Huyết áp tâm thu: Những thông tin cần tìm hiểu
Nội dung bài viết
Huyết áp là một trong những chỉ số sức khỏe thông dụng hiện nay. Nó chủ yếu phản ánh hoạt động của hệ tim mạch trong cơ thể. Nói về huyết áp, chắc hẳn nhiều người đã từng nghe về thuật ngữ “huyết áp tâm thu”. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ trình bày chi tiết hơn về thuật ngữ này nhé!
Hiểu đúng về huyết áp tâm thu
Định nghĩa về huyết áp
Có thể nói rằng từ khóa “huyết áp tâm thu” hiện nay được rất nhiều người tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm Google. Vậy thì trước khi tìm hiểu về thuật ngữ huyết áp này, chúng ta nên biết qua định nghĩa về huyết áp.
Huyết áp là áp lực của máu trong lòng động mạch. Huyết áp được tạo ra chủ yếu nhờ vào sự co bóp của cơ tim. Số đo của huyết áp được ghi lại bằng hai con số. Chỉ số đầu tiên được đo sau khi tim co bóp và là con số cao nhất, được gọi là huyết áp tâm thu. Chỉ số thứ hai còn gọi là huyết áp tâm trương. Con số này được đo giữa hai lần co bóp của tim.
Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng bên cạnh nhịp thở, nhịp tim, độ bão hòa oxy và thân nhiệt. Những chỉ số này gọi chung là dấu hiệu sinh tồn hay sinh hiệu. Đồng thời cũng là những con số đầu tiên mà người bác sĩ quan tâm mỗi khi thăm khám một bệnh nhân.
Huyết áp tâm thu nên hiểu như thế nào cho chính xác?
Vậy thì huyết áp tâm thu (viết tắt là SBP hay Systolic Blood Pressure) là gì? Áp lực do máu chảy qua các mạch máu lớn không phải là một chỉ số cố định mà là động. Đồng thời nó phản ánh liên tục những gì tim đang thực hiện chức năng tại một thời điểm nhất định.
Khi tim đang đập tích cực, nó sẽ đẩy máu vào động mạch. Chính lực đẩy máu vào lòng động mạch dẫn đến tăng áp lực trong động mạch. Huyết áp tối đa đạt được trong quá trình co bóp tích cực của tim được gọi là SBP. SBP bình thường khi một người ngồi nghỉ là không quá 120 mmHg.
Như vậy, huyết áp tâm thu chính là con số biểu hiện hoạt động co bóp của tim. Một khi tim tăng co bóp, bao gồm tăng nhịp và/hoặc tăng cung lượng thì huyết áp tâm thu cũng sẽ tăng theo. Và ngược lại, tim giảm nhịp hoặc giảm cung lượng thì huyết áp tâm thu sẽ giảm.
Huyết áp tâm thu rối loạn là gì?
SBP rối loạn là khi chỉ số huyết áp này tăng cao hoặc hạ thấp hơn so với mức bình thường. Trị số bình thường của huyết áp tâm thu là nằm trong khoảng 90 đến dưới 140 mmHg. Bất kỳ con số nào của huyết áp tâm thu nằm ngoài khoảng sinh lý này đều gọi là bất thường. Đồng thời chứng tỏ cơ thể đang bị rối loạn hoặc mắc một bệnh lý nào đó.
SBP cao
SBP có thể tăng trong một số trường hợp không phải bệnh lý như sau:
- Khi một người đang vận động mạnh, tập thể dục.
- Những lúc căng thẳng tâm lý.
- Bất cứ khi nào khác khi tim được kích thích đập nhanh và mạnh hơn lúc nghỉ, dẫn đến tăng lực co bóp của tim.
SBP tăng xảy ra trong những tình trạng tim căng thẳng là hoàn toàn bình thường. Điều này giải thích vì sao việc đo huyết áp trong lúc nghỉ ngơi, yên tĩnh trước khi chẩn đoán tăng huyết áp là vô cùng quan trọng.
Nếu như huyết áp tăng trên 140 mmHg và hằng định qua nhiều ngày, người đó được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng SBP có thể đơn độc hoặc phối hợp với tăng huyết áp tâm trương. Khi ấy, người bệnh cần phải uống thuốc hạ áp.
SBP thấp
Nếu SBP thấp hơn bình thường thì được gọi là hạ SBP. Nếu hạ huyết áp đủ nặng, nó có thể gây triệu chứng choáng, chóng mặt, ngất hoặc thậm chí suy các cơ quan nếu kéo dài.
SBP tăng cao có nguy hiểm không?
SBP nếu tăng kéo dài và không được điều trị sẽ tiềm ẩn nhiều biến chứng phức tạp. Những biến chứng ấy có thể nhẹ, nhưng cũng có thể nguy hiểm và đe dọa tính mạng. Đặc biệt là trong những trường hợp SBP tăng rất cao, gọi là tăng huyết áp cấp cứu.
Huyết áp tâm thu tăng cao trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, các biến chứng tim mạch và thận. Trong đó, các nguy cơ có thể đe dọa tính mạng bao gồm:
- Đột quỵ não.
- Nhồi máu cơ tim.
- Suy thận cấp.
Những cách giữ SBP ổn định
Sau khi đã rõ về định nghĩa huyết áp tâm thu, bạn đọc nên biết cách để giữ ổn định chỉ số huyết áp này. Bên cạnh việc uống thuốc thì sau đây là những cách giữ ổn định SBP:
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
- Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế muối và mỡ động vật.
- Quản lý tâm trạng, hạn chế căng thẳng, lo âu.
- Hạn chế rượu bia và các thức uống có cồn.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Theo dõi thường xuyên huyết áp tại nhà.
- Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện tình trạng tăng huyết áp và điều trị kịp thời.
Hy vọng những thông tin trong bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về huyết áp tâm thu. Đồng thời, các bạn sẽ biết được sự nguy hiểm của tình trạng huyết áp không ổn định. Từ đó, mọi người sẽ có một lối sống cũng như chế độ ăn uống lành mạnh hơn để ổn định huyết áp và bảo vệ sức khỏe của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
10 ways to control high blood pressure without medication Printhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/high-blood-pressure/art-20046974
Ngày tham khảo: 04/08/2021
-
Isolated systolic hypertension: A health concern?https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/hypertension/faq-20058527
Ngày tham khảo: 04/08/2021
-
Understanding Systolic and Diastolic Blood Pressurehttps://www.verywellhealth.com/systolic-and-diastolic-blood-pressure-1746075
Ngày tham khảo: 04/08/2021