Kim thất tai: Loài rau quen thuộc với công dụng bất ngờ
Nội dung bài viết
Kim thất tai (hay còn gọi là Bầu đất) là một loại rau thường dùng trong gia đình. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về công dụng tuyệt vời của vị thuốc này. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này
Giới thiệu về Kim thất tai
Tên gọi khác: Tam thất giả, rau tàu bay, bầu đất, thiên hắc địa hồng, cây lá đắng, nam phi diệp, khảm khon, dây chua lè, rau lúi.
Tên khoa học: Cacalia procumbens Lour.
Họ khoa học: thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả toàn cây
Đây là cây thảo mọc bò và hơi leo, chiều cao có khi đến 1m. Thân mọng nước và phân làm nhiều cành. Lá dày, dòn, thuôn hình trứng, đỏ tím ở mặt dưới, hơi tía ở mặt trên và xanh ở các gân. Có khi dài 3 – 8 cm, rộng 1,5 – 3,5 cm, khía răng ở mép; cuống dài cỡ 1cm. Cụm hoa ở ngọn cây mọc thành ngù kép, gồm nhiều đầu màu tía, các hoa trong đầu hoa hình ống, màu vàng da cam. Lá bắc ngoài hình sợi, dài 6 mm, lá bắc phía trong 8 – 12 chiếc. Quả bế có ba cạnh, hình trụ, có 10 sống, mang một mào lông trắng ở đỉnh.
Cây thường ra hoa kết quả vào mùa xuân – hè.
Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến
Kim thất tai phân bố hầu hết ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta, thảo dược này mọc hoang dại, nhưng cũng thường được trồng làm rau ăn và làm thuốc. Người ta thu hái cả cây vào mùa hạ, có thể dùng tươi hay phơi khô.
Bộ phận dùng làm thuốc: toàn cây
Thành phần hóa học trong Kim thất tai
Thành phần hóa học bao gồm saponin, tannin, glycoside, alkaloid và vitamin như A, E, C, B1, B2. Ngoài ra, dược liệu này còn chứa các hoạt chất có tác dụng sinh học như Flavonoid, anthraquinone, coumarin, terpene, sesquiterpen, phenolic, xanthone, sesquiterpene, steroid, edotide,… Lá cây chứa các chất khoáng như selenium, magnesium, manganese, chromium,…
Tác dụng của Kim thất tai
Y học hiện đại
Kim thất tai đã được nghiên cứu với nhiều tác dụng. Gồm các tác dụng như sau:
Có tác dụng giảm huyết áp: các nghiên cứu cho thấy dược liệu này có tác dụng hạ đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp trung bình trên chuột. Cơ chế hoạt động của nó tương tự như các thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin.
Bảo vệ tim: Làm giảm đáng kể nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, giảm hiệu ứng co cơ âm tính. Cơ chế bảo vệ thông qua ức chế hệ renin – angiotensin và chẹn kênh calci đóng vai trò sinh lý bệnh trong tăng huyết áp.
Giảm đường huyết: Dược liệu đã được chứng minh làm giảm đường huyết đói và ức chế tăng đường huyết sau test dung nạp đường. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy thảo dược này kích thích bài tiết insulin trong máu có tác dụng làm giảm đường huyết. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cho thấy dược liệu làm tăng hấp thu đường vào các tế bào mỡ và tăng nhạy cảm insulin ở mô mỡ.
Trị vô sinh: các nghiên cứu cho thấy tác dụng làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, giảm tỉ lệ tinh trùng chết ở chuột bị tiểu đường. Đồng thời làm tăng ham muốn ở chuột được điều trị. Bên cạnh đó làm tăng hoạt động của men LDH đóng vai trò trung tâm trong tăng sinh tinh trùng.
Kháng khuẩn: Dược liệu này có khả năng ức chế được các chủng ký sinh trùng sốt rét, virus và khuẩn kháng thuốc bao gồm Bacillus cereus, Pseudomonas aeruginosa, Vibrio parahaemolyticus, Salmonella typhi. Một số nấm như Candida albicans và Aspergillus.
Bảo vệ chức năng gan thận: có tác dụng thông qua việc ức chế tăng sinh các tế bào trung mô gây xơ hóa, giảm tích tụ mỡ ở gan.
Y học cổ truyền
Kim thất tai có vị đắng thơm, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm.
Cách dùng và liều dùng của Kim thất tai
Người ta thường dùng cành lá, ngọn non chần qua nước sôi, xào hoặc nấu canh cua; cũng dùng làm rau trộn dầu giấm. Canh Kim thất tai được xem như là bổ, mát.
Ở Campuchia, thân và lá được dùng phối hợp với những vị thuốc khác để hạ nhiệt, trong chứng sốt phát ban như các bệnh sởi, tinh hồng nhiệt. Ở Malaysia, người ta cũng dùng lá trộn với dầu giấm để ăn và cũng dùng cây để trị lỵ. Còn ở Java người ta dùng nó để trị bệnh đau thận
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Theo Đỗ Tất Lợi liều dùng một ngày có thể từ 30 – 40 g hoặc hơn.
Một số bài thuốc kinh nghiệm chứa Kim thất tai
1. Ðái són, đái buốt, trẻ em đái dầm
Dược liệu tươi 80 g, sắc nước uống.
2. Chữa phụ nữ viêm bàng quang, khí hư, bạch đới
Dược liệu sắc nước uống với bột Thổ tam thất và ý dĩ sao với liều bằng nhau, mỗi lần 10 – 15 g ngày uống 2 lần.
3. Trị đau lưng, nhức mỏi
Dùng khoảng 10 ngọn Kim thất tai, thái nhỏ và nấu canh ăn. Sử dụng canh này tỏng vài ngày, giúp giảm đau nhức.
4. Trị tiêu chảy, đau bụng
Sử dụng 10 lá thảo dược này nhai nhuyễn hoặc giã nát, vắt lấy nước uống. Biểu hiện đau bụng, tiêu chảy sẽ giảm sau đó 30 phút.
5. Điều trị bong gân
Dùng 2 ngọn Kim thất tai, giã nát và đắp lên chỗ bong gân.
6. Chữa chứng mất ngủ
Sử dụng ngọn Kim thất tai ăn sống hoặc dùng chế biến món ăn đều được, giúp cải thiện chứng mất ngủ.
7. Trị mụn ngứa, vết cắn côn trùng, vết thương bị chảy máu
Có thể hái một nắm lá Kim thất tai, sau đó rửa sạch, vò nát và đắp lên vết thương khoảng 30 phút.
8. Điều trị ngộ độc thức ăn
Cho 6 – 8 ngọn Kim thất tai vào máy xay sinh tố, thêm 100 – 200 ml nước, xay nhuyễn. Sau đó, chia làm 2 lần và uống cách nhau 2 giờ.
9. Chữa đau răng
Dùng một ngọn Kim thất tai, giã nát và ngậm vào chỗ bị đau răng, giảm giảm đau và sưng.
10. Điều trị viêm đại tràng mãn tính
Xay 6 ngọn Kim thất tai chung với 120 ml nước. Chia đều, uống sáng và tối.
11. Chữa thấp khớp kinh niên
Dùng lá Kim thất tai xay uống mỗi buổi tối giúp giảm đau nhanh chóng.
Lưu ý khi sử dụng Kim thất tai
Trước khi dùng dược liệu cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ nếu:
- Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây kim ngân hoặc các loại thuốc, thảo mộc khác.
- Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác.
- Bạn bị dị ứng với bất kỳ yếu tố nào như: thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay lông động vật…
Kim thất tai là một vị thuốc quý nhưng vẫn còn chưa được nhiều người biết tới. Hi vọng với bài viết trên có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về tác dụng tuyệt vời của dược liệu này
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- 3033 Cây thuốc Đông Y. Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Hoe SZ, Kamaruddin MY, Lam SK. Inhibition of angiotensin-converting enzyme activity by a partially purified fraction of Gynura procumbens in spontaneously hypertensive rats. Med Princ Pract. 2007; 16(3):203-8.
- Abrika OS, Yam MF, Asmawi MZ, Sadikun A, Dieng H, Hussain EA. Effects of extracts and fractions of Gynura procumbens on rat atrial contraction. J Acupunct Meridian Stud. 2013 Aug; 6(4):199-207.
- Poh TF, Ng HK, Hoe SZ, Lam SK. Gynura procumbens causes vasodilation by inhibiting angiotensin II and enhancing bradykinin actions. J Cardiovasc Pharmacol. 2013 May; 61(5):378-84.
- Ng HK, Poh TF, Lam SK, Hoe SZ. Potassium channel openers and prostacyclin play a crucial role in mediating the vasorelaxant activity of Gynura procumbens. BMC Complement Altern Med. 2013 Jul 23; 13():188.
- Algariri K, Atangwho IJ, Meng KY, Asmawi MZ, Sadikun A, Murugaiyah V. Antihyperglycaemic and Toxicological Evaluations of Extract and Fractions of Gynura procumbens Leaves. Trop Life Sci Res. 2014 Aug; 25(1):75-93.
- Algariri K, Meng KY, Atangwho IJ, Asmawi MZ, Sadikun A, Murugaiyah V, Ismail N. Hypoglycemic and anti-hyperglycemic study of Gynura procumbens leaf extracts.. Asian Pac J Trop Biomed. 2013 May; 3(5):358-66.
- Hamid M., Saufi M., Nik Musaadah M. (2004). Study on antidiabetic properties of Gynura procumbens Merr, in 18 Seminar of the Malaysian Natural Products Society.
- Bohari M., Pauliena S., Hamid M., Shaari K., Lajis N. (2006). Glucose uptake: stimulatory activity of Gynura procumbens in 3T3-F442A adipocytes, in Malaysian Medicinal Plant: Chemistry and Biological Activity. UNIMAS and Malaysian Natural Products Society.
- Sani H. A., Darus N. A., Noor M. M., Ismail I. I. (2008). Gynura procumbens leaves aqueous extract decreased blood glucose level and increased sperm quality in diabetic-induced rats. Sains Malays. 37, 435–441.
- Hakim P., Sani H. A., Noor M. M. (2008). Effects of Gynura procumbens extract and glibenclamide on sperm quality and specific activity of testicular lactate dehydrogenase in streptozotocin-induced diabetic rats. Malaysian J. Biochem. Mol. Biol. 16, 10–14.
- Kaur P, Bansal MP. Influence of selenium induced oxidative stress on spermatogenesis and lactate dehydrogenase-X in mice testis. Asian J Androl. 2004 Sep; 6(3):227-32.
- Agustina D., Wasito H. S., Supatinah A. (2006). Anticarcinogenesis effect of Gynura procumbens (Lour) Merr on tongue carcinogenesis in 4NQO-induced rat. Dent. J. 39, 126–132. 10.2174/2210315511202040247.
- Tan LT, Lee LH, Yin WF, Chan CK, Abdul Kadir H, Chan KG, Goh BH. Traditional Uses, Phytochemistry, and Bioactivities of Cananga odorata (Ylang-Ylang).. Evid Based Complement Alternat Med. 2015; 2015():896314.
- Lee H. J., Lee B. C., Chung J. H., Wiryowidagdo S., Chun W., Kim S. S., et al. (2007). Inhibitory effects of an aqueous extract of Gynura procumbenson human mesangial cell proliferation. Korean J. Physiol. Pharmacol. 11, 145–148.
- Li XJ, Mu YM, Li TT, Yang YL, Zhang MT, Li YS, Zhang WK, Tang HB, Shang HC. Gynura procumbens Reverses Acute and Chronic Ethanol-Induced Liver Steatosis through MAPK/SREBP-1c-Dependent and -Independent Pathways.. J Agric Food Chem. 2015 Sep 30; 63(38):8460-71.