YouMed

Địa cốt bì: Vị thuốc đa năng từ cây Câu kỷ

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ lâu, Địa cốt bì là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng trị ho, sốt, thanh nhiệt rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của thảo dược này.

1. Giới thiệu về Địa cốt bì

  • Tên gọi khác: Khô kỷ, Khổ di, Kỷ căn, Khước thử, Địa tinh, Cẩu kế, Địa tiết, Địa tiên, Tiên trượng, Tiên nhân tượng, Khước lão căn, Tử kim bì, Địa cốt quan…
  • Tên khoa học: Cortex Lycii chinensis radicis.
  • Họ: Họ Cà (Solanaceae).
  • Địa cốt bì là vỏ rễ của cây Câu kỷ (Lycium sinense Mill).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Câu kỷ mọc hoang và trồng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… Ở Việt Nam, cây được trồng ở Đà Lạt và Hà Nội.

Cây ưa sáng, ưa ẩm. Thu hái vào trước đầu mùa xuân hoặc cuối mùa thu.

1.2. Mô tả toàn cây

Câu kỷ là một cây thuốc quý, dạng cây bụi mọc đứng, phân cành nhiều, cao 0,5 – 1,5m. Cành mảnh, thỉnh thoảng có gai ngắn mọc ở kẽ lá.

Lá nguyên nhẵn, mọc cách, một số mọc vòng, cuống lá ngắn, phiến lá hình mũi mác, hẹp đầu ở gốc.

Hoa nhỏ mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa mọc chụm lại. Đài nhẵn, hình chuông, có 3 – 4 thùy hình trái xoan nhọn, xẻ đến tận giữa ống. Tràng màu tím đỏ, hình phễu, chia 5 thùy hình trái xoan tù, có lông ở mép. Nhị 5, chỉ nhị hình chỉ đính ở đỉnh của ống tràng, dài hơn tràng. Bầu có 2 ô, vòi nhụy nhẵn dài bằng nhụy, đầu nhụy chẻ đôi.

Quả mọng hình trứng, khi chín màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ. Hạt nhiều hình thân dẹp. Ra hoa tháng 6 – 9, có quả từ tháng 7 đến tháng 10.

>> Tìm hiểu rõ hơn về công dụng của vị thuốc này: Câu kỷ tử: vén màn bí mật dưỡng nhan thuật.

Địa cốt bì là vỏ rễ của cây Câu kỷ
Địa cốt bì là vỏ rễ của cây Câu kỷ

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Vị thuốc Địa cốt bì là từ vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây Câu kỷ.

Có nhiều phương cách để bào chế dược liệu:

  • Sau khi cắt thành từng đoạn ngắn bằng nhau, sắc nước Cam thảo ngâm một đêm rồi vớt ra sấy khô (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Luận).
  • Chọn vỏ không còn lõi, rửa sạch, xắc nhỏ phơi khô dùng sống, có khi tẩm rượu sấy qua (Trung Dược Học).
  • Rễ đào về rửa sạch, cắt thành từng đoạn 6 – 10cm, dùng dao rạch cho đến gỗ, cho vào đồ, vỏ sẽ long ra khỏi gỗ, lấy ra bóc phơi hay sấy khô (Đỗ Tất Lợi).

Mô tả dược liệu:

  • Địa cốt bì có vỏ cuộn hình lòng máng hay hình ống, hoặc hai lần hình ống.
  • Mặt ngoài màu vàng đất hay vàng nâu, có những đường nứt dọc ngang, có lớp bần dễ bong. Mặt trong màu trắng hay vàng xám có nhiều đường vân dọc, đôi khi còn sót một ít gỗ. Chất nhẹ, giòn, dễ bẻ. Mặt bẻ lởm chởm.
  • Mặt cắt ngang, có lớp bần phía ngoài, lớp phía trong màu trắng xám. Mùi thơm hơi hắc, vị lúc đầu hơi ngọt, sau hơi đắng. Loại phiến lớn không có lõi là tốt. Vỏ to dày, sắc vàng lại có đốm trắng nhiều lõi là loại xấu.

1.4. Bảo quản

Để nơi khô ráo không được ẩm ướt, tránh mối mọt.

Vị thuốc có chất nhẹ, giòn, dễ bẻ, mùi nhẹ
Vị thuốc có chất nhẹ, giòn, dễ bẻ, mùi nhẹ

2. Thành phần hóa học

Theo hệ Dược học Viện Nghiên cứu Y học Bắc kinh năm 1958, trong Địa cốt bì có:

  • 0,08% ancaloit (kukoamin) và dipeptide là lyciumamid.
  • 1,07% saponin không có phản ứng anthraglucozit và tanin.

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Giảm sốt: Dạng chiết nước và chiết cồn từ vị thuốc thử nghiệm trên thỏ cho kết quả giảm sốt rất tốt.
  • Ổn định đường huyết: Thí nghiệm trên loài thỏ cho thấy tác dụng hạ đường của nước sắc Địa cốt bì sau khi dùng thuốc 4 – 5g.
  • Hạ cholesterol máu: Trên thỏ, cao lỏng Địa cốt bì làm giảm cholesterol toàn phần trong máu một cách rõ rệt, còn triglyceride thì ảnh hưởng không nhiều lắm. Chất betain có tác dụng bảo vệ gan chống nhiễm mỡ.
  • Tác dụng đối với huyết áp: Trên chó mèo, thỏ, chuột nhắt trắng, Địa cốt bì có tác dụng hạ huyết áp trung bình, thời gian hạ áp ngắn.
  • Kháng khuẩn: Ức chế rõ các vi khuẩn gây bệnh đường ruột Bacilus typhi, Shigella shigae…

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, tính hàn.

Quy kinh Phế, Can, Thận, Tam tiêu.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giảm ho, suyễn, giảm đau, dưỡng thận, bổ tỳ, làm mạnh gân cốt…

Chủ trị: Chữa ho sốt, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, nóng trong xương, tiểu ra máu, tiểu đường, tăng huyết áp.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu Địa cốt bì theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là  6 – 12g.

Kiêng kỵ:

  • Người cảm mạo do phong hàn (phát sốt, sợ lạnh, nhức đầu, sổ mũi…).
  • Tỳ vị không điều hòa, lạnh bụng, đau bụng, tiêu lỏng…
Vị thuốc hỗ trợ điều trị huyết áp hiệu quả
Vị thuốc hỗ trợ điều trị huyết áp hiệu quả

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Làm mạnh gân cốt, bổ tinh tủy

Địa cốt bì, Sinh địa hoàng, Cam cúc hoa, mỗi thứ 1kg, đâm nhuyễn, lấy 1 chén nước lớn sắc lấy nước cốt, lấy nước này mà nấu xôi. Xôi chín xới ra để nguội rải đều cho men rượu vào. Đợi lên men cho chín, cất thành rượu để lắng, trong ngày uống 3 chén (Địa Cốt Tửu – Thánh Tế Tổng Lục).

4.2. Trị nóng trong xương, nóng nảy bứt rứt do bệnh lâu ngày

Địa cốt bì 2 lượng, Phòng phong 1 lượng, Cam thảo (chích) 5 chỉ. Mỗi lần dùng 5 chỉ sắc với 5 lát Gừng tươi uống (Địa Tiên Tán – Tế Sinh Phương).

4.3. Trị tiểu ra máu

Địa cốt bì mới rửa sạch, giã nát lấy nước, sắc, mỗi lần uống 1 chén hoặc bỏ vào một tí rượu uống nóng trước khi ăn (Giản Tiện Phương).

4.4. Trị chứng ho, hen suyễn, ho ra máu

Địa cốt bì 12g, Bạch mao căn 12g, Trắc bách diệp 19g, sắc uống.

4.5. Chữa thần kinh suy nhược

Địa cốt bì, Ngân sài hồ, Tri mẫu, Bán hạ, Nhân sâm, Cam thảo, Xích phục linh, lượng bằng nhau nghiền bột, mỗi lần 6 – 8g và 5 lát Gừng tươi, sắc uống sau bữa ăn.

Hoặc Địa cốt bì, Trần bì, Thần khúc mỗi thứ 12g, nấu với thịt dê hoặc gan dê 250g, ăn hằng ngày chia làm nhiều bữa.

4.6. Chữa đái tháo đường, miệng khát, tiểu nhiều

Địa cốt bì, Ngọc mễ tu mỗi thứ 480g, mỗi ngày dùng 24g, sắc uống (Sổ tay lâm sàng trung dược).

Cháo Địa cốt bì: Địa cốt bì 30g, Tang bạch bì 15g, Mạch đông 15g, bột Miến dong 100g. Các dược liệu sắc lấy nước, nấu với bột Miến dong. Dùng tốt cho người đái tháo đường, khát nước uống nhiều, gầy yếu suy kiệt.

Địa cốt bì là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.

Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
  • Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Hoàng Duy Tân ( 2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai
  • Lê Đình Sáng (2010). Sổ tay Cây thuốc và Vị thuốc Đông y. Trường Đại học Y khoa Hà Nội

 

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người