Mang thai tuần 22: Thay đổi của bé và lời khuyên cho mẹ
Nội dung bài viết
Bé yêu đã lớn thêm 1 tuần tuổi nữa rồi đấy. Tuần này, bé cũng mang hình hài tương đối giống trẻ sơ sinh với kích thước tí hon. Bé vẫn đang tăng trưởng nhanh hơn từng ngày. Cùng khám phá xem thai nhi tuần lễ này phát triển như thế nào và mẹ cần chú ý gì khi mang thai tuần 22 nhé.
1. Sự phát triển của thai nhi khi mang thai tuần 22
1.1. Hình thể
Khi mang thai tuần 22, em bé dài khoảng 25 – 28 cm và nặng khoảng 0,4 – 0,45 kg. Cơ thể em bé vẫn đang lớn lên từng ngày dù rằng hình thể bé lúc này vẫn còn khá nhăn nheo. Đừng lo lắng, bé vẫn còn hành trình 18 tuần phía trước để phát triển mọi thứ thật hoàn thiện.
1.2. Hệ thần kinh
Các tế bào thần kinh cũng hoạt động mạnh mẽ để tạo các liên kết thần kinh. Trẻ phát triển rõ ràng về mặt vị giác và xúc giác. Bộ não và đầu dây thần kinh đã đủ trưởng thành để bé có thể cảm nhận được. Em bé của bạn hiện đang bận rộn khám phá cảm giác mới này bằng cách vuốt ve khuôn mặt và cơ thể của mình. Có thể mẹ chưa biết, bây giờ, mùi vị của dịch ối sẽ thay đổi theo thực phẩm mà mẹ chọn ăn. Do đó, mẹ ăn gì thì bé cũng sẽ được nếm thông qua nước ối trong bụng mẹ.
>> Mẹ cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai. Đọc thêm: Những loại thực phẩm cần tránh khi mang thai

Tưởng tượng xem, nếu được nhìn lén bé vào lúc này, hẳn là bạn sẽ được trông thấy hình ảnh bé trải nghiệm những cảm giác mới lạ đầu tiên. Trong bụng mẹ, bé đang mút ngón tay hay ngọ nguậy tay chân để chạm vào các bộ phận khác nhau trong cơ thể.
1.3. Mắt
Vào tuần thứ 22 của thai kỳ, các ống dẫn nước mắt của bé đã bắt đầu phát triển. Đôi mắt của bé đã có hình hài hoàn chỉnh. Rất có khả năng, mắt bé đang cử động nhanh chóng dù cho mí mắt vẫn đóng (mí mắt bé cuối cùng sẽ mở trong khoảng 6 tuần cuối thai kỳ).
Tuy nhiên, phần màu của mắt vẫn không có sắc tố. Trên thực tế, quá trình tạo sắc tố mới hoàn chỉnh là vào sau sinh. Do đó, bạn sẽ phải đợi cho đến khi bé được ít nhất 9 tháng tuổi để biết màu mắt vĩnh viễn của bé.
1.4. Hệ sinh sản
Nếu mẹ đang mang bầu một bé gái, vùng âm đạo của bé cũng sẽ được hình thành trong khoảng thời gian bé chạm mốc 21 – 22 tuần tuổi. Tử cung và buồng trứng của bé cũng phát triển. Kể từ đây, bé bắt đầu hình thành toàn bộ trữ lượng trứng dùng trong cả cuộc đời sinh sản sau này. Nếu bạn có một bé trai, tuần này, tinh hoàn của bé bắt đầu hạ xuống từ bụng xuống đến bìu.
2. Mẹ thường có những triệu chứng nào khi mang thai tuần 22?
2.1. Cảm giác thèm ăn
Tuần này, những cơn đói bụng sẽ ghé thăm hầu hết các mẹ bầu thường xuyên. Dù sao, với một thiên thần nhỏ đang lớn dần như thế, việc ăn uống nhiều hơn cũng là bình thường thôi! Nhưng dù có đói bụng đến đâu, mẹ nhớ hãy tránh xa những thức ăn vặt kém bổ dưỡng. Thay vào đó, mẹ nên chuẩn bị sẵn và mang theo bên mình các loại đồ ăn gọn nhẹ lành mạnh.
Các loại hạt, nho khô, bánh ngũ cốc… là những gợi ý hay. Nhờ vậy, mẹ và em bé sẽ được cung cấp đầy đủ năng lượng ngay cả khi đang ở nơi làm việc.

2.2. Chuột rút
Chuột rút thường xảy ra ở chân, đùi, bàn chân, bàn tay hoặc cơ bụng do các cơ co thắt đột ngột, khiến những bộ phận này của mẹ bầu rất đau nhức, không thể cử động. Cơ thể của bạn có thể tự nhiên bị chuột rút bất cứ lúc nào, kể cả lúc nửa đêm, khiến bạn phải thức giấc. Tuy ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của thai phụ, chuột rút không để lại hậu quả gì cho mẹ và sẽ tự hết khi kết thúc thai kỳ.
Phòng ngừa chuột rút:
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế. Mẹ bầu làm việc tại văn phòng nên tranh thủ thời gian co duỗi bắp chân và vận động hai chân sau mỗi giờ làm việc.
- Tránh làm việc mệt nhọc. Duy trì thói quen vận động nhịp nhàng và điều độ.
- Tập thể dục khi mang thai với các bài tập nhẹ như yoga, đi bơi, đi bộ… giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ diễn ra thuận lợi hơn.
- Thực hiện các động tác xoa bóp, massage nhẹ nhàng từ vùng đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để làm tăng quá trình lưu thông máu.
- Gác chân lên gối cao (mềm) khi nằm ngủ. Nên nằm nghiêng bên trái để máu lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bắp chân.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ, từ 800 mg đến 1.500 mg canxi nguyên tố/ngày.

2.3. Chảy máu nướu răng
Nếu bị viêm nướu, khi đánh răng, bà bầu có thể thấy bàn chải chuyển thành màu hồng do lẫn máu. Để hạn chế viêm nướu trong thời kỳ mang thai, bà bầu nên tránh ăn kẹo ngọt, kẹo dẻo dính răng, đặc biệt là khi thai phụ không thể chải răng ngay sau khi ăn. Chất ngọt làm tăng nguy cơ vi khuẩn trong miệng, tàn phá men răng và kích thích nướu, gây chảy máu.
2.4. Co thắt tử cung
Tử cung khi mang thai tuần 22 sẽ bắt đầu thực hành chuẩn bị cho chuyển dạ và sinh nở. Nó cần tập luyện khối cơ để xây dựng sức mạnh cho việc trọng đại ở cuối thai kỳ. Những khởi động đầu tiên chính là các cơn co thắt bụng dưới, gọi là cơn co thắt Braxton Hicks. Chúng xuất hiện thỉnh thoảng. Những cơn co thắt này không đau mà cảm giác như bị bóp chặt ở gần đỉnh tử cung hoặc ở bụng dưới và vùng chậu của bạn.
Các cơn co thắt Braxton Hicks cũng được gọi là chuyển dạ giả. Braxton Hicks co thắt không đều. Cơn co này có tần số khác nhau, biên độ khác nhau, cường độ cũng khác nhau. Ngược lại, cơn gò chuyển dạ thật sự kéo dài lâu hơn, mạnh mẽ hơn và cũng đau đớn hơn.
Khác biệt lớn nhất giữa cơn gò chuyển dạ và Braxton Hicks chính là sự ảnh hưởng đến cổ tử cung. Với cơn co thắt Braxton Hicks, cổ tử cung của bạn không thay đổi. Với chuyển dạ thật sự, cổ tử cung bắt đầu mở (giãn ra) và mỏng đi. Các cơn gò cũng sẽ càng lúc càng dồn dập. Để phân biệt một cách chắc chắn, mẹ bầu nên đi khám ngay nếu cảm thấy đau đớn hay có nhiều hơn 6 cơn co trong 1 tiếng.
Phân biệt cơn co Braxton Hicks và cơn gò chuyển dạ
Braxton Hicks | Gò chuyển dạ | |
Tần suất |
|
|
Thời gian và cường độ cơn co |
|
|
Mức độ thay đổi của cơn co khi hoạt động | Cơn co thường biến mất khi thai phụ đi lại, thay đổi tư thế. |
|
Vị trí cơn co thắt |
|
|
2.5. Đau đầu
Cơ thể phụ nữ mang thai có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi về nồng độ hormone. Hệ quả dẫn đến nhiều triệu chứng, trong đó có đau đầu. Hơn nữa, trong nửa cuối thai kỳ, bụng bầu to lên. Do vậy, quá trình lưu thông máu toàn cơ thể cũng như hệ thần kinh bị ảnh hưởng.
Việc thiếu máu dẫn truyền lên não sẽ gây ra đau đầu ở mẹ bầu khi mang thai. Vì thế, đừng để cơ thể bị mất nước hay quá nóng. Khi đau đầu, bạn hãy nằm thư giãn trong một căn phòng tối và đắp một chiếc khăn mát lên mắt hoặc ăn một chút thức ăn nhẹ. Tuy nhiên, nếu đột nhiên đau đầu dai dẳng kèm theo mờ mắt thì bạn nên tìm đến bác sĩ ngay.
2.6. Táo bón, ăn uống khó tiêu
Từ tuần lễ này, mẹ bầu sẽ dễ gặp triệu chứng táo bón, đầy hơi hơn những tháng trước. Lý do có thể kể đến gồm:
- Sự thay đổi hormone trong cơ thể.
- Thai nhi phát triển đủ lớn để tạo được áp lực đáng kể cho vùng chậu và bàng quang.
- Chế độ ăn uống thiếu chất xơ.
- Tâm lý ngại vận động.
- Thói quen uống ít nước.
Cả trong giai đoạn mang thai và những tuần đầu tiên sau khi sinh, hoạt động thể chất là một trong những cách tốt nhất để kích thích hoạt động cơ ruột và chống táo bón. Với chỉ 30 phút đi bộ mỗi ngày, uống đủ nước và tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ, tình trạng táo bón sẽ cải thiện rõ rệt.
2.7. Tiết dịch âm đạo
Dịch âm đạo cũng sẽ ra nhiều hơn. Trong suốt thai kỳ, dịch âm đạo thường lỏng, màu trắng hoặc trong và không mùi. Nếu dịch âm đạo của bạn có màu xanh hoặc hơi vàng, có mùi hăng hoặc kèm theo đỏ, ngứa hay kích thích âm hộ, bạn có thể bị viêm nhiễm âm đạo. Đi khám bác sĩ để được kê thuốc phù hợp, bạn nhé.
3. Khám thai
Từ bây giờ, việc thường xuyên đến khám bác sĩ sẽ trở thành thói quen tốt cho mẹ. Mẹ có thể yêu cầu bác sĩ kiểm tra các hạng mục như sau khi bé được 21 – 22 tuần tuổi:
- Bề cao tử cung: được xác định bằng khoảng cách từ đỉnh (đáy) của tử cung đến xương mu của bạn. Từ tháng thứ 6, bề cao tử cung có thể sẽ vào khoảng 21 đến 24 cm. Khoảng cách gần bằng với số tuần mang thai của bạn.
- Kiểm tra cân nặng và huyết áp.
- Đánh giá nhịp tim của bé.
- Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào bạn đang trải qua. Đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ tất cả những gì bạn lo lắng.
- Siêu âm kiểm tra hình thái thai nếu như tháng trước bạn vẫn chưa thực hiện.

Quá trình mang thai tràn ngập niềm vui nhưng cũng có không ít vất vả. Thai phụ tuần 22 cũng thế. Đôi khi, bạn hồi hộp, vui sướng nhảy cẫng lên khi cảm thấy bé đạp, nhưng cũng lắm lần trằn trọc âu lo khi cơ thể xuất hiện không ít bất thường. Luôn giữ tinh thần thoải mái để có thể tận hưởng thai kỳ một cách trọn vẹn nhất mẹ nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pregnancy week by weekhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/fetal-development/art-20045997
Ngày tham khảo: 08/07/2020
-
22 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/22-weeks-pregnant#call-the-doctor
Ngày tham khảo: 08/07/2020
-
22 Weeks Pregnanthttps://www.pampers.com/en-us/pregnancy/pregnancy-calendar/22-weeks-pregnant
Ngày tham khảo: 08/07/2020
-
Week-by-week guide to pregnancyhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-22/
Ngày tham khảo: 08/07/2020