Táo bón khi mang thai: Mẹ bầu cần làm gì?
Nội dung bài viết
Táo bón là một trong những than phiền phổ biến của mẹ trong thai kỳ. Nó ảnh hưởng đến ít nhất một nửa số phụ nữ mang thai. Tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi mẹ có tiền sử thường hay bị táo bón trước khi mang thai. Cùng tìm hiểu về tình trạng táo bón khi mang khai qua bài viết sau của Bác sĩ Trần Thế Minh nhé!
Nguyên nhân gây ra táo bón khi mang thai
Táo bón có thể bắt đầu sớm nhất là trong ba tháng đầu. Tình trạng này sẽ càng nặng dần hơn theo thời gian trong quá trình mang thai.
Đến ba tháng cuối thai kỳ, theo thống kê cho thấy tình trạng táo bón ảnh hưởng đến một nửa số phụ nữ mang thai.
Các nguyên nhân gây ra táo bón thông thường là do:
- Không ăn đủ chất xơ – chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc.
- Uống không đủ nước.
- Không tập thể dục, hoặc ít vận động. Đặc biệt nếu mẹ có một công việc phải ngồi nhiều.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân liên quan đến mang thai bao gồm:
- Khi bạn mang thai, sự gia tăng nội tiết tố progesterone làm cho quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Do đó thức ăn đi chậm hơn trong đường ruột so với bình thường.
- Vào những tháng cuối của thai kỳ, tử cung không ngừng to ra. Điều này làm gây áp lực lên phần ruột dưới. Ngoài ra, đại tràng cũng sẽ hấp thụ nhiều nước hơn trong thai kỳ. Điều đó làm cho phân cứng hơn, việc đi tiêu trở nên khó khăn hơn.
- Thuốc sắt hoặc bổ sung vitamin cho mẹ bầu cũng có thể là nguyên nhân gây ra táo bón.
Làm gì để giảm táo bón khi mang thai?
Bước đầu tiên là mẹ hãy thử xem lại chế độ ăn của mình. Mẹ cần nên ăn thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày và uống nhiều nước. Đặc biệt là nước, sẽ giúp ngăn ngừa và giảm bớt táo bón. Mẹ hãy áp dụng các lời khuyên sau:
Ăn nhiều chất xơ
Ăn thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm: trái cây tươi, rau sống và chín, đậu. Mẹ có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm nguyên hạt, chẳng hạn như: bánh mì nguyên hạt, gạo lứt và bột yến mạch.
Hãy thử cắt một số quả mâm xôi, táo, chuối, quả sung và dâu tây cho món salad trái cây tươi mát. Hoặc xào trộn một ít ngô ngọt, cài mầm và cà rốt cho món ăn phụ thêm thú vị.
Một chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra những thực phẩm này còn cung cấp cho phụ nữ mang thai vitamin và chất chống oxy hóa.
Mẹ bầu nên cố gắng tiêu thụ 25 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày để duy trì đều đặn và khỏe mạnh. Bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết: Mẹ bầu nên ăn gì để tốt cho bé?
Uống đủ nước
Uống nhiều nước tuy đơn giản nhưng lại mang hiệu quả cao. Mẹ nên uống đủ 8 ly nước cho mỗi ngày. Và uống một ly nước trước khi đi ngủ.
Điều này sẽ giúp giữ cho ruột mềm mại và di chuyển thức ăn trơn tru qua đường tiêu hóa.
Chia nhỏ bữa ăn
Mẹ nên chia bữa ăn ra nhỏ hơn, và cần nhai kỹ thức ăn.
Lượng thức ăn hàng ngày có thể chia nhỏ thành năm hoặc sáu bữa ăn để giúp giảm táo bón. Điều này giúp cho dạ dày tiêu hóa thức ăn mà không phải làm việc quá lâu. Đồng thời giúp vận chuyển thức ăn đến ruột một cách trơn tru hơn.
Nếu mẹ ăn những bữa ăn lớn có thể làm quá tải dạ dày. Điều này khiến cho hệ thống tiêu hóa khó xử lý làm nhuần nhuyễn thức ăn và ảnh hưởng đến quá trình hấp thu.
Tập thể dục nhiều hơn
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp mẹ giảm táo bón. Bởi vì khi tập thể dục sẽ kích thích ruột hoạt động tốt hơn.
Vì thế các chuyên gia khuyên rằng phụ nữ mang thai nên cố gắng tập thể dục ba lần một tuần trong 20 đến 30 phút mỗi lần.
Mẹ có nhiều lựa chọn cho phương pháp vận động của mình. Đi bộ, bơi lội, tập yoga trước sinh đều là những bài tập tuyệt vời cho thai kỳ.
>>> Tham khảo thêm bài viết: Những điều cần lưu ý trong thời gian mang thai
Kiểm tra thuốc bổ sung
Việc mẹ bổ sung sắt có thể gây táo bón: Nếu mẹ thấy rằng việc uống sắt làm trở nên đi tiêu khó khăn hơn. Hãy thử uống sắt với nước ép hoa quả. Hoặc mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc giảm liều lượng sắt.
Một số thuốc kháng axit và bổ sung canxi cũng có thể gây táo bón, đặc biệt nếu mẹ sử dụng thường xuyên. Nếu mẹ có chứng ợ nóng cần dùng thuốc kháng axit mỗi ngày nhưng lại bị táo bón. Bạn nên nói điều này với bác sĩ để tìm các giải pháp khác.
Mẹ nên sử dụng thuốc nhuận tràng khi nào?
Nếu các biện pháp trên không giúp mẹ đi tiêu dễ dàng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc kê một số thuốc nhuận tràng, thuốc làm mềm phân. Đặc biệt, nếu mẹ có sử dụng dầu cá trong lúc mang thai, hãy nên hỏi ý kiến bác sĩ. Bởi vì dầu gan cá có thể có thể cản trở sự hấp thụ của một số vitamin và chất dinh dưỡng.
Mức độ ảnh hưởng đến mẹ bầu
Mẹ có thể thấy rằng táo bón tuy là sự bất tiện khiến cho mẹ đau đớn khi đi tiêu. Nhưng nhìn chung nó không gây ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, mẹ cần bàn luận điều này với bác sĩ. Táo bón trong trường hợp nặng sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
- Bệnh trĩ: Tình trạng này là do các tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng bị giãn ra hoặc bị sưng lên. Trĩ có thể gây đau, ngứa và khó chịu. Thậm chí thường xuyên có dấu hiệu chảy máu sau khi tiêu rặn.
- Nứt hậu môn: Đây là tình trạng xung quanh hậu môn có vết rách. Nứt hậu môn có thể xảy ra khi sức rặn vượt quá mức cho phép. Thường biểu hiện đau đớn và chảy máu ở vùng hậu môn. Cơn đau thâm chí có thể kéo dài đến nhiều giờ.
Cả trĩ và vết nứt hậu môn đều có thể được điều trị bằng kem và thuốc mỡ. Vì thế, mẹ có thể hỏi bác sĩ loại kem, thuốc nào an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Trường hợp mẹ bị rỉ ra chảy máu kéo dài, cần nên báo với bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu khi mang thai.
>>> Xem thêm: Thiếu máu khi mang thai và những điều các mẹ bầu cần biết
Trên thực tế, các tĩnh mạch giãn ra trong bệnh trĩ sẽ co lại sau vài tuần sau sinh. Nếu mẹ vẫn bị trĩ một thời gian sau khi sinh, mẹ cần đến khám bác sĩ để điều trị phù hợp.
Trong khi đó, vết nứt hậu môn sẽ lành trong vài tuần. Tuy nhiên, mẹ cần tuân thủ những lời khuyên phòng ngừa và giảm tần suất táo nón để ngăn ngừa tình trạng nứt hậu môn tái phát.
Táo bón khi mang thai tuy bất tiện với mẹ nhưng mẹ đừng quá lo lắng. Thay đổi lối sống, tập thể dục, uống nhiều nước, và sử dụng thuốc nhuận trạng khi cần sẽ là những phương pháp hữu hiệu giúp mẹ giảm và phòng ngừa sự khó chịu này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
5 Safe Remedies for Constipation in Pregnancyhttps://www.healthline.com/health/pregnancy/constipation-remedies#1
Ngày tham khảo: 16/12/2022
-
Constipation in pregnancyhttps://www.babycentre.co.uk/a836/constipation-in-pregnancy
Ngày tham khảo: 16/12/2022
-
Mayoclinic (2018). Guide to a Healthy Pregnancy (Second Edition). Part 5: Symptoms guide.
Ngày tham khảo: 16/12/2022