YouMed

Nhiễm nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách phòng ngừa

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Candida albicans là một trong những vi sinh vật có khả năng tồn tại trên cơ thể con người. Vậy nấm Candida có nguy hiểm không? Nhiễm nấm Candida do nguyên nhân là gì? Điều trị nhiễm nấm Candida như thế nào? Những thông tin về Candida sẽ được bật mí trong bài viết sau của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh.

Tổng quan về nấm Candida

Nấm Candida là gì?

Nấm Candida thuộc nhóm nấm men. Trong đó, loại nấm Candida được biết đến nhiều nhất là Candida albicans. Trong tiếng Latinh, “albicans” có nghĩa là trắng. Bởi lẽ chúng sẽ có màu trắng khi nuôi cấy trên lam.1 Chúng có hình bầu dục hay hình oval. Kích thước trung bình của nấm Candida khoảng 2-4 micromet.2 Candida tồn tại trong tự nhiên rất đa dạng trong hoa quả, rau xanh, những đồ uống lên men.

Nấm Candida thuốc nấm men, có dạng hình bầu dục
Nấm Candida thuốc nấm men, có dạng hình bầu dục

Nó có thể ký sinh và gây bệnh ở mọi vị trí trong cơ thể con người, gây bệnh từ nhẹ đến nặng, từ cấp tính sang mãn tính. Nhiều bệnh nhân lo lắng rằng nấm Candida sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của nấm Candida phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hệ miễn dịch của người bệnh và các loại nấm men khác nhau.

Nhiễm nấm Candida là gì?

Nấm Candida thường trú trên da và những cơ quan khác của cơ thể như miệng, đường tiêu hoá, âm đạo và không gây bệnh trong điều kiện thông thường. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi về môi trường sinh sống hoặc thay đổi về hệ miễn dịch của cơ thể thì Candida có thể gây bệnh.

Có 4 vị trí bị nhiễm nấm Candida phổ biến nhất, bao gồm: da, miệng, tiết niệu, sinh dục. Ngoài ra, Candida albicans cũng có khả năng gây bệnh ở thực quản và thậm chí đi vào máu.

Nguyên nhân gây nhiễm nấm Candida

Những nguyên nhân dẫn đến dễ bị nhiễm nấm Candida

Thông thường, nấm Candida là một chủng vi sinh vật tồn tại cân bằng trong cơ thể và không gây bệnh. Khi cơ thể suy yếu là cơ hội để chủng vi sinh vật này bùng phát chuyển dạng sang trạng thái ký sinh và gây bệnh.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida

  • Tình trạng dinh dưỡng không phù hợp như thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
  • Đang dùng thuốc kháng sinh, thuốc steroids, hormone và thuốc tránh thai. Lý do là vì kháng sinh phổ rộng với liều cao và lâu dài sẽ diệt các vi khuẩn có lợi sống chung với vi nấm. Điều này làm phá vỡ thế cân bằng vi sinh tại chỗ. 
  • Những vùng cơ thể ẩm ướt hoặc đổ mồ hôi nhiều như là nách, bẹn, vùng da giữa các ngón tay, ngón chân, khoé miệng và vùng dưới ngực.

Dấu hiệu của nhiễm nấm Candida

Nấm Candida có thể gây những dấu hiệu bệnh khác nhau tùy theo vị trí trên cơ thể:1

  • Dấu hiệu nhiễm nấm Candida trên da: biểu hiện điển hình là nốt/ban màu đỏ hoặc màu trắng ngứa, rát có thể kèm với những nốt phồng rộp.
  • Dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở thực quản: gây nuốt khó, nuốt vướng, đau sau xương ức.
  • Dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở miệng (hay còn gọi là bệnh tưa miệng): những mảng màu trắng sữa ở miệng, cảm giác nóng rát, đau, thậm chí có thể chảy máu khi chạm vào, đỏ ở niêm mạc miệng và khoé miệng. Khi ăn, người bị nhiễm nấm thấy khó nuốt, hoặc mất vị giác.
  • Dấu hiệu nhiễm nấm Candida trong máu: sốt, tổn thương cơ quan như thận, huyết học,… và có thể gây sốc nhiễm trùng.
  • Dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở âm đạo: cảm giác ngứa, đau, đỏ sưng viêm tại âm đạo, tiết dịch hoặc huyết trắng bất thường ở âm đạo; nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
  • Dấu hiệu nhiễm nấm Candida ở dương vật: phát ban ở dương vật, đau rát khi quan hệ tình dục, tiểu rát.
Nhiễm nấm Candida ở âm đạo có thể gây xuất tiết dịch trắng bất thường
Nhiễm nấm Candida ở âm đạo có thể gây xuất tiết dịch trắng bất thường

Nấm Candida lây nhiễm qua đường nào?

Đường gây nhiễm ở Candida khá đa dạng như: có thể do trực tiếp tiếp xúc dịch âm đạo, mồ hôi, tế bào bong ra từ người mang bệnh, từ những thức ăn đồ uống nhiễm nấm,…3

Những ai có nguy cơ nhiễm nấm Candida?

Vi nấm Candida gây bệnh ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và không phân biệt phái tính. Các đối tượng có nguy cơ viêm nhiễm Candida bao gồm:3

  • Cơ thể bị suy giảm miễn dịch.
  • Bệnh nhân bị đái tháo đường không kiểm soát. Bởi lẽ một trong các tình trạng làm gia tăng đường trong máu và các dịch sinh học cùng với hệ miễn dịch suy giảm đều tạo điều kiện cho vi nấm gây bệnh.
  • Phụ nữ có thai. Sự chuyển biến nội tiết tố trong thai kỳ làm biến đổi môi trường sinh lý ở âm đạo. Ngoài ra, cộng thêm với tình trạng suy giảm miễn dịch, vi nấm có điều kiện phát triển ở mẹ bầu.

Cách chẩn đoán viêm nhiễm nấm Candida

Để chẩn đoán viêm nhiễm nấm Candida, người bệnh cần được khai thác bệnh sử. Đặc biệt là các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cần bạn cho biết thêm thông tin về:

  • Các thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh) mà bạn đang dùng.
  • Những bệnh lý khác làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch,…

Bên cạnh lâm sàng, các bác sĩ còn dựa vào cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán, đặc biệt là ở những bệnh nhân không triệu chứng. Những cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán bao gồm: vi sinh, huyết thanh, sinh hoá, ELISA, kháng nguyên nấm men, 1,3-beta-D-glucan.

Phương án điều trị khi viêm nhiễm Candida

Nấm Candida có tự khỏi không?4

Trong một số trường hợp, viêm nấm Candida có thể tự giới hạn. Điều đó có nghĩa là các triệu chứng có thể tự biến mất trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, thì cần được điều trị bằng thuốc một cách thích hợp.

Điều trị nấm Candida như thế nào?1

  • Nhiễm nấm Candida trên da: tuỳ theo tình trạng viêm nhiễm ở da, các bác sĩ thường có sử dụng thuốc kháng nấm dạng bôi như Clotrimazole, Miconazole và Econazole. Đồng thời, viêm nấm Candida trên da có thể bôi thêm kem có chứa steroid để giảm ngứa hoặc sưng tấy. Trong thời gian này, da nên khô ráo, tránh ẩm ướt.
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng và thực quản: để điều trị bệnh tưa miệng, bác sĩ có thể kê toa Fluconazole (thuốc kháng nấm đường uống), Clotrimazole (thuốc kháng nấm có dạng viên ngậm), Nystatin (nước súc miệng kháng nấm có thể dùng ở trẻ em), Itraconazole (thuốc kháng nấm đường uống được sử dụng để điều trị cho những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác đối với bệnh tưa miệng và những người nhiễm HIV).5
  • Nhiễm nấm Candida trong máu: điều trị tuỳ thuộc loài Candida, có thể điều trị  bằng đường tiêm tĩnh mạch các loại thuốc như Fluconazole, Caspofungin, Micafungin, hoặc Amphotericin B.
  • Nhiễm nấm Candida ở âm đạo, dương vật: điều trị nhiễm nấm sinh dục bằng một liều thuốc kháng nấm duy nhất đường uống Fluconazole. Nếu tình trạng nhiễm nấm phức tạp hơn cần điều trị lâu dài hơn bằng thuốc kháng nấm thích hợp. Cần lưu ý thăm khám và điều trị cả bạn tình của bệnh nhân.

Ngoài ra, cần chăm sóc vị trí bị nhiễm Candida một cách cẩn thận, tránh ẩm ướt. Khi bị nấm Candida, bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn uống phù hợp. Những thực phẩm nhiều đường, sản phẩm từ sữa, rượu lên men có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm.

Những sản phẩm từ sữa có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm
Những sản phẩm từ sữa có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm

Cách phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Để phòng ngừa bệnh lý, bạn cần lưu ý:

  • Tăng cường sức đề kháng bằng bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giàu vitamin như trái cây rau quả; rèn luyện thể dục thể thao.
  • Giữ gìn cơ quan sinh dục khô ráo, sạch sẽ.
  • Quan hệ tình dục an toàn.

Candida là loại nấm men thường trú tại cơ thể người. Chúng có nguy cơ gây bệnh Candida khi hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Dấu hiệu nhiễm nấm Candida khá đa dạng. Tuỳ theo tình trạng người bệnh mà bác sĩ sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị nấm Candida thích hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. About Candida albicans: Natural yeast and problematic infectionshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/322722

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  2. Candida albicans- An Overviewhttps://microbenotes.com/candida-albicans/

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  3. Vi nấm Candida: Những yếu tố nguy cơ gây bệnhhttps://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/vi-nam-candida-nhung-yeu-to-nguy-co-gay-benh-13ae2c2665bc050b0f900795268e0f9b.html

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  4. What to know about Candida die-offhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/candida-die-off

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

  5. Everything You Need to Know About Oral Thrushhttps://www.healthline.com/health/thrush

    Ngày tham khảo: 15/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người