Lấy vôi răng có gây hại cho răng của bạn hay không?
Nội dung bài viết
Lấy vôi răng là công việc thường được các nha sĩ thực hiện khi thăm khám định kỳ hoặc khi điều trị các bệnh lý nha chu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về việc lấy vôi răng có gây hại cho răng không? Lấy vôi răng có khiến răng trở nên yếu và lung lay như mọi người đồn đại không ? Đây có lẽ là những điều mà bạn được nghe nhiều. Và cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn lo lắng, chần chừ không biết có nên đi lấy vôi răng không. Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau làm sáng tỏ những thắc mắc này nhé!
1. Lấy vôi răng như thế nào?
Trước hết, chúng ta cần hình dung được “ lấy vôi răng” diễn ra như thế nào và tại sao cần lấy ?
Vôi răng là mảng bám có chứa vi khuẩn. Vôi răng bám dính trên bề mặt răng trên nướu hoặc trong khe nướu. Thông thường có màu trắng đục, vàng, xanh… thay đổi tùy hệ vi khuẩn. Vôi răng có thể thấy bằng mắt thường hoặc cảm nhận bằng dụng cụ: cây đo túi, thám trâm, dụng cụ cạo vôi. Việc chải răng thông thường không loại bỏ được vôi răng. Chải răng chỉ loại bỏ được mảng bám mới tạo thành. Do đó, muốn loại bỏ vôi răng cần có sự hỗ trợ của nha sĩ với các dụng cụ chuyên biệt như :
- Dụng cụ cạo vôi tay: dùng lực tay thông thường để lấy đi lớp vôi răng
- Dụng cụ cạo vôi siêu âm: sử dụng năng lượng điện để tạo ra chuyển động cơ học. Từ đó giúp phá vỡ hoặc làm mòn dần vôi răng.
Để thực hiện công việc lấy vôi răng, thông thường các nha sĩ sẽ làm như sau:
-
Khử khuẩn vùng miệng bằng dung dịch sát khuẩn:
Điều này là cần thiết, vì giúp hạn chế nguy cơ lây lan nhiễm khuẩn từ môi trường miệng đến các vật dụng xung quanh.
-
Gây tê ( nếu cần):
Đối với một số người nhạy cảm, nha sĩ có thể gây tê để làm giảm cảm giác đau và khó chịu. Đồng thời cũng giúp thao tác dễ dàng , thuận lợi hơn.
- Khám kiểm tra xác định các vùng có túi nha chu, mất bám dính hay chảy máu ( nếu có).
- Thực hiện lấy vôi răng bằng dụng cụ tay hoặc dụng cụ siêu âm.
Hiện nay chủ yếu việc lấy vôi răng được thực hiện bằng dụng cụ siêu âm. Tuy nhiên trong một số trường hợp hạn chế việc dùng máy siêu âm như: mang máy trợ tim, mắc bệnh lây nhiễm..v.v. nha sĩ có thể sử dụng dụng cụ tay.
Đối với dụng cụ tay: chủ yếu dùng động tác xoay cổ tay, lực áp vào răng mạnh. Đưa cạnh bén dụng cụ nhẹ nhàng đặt ở đáy miếng vôi răng. Dùng lực bẩy về phía cạnh cắn kết hợp với lực quay của cổ tay.
Đối với dụng cụ siêu âm: Cầm dụng cụ nhẹ nhàng như cầm bút, không dùng lực, tạo góc 15 độ hoặc áp sát bề mặt răng. Quét nhẹ nhàng trên bề mặt miếng vôi răng từ phía mặt nhai về chóp răng. Đầu dụng cụ di chuyển trên khắp bề mặt miếng vôi vài lần để gia tăng các đường nứt nhỏ trên bề mặt vôi.
Dùng dụng cụ tay có thể gây tổn thương răng nếu dùng lực quá mạnh (108.9 um). Trong khi dùng dụng cụ siêu âm lấy đi bề mặt rất nhỏ (11.6 um).
-
Đánh bóng bề mặt răng:
Sau khi cạo vôi xong, nha sĩ sẽ sử dụng bột đánh bóng và chổi hoặc đài cao su để chà bóng bề mặt răng. Điều này giúp cho sự tái bám dính của mô nha chu trở lại thuận lợi hơn. Đồng thời ngăn sự tái lập vôi răng trở lại chậm hơn.
-
Áp các tác nhân kháng sinh ( nếu cần)
Nếu bạn đang mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, nha sĩ có thể sử dụng các chất kháng sinh đặt vào nướu . Kháng sinh giúp ngăn ngừa vi khuẩn trong mô nướu, giúp quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn sau khi đã làm sạch bề mặt.
Lấy vôi răng có tác dụng:
- Ngăn chặn và loại trừ vi khuẩn gây bệnh nha chu và thay thế bằng vi khuẩn có ích.
- Giảm viêm nướu, chảy máu, cải tạo mô nướu bệnh lý thành lành mạnh.
- Làm giảm chiều sâu túi nha chu.
- Chuẩn bị bề mặt thích hợp cho việc cải tạo lại các mô lành mạnh.
Xem thêm: Chăm sóc sau nhổ răng như thế nào để lành thương tốt?
2. Làm rõ một số quan niệm sai lầm về lấy vôi răng
2.1. Quan niệm: Lấy vôi răng sẽ làm răng lỏng lẻo.
Sự thật: Lấy vôi răng giúp tăng cường sự khỏe mạnh của mô xương và nướu quanh răng.
Khi cạo vôi siêu âm, đầu mũi cạo vôi hầu như không chạm vào bề mặt răng lâu trong vài giây tại một điểm. Do đó, không thể nào làm răng lỏng lẻo hoặc lung lay vì không tác động lực mạnh lên răng. Bạn cảm thấy răng lỏng lẻo là vì trước đó vôi răng bám chặt quanh bề mặt răng. Điều này làm nướu tách ra khỏi bề mặt. Sau khi cạo sạch lớp vôi răng, bạn tự nhiên sẽ thấy trống xung quanh răng, cảm giác như răng bị lỏng vì lúc này nướu chưa ôm vào bề mặt răng lại. Sau khi cạo vôi vài tuần, nướu của bạn sẽ hồi phục, bám dính trở lại vào bề mặt răng. Lúc này bạn sẽ cảm nhận răng trở nên chắc chắn trở lại.
2.2. Quan điểm: Lấy vôi răng khiến răng trở nên nhạy cảm.
Sự thật: Cạo vôi giúp ngăn ngừa sự nhạy cảm của răng có thể xảy ra khi nướu viêm, tụt nướu.
Hãy tưởng tượng lớp vôi răng giống như một áo khoác bạn mặc bên ngoài răng. Khi tháo lớp áo khoác ra, sự chênh lệch nhiệt độ sẽ khiến bạn trở nên nhạy cảm. Tương tự như vậy, khi lấy vôi răng, các bề mặt ống ngà bộc lộ ra môi trường sẽ khiến răng nhạy cảm tức thời. Tuy nhiên, sự nhạy cảm này sẽ giảm dần và biến mất trong vài giờ hoặc vài ngày.
Nhưng nếu thao tác cạo vôi không đúng, việc sử dụng dụng cụ cạo vôi không chính xác cũng có khả năng làm tổn thương răng gây nhạy cảm. Do đó, việc lựa chọn một nha sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc răng miệng tốt để điều trị cũng rất quan trọng.
2.3. Quan niệm: Cạo vôi là quy trình thẩm mỹ.
Sự thật: Lấy vôi răng giúp cho nướu trở nên khỏe mạnh. Do đó nó không chỉ là quy trình điều trị mà còn đem lại sự thẩm mỹ cho bạn.
Khía cạnh thẩm mỹ của việc cạo vôi chỉ là hiệu quả kèm theo khi điều trị. Khi lấy vôi răng, đồng thời bạn sẽ được loại bỏ các vết dính màu, các mảng bám trên bề mặt. Do đó trông răng bạn sẽ sạch và trắng hơn. Việc cạo vôi là cần thiết để nướu luôn được khỏe mạnh. Cạo vôi giúp loại bỏ các tác nhân gây kích thích nướu. Do đó răng trở nên chắc khỏe, giảm viêm, chảy máu và hôi miệng. Mặt khác, khi nướu khỏe mạnh, sẽ có màu sắc hồng và săn chắc, đem lại nụ cười duyên dáng hơn.
2.4. Quan niệm: Lấy vôi răng làm rộng kẽ răng, tạo nên khoảng trống giữa các răng.
Sự thật: Lấy vôi răng ngăn ngừa các bệnh nha chu gây mất xương, tụt nướu. Vì vậy cũng ngăn sự mất gai nướu làm rộng kẽ răng.
Như đã nói ở trên, việc cạo vôi siêu âm không làm di chuyển răng. Cũng như việc cạo vôi không phá hủy bề mặt men răng. Do đó, không thể tạo khoảng trống giữa các răng. Khoảng trống mà các bạn nhận thấy sau khi cạo vôi vốn dĩ đã có từ trước. Tuy nhiên nó bị che lấp bởi vôi răng. Khi vôi răng được loại bỏ, khoảng trống xuất hiện.
2.5. Quan niệm: Lấy vôi răng gây đau
Sự thật: Lấy vôi răng hoàn toàn không đau đớn
Không giống như mọi người đồn đại nhau là lấy vôi răng rất đau. Việc cạo vôi hoàn toàn nhẹ nhàng. Đôi khi có thể bạn thấy hơi nhạy cảm với âm thanh và độ rung của dụng cụ lướt trên bề mặt răng.
Vậy bây giờ bạn đã giải đáp được các thắc mắc về việc lấy vôi răng chưa? Đã có nhiều nghiên cứu và chứng minh cho lợi ích cũng như tác động của lấy vôi răng. Đa số đều khẳng định rằng: Lấy vôi răng là điều trị không gây hại và được khuyến khích áp dụng định kỳ cho chăm sóc răng miệng. Bạn không nên tin vào những lời đồn lan truyền từ những người không có hiểu biết về chăm sóc răng miệng. Sức khỏe răng miệng của bạn là vô cùng quan trọng. Bạn cần tìm hiểu những thông tin đúng đắn để có cách chăm sóc phù hợp. Hãy nhớ rằng nụ cười đẹp là điều quý giá mà không phải vật chất nào cũng mua được.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Teeth Scaling: What You Need to Knowhttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/teeth-scaling
Ngày tham khảo: 11/05/2020