Mang thai tuần 10: Mẹ bầu cần chú ý đến sức khỏe hơn
Nội dung bài viết
Khi mang thai tuần 10, mẹ bầu đã chính thức trải qua 9 tuần của thai kỳ. Mặc dù không phải là thời gian dài nhưng nó rất có ý nghĩa đối với người phụ nữ. Trong giai đoạn này, em bé phát triển rất nhanh chóng và hình dạng có thể được thấy rõ ràng hơn. Vậy trong tuần mang thai này, cơ thể người mẹ sẽ tiếp tục thay đổi như thế nào? Thai nhi tuần thứ 10 phát triển ra sao? Tất cả sẽ được ThS.BS Phan Lê Nam giải đáp qua bài viết sau đây.
Thai 10 tuần phát triển như thế nào?
Khi mang thai 10 tuần, người mẹ dần đến thời điểm kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên. Hãy cố gắng vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này để đến với những tháng ngày ổn định hơn.
>> Xem thêm: Nhiễm Parvovirus B19 trong thời kỳ mang thai có nguy hiểm?
Thai nhi 10 tuần tuổi vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có những sự biệt hóa nhất định. Có thể sự gia tăng hormon thai kỳ sẽ làm người mẹ cảm thấy khó chịu, không được khỏe. Tuy nhiên, điều đó lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định của bào thai. Thế nên chúng ta mới thật sự khâm phục sự hy sinh cao cả của người mẹ.
Chỉ 2 tuần nữa thôi, thai phụ sẽ kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên. Đây có thể nói là khoảng thời gian khá khó khăn của thai kỳ. Vượt qua nó, bạn sẽ đến những tháng ngày yên ổn hơn, có cảm giác khỏe hơn và vui tươi hơn.
Dấu hiệu thai 10 tuần khỏe mạnh
Thai nhi 10 tuần tuổi có chiều dài khoảng 30 mm. Lúc này, bé có kích thước tương đương một quả mơ nhỏ. Em bé sẽ thực hiện các chuyển động giật mà có thể nhìn thấy qua siêu âm.
>> Tham khảo thêm: Những điều mà người mẹ cần biết khi siêu âm thai
Thai 10 tuần tuổi sẽ trải qua một sự phát triển mạnh mẽ. khác. Đầu của bé vẫn hơi to hơn nhiều so với cơ thể. Tuy nhiên, khuôn mặt của bé đã rõ nét hơn. Đôi mắt nhỏ tuy khép hờ nhưng có thể phản ứng lại với ánh sáng.
Hai tai của bé đang bắt đầu hình thành, cái miệng có môi trên rất mỏng và chiếc mũi nhỏ bé có hai lỗ mũi. Xương hàm cũng đang dần hình thành, chứa các hình thái sơ khởi của bộ răng sữa. Tim thai đang đập rất nhanh ở tần số 180 lần/phút – gấp ba lần nhịp tim của người trưởng thành.
Đổi thay trên cơ thể người mẹ khi mang thai 10 tuần
Bạn có thể sẽ cảm nhận chiếc quần bó ngày nào không còn phù hợp với mình nữa. Tử cung của người mẹ sẽ có kích thước tương đương một quả cam lớn. Trong khi đó, em bé của bạn có kích thước tương đương quả mơ.
>> Tham khảo thêm: Ốm nghén khi mang thai
Các cơ trong đường tiêu hóa trở nên lỏng lẻo hơn. Vì vậy, bạn rất dễ bị trào ngược, ợ nóng, ợ chua. Triệu chứng này sẽ trở nên nặng hơn nếu người mẹ mang một cặp song thai hoặc đa thai. Trọng lượng của người mẹ có thể tăng từ 0,5 đến 1 kg trong tuần này. Nếu người mẹ bị nghén nặng thì có thể tăng ít hơn.
Những đường mạch máu (đường gân) có thể nhìn thấy rõ nét hơn. Đặc biệt hiện rõ ở những người có nước da sáng màu. Chúng tạo nên những đường ngoằn ngoèo như một bản đồ. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mạch máu sẽ là một điều kiện tuyệt vời để nuôi dưỡng thai nhi.
Triệu chứng khi mang thai tuần 10
Khi mang thai tuần 10, người mẹ sẽ xuất hiện những triệu chứng thường gặp như:
- Táo bón.
- Chướng bụng, đầy hơi.
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày.
- Ốm nghén vẫn tiếp tục xuất hiện bao gồm: buồn nôn, nôn, chán ăn.
- Tăn nhạy cảm khứu giác.
- Khó chịu với những mùi hương lạ, mùi tanh từ hải sản.
- Ợ chua, ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản.
- Chóng mặt, xây xẩm, hạ huyết áp tư thế.
- Khó thở khi nằm ngửa.
- Mệt mỏi thường xuyên.
- Đau đầu, đau cơ như bắp chân.
- Da sẫm màu trên khuôn mặt. Hoặc xuất hiện các mảng màu nâu. Đây được gọi là chloasma hoặc “mặt nạ thai kỳ”.
- Dịch âm đạo có màu trắng đục và hơi có mùi.
Lời khuyên của các chuyên gia
Con số 10 rất tròn trịa và may mắn phải không nào? Vì vậy, khi mang thai 10 tuần, bạn hãy bắt đầu lên kế hoạch về nơi sinh ra em bé đi nhé! Bạn cũng nên tiếp tục quan tâm, chăm sóc chính mình. Bởi vì điều đó sẽ gián tiếp giúp bé an toàn qua tam cá nguyệt giữa.
Điều mẹ bầu nên làm
- Mặc quần áo thoáng rộng hơn, có thể là đồ dành cho bà bầu.
- Ăn uống đầy đủ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để hạn chế tình trạng nghén.
- Tăng cường các loại vitamin bằng trái cây, rau củ.
- Cười nhiều hơn, để tâm lý thoải mái. Hạn chế lo âu, buồn phiền, tức giận.
- Vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập dành cho bà bầu.
Điều mẹ bầu không nên làm
- Tiếp xúc thường xuyên với thú cưng như chó mèo. Bởi vì có thể truyền bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh
- Ăn nhiều thức ăn ngọt như bánh mứt
- Uống nhiều cà phê, rượu bia hoặc các thức uống có cồn
- Hút thuốc lá
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
- Sốt, ớn lạnh
- Đau khi đi tiểu
- Đau bụng nhiều
- Buồn nôn, nôn dữ dội.
- Chảy máu nhiều hoặc chuột rút
- Dịch âm đạo bất thường hoặc mùi
>> Để biết được tuần mang thai thứ 11 diễn ra như thế nào, mời các bạn cùng đón đọc bài viết: Mang thai tuần 11
Trên đây là những thông tin về mang thai 10 tuần mà ThS.BS Phan Lê Nam muốn giới thiệu đến bạn đọc. Đặc biệt là những bạn mới mang thai hoặc chuẩn bị mang thai. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn đọc an tâm hơn. Đồng thời chăm sóc tốt cho bản thân và thai nhi để chuẩn bị bước qua tuần mang thai tiếp theo.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
10 Weeks Pregnanthttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-10.aspx
Ngày tham khảo: 27/05/2020
-
10 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-symptoms-week-10
Ngày tham khảo: 27/05/2020
-
Your pregnancy at 10 weekshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/299161
Ngày tham khảo: 27/05/2020