YouMed

Sâu răng là gì? Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

bác sĩ nguyễn thiên phước
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thiên Phước
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Sâu răng là một trong các bệnh thường gặp nhất, thông thường mỗi người đã từng bị ít nhất một lần trong đời. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng trong đó dễ nhận thấy là đau nhức, tạo lỗ sâu trên răng. Ngoài ra, răng sâu có thể đổi màu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bạn kém tự tin.

Đó cũng chính là những lý do thường gặp nhất khiến bạn phải đi gặp bác sĩ Răng Hàm Mặt. Khi đi khám răng, bạn có thể đã được tư vấn một loạt các điều trị tốn kém tiền bạc và thời gian. Điều này thật sự không thú vị chút nào! Bạn có mong muốn một hàm răng khỏe, đẹp hay không?

1. Sâu răng là gì?

Đây là bệnh nhiễm trùng ở răng, phá hủy cấu trúc răng, mà dấu hiệu thường thấy nhất là tạo lỗ sâu trên răng. Nó tương tự như việc bạn bị một vết thương rách da và bị nhiễm trùng vậy, nhưng thay vì da thì tình trạng này xảy ra trên răng.

Lỗ sâu màu đen trên răng
Lỗ sâu màu đen trên răng

2. Nguyên nhân gây sâu răng

Sâu răng là bệnh với quá trình tiến triển theo thời gian. Nguyên nhân chủ đạo là do vi khuẩn. Chúng tiêu hóa chất dinh dưỡng, được lên men từ mảnh vụn thức ăn, đồ uống chứa đường. Chúng tạo ra chất a-xít, làm phá hủy răng, dần dần hình thành lỗ.

Có những yếu tố ảnh hưởng gây ra tình trạng sâu răng:

  • Thói quen vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém làm đọng thức ăn. Đó chính là môi trường lý tưởng, cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn gây bệnh.
  • Chế độ ăn uống: Nếu bạn ăn nhiều thức ăn giàu tinh bột, kẹo hay nước ngọt và đặc biệt ăn nhiều lần trong ngày thì cần thay đổi thói quen này. Thức ăn dẻo, gây dính, khó làm sạch cũng tăng nguy cơ làm răng bị sâu.
  • Răng chen chúc: Điều này khiến cho việc làm sạch răng, loại bỏ mảnh vụn thức ăn khó hiệu quả.
  • Một số bệnh lý khác: Trào ngược dạ dày – thực quản, đái tháo đường, khô miệng, xạ trị vùng đầu cổ… gây ra sự thay đổi hệ vi khuẩn trong miệng, làm suy yếu cấu trúc răng, làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm sự tự làm sạch thức ăn của nước bọt.

3. Triệu chứng bệnh như thế nào?

Sâu răng là một quá trình theo thời gian, do vậy triệu chứng cũng thay đổi đa dạng. Giai đoạn sớm là sự thay đổi màu sắc răng. Dấu hiệu này dễ nhận thấy ở vùng răng phía trước vì dễ quan sát hơn răng phía sau.

Tiếp theo là hình thành lỗ trên bề mặt men răng, bạn có thể cảm nhận được rõ ràng bằng lưỡi hoặc nhìn thấy. Nếu không điều trị, lỗ sâu tiếp tục phá hủy sâu hơn, lan tới ngà răng. Lúc này xuất hiện những cơn đau rất ngắn khi hai hàm cắt chặt, lúc nhai, ăn hay uống thức ăn nóng, lạnh, chua.

Triệu chứng thường gặp nhất là đau răng
Triệu chứng thường gặp nhất là đau răng

Giai đoạn trễ, khi lỗ sâu lan đến tủy, đau sẽ tồi tệ hơn. Xuất hiện những cơn đau âm ỉ, dài hơn ngay cả khi không ăn nhai. Tình trạng đau có thể giảm hoặc mất hẳn sau giai đoạn này, khi đó tủy răng đã chết.

Tuy nhiên đó chỉ là những dấu hiệu đánh lừa bạn. Nhiễm trùng tủy răng có thể lan từ răng ra xương hàm và phần mềm, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy bạn cần được chẩn đoán sớm để tránh những biến chứng và tiết kiệm chi phí, thời gian điều trị.

4. Chẩn đoán bệnh ra sao?

Sâu răng thật dễ chẩn đoán, vì chỉ cần nhìn thấy lỗ là biết có bệnh đúng không nào các bạn? Nhưng thật sự thì không như vậy, vì tùy thuộc vào vị trí và mức độ sâu. Sâu các răng phía trong, ở những vùng kẻ giữa hai răng hay giai đoạn sớm, chưa có dấu hiệu rõ ràng thì rất khó để chẩn đoán và cần Bác sĩ có chuyên môn đấy.

Bệnh càng nặng thì chi phí và thời gian điều trị càng tăng. Do vậy cần có phương pháp chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán răng bị sâu trên lâm sàng
Chẩn đoán răng bị sâu trên lâm sàng

Hiện nay, đa số chúng ta đến phòng khám khi răng có dấu hiệu như lỗ sâu, đau. Bác sĩ sẽ khám trong miệng thì chẩn đoán được bệnh. Để chẩn đoán bệnh sớm, ở các vị trí khó quan sát, bạn cần được chụp phim X-quang.

Bạn hãy yên tâm vì liều tia phóng xạ trong chụp phim nha khoa rất nhỏ. Đây là những phương pháp truyền thống để chẩn đoán. Ngoài ra, có những phương pháp hiện đại hơn để phát hiện bệnh: Laser, ánh sáng sợi quang, đo độ dẫn điện răng… 

5. Điều trị sâu răng như thế nào?

Khi bạn được chẩn đoán răng bị sâu, bác sĩ răng hàm mặt sẽ tư vấn phương án điều trị. Điều này phụ thuộc vào mức độ phá hủy răng, tủy răng đã chết chưa. Và yếu tố thẫm mỹ quan trọng lúc này là răng phía trước hay phía sau.

Đối với lỗ sâu nhỏ, thông thường chỉ cần lấy phần bị sâu trám lại là đủ. Những răng ở phía trước, khi bạn cười răng sẽ lộ ra, do vậy cần quan tâm yếu tốt thẩm mỹ. Những răng này sẽ được trám bằng composite – vật liệu trám có màu tương đồng với màu răng. Các răng phía sau, do không nhìn thấy, có thể lựa chọn những vật liệu khác.

Khi sâu răng vào đến tủy, trám răng sẽ không giải quyết được vấn đề. Lúc này cần một điều trị tốn kém về chi phí và thời gian hơn, đó là nội nha hay còn gọi là lấy tủy. Sau khi nội nha, răng sẽ không giữ được độ cứng chắc như răng còn sống. Do vậy Bác sĩ thông thường sẽ tư vấn cho bạn bọc răng sứ trên răng đã được nội nha.

Nếu lỗ sâu quá lớn, không thể giữ được, lúc này răng cần được nhổ đi. Tuy vậy, đối với sâu răng giai đoạn sớm, khi chưa hình thành lỗ, chỉ cần bạn giữ vệ sinh răng miệng tốt mà không cần thêm bất cứ hình thức điều trị nào. Do đó, phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng!

Khám răng định kỳ
Khám răng định kỳ

6. Phòng ngừa sâu răng thế nào cho hiệu quả?

Bạn có thể tự làm những điều sau đây để phòng ngừa bệnh:

  • Giữ vệ sinh răng miệng tốt: Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày, đặt biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Bạn bên sử dụng kem chải răng chứa Flo. Bạn có thể lựa chọn thêm một vài biện pháp hỗ trợ như: dùng bàn chải kẻ, chỉ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng…
  • Chế độ ăn lành mạnh: Hạn chế những đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường. Vì đây là những thực phẩm tạo môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển. Những đồ uống có ga như Coca, Pepsi không những chứa nhiều đường mà còn có độ a-xít cao (độ pH nhỏ hơn 3), làm cho răng thêm suy yếu. Bạn nên ăn nhiều rau, củ, quả, sữa. 

Tuy vậy để phòng ngừa sâu răng hiệu quả, chỉ mình bạn thôi là chưa đủ. Cần có sự hợp tác tốt giữa bạn và bác sĩ Răng hàm mặt của bạn. Do đó bạn nên đi khám răng định kỳ để nhận được những biện pháp dự phòng chuyên sâu như:

  • Áp gel Flo: Với cơ địa răng dễ bị sâu, cần áp gel Flo lên răng. Việc dự phòng này chỉ được thực hiện tại phòng khám.
  • Chỉnh hình răng (niềng răng): Nếu bạn có bộ răng với nhiều răng lệch lạc, việc vệ sinh răng rất khó và ít hiệu quả. Do vậy chỉnh hình răng để có một bộ răng đều đặn là một biện pháp dự phòng tốt.

Tóm lại, sâu răng là bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn lên men đường, tạo a-xít phá hủy răng và tạo lỗ. Triệu chứng thường gặp là thay đổi màu sắc, tạo lỗ sâu và đau. Bệnh gây khó chịu, tốn kém chi phí và thời gian điều trị, ảnh hưởng thẩm mỹ.

Do vậy, bạn cần dự phòng tốt và điều trị sớm khi được chẩn đoán bệnh. Việc thay đổi thói quen ăn uống, giữ vệ sinh răng miệng sẽ giúp ích lớn để dự phòng bệnh sâu răng. Thêm vào đó việc đi khám răng miệng định kỳ, để được Bác sĩ tư vấn, áp dụng các biện pháp dự phòng chuyên sâu cũng rất quan trọng. Chúc các bạn luôn giữ được hàm răng đẹp và khỏe mạnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Zhou Xuedong (2016), “Dental Caries: Principles and Managemant”. Springer, pg 39-40, 44-46, 59-68, 76-77, 86-88.

  2. Avanija Reddy (2016), “The pH of beverages available to the American consumer”, J Am Dent Assoc, 147(4): pg 255–263.

  3. Tooth decay: Causes, symptoms, and preventionhttps://www.altimadental.com/tooth-decay-causes-symptoms-prevention/

    Ngày tham khảo: 07/03/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người