Mơ tam thể và các công dụng hữu ích mà bạn cần biết
Nội dung bài viết
Mơ tam thể trong dân gian còn gọi là dây mơ lông là một loại cây leo rất phổ biến và thông dụng. Ngoài công dụng nổi tiếng là chữa tiêu chảy, kiết lỵ; mơ tam thể dưới góc nhìn toàn diện hơn còn nhiều tác dụng nổi bật khác đã được nghiên cứu như kháng khuẩn, kháng virus, chống nôn, chống khối u, kháng viêm.
Đặc điểm cây Mơ tam thể
Tên gọi
- Tên khoa học: Paederia foetida (Lour.) Merr. Họ Cà phê (Rubiaceae)
- Mơ tam thể trong dân gian còn gọi là dây mơ lông hay dây thối địt, dây mơ tròn, ngưu bì đống.
Mô tả
Cây mơ tam thể là một loại dây leo bằng thân quấn, lá mọc đối hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài, mặt lá hay bị nấm Aecidium paederiae ăn hại.
Hoa màu tím nhạt, tràng hình ống mọc thành xim ở kẽ lá hoặc đầu cành. Cây ra hoa tháng 7 – 11. Quả hình cầu có đài tồn tại màu vàng nâu, bóng. Quả thu hái từ tháng 8 đến tháng giêng năm sau.
Bộ phận dùng
Toàn cây nhưng chủ yếu là rễ và lá.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây mọc hoang ở những hàng rào nhiều nơi trong nước ta. Thu hái toàn cây vào mùa hè, rễ vào mùa thu và đông.
- Sau khi thu hái mang về thì rửa sạch, phơi khô dùng dần. Lá tươi được hái khi cần dùng đến.
Thành phần hóa học
- Iridoid glycoside: hoạt chất chính tạo nên các hoạt tính dược lý của cây. Bao gồm 3 chất chính là asperuloside, paederoside and scandoside.
- Flavonoid gồm các chất như kaempferol, quercetin và dẫn xuất của chúng được tìm thấy nhiều trong lá, quả, hạt.
- Tinh dầu: có mùi rất hăng là một chất chứa sulfur, đây là chất gây ra mùi hôi của cả cây.
- Ngoài ra trong lá và thân mơ tam thể còn chứa các triterpenoids (ursolic acid), sterols (sitosterol, stigmasterol, campesterol), coumarins, phenolic acids, và anthraquinones. Các axit béo (ceryl alcohol, hentriacontanol, palmitic acid); carotene và paederolone, paederone, paederine, paederenine.
Tính vị, quy kinh
Vị ngọt, hơi đắng, tính bình.
Tác dụng của Mơ tam thể
Theo Y học cổ truyền
Mơ tam thể có tác dụng khu phong lợi thấp, tiêu thực tích, chỉ khái, giải độc và hoạt huyết tiêu thũng.
Thường dùng chữa các trường hợp đau bụng do co thắt túi mật, dạ dày, ruột; trẻ em bị cam tích tiêu hóa kém, viêm gan vàng da, tiêu chảy, kiết lỵ do trực trùng. Còn dùng chữa ho do viêm khí quản, ho gà, đau nhức tê thấp. Dùng ngoài trị viêm da, eczema, lở loét, vết thương do rắn cắn.
Theo dược lý hiện đại
1. Tác dụng giảm đau
Một nghiên cứu năm 2003 được báo cáo cho biết các chiết xuất của Mơ tam thể có tác dụng giảm cơn đau do nọc ong gây ra trên chuột thực nghiệm.
Nghiên cứu trên 2841 bệnh nhân tại Trung Quốc, khi tiêm chiết xuất từ mơ tam thể thấy có hiệu quả trên 80 loại đau. Trong số này tỷ lệ giảm đau bụng (88.9%), đau hậu phẫu (85.6%) và đau do chất hóa học (91.4%).
2. Tác dụng chống nôn
Với liều 300 mg/kg trọng lượng cơ thể, các chiết xuất hexan và methanol của mơ tam thể gây ra hoạt động chống nôn mạnh trên chuột bị gây nôn bởi axit axetic
3. Tác dụng chống viêm
Các nhà khoa học cũng nhận thấy hoạt động chống viêm từ thành phần n-butanol của chiết xuất từ lá mơ. Với liều 100 mg/kg ức chế 52% và tăng lên 59% với liều 200 mg/kg.
Xét nghiệm miễn dịch cho thấy rằng dịch chiết của cây có thể làm giảm mức độ của TNF-α và IL-1β ở chuột bị gây viêm màng hoạt dịch. Hoạt động chống viêm thông qua việc điều chỉnh các hóa chất trung gian gây viêm.
Ở Ấn Độ, mơ tam thể được sử dụng uống trong và xoa bóp để chữa tê thấp, đau nhức.
4. Tác dụng trên hệ tiêu hóa
Thuốc sắc mơ tam thể có tác dụng điều trị đau loét dạ dày. Dịch chiết của rễ mơ tam thể (10 g trong 100 ml nước) khi dùng bằng đường uống có khả năng loại bỏ giun.
Các bộ phận trên mặt đất của cây được sử dụng để chữa tiêu chảy và kiết lỵ. Năm 2006, Afroz và cộng sự thấy rằng với liều 500 mg/kg có khả năng chống tiêu chảy ở chuột.
5. Tác dụng kháng khuẩn và virus
Dịch chiết mơ có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Shigella flexneri, Escherichia coli, Shigella flexneri ở chuột. Tuy nhiên nó lại không có bất kỳ tác dụng nào đối với Bacterium proteus và Bacillus subtilis.
Năm 2005, Wang và cộng sự đã nghiên cứu tác dụng chống vi khuẩn Helicobacter pylori của 50 cây thuốc dân gian Đài Loan. Kết quả cho thấy chiết xuất ethanol của Mơ tam thể thể hiện hoạt động kháng vi khuẩn này một cách mạnh mẽ.
Tinh dầu của cây cũng được tìm thấy có khả năng chống vi rút mạnh. Ở nồng độ từ 30 – 2000 mg/l, nó thể hiện hoạt tính chống lại sự bài tiết HBsAg và HBeAg trong tế bào HepG2.2.15. Điều này gợi ý rằng mơ tam thể có tác dụng ức chế virus viêm gan B.
6. Tác dụng chống khối u
Paederoside là một glycoside iridoid được phân lập từ mơ tam thể cho thấy tác dụng ức chế các chất kích thích khối u. Trong thí nghiệm, sự ức chế của paederoside chiếm 89,5% – là một ứng cử viên hóa trị ung thư tiềm năng.
7. Tác dụng chống ho
Dịch chiết etanol của mơ tam thể có tác dụng giảm ho mạnh ở mèo không gây mê thông qua kích thích niêm mạc thanh quản và khí quản. Tác dụng này thấp hơn so với thuốc chống ho gây nghiện cổ điển (codein), nhưng tương tự với thuốc chống ho không gây nghiện như dropropizine.
8. Tác dụng chống oxy hóa
Lá mơ lông tươi có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất trong toàn bộ cây (78,1%). Trong khi đó, với lá khô thì tác dụng này giảm còn 65%.
9. Các tác dụng khác
Ngoài ra, lá còn được sử dụng làm thuốc giải độc đối với các vết rắn cắn, chống co giật và làm hạ đường huyết, hạ axit uric trên chuột.
Sử dụng Mơ tam thể như thế nào?
- Ngày dùng 15 – 16 g, dạng thuốc sắc.
- Dùng ngoài trị các trường hợp viêm da lở loét, chàm, vết thương do rắn cắn.
Các bài thuốc từ Mơ tam thể
1. Ăn không tiêu gây đau tức thượng vị
Rễ hoặc dây mơ tươi lấy 30 – 60 g hoặc dược liệu khô thì lấy 10 – 20 g sắc nước uống trong ngày.
2. Tiêu chảy
Dây lá tươi 30 – 50 g sắc uống.
3. Phong thấp đau nhức khớp xương
Rễ hoặc dây, lá 30 – 60 g. Sắc với rượu, thêm ít đường uống trong hoặc dùng ngoài xoa bóp nơi đau nhức.
4. Viêm da, chàm, ngứa toàn thân
Ngọn hoặc cành lá non lượng thích hợp đem giã nát rồi xoa xát vào chỗ tổn thương, ngày vài lần, mỗi lần 5 – 10 phút.
5. Cam tích trẻ em (suy dinh dưỡng)
Dùng 30 g rễ hoặc dây, lá mơ lông tươi hoặc 15 g khô hầm với dạ dày lợn (hoặc mề gà) chia nhiều lần ăn trong ngày.
Ở Philippines, người dân uống nước sắc mơ tam thể để điều trị sỏi thận, bí tiểu.
6. Lỵ trực khuẩn (phân lẫn máu)
Lá đem rửa sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà bọc lá chuối nướng hoặc rán khô (không dùng dầu mỡ). Ngày ăn 2 – 3 lần, trong 5 – 8 ngày, trung bình 7 ngày.
Lưu ý
- Chọn lá mơ sạch để làm thuốc. Lá mơ lông sau khi hái dù ăn sống, đắp ngoài hay sắc nước uống cũng nên ngâm với nước muối trong khoảng 20 phút để loại bỏ các chất độc hại.
- Dùng đúng liều lượng, nếu bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của dược liệu, lập tức ngưng sử dụng.
Mơ tam thể có nhiều tác dụng hữu ích. Cây vừa là vị thuốc đa dụng, vừa rất phổ biến dễ tìm. Để sử dụng vị thuốc này một cách có hiệu quả nhất, hãy tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ của bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Paederia foetida L.http://www.theplantlist.org/tpl1.1/record/kew-145468
Ngày tham khảo: 22/01/2021
- Trần Văn Kỳ (2005). Dược học cổ truyền. Nhà xuất bản Y học, TP.HCM.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.