Mang thai tuần 4: Mẹ cần biết gì?
Nội dung bài viết
Ở cuối tuần thứ 2, sau khi trứng đã rụng, tinh trùng có cơ hội sẽ xâm nhập vào trứng ở 1/3 ngoài của vòi trứng. Sự thụ tinh diễn ra tạo thành hợp tử. Tế bào của hợp tử tiếp tục phân chia, di chuyển vào bên trong tử cung và phát triển thành phôi nang. Ở tuần mang thai thứ 4, phôi nang gắn chặt vào thành tử cung và tiếp tục phát triển.
Sự phát triển của thai khi mang thai tuần 4?
Đến ngày thứ 12 sau khi thụ tinh, phôi nang bám chặt và nội mạc tử cung, nơi nó nhận được sự nuôi dưỡng từ dòng máu của cơ thể. Vào thời điểm này, nhau thai cũng cùng lúc được hình thành.
Vào cuối tuần thứ 4, Các tế bào bên trong phôi nang hình thành 2, và sau đó thành 3 lớp.
- Lớp trên cùng: Sẽ tạo ra một đường rãnh dọc theo đường giữa cơ thể bé, được gọi là ống thần kinh. Não, tủy sống, dây thần kinh cột sống và xương sống sẽ phát triển từ đây.
- Lớp tế bào ở giữa: Sẽ hình thành hệ thống tim mạch, tế bào máu và mạch bạch huyết. Đồng thời lớp giữa cũng chính là nền tạng phát triển xương, cơ, thận và buồng trứng hoặc tinh hoàn.
- Lớp tế bào còn lại: Sẽ phát triển thành phổi, ruột và hệ bàng quang tiết niệu.
Mang thai tuần 4 có những dấu hiệu gì?
Khi mang thai tuần 4, đa số phụ nữ chưa có bất kỳ dấu hiệu gì, và thường chưa biết bản thân đã mang thai. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có thể có dấu hiệu mang thai sớm. Ngoài ra, mỗi phụ nữ sẽ có những dấu hiệu khác nhau, và không nhất thiết sẽ biểu hiện hết tất cả các dấu hiệu, bao gồm:
Mất chu kỳ kinh nguyệt đều đặn
Đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hàng tháng, dấu hiệu mang thai sớm nhất và đáng tin cậy nhất là bạn không còn hành kinh.
Tuy nhiên một số phụ nữ có chảy máu rất ít, tạo đốm hay vệt đỏ trên quần lót. Điều này xảy ra khi phôi nang cấy vào sâu trong thành tử cung. Thường phụ nữ có thể nhầm nghĩ mình đang có kinh. Tuy nhiên, việc chảy máu này rất nhẹ, khác với hành kinh thông thường.
Chứng nôn nhẹ (ốm nghén)
Ban đầu bạn sẽ cảm thấy chảy nước bọt, nhạt miệng, khó chịu. Ngoài ra, có thể thay đổi khẩu vị, thèm chua hay thích một loại thức ăn lạ nào đó. Sau đó, sẽ có cảm giác buồn nôn, nôn. Thường tình trạng này sẽ xảy ra vào buổi sáng hay khi ngửi mùi thức ăn. Một số người sẽ có biểu hiện nôn nhiều hoặc đau bụng trên do kích thích dạ dày.
Giai đoạn này thường xảy ra từ tuần 4-6 của thai kỳ.
Cảm thấy mệt mỏi
Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu. Về tâm lý có thể dễ dàng nhạy cảm và buồn bã.
Cảm giác mệt mỏi thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ mới mang thai. Tình trạng này thường kéo dài đến 12 tuần hoặc hơn.
Căng, đau ngực
Sau khi trứng được thụ tinh ở tuần thứ 2 thai kỳ, vú luôn luôn căng và mỗi ngày một to ra do các tuyến sữa và các ống dẫn sữa phát triển. Quầng vú, núm vú có màu sậm hơn. Do tuyến vú tiếp tục phát triển dẫn đến hiện tượng căng, đau ngực.
Tiết dịch âm đạo nhiều
Khi có thai dịch âm đạo tăng nhiều hơn, có màu trắng đục. Ngoài ra, độ pH của dịch âm đạo cũng toan hơn. Điều này làm cho các vi khuẩn dễ dàng phát triển, và dễ bị nấm. Vì thế ngay khi bạn có bất thường như dịch âm đạo đổi màu xanh vàng; hoặc cảm thấy ngứa, đau rát âm đạo. Hãy đến cơ sở phụ khoa để thăm khám và điều trị thích hợp.
Kết quả của que thử thai khi mang thai tuần 4
Nếu bạn đang mong muốn có con, hãy nhớ rằng ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt cuối của bạn được xem là cột mốc ngày đầu tiên của 40 tuần thai. Ở tuần thứ 2 thai kỳ, bạn sẽ rụng trứng. Nếu bạn có quan hệ và thụ tinh thành công, bạn sẽ mang thai và tuần thai được tính tiếp tục.
Đến tuần thứ 4 bạn đã có thể biết mình mang thai hay không nhờ que thử thai. Vì lúc này có một loại nội tiết tố được tiết ra báo hiệu thai đang phát triển, được gọi là beta HCG. Ở tuần thứ 4, beta HCG thường ở mức độ từ 5 đến 426 mIU/mL.
Nếu kết quả âm tính: Vì sự phát triển tuần thai đôi khi có sự chênh lệch vài ngày. Nếu bạn vẫn nghi ngờ mình có thai, hãy đợi thêm 1 tuần và thử lại.
Các xét nghiệm cần làm khi mang thai tuần 4?
Nếu bạn biết mình có thai, hãy đến cơ sở Sản phụ khoa để khám thai càng sớm càng tốt.
Ở lần thăm khám đầu tiên, bác sỹ sẽ đánh giá vấn đề sức khỏe của bạn (nếu có), bao gồm:
- Mọi tình trạng bệnh lý mãn tính, cấp tính mà bạn đang có
- Vấn đề sức khỏe gặp phải trong lần mang thai trước nếu có
- Ngoài ra, bác sỹ sẽ hỏi chi tiết về chu kỳ hành kinh của bạn, các biện pháp tránh thai đang dùng, lịch sử y tế gia đình, môi trường làm việc và lối sống của bạn.
Lần khám này cũng là cơ hội để bạn trao đổi một số thắc mắc của bạn với bác sỹ. Nếu có thể, bạn nên nghĩ trước và ghi ra một tờ giấy những điều bạn muốn hỏi về mang thai.
Một số xét nghiệm mà bác sỹ có thể làm:
Siêu âm bụng: Bác sỹ sẽ kiểm tra xem thai của bạn đã được bao nhiêu tuần bằng thiết bị siêu âm. Tuy nhiên, ở tuần thai thứ 4, phát hiện thai trên siêu âm thường khó thấy. Bởi vì phôi thai thời điểm này rất nhỏ, và nhỏ hơn cả một hạt gạo. Ở thời điểm này chưa phát triển hệ tim mạch rõ ràng để nghe được tim thai trên siêu âm. Thường tim thai sẽ nghe được trên siêu âm ở tuần thứ 6 hoặc 7.
Định lượng nội tiết tố beta HCG: Bác sỹ có thể lấy một ít máu để kiểm tra và theo dõi nồng độ beta HCG. Sự xuất hiện của hocmon này để chắc chắn bạn đang mang thai. Ngoài ra, cần theo dõi mức độ tăng của nội tiết tố này để phát hiện các bất thường như: Thai trứng, thai ngoài tử cung. v.v.
Bên cạnh đó, bác sỹ sẽ khám tổng quát để đánh giá sức khỏe của người mẹ, và các bệnh đi kèm khác. Khám thai sớm khi biết mình có thai sẽ giúp bác sỹ khai thác thông tin đầy đủ. Đưa đến mục tiêu lập kế hoạch quản lý sức khỏe thai kỳ cho người mẹ.
Bổ sung chất gì khi mang thai tuần 4?
Thực tế, phụ nữ thường phát hiện mình có thai thường khi đã ở tuần thứ 5 hoặc 6. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định mang thai, bạn nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, bạn cần bổ sung thêm sắt, acid folic, và vitamin D. Điều này đã được đề cập ở bài viết “Mang thai tuần 2: Thời điểm rụng trứng và những điều cần biết”
Bài tập thể dục khi mang thai tuần 4?
Bài tập thể dục mang tên “xoay lưng”
Với vài động tác đơn giản sẽ giúp bạn thư giãn các cơ ở gần cột sống. Ngoài ra, còn giúp giảm đau lưng khi mang thai.
- Bước 1: Ngồi thẳng lưng trên sàn với hai chân bắt chéo nhau.
- Bước 2: Giữ đầu gối phải bằng tay trái, sau đó từ từ xoay thân trên qua bên phải. Giữ tư thế trong vài giây.
- Bước 3: Đổi tay và xoay người sang trái.
- Bước 4: Lặp lại động tác năm đến 10 lần
Với những phụ nữ mong muốn có con, việc theo dõi các thay đổi trong cơ thể là cần thiết. Ngay khi bạn nghi ngờ đang mang thai, hãy đến cơ sở Sản phụ khoa để được kiểm tra và lập kế hoạch quản lý thai nghén. Sau mang thai tuần 4, bé sẽ tiếp tục phát triển các cơ quan, và bộ phận cơ thể hoàn thiện hơn. Mẹ hãy thường xuyên theo dõi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Chapter 4 Month 1: Weeks 1 to 14. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition
-
Pregnancy Week 4https://americanpregnancy.org/week-by-week/4-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 22/05/2020
-
You and your baby at 4 weeks pregnanthttps://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/4-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 22/05/2020