YouMed

Mang thai tuần 9: Điểm nhấn mẹ bầu cần lưu tâm

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Khi mang thai tuần 9, người mẹ sẽ bước sang tháng thứ ba của thai kỳ. Lúc này, những thay đổi trên cơ thể thai phụ không nhiều. Vì vậy, so với tuần 8 thì tuần 9 không có quá nhiều biến động. Tuy nhiên, thai nhi vẫn không ngừng phát triển và có những đặc điểm cần chú ý. Vậy những điểm đặc trưng của tuần mang thai này là gì? Hãy cùng ThS.BS Phan Lê Nam đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Mang thai tuần 9: Thai kỳ vẫn chưa thực sự ổn định

Mặc dù đã trải qua 8 tuần tương đương 2 tháng mang thai nhưng thai kỳ vẫn chưa thực sự ổn định. Đây vẫn là khoảng thời gian của tam cá nguyệt đầu tiên. Chính vì vậy, người mẹ không nên chủ quan với bào thai cũng như sức khỏe của mình.

Thai phụ mang thai tuần 9
Thai phụ mang thai tuần 9

Nếu không chú ý thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, sức khỏe của người mẹ có thể bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, thai nhi của mẹ bầu mang thai tuần 9 vẫn cần được theo dõi, chăm sóc. Việc này được thực hiện gián tiếp thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt của người mẹ.

>> Xem thêm bài viết cùng chủ đề: Ốm nghén khi mang thai

Những thay đổi của cơ thể người mẹ 

Khi mang thai tuần 9, quần áo của bạn mặc hàng ngày sẽ trở nên dần chật hơn. Bạn có thể cần mặc quần áo rộng thoáng để không cảm thấy khó chịu. Hệ thống mạch máu trong cơ thể phát triển để cung cấp máu cho thai nhi. Chính vì thế, bạn sẽ thấy những mạch máu của mình nổi rõ hơn.

Thai phụ có những thay đổi nhất định
Thai phụ có những thay đổi nhất định

Ngực của người mẹ sẽ dần đầy đặn hơn, hai núm vú chuyển sang màu sậm hơn. Những hạt Montgomery tiếp tục nổi rõ hơn tuần 8. Vòng eo của bạn sẽ to hơn một chút. Hormon thai kỳ tăng lên ở mức tối đa. Điều này có thể làm bạn cảm thấy không khỏe nhưng rất có lợi cho thai nhi.

Triệu chứng xuất hiện khi mang thai tuần 9

Trong khoảng thời gian mang thai tuần 9, người mẹ có thể xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Mệt mỏi nhiều hơn và thường xuyên hơn.
  • Buồn nôn nhiều hơn
  • Tâm trạng lâng lâng
  • Trong miệng có vị kim loại hơi khó chịu.
  • Đau căng vùng ngực.
  • Có thể bị đau đầu
  • Thèm một số món ăn nhất định như thịt, bánh ngọt, trái cây có vị chua,…
  • Khứu giác nhạy cảm hơn.
  • Âm đạo xuất hiện một ít dịch màu trắng đục. Có thể xuất huyết lượng rất nhỏ.
  • Chuột rút, đau ở bắp chân.
  • Da sạm đen hơn.
  • Tóc dày và sáng hơn
  • Đầy hơi và có cảm giác chướng bụng.
Mệt mỏi nhiều hơn
Mệt mỏi nhiều hơn

Sự thay đổi của thai nhi

Em bé của bạn (thai nhi) có kích thước vào khoảng 4,24 cm. Lúc này, em bé có độ lớn tương đương một quả dâu tây. Khuôn mặt của bé đã dễ nhận biết hơn. Đôi mắt được bảo vệ bởi mí mắt, một cái miệng nhỏ và hơn nữa là một cái lưỡi có khả năng vị giác cơ bản.

>> Tham khảo thêm bài viết: Tiêm ngừa khi mang thai

Bàn tay và bàn chân đang dần hiện lên rõ nét hơn. Tuy nhiên, ngón tay và ngón chân chưa thực sự được phân chia rõ ràng. Trên bàn tay và bàn chân chỉ có những rãnh nhỏ.

Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 9
Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 9

Tất cả các cơ quan nội tạng chính trong cơ thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đó là tim, não, phổi, thận và ruột. Xương đang bắt đầu hình thành. Bộ phận sinh dục của thai nhi cũng bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, có lẽ bạn vẫn chưa biết được đó là bé trai hay bé gái. Mãi đến tuần thứ 18 – 21 thì bộ phận sinh dục mới hiện rõ.

Một số đặc điểm chính của em bé trong thời gian này bao gồm:

  • Đầu và cổ: Đầu thẳng và tròn hơn, khuôn mặt đang hình thành.
  • Mắt: Mắt bé vẫn nhắm, nhưng có đầy đủ sắc tố võng mạc.
  • Miệng: Bề mặt của lưỡi bây giờ sẽ có vị giác. Xương vòm miệng bắt đầu quá trình hợp nhất.
  • Tai: Đôi tai bên ngoài được phát triển đầy đủ, và dần dần rõ rệt hơn.
  • Bụng và xương chậu: Gan, lá lách và túi mật và ruột tiếp tục đi vào cơ thể từ dây rốn. Cơ quan sinh dục ngoài vẫn chưa rõ rệt.

Lời khuyên dành cho người mẹ

Nếu trong tuần thứ 8, người mẹ chưa khám thai thì thời điểm mang thai tuần 9 vẫn không quá muộn. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa sản để được khám thai toàn diện. Siêu âm thai sẽ giúp bạn biết được khá chính xác tuổi thai.

>> Tham khảo thêm bài viết liên quan: Ra máu khi mang thai

Trong thời gian này, mẹ nên làm xét nghiệm NIPT để đánh giá nguy cơ em bé có mắc các dị tật bẩm sinh dưới đây hay không: 

  • 3 hội chứng thường gặp do đột biến tam bội NST: Hội chứng Down, Patau, Edwards.

  • Dị tật bẩm sinh do rối loạn NST giới tính: Hội chứng Klinefelter (47, XXX), hội chứng Turner (45, X),…

  • Hội chứng DiGeore (đột biến NST 22q11.2) gây dị tật tim mạch, hở hàm ếch, suy giảm chức năng tiêu hóa.

  • Các đột biến vi mất đoạn và mất đoạn điển hình.

Những điều mà mẹ bầu nên làm

  • Uống bổ sung axit folic với lượng 1.000mcg mỗi ngày
  • Bổ sung thêm canxi với lượng 800mg mỗi ngày
  • Ngủ đủ giấc, thời gian ngủ nên dao động từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày
  • Vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập thể dục nhẹ, yoga bầu, đi bộ
  • Bổ sung vitamin phức hợp bằng việc ăn trái cây: cam, bưởi, kiwi, táo, chuối…
Tập yoga dành cho bà bầu
Tập yoga dành cho bà bầu

Những điều mà người mẹ nên tránh

  • Uống nhiều cà phê.
  • Thức khuya.
  • Uống rượu bia hoặc các thức uống có cồn.
  • Hút thuốc lá.
  • Ăn nhiều bánh ngọt, chất béo vì dễ gây tăng cân quá mức cần thiết.
  • Sử dụng những món ăn tái, chưa nấu chín, các loại thịt nguội.

Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về thời điểm mang thai tuần 9. Từ đó, những mẹ bầu sẽ có kế hoạch cụ thể, khoa học để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Nếu chị em nào có kinh nghiệm về thời điểm mang thai này thì hãy chia sẻ cùng YouMed và bạn đọc nhé!

Ths.BS Phan Lê Nam

Để biết được người mẹ mang thai tuần thứ 10 như thế nào, mời các bạn cùng tham khảo bài viết: Mang thai tuần 10

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 9 Weeks Pregnanthttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-9.aspx

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  2. 9 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-symptoms-week-9

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

  3. Your pregnancy at 9 weekshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/298626

    Ngày tham khảo: 22/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người