác nhau. Cụ thể, rễ cây với mùi thơm đặc biệt nên được dùng để làm hương thắp. Người ta thường trộn bột rễ với một số vị thơm khác như hồi, quế chi, bã mía,… để làm hương. Ngoài ra rễ cây còn được dùng đắp ngoài da để tiêu sưng, mủ.
Bài thuốc từ cây hương bài
Công thức làm hương thắp từ rễ cây hương bài
Nguyên liệu:
- Rễ hương bài phơi khô 1kg.
- Nẩy cây bưởi (vỏ thân cây bưởi tự bong ra) 1kg.
- Bạch đàn 300g
- Đại hồi 300g.
- Quế chi 300g.
- Trầm 1kg.
- Mía thái mỏng, giã và vắt bỏ nước đi 5kg.
Cách thực hiện: Tất cả sấy khô tán nhỏ, cuộn vào giấy bản, trong có lõi que nứa để làm chân hương.
Công thức làm thuốc diệt chuột từ rễ cây hương bài:
Rễ cây vắt lấy nước, dùng nước này tẩm gạo. Lấy gạo phơi khô, gạo khô lại tẩm. Làm như vậy 3 lần. Sau đó, rang thơm gạo, chuột ăn vào sẽ chết.
Lưu ý khi dùng, kiêng kỵ
Toàn cây có độc tính, có thể gây chết người. Vì vậy tuyệt đối không ăn nhầm.
Đặc biệt chú ý để xa tầm tay trẻ em vì quả cây có màu tím rất bắt mắt.
Lưu ý: một số địa phương có loại cây tên hương lau có thể nhầm lẫn với cây hương bài này vì cùng tên.
Hương bài là một dược liệu quý trong y học và hệ sinh thái của Việt Nam. Tuy rằng các bộ phận cây có độc tính, nhưng chỉ cần sử dụng đúng cách thì vẫn có thể đảm bảo an toàn khi trồng, sản xuất và điều trị. Hiện nay tại một số làng nghề, cây hương bài còn là cây xóa nghèo cho người dân, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho nền nông nghiệp nước ta.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. Đỗ Tất Lợi (2006), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học.
2. Le Thi Hong Nhung, Nguyen Thi Thuy Linh, Ba Thi Cham, Trinh Thi Thuy, Nguyen Thanh Tam, Dao Duc Thien, Pham Thi Mai Huong, Vu Minh Tan, Bui Huu Tai & Nguyen Thi Hoang Anh (2019), New phenolics from Dianella ensifolia, Natural Product Research