Kiều mạch và những tác dụng chữa bệnh mà bạn nên biết
Nội dung bài viết
Kiều mạch là một loại cây thân thảo, quả có 3 góc nên còn được gọi là Mạch ba góc. Cây có hoạt chất chính là Rutin- một chất có tác dụng bảo vệ sức bền thành mạch máu và cải thiện tình trạng tăng huyết áp.
Kiều mạch là cây gì?
Tên gọi
Tên khoa học: Fagopyrum esculentum Moench. Họ Rau răm ( Polygonaceae)
Kiều mạch ở nhiều nơi còn có tên là tam giác mạch, lúa mạch đen, mạch ba góc, sèo.
Mô tả cây
Cây thân thảo có nhiều cành, thân cây có thể cao từ 0,4m tới 1,7m. Thân hình trụ, màu xanh hoặc đỏ. Lá đơn nguyên mọc cách, phiến lá hình tim hoặc mũi giáo, mép lá nguyên. Lá mọc bên dưới thân thường có phiến hình tim, có cuống lá, bẹ lá. Lá mọc phía trên ngọn cây thường có hình mũi giáo và không có cuống. Hoa tự chùm mọc ở đầu nhánh hoặc nách lá. Hoa đơn tính, vòng bao hoa màu trắng hoặc đỏ phớt hồng.
Quả khô có 3 góc gồm 2 lần vỏ, lớp vỏ ngoài đen xám khi già, lớp vỏ hạt vỏ trong mọng, màu trắng vàng. Hạt có nội nhũ bột lớn, phôi thẳng, hình lá xếp nếp.
Phân bố, thu hái
Kiều mạch có thể phân bổ ở độ cao lên tới 2200m. Cây được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ 15. Ở VIệt Nam, cây được trồng ở vùng núi cao phía bắc các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Cây sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ẩm, mát với nhiệt độ 15-22 độ C, sức chịu lạnh yếu. Mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa quả từ tháng 6 đến tháng 11, ở một số khu vực mùa hoa quả có thể muộn hơn
Bộ phận dùng
Có thể dùng toàn cây nhưng chủ yếu là dùng lá và hoa để chiết Rutin.
Ở một số vùng, kiều mạch còn được trồng đề lấy hạt thay lúa ngô làm thức ăn cho người và gia súc. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng làm lương thực thì cơ thể rất mệt mỏi.
Thành phần hóa học
Các bộ phận đều chứa một loại Glycosid là rutosid hay rutin. Tỉ lệ rutin thay đổi tùy theo bộ phận, mùa thu hái và cách phơi sấy. Theo Couch (1944), tỷ lệ rutin trong lá và hoa chiếm cao nhất (6,37%) thì riêng trong lá là 7,72%, trong hoa là 4,15%; còn trong thân chiếm tỉ lệ thấp nhất (0,4%).
Trong quá trình phát triển của cây tỷ lệ rutin cũng thay đổi; cao hất khi hoa mới nở. Thời gian và nhiệt độ phơi sấy cũng ảnh hưởng đến hàm lượng hoạt chất trong cây. Nếu phơi nhanh ở nhiệt độ cao ( 90 – 105 oC) thì tỷ lệ hao hụt là ít nhất.
Rễ chứa oxymethyl anthraquinon. Bột quả chứa protein có giá trị sinh học khoảng 90%; đường khử 2%, tinh bột 65% ( amyloza, amylopectin). Ngoài ra trong hạt còn chứa nhiều loại chất khoáng khác như sắt, kẽm, selen…
Tính vị, quy kinh
Vị chát, hơi cay, tính bình. Quy vào kinh Tỳ, Vị, Đại trường
Tác dụng của Kiều mạch
Dùng kiều mạch để làm gì?
Kiều mạch có tác dụng tiêu thũng, giải độc, thanh nhiệt, lợi thấp. Lá cây được người dân nhiều nơi sử dụng để nấu canh ăn giúp sáng mắt, thính tai, tiêu sưng, chữa mụn nhọt, lở loét ngoài da… Đa phần cây được trồng để thay thế ngô lúa làm thức ăn cho người và gia súc. Ở các nước Châu Âu thường sử dụng cây để chiết xuất rutin
Tác dụng dược lý được nghiên cứu
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh các thành phần trong kiều mạch có tác dụng giảm cholesterol máu, hạ áp, chống oxy hóa, cải thiện chức năng tiêu hóa và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường…
- Tác dụng giảm cholesterol và hạ áp: Sự hiện diện của rutin trong thành phần hóa học của kiều mạch là nguyên nhân khiến cây có tác dụng tăng bảo vệ sức chịu đựng của thành mạch, làm bền vững thành mạch, ngăn ngừa bệnh tim mạch, hạ cholesterol trong máu, thúc đẩy tuần hoàn.
- Tác dụng chống oxy hóa: Các polyphenol trong kiều mạch có tác dụng chống oxy hóa. Các chất này góp phần chống thoái hóa tế bào thần kinh và bảo vệ gan, bảo vệ DNA và giúp ngăn ngừa các tế bào ung thư.
- Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường: Nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh được lượng đường trong hạt kiều mạch thấp hơn các loại hạt ngũ cốc khác. Vì thế có thể sử dụng hạt này cho các đối tượng bị đái tháo đường để kiểm soát và cân bằng chế độ ăn tiết chế glucose
- Cải thiện chức năng tiêu hóa: trong kiều mạch cũng chứa một lượng chất xơ cao, có khả năng cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, giảm đầy bụng khó tiêu, ngăn ngừa một số viêm nhiễm và các rối loạn đường ruột khác.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và lời giải đáp từ bác sĩ
Cách sử dụng Kiều mạch
Theo một số tài liệu ghi nhận, cây kiều mạch cũng có 2 loại. Một loại có vị đắng, trước khi dùng phải luộc kỹ, bỏ nước đầu. Loại thứ hai còn gọi là “mạch ngọt” ít đắng hơn, có thể dùng ăn trực tiếp mà không cần qua giai đoạn luộc bỏ nước.
Bài thuốc từ Kiều mạch
- Chữa cơ thể suy nhược, ra mồ hôi trộm: 500g bột trộn một ít đường đỏ và nước nhào thành bánh, nướng chín và ăn liên tục trong vài ngày
- Chữa ban xuất huyết, xuất huyết đáy mắt và huyết áp cao: 4 ngó sen và 100g lá tươi, đem sắc uống trong ngày
- Chữa khí hư ở phụ nữ: có thể dùng một trong hai cách sau: trộn bột kiều mạch lượng vừa đủ với long trắng trứng gà, sau đó hấp chín, ăn khi nóng. Hoặc sao vàng hạt rồi tán thành bột, dùng bột này mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 8-12g
- Dùng bột kiều mạch thay sữa rửa mặt: bột kiều mạch trộn với một ít nước tạo thành hỗn hợp sệt như cháo, sau đó dùng hỗn hợp này như một loại sữa rửa mặt, massage mặt để dưỡng chất được hấp thu, sau đó rửa lại với nước sạch
Lưu ý khi sử dụng Kiều mạch
- Cần thận trọng khi dùng cho người có thể trạng yếu, mắc bệnh ung thư và người có cơ địa dễ dị ứng, người tỳ vị hư hàn.
- Theo kinh nghiệm dân gian, trong thời gian dùng kiều mạch, nên kiêng cử phèn chua và thịt heo.
- Một số nghiên cứu cho thấy, hạt kiều mạch có chứa sắc tố huỳnh quang màu đỏ. Khi ăn vào có dấu hiệu đau cổ họng, dị ứng ánh sáng, rát mũi, viêm niêm mạc mắt và viêm phế quản vì vậy khi sử dụng cũng nên thận trọng.
- Mặc dù hạt chứa hàm lượng dinh dưỡng cao tuy nhiên không nên ăn một loại kiều mạch mà nên trộn với các loại ngũ cốc khác ( hạt ngô, gạo) để giảm tính nê trệ, giảm mệt mỏi.
Kiều mạch là loại cây ngũ cốc với giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, với hoạt chất rutin và một số polyphenol khác, kiều mạch còn có giá trị trong điều trị và ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, chống xơ vữa mạch máu, chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư. Bạn nên tìm hiểu và tham vấn ý kiến chuyên gia để có thể sử dụng vị thuốc này một cách hiệu quả và an toàn nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Trần Văn Kỳ (2005), Dược học cổ truyền, NXB Y học, TP..HCM
Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học.