YouMed

Mang thai tuần 24: Chú ý tầm soát đái tháo đường thai kì

Bác sĩ TRẦN HOÀNG NHẬT LINH
Tác giả: Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Chuyên khoa: Tim mạch

Nếu trong suốt thai kì bạn vẫn chưa nghe nhắc gì đến đái tháo đường thai kì thì tuần 24 là thời điểm thích hợp để mẹ bầu phải lưu tâm về vấn đề này. Bên cạnh đó, mang thai tuần 24 là lúc em bé phát triển tương đối lớn, và bé đã có khả năng sống sót nếu chào đời vào tuần này.

mang thai tuần 24

1. Sự phát triển của em bé khi mang thai tuần 24

Hình thể

Vào tuần thứ 24 của thai kì, em bé dài khoảng 20 cm nếu tính theo chiều dài đầu mông. Nếu tính tất cả thì bé vào khoảng 28- 30cm, nặng khoảng 0.5 – 0.6 kg. Bé cũng mọc tóc nhiều hơn. Nếu nhìn thấy được, mẹ có thể xác định được màu sắc và dạng tóc. Nếu em bé bị sinh non ở tuần lễ này, khả năng sống sót là 50 – 50. Tuy nhiên bé sẽ gặp phải nhiều biến chứng với mức độ nghiêm trọng.

bé 24 tuần tuổi thật đáng yêu
Bé 24 tuần tuổi thật đáng yêu

Vận động của bé

Thai máy bây giờ hầu như đã trở nên rất rõ ràng. Em bé cuối tháng thứ 6 đã có những khoảng nghỉ ngơi và hoạt động xen kẽ nhau. Cách thức cũng như “lịch” vận động của bé đã dần trở nên quen thuộc hơn với bạn. Một số bà mẹ nhận ra rằng em bé rất tích cực cựa quậy lúc nửa đêm – đủ để đánh thức mẹ bé cho dù đang ngủ sâu. Nếu liếc nhìn bé yêu trong tử cung, mẹ có thể thấy bé cử động liên tục. Bé đã ý thức được cơ thể mình, biết nhào lộn lên xuống, sang trái sang phải trong tử cung. Lí do là vì tai trong – bộ phận đảm nhiệm chức năng thăng bằng không gian – đã khá hoàn thiện.

2. Mẹ cần lưu ý vấn đề gì khi mang thai tuần 24

2.1 Đái tháo đường thai kì

Khi mang thai, một số phụ nữ gặp vấn đề về lượng đường trong máu tăng cao. Tình trạng này gọi là đái tháo đường thai kì. Đái tháo đường thai kì thường khởi phát trong khoảng từ tuần thứ 24 đến 28. Nếu bạn bị đái tháo đường trong thai kì sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 sau này.

triệu chứng đái tháo đường thai kì
Triệu chứng đái tháo đường thai kì

Nguyên nhân gây đái tháo đường thai kì

Trong quá trình mang thai, nhau thai được kích thích để tạo ra các hormon như progesterone, HPL, prolactin… giúp thai nhi phát triển. Chính sự tăng sản xuất các hormon này làm cơ thể mẹ tăng đề kháng insulin. Trong khi đó, insulin là loại hormon cần thiết giúp ổn định lượng đường trong máu. Tuần 24-28 là thời điểm các hormon gây kháng insulin của nhau thai được tiết ra nhiều nhất.

Tầm soát đái tháo đường thai kì khi mang thai tuần 24

Sàng lọc bệnh tiểu đường thai kì là bắt buộc vào khoảng tuần thứ 24 – 28 của thời gian mang thai, dù mẹ bầu có tiền sử bệnh hay không. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sớm hơn nếu mẹ bầu có nhiều yếu tố nguy cơ

Một cách tổng quát, tầm soát đái tháo đường thai kì có thể được thực hiện bằng 1 trong 3 cách:

  • Đường huyết đói và đường huyết sau ăn
  • Chiến lược tiếp cận 2 thì
  • Chiến lược tiếp cận chẩn đoán 1 thì

>> Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ và bé. Bệnh thường không có những triệu chứng rõ ràng. Thường chỉ phát hiện sau khi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.

2.2 Hội chứng ống cổ tay

Bắt đầu từ tuần thứ 24, có thể xuất hiện hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrom). Đây là hội chứng do thần kinh giữa bị chèn ép ở vùng cổ tay,. Hội chứng phần lớn là vô căn. Thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép. Vì vậy khi bị chèn quá mức sẽ làm đau và yếu bàn tay ở 1 số vùng. (Thần kinh giữa chịu cảm giác ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa và một vài cơ bàn tay.)

2.3 Tiêm phòng uốn ván

Phụ nữ khi đang ở độ tuổi sinh sản, chưa từng được tạo miễn dịch uốn ván cần được tiêm chủng để bảo vệ chính bà bầu và cả trẻ sơ sinh. Tổng số mũi tiêm phòng uốn ván là 5 mũi. Sau 5 lần, việc có tiêm nhắc lại hay không còn tùy thuộc vào mũi tiêm cuối cùng cách thời gian bạn mang thai là bao lâu.

vắc xin uốn ván khi mang thai tuần 24
vắc xin uốn ván

Lịch tiêm:

– Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc phụ nữ trong tuổi sinh sản. Thông thường, mũi tiêm được thực hiện ở tuần 20-30.

– Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau mũi 1 và tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng

Đối với phụ nữ mang thai lần đầu, tiêm 2 mũi uốn ván trong thời kì mang thai là đủ.

– Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc kì có thai lần sau

Các lần có thai sau: chỉ tiêm 1 mũi vắc xin phòng uốn ván nếu lần có thai trước đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng uốn ván

– Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc kì có thai lần sau

– Mũi 5: Ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc kì có thai lần sau

– Nên tiêm nhắc lại mũi thứ 6 khi thời điểm tiêm mũi thứ 5 đã trên 10 năm

Sau tiêm có thể gặp phản ứng gì?

Sau khi tiêm phòng uốn ván thường sẽ có tác dụng phụ là sốt nhẹ, đau vùng tiêm. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng phụ thông thường. Chị em không cần lo lắng cũng như dùng thêm bất kì loại thuốc gì. Người mẹ có thể thực hiện các biện pháp như chườm khăn ấm, dùng khăn ấm lau người, bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin để giảm nhẹ các triệu chứng. Nếu thời gian sốt quá lâu từ 3 đến 4 ngày, với các biểu hiện nặng như sốt cao, mệt mỏi, ngủ li bì thì nên đến bệnh viện để kiểm tra kịp thời.

2.4 Tìm cố vấn sức khỏe

Tìm một cố vấn sức khỏe sát sao với mẹ trong quá trình sinh nở và nuôi dưỡng bé khi lọt lòng là một ý tưởng tuyệt vời. Mẹ bầu luôn cần một ai đó sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của mẹ vào bất kì lúc nào. Nếu bạn không có bác sĩ riêng, kinh nghiệm từ các mẹ bỉm khác trong gia đình cũng có thể xem là nguồn tham khảo quý giá. Không chỉ cung cấp kiến thức, cố vấn còn là người thấu cảm và giúp nâng đỡ tinh thần mẹ bầu.

Mẹ nên tìm một cố vấn sức khỏe thân thiết khi mang thai tuần 24
Mẹ nên tìm một cố vấn sức khỏe thân thiết

Cân nhắc những câu hỏi sau khi lựa chọn cố vấn nhé

  • Trình độ chuyên môn của nhà cố vấn?
  • Bạn có thích cách họ đưa ra lời khuyên hay thăm khám?
  • Câu trả lời họ đưa ra có làm bạn hài lòng hoàn toàn?
  • Bạn có dễ dàng gọi điện hay hẹn gặp mặt cố vấn?

2.5 Thăng bằng cảm xúc khi mang thai tuần 24

Xuất hiện nhiều nỗi sợ

Chồng hoặc bố mẹ hay bạn bè xung quanh có thường nhận xét rằng dạo này tâm trạng bà bầu thất thường quá? Điều này có thể là do hormone đang được sản xuất nhiều hơn và nhanh hơn. Hơn nữa, ngày dự sanh càng gần, bạn càng bắt đầu trải nghiệm nhiều nỗi sợ mới. Hết tháng thứ 6, nghĩa là bạn sẽ rất lo lắng về quá trình sinh nở? Chẳng hạn:

  • Bụng bầu to quá, làm sao để tránh ánh nhìn soi mói từ người khác?
  • Làm sao đến bệnh viện kịp thời khi chuyển dạ?
  • Nếu bị mất kiểm soát trong lúc chuyển dạ thì sao?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu lúc này kiểm tra phát hiện em bé có điều gì không ổn?

Trên thực tế, bạn đối mặt với những nỗi sợ hãi này trong một thời gian không ngắn. Chồng của bạn cũng thế, đặc biệt nếu như hai bạn mới làm bố mẹ lần đầu.

Vượt qua sợ hãi

Việc cần làm nhất lúc này là dành thời gian để ngồi xuống và lập danh sách những nỗi sợ hãi. Liên hệ với cố vấn sức khỏe của bạn để tìm cách thăng bằng cảm xúc. Đừng ngại ngần nếu bạn quan tâm đến gần gũi đôi lứa nhiều hơn lúc trước. Bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn, ngủ ngon hơn và tràn đầy năng lượng hơn. Luôn nhớ rằng, mang thai là hành trình tận hưởng, không phải chịu đựng bạn nhé!

>> Bé yêu đã lớn thêm 1 tuần tuổi nữa rồi đấy. Tuần này, bé cũng mang hình hài tương đối giống trẻ sơ sinh với kích thước tí hon. Bé vẫn đang tăng trưởng nhanh hơn từng ngày.

Đến giờ phút này, bạn gần như có thể hình dung tương đối rõ ràng về sự xuất hiện của thiên thần nhỏ. Duy trì thai kì khỏe mạnh gần như là mối bận tâm duy nhất của mẹ bầu lúc này. Đừng quên lịch khám thai, tiêm ngừa để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Vợ chồng cũng nên lên kế hoạch cho quá trình sinh nở, chăm trẻ cho giai đoạn bận rộn sắp đến.

Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/fetal-development/art-20045997
  • https://www.healthline.com/health/pregnancy/24-weeks-pregnant#call-the-doctor
  • https://www.pampers.com/en-us/pregnancy/pregnancy-calendar/24-weeks-pregnant
  • https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-24/
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người