Hương nhu trắng: Cây thuốc rất hứa hẹn xung quanh ta
Nội dung bài viết
Hương nhu trắng từ xa xưa đã được người Việt Nam sử dụng như một cây gia vị ăn kèm, nấu nước xông người để phòng ngừa cảm lạnh. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều nghiên cứu về dược liệu này cho thấy những kết quả rất hứa hẹn trong nhiều lĩnh vực sức khỏe khác. Hãy cùng chúng tôi khám phá trong bài viết dưới đây.
Tên dược liệu
Tên khoa học
- Tên hiện được dùng để chỉ nhiều vị thuốc khác nhau nhưng đều là những cây thuộc họ Hoa môi Lamiaceae.
- Hương nhu trắng (Herba Ocimi Gratissimi) là toàn bộ cây, trừ rễ, được phơi hay sấy khô của cây hương nhu. Còn có tên khác là é lá lớn, húng giổi tía, ling leak kranam (Campuchia).
- Hương là mùi thơm, nhu là mềm, vì cây có mùi thơm và lá mềm.
Mô tả dược liệu
- Cây hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L.) là một cây thân cỏ, có thể cao tới hơn 1,5m. Lá mọc đối, có cuống, phiến lá dài từ 5 đến 10 cm, hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai béo hay có răng cưa thô. Trên gân chính của lá thường có lông.
- Hoa nhỏ mọc thành xim đơn 6 hoa, xếp thành từng chùm, thỉnh thoảng phía dưới có phân nhánh. Hạch nhỏ hình cầu. Hạt không nở và không có chất nhầy bao quanh khi cho vào nước.
Phân bố, thu hái
- Cây thường mọc hoang ở nhiều nơi khắp nước ta như Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên,…
- Ngoài ra, dược liệu này còn trồng ở một số nước nhiệt đới như Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippin, v.v…
Tác dụng dược lý của Hương nhu trắng
Thành phần hóa học
Trong cây có tỉ lệ tinh dầu khoảng từ 0,6 – 0,8%, vị cay, chủ yếu là ogenola. Trong đó, ogenola là vị thuốc cần thiết trong nha khoa và trong tổng hợp vanilin.
Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại
- Hương nhu trắng thường dùng để chưng cất tinh dầu chế ogenola dùng trong nha khoa và tổng hợp vanilin.
- Ngày nay, sự gia tăng của các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng thuốc (MDR) đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại, xảy ra do sử dụng kháng sinh bừa bãi, tự ý mua và dùng không đúng liều lượng trong bệnh viện. Các nghiên cứu về tinh dầu hứa hẹn là một liệu pháp thay thế trong việc chống lại các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc, chẳng hạn như S. aureus và E. coli.
- Bên cạnh khả năng kháng sinh, hương nhu trắng còn có khả năng kháng một số loại nấm gây bệnh nấm da trong da liễu như Microsporum canis, M. gypseum, Trichophyton rubrum, T. mentagrophytes.
- Ngoài ra, cây còn cho thấy lợi ích điều trị tiềm năng trong việc làm chậm quá trình viêm, stress oxy hóa và “thu giữ” các gốc tự do trong các bệnh lý mãn tính, tình trạng lão hóa.
Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền
- Theo Y học cổ truyền, hương nhu trắng có vị cay, hơi ôn ấm, quy vào 2 kinh phế và vị.
- Dược liệu này có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo do mắc phong hàn, giảm sốt, lợi thấp hành thủy, đau đầu, đầu bụng, miệng nôn, đi cầu lỏng, chảy máu cam.
Cách sử dụng Hương nhu trắng
- Sau khi thu hoạch về đem đi rửa sạch. Sau đó ắt khúc từ 2 đền 3cm hoặc để nguyên, phơi ở chỗ mát cho đến khô.
- Bên cạnh đó, có thể chưng cất lấy tinh dầu.
Các bài thuốc từ Hương nhu trắng
- Ngày dùng từ 3 đến 8 gram.
- Chữa chứng hôi miệng: hương nhu 10 gram sắc với 200 ml. Dùng làm dung dịch súc miệng và ngậm.
- Cảm mạo do mắc phong hàn: hương nhu 8 gram, pha với nước sôi. Uống đến khi ra mồ hôi là khỏi.
- Hương nhu trắng kết hợp với bồ kết, vỏ bưởi, sả cây làm nước gội đầu giúp tóc mọc chắc khỏe, bóng mượt
Kiêng kỵ
- Người âm hư và khí hư không dùng được.
Hương nhu trắng là loài cây gia vị được người Việt Nam sử dụng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, có những lưu ý khi sử dụng dược liệu này. Cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng bất kì loại dược liệu nào.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Ajayi AM, Ologe MO, Ben-Azu B, Okhale SE, Adzu B, Ademowo OG. Ocimum gratissimum Linn. Leaf extract inhibits free radical generation and suppressed inflammation in carrageenan-induced inflammation models in rats. J Basic Clin Physiol Pharmacol. 2017 Nov 27;28(6):531-541.