YouMed

Khớp cắn sâu: Nguyên nhân, mức độ nghiệm trọng và cách điều trị

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Cắn sâu quá mức (hay còn gọi là khớp cắn sâu) là một tình trạng răng miệng cực kỳ phổ biến. Tình trạng cắn sâu ở mức độ nhẹ đến trung bình ít gây nguy cơ biến chứng thường không cần điều chỉnh. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng hay vì lý do thẩm mỹ mong muốn khắc phục tình trạng này để mang lại nụ cười hoàn thiện hơn. Việc khắc phục tình trạng cắn sâu quá mức khi trưởng thành có thể cần thêm một chút thời gian và sự kiên nhẫn vì hàm đã phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, có một số lựa chọn điều trị hiệu quả cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Bài viết sau của Bác sĩ Trương Mỹ Linh sẽ giúp bạn hiểu thế nào là khớp cắn sâu, nguyên nhân gây ra nó và các cách điều trị hiệu quả nhất.

Khớp cắn sâu là gì?

Độ cắn sâu được xác định bằng tỉ lệ phủ lên bề mặt của răng cửa hàm trên so với răng cửa dưới theo chiều đứng. Độ cắn sâu bình thường là 2 -3 mm. Cắn sâu tăng khi vượt quá mức này.

Khi độ cắn sâu gia tăng góp phần tạo nên sự bất thường của khớp cắn hoặc là kết quả của sai lệch khớp cắn. Trường hợp này thường gặp ở những người có răng chen chúc, khấp khểnh; hoặc có sự bất tương xứng giữa kích thước, vị trí xương hàm và răng.

Cắn sâu xuất hiện trong sai khớp cắn hạng II.  Dạng sai lệch này phổ biến nhưng ít hơn so với dạng sai lệch loại I (răng cửa mọc chen chúc).

Bác sĩ chỉnh nha đo lường mức độ cắn sâu trên tỷ lệ phần trăm che lấp giữa răng trên và dưới. Cắn sâu quá mức có thể là 30%, 50% hoặc 100%. Tỷ lệ phần trăm càng lớn thì tình trạng cắn sâu càng nghiêm trọng và cần phải điều trị phức tạp hơn.

Phần lớn các tình trạng hô móm có thể được điều trị thành công chỉ với sự can thiệp chỉnh nha thích hợp: đôi khi, một số tình trạng hô móm nặng có thể yêu cầu phẫu thuật răng miệng để đạt được kết quả tốt nhất, ngoài việc chăm sóc chỉnh nha.

cắn sâu
Cắn sâu được xác định theo độ che phủ theo chiều dọc của 2 răng cửa trên dưới

Phân biệt cắn sâu, cắn chìa, cắn ngược

  • Cắn chìa:

Khi có một khoảng trống nằm ngang giữa răng cửa trên và răng cửa dưới (đôi khi người ta gọi đây là “răng nhô”). Những người bị cắn chìa quá mức có thể cũng sẽ bị cắn sâu quá mức.

  • Cắn ngược:

Khi răng cửa trên nằm ở vị trí phía sau răng cửa phía dưới khi miệng khép lại, thay vì phía trước như trong khớp cắn bình thường. Một thuật ngữ khác của là cắn chéo, được sử dụng khi các răng phía sau của hàm trên nằm lệch về mặt lưỡi hơn so với răng hàm dưới.

các bất thường khớp cắn
Các bất thường khớp cắn

Nguyên nhân dẫn đến cắn sâu

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do di truyền; hoặc do bất thường trong quá trình phát triển (các thói quen xấu như: đẩy lưỡi; sử dụng núm vú giả quá mức hoặc mút ngón tay). Hoặc do sự kết hợp cả hai nguyên nhân. Xương bị chèn ép quá mức là kết quả của việc xương hàm phát triển không đều, khiến răng và hàm phát triển không đúng cách.

Có hai nguyên nhân dẫn đến cắn sâu quá mức, bao gồm:

  • Do xương hàm

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng quá mức là do kích thước và hình dạng của răng và hàm của trẻ (di truyền). Kích thước hàm có thể quá lớn hoặc quá ít khoảng trống để có thể răng sắp xếp đúng cách. Nếu không được điều trị, dạng sai lệch này cũng có thể dẫn đến tình trạng răng chen chúc, răng khấp khểnh hoặc răng thưa.

  • Do răng

Những thói quen thời thơ ấu liên quan đến việc đẩy lưỡi vào mặt sau của răng cửa có thể gây ra tình trạng cắn sâu. Các thói quen này bao gồm việc: sử dụng núm vú giả và bình sữa trong thời gian dài; mút ngón tay và tật đẩy lưỡi. Nếu trẻ đã có sẵn cắn sâu do di truyền, những thói quen này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Các nguyên nhân phổ biến khác bao gồm:

  • Mất răng sữa sớm mà không được phục hình, có thể bị dẫn đến lệch lạc.
  • Rối loạn nhịp thở, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, cũng có liên quan đến dạng sai khớp cắn này.
  • Ở mọi lứa tuổi, thói quen cắn móng tay và nhai các vật cứng có thể dẫn đến tình trạng cắn sâu.
  • Nghiến răng quá mức là một trong những nguyên nhân dẫn đến cắn sâu. Tình trạng này làm cho răng dưới chạm vào vòm khẩu cái phía sau răng trên khi ngậm miệng; làm tổn thương xương xung quanh răng cửa trên. Điều này có thể dẫn đến mất răng cửa trên và / hoặc chấn thương răng quá mức.

Các mức độ nghiêm trọng của tình trạng này

Loại cắn sâu Mức độ cắn sâu(mm) Nguyên nhân Phần trăm mức độ nghiêm trọng Yêu cầu can thiệp chỉnh nha
Bình thường 1 đến 3 mm Thường gặp đối với răng bình thường 30% Có thể
Sâu 4-8 mm Do răng hoặc xương 50% Hầu như
Trầm trọng 9 mm trở lên Do răng hoặc xương 100% Bắt buộc

Biến chứng của tình trạng cắn sâu

Tình trạng cắn sâu nên được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu trẻ em không được điều trị sớm, nhiều khả năng sẽ phải phẫu thuật hàm khi trưởng thành. Theo thời gian, bạn cũng có thể bị đau dữ dội, các vấn đề về hàm và tình trạng răng miệng.

Các biến chứng thường gặp của tình trạng cắn sâu quá mức không được điều trị bao gồm:

  • Tăng nguy cơ sâu răng

Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn có tình trạng cắn sâu; có nhiều khả năng bị sâu răng hơn. Điều này là do men răng bị mòn nhanh hơn, tạo môi trường hoàn hảo cho sâu răng hình thành.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng

Trong tình trạng răng trước cắn sâu nghiêm trọng, các răng cửa dưới thường tiếp xúc với đường viền nướu ở mặt sau của răng cửa trên. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tụt nướu. Đó là khi mô nướu di chuyển về phía chóp răng và để lộ nhiều chân răng hơn. Bệnh nướu răng, chẳng hạn như viêm nướu hoặc bệnh nha chu, có nhiều khả năng phát triển hơn.

  • Đau hàm dữ dội & rối loạn thái dương hàm (TMJ)

TMJ gây ra đau dữ dội và rối loạn chức năng ở hàm và các cơ kiểm soát chuyển động của hàm. Nếu không điều trị cắn sâu quá mức, TMJ có thể hình thành theo thời gian. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: đau hàm, cổ và mặt, cứng khớp, đau đầu và đau tai.

Đau quai hàm do TMJ
Đau quai hàm do TMJ

 Các biến chứng khác khi không được điều trị bao gồm:

  •  Khó khăn khi nhai, nói và nuốt.
  •  Đau đầu dữ dội và khó chịu.
  •  Răng khấp khểnh và thay đổi cấu trúc miệng.

Các cách điều trị

Việc lựa chọn loại điều trị phụ thuộc vào: độ tuổi của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của tình trạng lệch lạc và nguyên nhân do xương hay răng. Việc khắc phục tình trạng cắn sâu quá mức càng sớm thì càng ít có khả năng phát triển: sâu răng, bệnh nướu răng và TMJ. Các chuyên gia chỉnh nha khuyên rằng nên đợi cho đến khi trẻ được bảy tuổi mới tìm cách điều trị (khi răng sữa bắt đầu rụng và răng vĩnh viễn mọc lên). Người lớn vẫn có thể điều trị nhưng các lựa chọn bị hạn chế vì răng và hàm đã phát triển đầy đủ. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân, phẫu thuật thường là cần thiết cho người lớn.

Các lựa chọn điều trị phổ biến cho cắn sâu quá mức bao gồm:

  • Nhổ răng

Nhổ răng sữa là một lựa chọn điều trị phổ biến cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ có hàm nhỏ hơn, nhổ răng sẽ tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc thẳng hàng. Các bác sĩ chỉnh nha không khuyến khích loại bỏ răng vĩnh viễn ở người lớn. Mặc dù, trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải nhổ răng để cho phép răng di chuyển dễ dàng.

  • Niềng răng mắc cài

Niềng răng mắc cài giúp điều trị thành công hầu hết các tình trạng hô, móm. Các khí cụ chỉnh nha này tạo áp lực nhẹ nhàng để điều chỉnh các răng vào vị trí thẳng hàng chính xác. Điều trị niềng răng kéo dài từ 18 tháng đến ba năm. Việc sử dụng khí cụ bổ trợ trong miệng (thiết bị Herbst) kết hợp với niềng răng, cũng rất phổ biến.

  • Niềng răng khay trong suốt

Nếu bạn đang tìm kiếm một lựa chọn điều trị thẩm mỹ hơn thì niềng răng bằng khay trong suốt có thể là một lựa chọn tốt cho bạn.  Tham khảo nha sĩ của bạn để xem liệu bạn có phù hợp với điều trị này hay không.

  • Khí cụ ngoài mặt Headgear

Ngoài niềng răng, mũ đội đầu headgear có thể cần thiết trong việc điều trị cắn sâu.  Loại mũ này bao gồm một dây đeo quanh cổ và gắn vào mắc cài của bệnh nhân. Thiết bị giúp giữ răng và hàm trên của bệnh nhân ở đúng vị trí trong khi hàm dưới dịch ra phía trước.

Khí cụ Headgear

  • Phẫu thuật hàm (Phẫu thuật chỉnh hình)

Phẫu thuật hàm là lựa chọn điều trị phức tạp và tốn kém nhiều chi phí. Những người trưởng thành bị hô quá mức và hàm phát triển đầy đủ thường phải phẫu thuật.  Phẫu thuật chỉnh hình sẽ bao gồm các bước như: khám, chụp X-quang và gây mê toàn thân. Sau đó xương hàm sẽ được bác sĩ phẫu thuật răng miệng cắt, tạo hình và định vị lại. Đây là loại phẫu thuật nhằm mục đích chỉnh hình; cần điều trị phối hợp giữa bác sĩ chỉnh nha và bác sĩ phẫu thuật răng miệng.

Ngoài việc tốn kém, nó cũng có thể mất vài tháng để phục hồi. May mắn thay, hầu hết các trường hợp khớp cắn sâu không cần phẫu thuật và có thể được xử lý hiệu quả bằng cách sử dụng một trong các điều trị trên.

  • Khí cụ duy trì

Mặc dù những khí cụ duy trì không thể sửa chữa được tình trạng cắn sâu quá mức; nhưng chúng rất quan trọng để duy trì kết quả sau khi đã điều trị cắn sâu bằng chỉnh nha. Dù niềng răng mắc cài hay máng trong suốt, bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu đeo các khí cụ để duy trì kết quả điều trị. Bác sĩ chỉnh nha sẽ hẹn bạn tái khám sau 6 tháng để theo dõi kết quả của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn sử dụng khí cụ duy trì đúng cách để tình trạng cắn sâu quá mức không tái phát trở lại.

Khớp cắn sâu có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề răng miệng và thẩm mỹ. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của các phương pháp điều trị nha khoa như: chỉnh nha, phẫu thuật,… vấn đề này hầu như sẽ được khắc phục. Tốt nhất việc điều trị nên được tiến hành càng sớm càng tốt để tránh được hậu quả của tình trạng khớp cắn sâu kéo dài. Trong mọi trường hợp, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ để xác định kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Overbite: Symptoms, Diagnosis and Orthodontic Treatmenthttps://diamondbraces.com/conditions/deep-overbite/

    Ngày tham khảo: 20/05/2020

  2. Overbites: Causes, Complications & How To Fix Themhttps://www.newmouth.com/orthodontics/malocclusion/overbite/

    Ngày tham khảo: 20/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người