YouMed

Hiện tượng ra máu khi mang thai: Phụ nữ có thai cần lưu ý những gì?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Hiện tượng ra máu khi mang thai là một trong những tình trạng có thể gặp gây lo lắng cho các bà mẹ. Trong suốt quá trình mang thai chín tháng mười ngày, phụ nữ có thai có thể gặp phải những rối loạn, những bất thường nhất định. Trong đó có hiện tượng ra máu. Vậy thì đối với hiện tượng này, phụ nữ có thai nên lưu ý những gì? Khi nào cần đi gặp bác sĩ? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Ths. BS Phan Lê Nam.

Thế nào là hiện tượng ra máu khi mang thai?

Hiện tượng ra máu khi mang thai là hiện tượng máu chảy qua đường sinh dục của thai phụ trong quá trình mang thai. Sự chảy máu có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào khi mang thai. Thời gian tính từ tuần mang thai thứ nhất cho đến ngay trước khi chuyển dạ.

Hiện tượng ra máu khi mang thai xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Một số là nghiêm trọng, trong khi những trường hợp khác thì không đáng lo ngại. Chảy máu (xuất huyết) có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn trong thai kỳ.

 Hiện tượng ra máu khi mang thai không hề hiếm gặp
Hiện tượng ra máu khi mang thai không hề hiếm gặp

Xuất huyết trong những tháng đầu thai kỳ là khá phổ biến. Trong nhiều trường hợp, nó không báo hiệu một vấn đề đáng lo lắng. Chảy máu giai đoạn sau của thai kỳ có thể nghiêm trọng hơn. Tốt nhất bạn nên liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa. Hoặc liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nếu bạn bị chảy máu bất kỳ lúc nào trong thai kỳ.

Sự phổ biến của hiện tượng ra máu khi mang thai

Chảy máu trong tam cá nguyệt đầu tiên xảy ra với khoảng 15–25% phụ nữ mang thai. Chảy máu nhẹ hoặc ra máu có thể xảy ra 1-2 tuần sau khi thụ tinh khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong niêm mạc tử cung. Cổ tử cung có thể chảy máu dễ dàng hơn khi mang thai vì nhiều mạch máu đang phát triển ở khu vực này. Khi có đốm hoặc chảy máu nhẹ sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi xét nghiệm Pap thì đó là một hiện tượng bình thường.

Đối với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, sự chảy máu sẽ biểu hiện một tình trạng đáng lo ngại hơn. Hầu hết các trường hợp chảy máu trong giai đoạn này đều cần phải được quan tâm. Theo một nghiên cứu từ 4510 thai phụ, tỷ lệ thai phụ bị xuất huyết khi mang thai tại thời điểm bất kỳ là 26,8 %. Trong đó, 19,3 % bị xuất huyết dạng đốm, 5,4 % bị xuất huyết nhẹ và 2,2% bị xuất huyết nặng.

Phân loại hiện tượng ra máu khi mang thai

Hiện tượng ra máu khi mang thai có thể được chia thành một trong hai loại. Phân chia theo mức độ thì sự chảy máu khi mang thai bao gồm 3 loại: Dạng đốm, nhẹ và nặng. Nếu phân chia theo thời điểm chảy máu thì sẽ có 3 thời điểm: chảy máu trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Hiện tượng ra máu khi mang thai 3 tháng đầu

Nguyên nhân

Những nguyên nhân có thể gây chảy máu trong 3 tháng đầu thai kỳ bao gồm:

  • Mang thai ngoài tử cung. Trong đó, trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong ống dẫn trứng.
  • Chảy máu khi làm tổ. Hiện tượng này xảy ra khoảng 10 đến 14 ngày sau khi thụ thai khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong niêm mạc tử cung.
  • Sẩy thai (sẩy thai tự nhiên trước tuần thứ 20).
  • Đa thai.
  • Mang thai trứng (một trường hợp hiếm gặp trong đó trứng thụ tinh bất thường phát triển thành mô bất thường thay vì một đứa trẻ)
  • Các vấn đề với cổ tử cung. Chẳng hạn như viêm nhiễm cổ tử cung, tổn thương cổ tử cung, khối u tại cổ tử cung,…
 Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

  • Hãy cho bác sĩ chuyên khoa Phụ sản biết trong lần khám tiền sản tiếp theo nếu bạn bị chảy máu âm đạo lấm tấm. Hoặc chảy máy nhẹ và biến mất trong vòng một ngày.
  • Liên hệ với bác sĩ chuyên khoa trong vòng 24 giờ nếu bạn có bất kỳ lượng máu âm đạo nào kéo dài hơn một ngày.
  • Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị chảy máu âm đạo trung bình đến nặng. Tình trạng chảy máu có kèm theo đau bụng, chuột rút, sốt hoặc ớn lạnh.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu nhóm máu của bạn là Rh âm và bạn bị chảy máu. Bởi vì bạn có thể cần một loại thuốc ngăn cơ thể tạo ra các kháng thể có thể gây hại cho việc mang thai trong tương lai của bạn.

Hiện tượng ra máu khi mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối

Nguyên nhân

Chảy máu trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ thường nghiêm trọng hơn ra máu nhẹ trong ba tháng đầu.

Nguyên nhân bao gồm:

  • Các vấn đề về cổ tử cung. Tình trạng viêm nhiễm hoặc khối u trên cổ tử cung có thể gây chảy máu nhẹ. Điều này thường không nghiêm trọng.
  • Nhau bong non: Nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi chuyển dạ. Điều này chỉ xảy ra ở 1 % phụ nữ mang thai.
  • Nhau tiền đạo. Nhau thai nằm quá thấp trong tử cung và che phủ một phần cổ tử cung. Chảy máu thường không kèm theo đau.
  • Chuyển dạ sinh non: Chảy máu có thể có nghĩa là bạn chuyển dạ quá sớm.
  • Sẩy thai: Sẩy thai có thể đã xảy ra trước đó mà không có bất kỳ dấu hiệu nào.
  • Vỡ tử cung, một trường hợp hiếm gặp nhưng đe dọa đến tính mạng. Trong đó, tử cung bị rách theo đường sẹo từ vết mổ trước đó.
 Viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sĩ khi bạn bị chảy máu khi mang thai 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối. Kèm với chảy máu là các triệu chứng như:

  • Sốt cao, ớn lạnh.
  • Đau quặn bụng, buồn nôn, nôn nhiều.
  • Chuột rút.
  • Tình trạng chảy máu kéo dài quá 24 giờ hoặc máu chảy ra ngoài với lượng trung bình đến nặng.

Lời khuyên từ các chuyên gia y tế

Vì chảy máu âm đạo trong bất kỳ tam cá nguyệt nào đều có thể là dấu hiệu của một rối loạn nào đó. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn ngay khi có những triệu chứng khác thường.

Đeo một miếng đệm để bạn có thể theo dõi lượng máu chảy ra và ghi lại loại máu. Ví dụ: màu hồng, nâu hoặc đỏ, dạng mịn hoặc máu vón cục. Mang bất kỳ mô nào đi qua âm đạo đến bác sĩ để xét nghiệm. Không sử dụng tampon hoặc quan hệ tình dục khi bạn vẫn đang chảy máu.

Bạn nên được siêu âm để xác định nguyên nhân cơ bản khiến bạn bị chảy máu là gì. Siêu âm âm đạo và bụng thường được thực hiện cùng nhau như một phần của đánh giá đầy đủ.

 Siêu âm khi mang thai
Siêu âm khi mang thai

Hãy đi cấp cứu ngay lập tức khi có các dấu hiệu sau đây. Bởi vì đó có thể là dấu hiệu của sẩy thai hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác:

  • Đau dữ dội hoặc chuột rút dữ dội ở vùng bụng dưới
  • Chảy máu nhiều, có thể kèm theo đau hay không.
  • Tiết dịch từ âm đạo có chứa mô.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Sốt hơn 38.5 độ C trở lên và / hoặc ớn lạnh.

Khi nào hiện tượng ra máu khi mang thai là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non?

Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu của chuyển dạ. Nếu chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là chuyển dạ sinh non. Các dấu hiệu khác của chuyển dạ sinh non bao gồm:

  • Thay đổi dịch tiết âm đạo (trở nên như nước, giống chất nhầy hoặc có máu) hoặc tăng lượng dịch tiết âm đạo.
  • Áp lực vùng chậu hoặc bụng dưới.
  • Đau lưng liên tục, ít, âm ỉ.
  • Đau bụng nhẹ, có hoặc không kèm theo tiêu chảy. Các cơn co thắt hoặc thắt chặt tử cung thường xuyên. Thường không đau (4 lần mỗi 20 phút hoặc 8 lần một giờ trong hơn 1 giờ)
  • Ối bị vỡ (nước ối phun ra hoặc nhỏ giọt).
 Chuyển dạ sinh non
Chuyển dạ sinh non

Cách quản lý chuyển dạ sinh non dựa trên những gì được cho là tốt nhất cho sức khỏe của bạn và thai nhi. Trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc. Khi cơn chuyển dạ sinh non quá xa và không thể dừng lại hoặc có những lý do khiến em bé phải sinh sớm, có thể cần phải sinh con.

Khi nào ra máu khi mang thai là dấu hiệu của nhau tiền đạo?

Nhau tiền đạo xảy ra khi nhau thai nằm thấp trong tử cung và che phủ một phần hoặc hoàn toàn lỗ của ống sinh. Nhau tiền đạo rất hiếm gặp vào cuối tam cá nguyệt thứ ba, chỉ xảy ra ở một trong 200 trường hợp mang thai. Nhau tiền đạo chảy máu, có thể không đau, là một trường hợp khẩn cấp cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo

Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi mà không đau trong nửa sau của thai kỳ là dấu hiệu chính của nhau tiền đạo. Một số phụ nữ cũng có các cơn co thắt. Ở nhiều phụ nữ được chẩn đoán bị nhau tiền đạo sớm khi mang thai, nhau tiền đạo sẽ tự khỏi. Khi tử cung phát triển, nó có thể làm tăng khoảng cách giữa cổ tử cung và nhau thai. Càng về sau, nhau thai càng bao phủ cổ tử cung thì khả năng xử trí sẽ càng khó.

Khi nào hiện tượng ra máu khi mang thai là dấu hiệu của sẩy thai?

Tình trạng chảy máu do sẩy thai có thể thay đổi từ lấm tấm nhẹ hoặc tiết dịch màu nâu. Cho đến nặng hơn là chảy máu nhiều và máu đỏ tươi, hoặc cục máu đông. Máu có thể đến và ra trong vài ngày. Các triệu chứng khác của sẩy thai bao gồm:

  • Chuột rút và đau ở bụng dưới của bạn.
  • Tiết dịch từ âm đạo của bạn.
  • Dịch mô từ âm đạo của bạn.
  • Không còn gặp phải các triệu chứng của thai kỳ, chẳng hạn như cảm thấy ốm và căng tức ngực.
Sẩy thai
Sẩy thai

Khi nào chảy máu khi mang thai là dấu hiệu của nhau bong non?

Trong khoảng 1% các trường hợp mang thai, nhau thai bong ra khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi chuyển dạ. Đồng thời tạo thành các vũng máu giữa nhau thai và tử cung. Nhau bong non có thể rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của nhau bong non là: Đau bụng, có cục máu đông từ âm đạo, tử cung mềm và đau lưng.

 Nhau bong non
Nhau bong non

Khi nào chảy máu khi mang thai là dấu hiệu vỡ tử cung?

Một loạt các triệu chứng liên quan đến vỡ tử cung. Một số triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo quá nhiều.
  • Đau đột ngột giữa các cơn co thắt.
  • Các cơn co thắt trở nên chậm hơn hoặc ít dữ dội hơn.
  • Đau bụng bất thường hoặc đau nhức.
  • Thụt đầu em bé vào ống sinh.
  • Phồng lên dưới xương mu.
  • Đau đột ngột tại vị trí của một vết sẹo tử cung trước đó.
  • Mất trương lực cơ tử cung.
  • Nhịp tim nhanh, huyết áp thấp và mẹ bị sốc.
  • Nhịp tim bất thường ở em bé.
 Vỡ tử cung
Vỡ tử cung

Nói tóm lại, hiện tượng ra máu khi mang thai không hề hiếm gặp. Chính vì vậy, các thai phụ nên chú ý tình trạng này. Bất kể lượng máu ghi nhận được là ít hay nhiều, tốt hơn hết là nên bàn với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng ra máu khi mang thai. Mục đích là để các bác sĩ xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Traci C. Johnson, “Bleeding During Pregnancy”, đăng nhập ngày 12-06-2020, tại website https://www.webmd.com/
  • MayO Clinic Staff, “Bleeding during pregnancy”, đăng nhập ngày 22-01-2020, tại website https://www.mayoclinic.org/
  • Noreen Iftikhar, “What Causes First Trimester Bleeding?”, đăng nhập ngày 19-08-2019, tại website https://www.healthline.com/
  • ACOG Staff, “Bleeding During Pregnancy”, đăng nhập ngày 01-09-2019, tại website https://www.acog.org/
  • Reem Hasan, “Association Between First-Trimester Vaginal Bleeding and Miscarriage”, đăng nhập ngày 01-10-2010, tại website https://www.ncbi.nlm.nih.gov/
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người