Mang thai tuần 15: Mẹ bầu cần lưu ý những gì?
Nội dung bài viết
Khi mang thai tuần 15, có nghĩa là bạn đã qua giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thế, các cơn ốm nghén sẽ giảm dần đi và bạn sẽ cảm thấy tràn trề năng lượng trở lại. Vậy cần lưu ý gì ở giai đoạn này để đảm bảo sự phát triển an toàn của bé? Hãy cùng YouMed tìm hiểu kỹ hơn ở bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam nhé!
Những thay đổi của cơ thể bạn khi mang thai tuần 15?
Bụng bạn đang lớn dần
Khi bước vào 3 tháng giữa, bạn có thể tăng cân khoảng 1,5-2 kg mỗi tháng. Để tốt cho sự tăng trưởng của thai nhi, kiểm tra cân nặng định kỳ là rất cần thiết.
Khi bạn tăng ít hơn 1 kg hoặc hơn 3 kg mỗi tháng, hãy nói điều này với bác sĩ. Họ có thể cân nhắc thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập của bạn. Điều này sẽ giúp bạn giữ mức độ tăng cân phù hợp hơn trước khi sinh.
Trên thực tế, ở thời điểm mang thai tuần 15 bụng của bạn vẫn chưa lớn rõ. Một số người sẽ không nhận thấy bạn đang mang thai khi nhìn bề ngoài. Tuy nhiên, khi sờ nén thành bụng, bạn đã có thể cảm nhận được đỉnh tử cung cao khoảng 10-12 cm dưới rốn.
Đau dây chằng tròn
Tử cung của bạn giờ đây đã cần phải “đóng gói” nhiều thứ. Bao gồm thai nhi đang phát triển, buồng ối với đầy nước ối bên trong, và cả nhau thai. Vì thế, bạn có thể bắt đầu cảm thấy đau nhói ở quanh vùng chậu. Nó được gọi là “đau dây chằng tròn”.
Dây chằng tròn vùng chậu là hệ thống dây chằng nằm ở khung xương chậu bao quanh tử cung. Khi tử cung giãn nở, dây chằng tròn vùng chậu cũng bị căng ra theo. Tình trạng này gây cảm giác đau nhói cho mẹ bầu. Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút và thường xuất hiện ở 3 tháng đầu và cuối thai kỳ.
Đau dây chằng tròn sẽ khiến cho mẹ bầu không thoải mái tí nào. Tuy nhiên dấu hiệu này lại bình thường khi mang thai. Vì thế bạn không cần quá lo lắng về nó. Bạn có thể áp dụng những gợi ý sau để giảm đau:
- Thay đổi cách bạn di chuyển: Ngồi xuống và đứng lên chậm hơn, và tránh những chuyển động đột ngột.
- Khi đau và khó chịu, bạn nên ngồi hoặc nằm xuống để thư giãn.
- Bạn có thể giảm đau bằng cách dùng túi hoặc miếng đệm ấm để chườm xung quanh vùng bụng dưới.
Một điều lưu ý, nếu bạn không chắc chắn về nguyên nhân đau bụng hoặc cơn đau kéo dài và cảm giác đau đớn nhiều. Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa gần nhất càng sớm càng tốt để kiểm tra. Đặc biệt là khi có kèm theo sốt, ớn lạnh, đau khi đi tiểu hoặc có chảy máu âm đạo.
Huyết trắng (khí hư) nhiều hơn
Nhiều phụ nữ sẽ cảm thấy quần lót có huyết trắng nhiều hơn trước khi mang thai tuần 15. Điều này là do nội tiết tố nữ tăng cao và tác động lên niêm mạc âm đạo. Dịch âm đạo có thể ra nhiều theo thời gian trong suốt thai kỳ. Với độ axit cao của dịch giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại ở âm đạo.
Điều lưu ý, bạn cần đến cơ sở Sản phụ khoa hoặc thăm khám bác sĩ đang quản lý thai nghén của bạn khi nghi ngờ có viêm nhiễm đường sinh dục. Bao gồm:
- Khí hư thay đổi màu sắc: Bình thường khí hư có màu trắng như lòng trắng trứng gà hoặc có màu hơi trắng đục. Nếu màu sắc chuyển dần sang xanh vàng hoặc xám, đó có thể là biểu hiện của sự viêm nhiễm.
- Bắt đầu có mùi hôi, khó chịu.
- Có thay đổi kết cấu như trở nên đặc quánh, từng mảng.
- Đau rát khi đi tiểu.
- Âm đạo cảm thấy sưng tấy, ngứa rát và đau.
>> Viêm âm đạo là một trong những bệnh lý phụ khoa rất thường gặp. Với những triệu chứng như ngứa rát, tiết dịch có mùi khó chịu; viêm âm đạo gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng sinh hoạt thường ngày. Vậy hãy cùng YouMed đọc đến hết bài biết để tìm hiểu viêm âm đạo là gì và cách phòng ngừa viêm âm đạo nhé!
Điều gì đang xảy ra với em bé của bạn khi mang thai tuần 15?
- Đến cuối tuần này, em bé của bạn sẽ dài khoảng 12 cm và nặng khoảng 57 gram.
- Da bé bắt đầu phát triển nang lông và các tuyến dưới da. Tuy nhiên, da vẫn còn rất mỏng và các mạch máu thực sự có thể nhìn xuyên qua da.
- Đôi tai đang tiếp tục phát triển hướng ra bên ngoài và dễ nhận thấy hơn. Và dần đạt đến vị trí cuối cùng, mặc dù chúng vẫn còn ở vị trí hơi thấp.
- Hai mắt của bé đang di chuyển cân đối hơn về phía gần mũi.
- Lông mày và tóc trên da đầu đang xuất hiện tuần này. Nếu em bé của bạn sẽ có mái tóc sẫm màu, các nang tóc bắt đầu tạo ra sắc tố để tạo màu tối cho tóc.
- Xương và tủy xương tạo nên hệ thống xương tiếp tục phát triển trong tuần này. Đến cuối tuần, em bé sẽ có thể nắm tay nhờ sự phát triển vượt trội của cơ bắp.
Một số lời khuyên hữu ích đối với mẹ bầu mang thai tuần thứ 15
Tư thế ngủ thế nào là đúng khi bụng bắt đầu lớn ở tuần mang thai 15?
Ở tuần mang thai thứ 15, bụng bạn sẽ lớn dần. Nhiều phụ nữ có câu hỏi về tư thế ngủ khi mang thai thế nào là đúng và an toàn?
Lời khuyên tốt nhất là bạn có thể bắt đầu ngủ nghiêng về một bên. Đây là tư thế ngủ thoải mái và lành mạnh nhất.
Trên thực tế, ngủ tư thế nằm ngửa khiến tử cung gây áp lực lên các động mạch lớn cung cấp máu cho phần dưới cơ thể của bạn và em bé. Điều này sẽ làm cho cả mẹ và con cảm thấy thiếu oxy và khó thở hơn. Ngoài ra, ngủ nằm sấp sẽ gây thêm áp lực lên tử cung và tư thế này là nên tránh.
Cách dễ nhất để bắt đầu ngủ về một bên thoải mái hơn là sử dụng thêm vài chiếc gối hoặc sử dụng gối bà bầu.
Ngoài ra, nhiều phụ nữ mang thai 15 tuần tuổi thấy việc đặt gối sau lưng và giữa đầu gối của họ vừa thoải mái lại vừa ít tốn kém. Bạn có thể cân nhắc xem đâu là giải pháp tốt nhất cho bạn nhé!
Bài tập thể dục từ tuần 13 đến 16 thai kỳ
Bài tập này với tên gọi là “nhấn lưng” – Giúp củng cố cho việc hỗ trợ tốt tư thế của mẹ trong khi mang thai.
Bước 1: Đứng dựa lưng vào tường và giang 2 chân ngang bằng vai.
Bước 2: Nhấn nhẹ lưng vào tường và giữ trong khoảng 5-10 giây.
Bước 3: Nhấn lặp lại từ 5-10 lần.
Dành thời gian để suy nghĩ về việc chăm sóc trẻ sau sinh
Một quyết định rất khó khăn đối với nhiều phụ nữ đang đi làm là họ sẽ làm gì khi em bé chào đời.
Giống như nhiều cha mẹ khác, bạn có thể sẽ đắn đo suy nghĩ xem bạn muốn trở lại làm việc hay ở nhà chăm sóc con? Và nếu bạn quay trở lại làm việc, nên làm bao nhiêu tiếng là đủ? Người bạn đời có nên quan tâm đến việc giảm bớt công việc và ở nhà phụ chăm con hay không?
Nếu bạn biết rằng cha mẹ sẽ quay trở lại làm việc sau khi đứa bé được sinh ra. Bạn có thể cân nhắn đến việc tìm vú nuôi chăm sóc. Nếu bạn chưa chắc chắn về thời gian quay lại làm việc, thì có lẽ đây là thời gian tốt nhất để bạn suy nghĩ các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Hãy xem xét các yếu tố sau:
Quỹ tiền chung của gia đình
Hãy tham khảo các chi phí chăm sóc trẻ em và nó ảnh hưởng như thế nào đến quỹ chung của gia đình. Nếu việc chi một phần để tìm người chăm sóc có ảnh hưởng nhiều. Cha và mẹ có thể cân nhắc điều chỉnh giờ làm việc để dành thời gian chăm sóc bé.
Nếu bạn muốn tìm vú nuôi chăm sóc
Hãy nên cởi mở và và nói ra những mong muốn của bạn với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em. Họ sẽ cân nhắc để lựa chọn người phù hợp chăm sóc cho con bạn.
Nếu một người thân có mong muốn chăm sóc em bé giúp bạn
Đây là sẽ chỗ dựa đáng tin cậy cho cả gia đình. Ngoài ra, lời đề nghị này còn giúp giảm bớt nỗi lo tài chính cho bạn. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị cảm xúc thật tốt. Đôi khi thành viên trong gia đình cũng có thể cung cấp cho bạn rất nhiều lời khuyên và nhiều hơn những lời khuyên mà bạn muốn.
Quản lý cảm xúc, đưa ra những mong muốn của bạn một cách khôn khéo sẽ giúp cho gia đình càng trở nên ấm áp và hòa thuận hơn.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn những thay đổi kỳ diệu khi mang thai tuần 15. Không những vậy, ở tuần thứ 16, có một sự kiện đặc biệt là trẻ đã biết nhăn nhó, cau mày và biểu hiện cảm xúc trên nét mặt. Hãy đón chờ những sự thay đổi của bé và những lời khuyên hữu ích cho mẹ ở bài viết mang thai tuần 16 nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pregnancy Week 15https://americanpregnancy.org/week-by-week/15-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 06/05/2020
-
Week 15 – your second trimesterhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-15/
Ngày tham khảo: 06/05/2020
- Mayoclinic (2018). Chapter 7 Month 4: Weeks 13 to 16. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition.