Lao mũi: Chẩn đoán và phương pháp điều trị
Nội dung bài viết
Lao mũi là một bệnh hiếm gặp, thường xuất hiện thứ phát sau lao phổi, trong một số trường hợp, lao mũi cũng được xem bệnh nhiễm trùng tiên phát. Khi vi trùng Koch (Mycobacterium Tuberculosis) vô tình được chúng ta hít vào, có thể xâm nhập vào niêm mạc mũi, gây ra bệnh lý tại vùng mũi. Thương tổn thường lan ra cánh mũi và da mặt xung quanh.
1. Lao mũi là bệnh gì?
Tuy hiếm gặp, nhưng lao mũi có các triệu chứng khá tương đồng với các bệnh lý mũi thường gặp khác
Bệnh lao mũi được mô tả lần đầu tiên bởi một nhà giải phẫu học người Ý vào năm 1761, khi khám nghiệm tử thi của một chàng trai trẻ đã tìm thấy một vết loét trên mũi.
Rất khó để xác định chính xác bệnh lao mũi qua thăm khám thông thường, vì các dấu hiệu và triệu chứng không rõ ràng. Các triệu chứng phổ biến là: tổn thương loét trong khoang mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy máu cam, đóng vảy vùng mũi, polyp mũi tái phát và các vết loét tại mũi…
Với nhiều người, hành động đầu tiên của họ mỗi buổi sáng sau khi thức dậy là với lấy hộp khăn giấy để chùi mũi. Tại sao nhiều người bị nghẹt mũi khi ngủ, thậm chí ngay cả khi họ cảm thấy không bị bệnh? Hãy cùng xem bài viết: 8 cách để trị nghẹt mũi mà bạn nên biết để tìm hiểu về vấn đề này nhé!
2. Lao mũi có 2 thể chính
2.1 Thể Lupus mũi (hay Lupus Vulgaris)
Lupus mũi không nên nhầm lẫn với bệnh lý tự miễn Lupus ban đỏ hệ thống, đây là những tổn thương da do lao, gây ra đau đớn với sự xuất hiện của các nốt sần, thường gặp nhất ở mặt, quanh mũi, mí mắt, môi, má, tai và cổ. Lupus Vulgaris là bệnh nhiễm trùng da do lao phổ biến nhất. Các tổn thương cuối cùng có thể phát triển thành loét da nếu không được điều trị.
Đặc điểm: ở cùng một chỗ, chúng ta có thể gặp nhiều hình thái khác nhau của thương tổn (thâm nhiễm, loét, xơ hóa…).
Giai đoạn đầu của bệnh, triệu chứng nghèo nàn. Người bệnh khó chịu vì ngạt mũi và có vảy khô ở một bên mũi kéo dài hàng tháng. Có những hạt sần sùi trong mũi, đóng vảy vàng và chảy máu khi chạm vào. Da bên ngoài mũi thường đỏ và dày. Bệnh nhân chưa có cảm giác đau và hay bị nhầm với bệnh Eczema mũi.
Vào giai đoạn toàn phát, các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi lẫn máu hoặc chảy máu cam tăng dần.
Lúc này, khi đến khám và Nội soi Mũi sẽ có các hình ảnh:
Những hạt màu đỏ hồng ở vách ngăn, hoặc những khối sần sùi, màu hồng , mềm nhũn, dễ chảy máu, nằm gần cửa mũi trước và làm trở ngại hô hấp.
Bên cạnh đó, còn có thể bắt gặp những bệnh tích đã ổn định như sẹo hẹp của mũi, mất cánh mũi, mất tiểu trụ mũi. Bệnh lao mũi không làm nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra hủy hoại khuôn mặt và sẹo co dúm ở mặt. Ngoài ra sẹo Lupus mũi còn có thể biến thành ung thư.
2.2 Thể lao loét mũi
Thể lao này tương đối ít thấy và chỉ gặp ở những bệnh nhân bị lao phổi thể loét bã đậu. Trong hố mũi người bệnh có những vết loét sần sùi, bờ nham nhở, không đều hoặc những hạt kê lấm tấm ở khắp hai lỗ mũi. Mũi luôn luôn bị tắc vì mủ và tiết nhờn. Tiên lượng xấu vì bệnh nhân có thể tử vong bởi những thương tổn ở phổi.
3. Chẩn đoán bệnh có dễ không?
Vì lao mũi có các triệu chứng không điển hình nên thường rất dễ nhầm lần với nhiều bệnh lý khác như: Eczema (Chàm), Giang mai (các nốt sẩn), hay các bệnh viêm vùng mũi thông thường. Do đó, chẩn đoán xác định phải dựa vào kết quả sinh thiết nơi tổn thương.
Giang mai – “Syphilis” là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nó được xem là một bệnh xã hội. Dấu hiệu của bệnh giang mai rất nhiều, do đó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Giang mai mũi khá thường gặp, vì mũi là địa bàn hoạt động ưa thích của xoắn khuẩn giang mai. Bệnh thường xuất hiện khoảng 3 – 4 năm sau khi mắc giang mai. Thương tổn phổ biến là gôm. Thương tổn này có thể gây hoại tử xương, hoại tử sụn và để lại sẹo co dúm vùng mũi. Hãy cùng hiểu rõ hơn về bệnh này với bài viết: Giang mai mũi: Có nguy hiểm không?
4. Điều trị
Cần phối hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
Ðiều trị tại chỗ: dung dịch nitrat bạc 10% vào chỗ loét hoặc dùng tia cực tím. Với tổn thương sâu, dùng thìa nạo hoặc đông điện để tiêu hủy bệnh tích.
Ðiều trị toàn thân: Ðiều trị theo phác đồ chống lao và một số thuốc tăng cường thể trạng như dầu cá, vitamin D2…
Như vậy, tuy hiếm gặp nhưng Lao mũi là bệnh nguy hiểm, để lại nhiều di chứng. Từ những gợi ý về dấu hiệu bất thường tại da vùng mũi, chảy máu và nghẹt mũi trên, người bệnh nên đi khám sớm. Chẩn đoán xác định bệnh bằng phương pháp sinh thiết mô tổn thương tại mũi sẽ được thực hiện bởi các Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Cuối cùng, cũng giống như phòng bệnh lao phổi (là một bệnh lao phổ biến nhất trong cộng đồng), chúng ta cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và giữ vệ sinh môi trường xung quanh thật tốt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục tăng cường sức đề kháng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Võ Tấn. Bài giảng "Tai Mũi Họng thực hành", Lao mũi.
-
Primary Nasal Tuberculosis in a 10-Year-Old Girlhttps://www.hindawi.com/journals/cjidmm/2016/9128548/
Ngày tham khảo: 10/03/2020
-
PRIMARY TUBERCULOSIS OF THE NASAL MUCOUS MEMBRANEhttps://jamanetwork.com/journals/jamaotolaryngology/article-abstract/549138
Ngày tham khảo: 10/03/2020
-
Lupus vulgarishttps://en.wikipedia.org/wiki/Lupus_vulgaris
Ngày tham khảo: 10/03/2020
-
Lupus vulgaris leading to perforation of nasal septum in a childhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4439750/
Ngày tham khảo: 10/03/2020