Mang thai sau sảy thai – Kiến thức y khoa hiện đại.
Nội dung bài viết
Sảy thai vốn là một vấn đề vô cùng nhạy cảm cũng như ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tinh thần của gia đình không may mắn. Và mang thai lại sau sảy thai sẽ là vấn đề càng nhạy cảm hơn, mang lại áp lực cũng to lớn hơn cho người mẹ. Mọi hành động, mọi thức ăn, thức uống dành cho thai phụ đều sẽ trở nên chi li từng chút. Và lúc này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những kiến thức cơ bản về sảy thai, những lưu ý sau khi sảy thai xảy ra; cũng như chủ đề chính của bài viết này: Khi nào mang thai trở lại? Mang thai an toàn là như thế nào?
1. Sảy thai là gì?
Sảy thai là khi thai kỳ kết thúc trước khi người phụ nữ mang thai được 20 tuần. Ta biết một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 9 tháng 10 ngày (38 tuần), hay theo quan niệm y học hiện đại có thể lên đến 40 tuần.
Khác biệt với sảy thai, nếu thai chết trong tử cung mẹ với tuổi thai trên 20 tuần, người ta gọi là thai lưu.
2. Những lưu ý sau sảy thai là gì?
2.1 Không nên quan hệ tình dục trong vòng 2 tuần sau khi sảy thai hoàn toàn
Sảy thai hoàn toàn được xác định khi:
- Bệnh nhân hết triệu chứng ốm nghén.
- Hết ra máu âm đạo do sảy thai.
- Được siêu âm xác định tình trạng xảy thai đã xảy ra hoàn toàn.
Hay nói cách khác, không nên quan hệ tình dục, hoặc đặt bất kỳ thứ gì vào trong âm đạo cho đến khi trong lòng tử cung đã sạch hoàn toàn.
Việc này sẽ giúp giảm khả năng nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng tử cung cho người mẹ. Như bạn đã biết thì nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân gây ra sảy thai.
2.2 Sử dụng thuốc tránh thai
Nếu đó là thai kỳ không mong muốn, hay nói cách khác, lần mang thai này là ngoài ý muốn, bạn không muốn mang thai lần nữa. Lúc này, bạn có thể lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai ngay lập tức.
Ngay sau khi phẩu thuật lấy sản phẩm thụ thai ra, bạn cũng có thể đặt vòng tránh thai cùng lúc.
2.3 Kiểm tra nhóm máu
Không đơn thuần là kiểu phân loại nhóm máu mà đa số chúng ta đều biết A,B,O. Mà là một kiểu phân loại nhóm máu đặc biệt khác, với cái tên Rhesus (Rh).
Theo phân nhóm A,B,O thì người ta có 4 nhóm máu, đó là A, B, O và AB. Còn theo phân nhóm Rh thì chỉ có Rh+ và Rh-. Trên kết quả xét nghiệm máu, có thể bạn sẽ để ý đến một dấu hiệu đặc biệt sau kiểu phân chia nhóm máu thông thường. VD, A+, B-, AB+… Thì các dấu “+” hay “-“ là đang nói về kiểu phân chia Rh này.
Nếu mẹ và con mang 2 nhóm máu Rh giống nhau thì sẽ không có vấn đề gì đáng nói. Tuy nhiên, nếu mẹ Rh- còn con Rh+ thì cơ thể người mẹ sẽ sinh ra các kháng thể huỷ hoại máu của con. Ngược lại, nếu con có nhóm máu Rh-, mẹ Rh+ thì không có vấn đề gì xảy ra.
Hiện tượng mẹ Rh- tạo ra kháng thể huỷ hoại máu của thai Rh+ thường xảy ra khi mẹ đang mang đứa con thứ 2, thứ 3 trở đi. Thời điểm sảy thai liên quan bất đồng nhóm máu Rh thường xảy ra sau tháng thứ 2 – 3 của thai kỳ.
2.4 Không cần thực hiện các xét nghiệm về di truyền
Không cần thực hiện các xét nghiệm về di truyền ở cha hoặc mẹ hay các xét nghiệm chuyên biệt khác về các bệnh lý miễn dịch (hội chứng kháng Phospholipid..) ở lần sảy thai đầu tiên, do hơn 90% trường hợp thai phụ bị sẩy lần đầu mang thai thứ 2 sẽ thành công.
2.5 Gần như không có một biện pháp nào giúp phòng ngừa sảy thai xảy ra
Như chúng ta đều biết, hầu hết trường hợp sảy thai là do rối loạn di truyền (đột biến gene). Và các rối loạn này không thể bị kiểm soát ở thời điểm y khoa hiện nay.
Kiêng cử thuốc lá, rượu, chất gây nghiện và hạn chế tối đa các chấn thương bụng vì các yếu tố này làm giảm khả năng sảy thai.
Việc nằm nghỉ tại giường, sử dụng các loại vitamin, dùng thêm các nội tiết tố bổ sung đều không được các nghiên cứu y khoa chứng minh là có lợi. Hiện nay, người ta đề ra vai trò của hormon bổ sung cho thai phụ (progesterone). Tuy nhiên, hormon này chỉ có lợi đối với các thai phụ sảy thai liên tục.
Sảy thai liên tục: Sảy thai ít nhất 3 lần liên tục.
2.6 Trầm cảm sau sảy thai
Đây là một rối loạn tâm thần khi người mẹ phải chịu những cảm giác tồi tệ nhất sau khi bị sảy thai.
Hãy nói với bác sĩ của mình khi bạn cảm thấy buồn bã trong nhiều tuần sau đó.
2.7 Không tìm được nguyên nhân nếu sảy thai liên tục:
Sau nhiều lần sảy thai liên tục, 50 – 75% trường hợp sẽ không tìm thấy nguyên nhân bệnh lý. Và nếu bạn rơi vào tỷ lệ này, bạn có 65% khả năng mang thai thành công ở lần tiếp đến.
3. Thời điểm nào tốt nhất để mang thai trở lại?
Sảy thai có thể gây ra cảm giác mất mát rất lớn cho gia đình bạn.
Bạn và chồng của bạn có thể cảm thấy buồn, lo lắng hoặc có cảm giác tội lỗi. Và lời khuyên chân thành của tôi là đừng chìm đắm vào những cảm giác đó nữa. Cảm xúc tiêu cực sẽ tạo áp lực rất lớn lên cả hai. Thay vì quá đau buồn, hãy chuẩn bị sẳn sàng để chào đón một em bé khác.
Thông thường, không nên quan hệ tình dục trong hai tuần sau khi sẩy thai để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phụ nữ có thể rụng trứng và mang thai ngay sau hai tuần sau khi sảy thai. Do đó, một khi bạn cảm thấy sẵn sàng về mặt cảm xúc và thể chất để mang thai sau khi sảy thai, hãy hỏi bác sĩ của bạn để được hướng dẫn.
Các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy rằng sau một lần sảy thai, bạn có thể không cần phải chờ đợi lâu để mang thai đứa trẻ tiếp theo.
Ngược lại, nếu bạn không mang thai trong 1 năm sau đó do bất kỳ nguyên nhân nào thì khả năng mang thai của người nữ cũng sẽ sụt giảm.
Sau 2 lần sảy thai liên tiếp, bạn nên gặp bác sĩ. Các xét nghiệm tầm soát toàn diện sẽ được thực hiện để nâng cao tối đa khả năng có một thai kỳ thành công.
4. Thế nào là mang thai khoẻ mạnh và an toàn?
Ăn cái này, không ăn cái kia, làm thế này, không làm thế kia… Bạn có thể phải nghe những lời tương tự như vậy mỗi tuần, mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ!!!. Hãy để chúng tôi cung cấp những kiến thức tóm gọn để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Hãy ăn cho cả hai!!!
Ăn những thực phẩm nhiều dinh dưỡng cần thiết vào thời điểm này là rất quan trọng. Thai phụ cần bổ sung nhiều protein (Đạm), sắt, calci và acid folic (chất tạo máu). Ngoài ra, bạn cũng cần nhiều năng lượng (calo) hơn bình thường. Do đó, bạn phải cố gắng ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với bạn phải ăn lượng thức ăn dành cho 2 người lớn!!!.
Bên cạnh việc ăn uống dinh dưỡng, tập những bài thể thao phù hợp với tuần thai của mình có thể giúp đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và thai.
Loại thực phẩm, chế độ thể thao thay đổi tuỳ thuộc từng thai phụ, và cũng thay đổi theo tuần thai. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể nhé.
Tăng cân là cần thiết!!!
Đừng tăng cân quá ít do một cá thể đang lớn dần bên trong bạn. Còn tăng cân quá nhanh có thể tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tăng nguy cơ sinh con to, khó sinh; bản thân các bé nặng cân cũng có nguy cơ bị đái tháo đường về sau.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ:
Do tình trạng thai nghén, bạn có thể ói nhiều. Vì vậy, nhiều thai phụ ít tăng cân hoặc không tăng cân. Nhưng nhìn chung đa số vẫn tăng được khoảng 2 kg.
Trong khi đó, với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ:
- Đối với phụ nữ có mức cân nặng bình thường trước khi có thai nên duy trì ở khoảng 0,4 kg/tuần.
- Thai phụ nhẹ cân (ốm): Mức độ tăng cân cần duy trì 0,5 kg/tuần.
- Đối với phụ nữ vốn đã thừa cân trước đó: Mức tăng cân nên hạn chế, còn khoảng 0,3 kg/tuần.
Trong tam cá nguyệt đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng trong khoảng từ 1 – 2 kg, tam cá nguyệt thứ hai tăng 4 – 5kg, tam cá nguyệt cuối tăng 5 – 6 kg.
Mức tăng cân hợp lý khi mang thai phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng của từng bà bầu khác nhau, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người mẹ nào có mức tăng cân giống nhau hoàn toàn. Nhìn chung, mức tăng cân hợp lý cho thai phụ là:
- 11,3 – 16 kg với thai phụ có cân nặng trung bình (BMI 18.5 – 24.9) trước khi mang thai.
- 12,7 – 18,3 kg với thai phụ ít cân trước khi mang thai.
- 7 – 11,3 kg với thai phụ thừa cân trước khi mang thai
- 16 – 20,5 kg trong trường hợp thai phụ mang song thai.
Công thức tính BMI: Cân nặng/Chiều cao2.
An toàn thực phẩm!!!
Hầu hết các loại thực phẩm đều an toàn cho phụ nữ mang thai và em bé!!!.
Nhưng bạn sẽ cần phải thận trọng hoặc tránh ăn một số loại thực phẩm.
Một số hướng dẫn dành cho thai phụ:
- Làm sạch, xử lý, nấu ăn và làm lạnh thực phẩm đúng cách để ngăn ngừa bệnh từ thực phẩm (vi trùng, ký sinh trùng…).
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm đất hoặc thịt sống.
- Giữ các loại thịt khác nhau không chạm vào nhau.
- Nấu chín hoàn toàn, không ăn đồ tái, chín vừa (vd bít tết, ốp la lòng đào).
- Rửa sạch chén dĩa trước khi ăn.
- Rửa dụng cụ nấu ăn với nước rửa chén ấm, nóng.
Đừng ăn:
- Hải sản đông lạnh như cá có thịt màu trắng, cá hồi và cá thu.
- Xúc xích hoặc thịt nguội trừ khi hấp nóng chúng.
- Thịt nguội.
- Sữa hoặc nước trái cây chưa tiệt trùng.
- Salad, rau sống bạn tại các cửa hàng, quán ăn, chẳng hạn như salad gà, trứng, hoặc cá ngừ.
- Các loại phô mai mềm chưa tiệt trùng.
- Cá mập, cá kiếm, cá thu vua hoặc cá ngói (còn được gọi là cá hồng hoặc vàng)… Những con cá này có hàm lượng thủy ngân cao.
- Hơn 150gram cá ngừ trắng (albacore) mỗi tuần.
- Các thực phẩm dược thảo chưa được bác sĩ của bạn xác nhận về độ an toàn.
Bổ sung vi chất (Vitamin), khoáng chất!!!
Vấn đề này sẽ được bác sĩ của bạn tư vấn dựa trên nhu cầu cần thiết thay đổi theo từng tuần thai cũng như dựa trên khẩu vị ưa thích của bạn.
5. Kết luận
Sảy thai là một vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấu hiểu về vấn đề này.
Hầu hết trường hợp sảy thai là do rối loạn di truyền bẩm sinh của trẻ – Điều mà y học hiện đại vẫn chưa can thiệp được.
Một số vấn đề cần lưu ý như thời điểm mang thai, tốc độ tăng cân, thức ăn kiêng cử, mang thai an toàn… cần được tuân thủ để giảm tối đa khả năng bị sảy thai cũng như cho trẻ điều kiện tăng trưởng tốt nhất.
Hầu hết trường hợp thai phụ sẽ mang thai thành công sau sảy thai. Nếu bạn bị sảy thai 2 lần liên tục, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện khảo sát toàn diện, rộng khắp để tìm nguyên nhân bệnh lý. Đa số trường hợp sẽ không tìm thấy nguyên nhân, nhưng có một tin mừng rằng 65% trong số họ sẽ mang thai thành công ở lần tiếp đến.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) Committee on Practice Bulletins — Obstetrics. ACOG Practice Bulletin No. 200: Early Pregnancy Loss. Obstetrics & Gynecology. 2018;132:e197
- Schliep KC, et al. Trying to conceive after an early pregnancy loss: An assessment on how long couples should wait. Obstetrics & Gynecology. 2016;127:204
- https://www.womenshealth.gov/pregnancy/youre-pregnant-now-what/staying-healthy-and-safe