Khám phá nguyên nhân gây nám da ở phụ nữ
Nội dung bài viết
Nám là một tình trạng rối loạn tăng sắc tố da khá phổ biến. Khi đó trên da xuất hiện những đốm màu nâu hoặc màu xám, khiến cho da không đều màu. Nám da ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp thẩm mỹ. Vì thế, nhu cầu điều trị xóa bỏ là tương đối cao. Tình trạng tăng sắc tố này xảy ra khá phổ biến trong dân số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người trong chúng ta không hiểu nguyên nhân gây ra nám là do đâu. Trong bài viết này, Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền sẽ giúp các bạn hiểu được nguyên nhân nám da nhé.
Nám da là gì?
Nám da là một chứng rối loạn da phổ biến, đặc trưng bởi các mảng da đổi màu màu nâu xám trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nám da có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng nó xuất hiện thường xuyên nhất ở những phụ nữ có nước da sẫm màu. Nó có liên quan đến nội tiết tố nữ.1
Nám da có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, phụ nữ trong độ tuổi 20 – 50 thường bị nám hơn so với nam giới. Tình trạng rối loạn tăng sắc tố da này là lành tính, không lây và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của người mắc phải. Tuy nhiên, những đốm sắc tố khiến cho da trông không đều màu và kém thẩm mỹ. Vì thế, nhu cầu xóa bỏ hiện nay tương đối cao.
Các loại nám da
1. Nám mảng
Nám mảng thường xuất hiện ở vùng má, trán với các mảng nám có diện tích rộng.
Cũng giống như nám đốm, nám mảng hình thành do sắc tố melanin tích tụ trên tầng thượng bì. Tuy nhiên đối với nám mảng, các tế bào sắc tố tập trung tại một vị trí và theo thời gian chúng cũng ngày một đậm hơn, lan rộng hơn.
2. Nám chân sâu (nám đốm)
Nám đốm xuất hiện trên da với kích thước tương đương đầu đũa, có màu nâu.
Loại nám này hình thành do tế bào melanocyte đẩy hắc sắc tố melanin lên trên và tổng hợp ở lớp biểu bì sâu nhất tạo thành chân nám. Theo thời gian cùng các tác động môi trường, các đốm nám trên bề mặt da sẽ ngày càng sẫm và rõ hơn.
Nguyên nhân gây nám da là gì?
Nguyên nhân gây nên nám da rất phức tạp và vẫn chưa được biết rõ. Các giả thuyết được đưa ra là có sự liên quan với yếu tố nội tiết, di truyền, tiếp xúc ánh nắng mặt trời và nguyên nhân khác.2
Rối loạn nội tiết tố
Trong cấu tạo của da có một loại tế bào là tế bào sắc tố (melanocyte). Tế bào này đóng vai trò sản xuất ra các hạt sắc tố melanin, từ đó tạo nên màu sắc cho da. Bình thường, quá trình sản xuất của các tế bào sắc tố sẽ giống nhau ở các vị trí trên, nên tạo ra một làn da đồng đều về màu sắc. Khi có những yếu tố kích thích sẽ làm cho tế bào sắc tố tăng sản xuất nhiều hạt melanin hơn và làm cho da tối màu hơn các vùng da còn lại.
Thay đổi nội tiết, cụ thể là estrogen, sẽ làm xuất hiện những đốm tăng sắc tố ở da. Estrogen là một hormone có vai trò kích thích tế bào sắc tố sản sinh melanin. Những trường hợp thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể như mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, mãn kinh sẽ tạo điều kiện cho nám da xuất hiện.
Di truyền, chủng tộc
Những quan sát cho thấy rằng, cha mẹ bị nám da thì con cái của họ dễ bị tình trạng này khi trưởng thành.
Những người có màu da sáng hơn thường ít bị nám da hơn. Vì thế, phụ nữ châu Á sẽ có tỉ lệ nám da cao hơn so với phụ nữ da trắng.
Đối với nám do di truyền việc điều trị sẽ rất khó khăn nếu không sử dụng đúng phương pháp điều trị.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Thông thường, khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong một thời gian dài mà không được bảo vệ sẽ kích thích phản ứng tự nhiên bảo vệ cơ thể. Khi đó, các tế bào sắc tố sẽ tăng sản xuất nhiều hạt sắc tố (melanin) để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Vì vậy, tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời là nguyên nhân khiến cho nám da xuất hiện hoặc trở nên tồi tệ hơn.
Thêm vào đó, việc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời còn là nguyên nhân gây ra các vấn đề khác như: thâm sạm, ung thư da, mụn… không riêng gì nám.
Lời khuyên cho phụ nữ nên ra ngoài từ 9 giờ đến 16 giờ nên trang bị cho mình một lớp kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên (tối ưu nhất là SPF 50, SPF 60).
Do mang thai hay lạm dụng thuốc tránh thai đường uống
Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là dư thừa estrogen và progesterone, là nguyên nhân chính gây ra nám da khi mang thai.3
Bên cạnh đó, 10-25% phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống sẽ có nguy cơ hình thành nám cao hơn bình thường. Ai đang uống thuốc tránh thai và có những biến đổi trên da mặt, cần đi thăm khám ngay để có hướng xử lí kịp thời.
Do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Mỹ phẩm là một thứ không thể thiếu của chị em phụ nữ. Ngành mĩ phẩm cũng vì thể mà cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm,chủng loại, công dụng khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên tránh việc sử dụng những dòng mỹ phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Nó sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến làn da của chị em.
Có rất nhiều sản phẩm có gắn mác “rẻ” và “nhanh”, chưa được cơ quan kiểm duyệt về chất lượng. Sử dụng lâu dài những sản phẩm này sẽ khiến da mẩn đỏ, kích ứng, nổi mụn, hình thành nám thậm chí bị thâm sạm.
Thói quen sử dụng các thuốc kháng sinh nhóm Tetracylin, Sulfamid, thuốc chữa bệnh sốt rét… cũng sẽ làm tăng nhạy cảm của da. Từ đó thúc đẩy quá trình hình thành nám diễn ra nhanh hơn.
Chế độ sinh hoạt không hợp lý
Việc thường xuyên sử dụng các chất kích thích như cà phê, đồ uống có gas, đồ ăn nhanh… Thêm vào đó, phụ nữ văn phòng tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính chứa tia cực tím cũng là nguyên nhân hình thành nám ở chị em.
Theo một nghiên cứu được chỉ ra của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ NCBI, những phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp có nguy cơ hình thành nám cao hơn nếu không có biện pháp điều trị kịp thời.
Stress
Căng thẳng stress kéo dài khiến Pregnenolone trong tuyến thượng thận chỉ còn đủ khả năng ức chế Cortisol mà mất đi khả năng cân bằng hormone giới tính Estrogen – Testosterone. Estrogen quá cao hoặc không cân bằng là yếu tố kích thích tăng sinh Melanin hình thành nám.
Đặc điểm của nám da là gì?
Nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố khiến da không đều màu với các biểu hiện:
Xuất hiện các đốm, mảng
- Xuất hiện các đốm tròn, kích thước nhỏ, có màu nâu, xám hay xanh xám.
- Có trường hợp sắc tố tập trung thành mảng màu nâu, xám hay xanh xám với kích thước lớn hơn.
Vị trí xuất hiện nám da
Những đốm, mảng sắc tố này thường xuất hiện ở nơi phơi bày trực tiếp với ánh sáng mặt trời như mặt, cổ, vai, ngực và cánh tay. Ở trên mặt, nám thường xuất hiện ở vùng trung tâm mặt hay hai gò má.
Nám da có tính đối xứng, tức là nó thường xuất hiện ở cả hai bên cơ thể.
Tàn nhan cũng là tình trạng rối loạn tăng sắc tố thường gặp. Chúng ta có thể phân biệt hai tình trạng này dựa vào đặc điểm:
Đặc điểm | Nám | Tàn nhang |
Màu sắc | Nâu, xám, xanh xám | Nâu nhạt đến nâu đậm |
Kích thước | Đốm to, mảng | Đốm nhỏ vài milimet |
Thay đổi | Không thay đổi theo mùa | Sậm màu hơn vào mùa hè |
Nám da là tình trạng tăng sắc tố da lành tính và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc phải. Tuy nhiên, nó khiến cho da không đều màu và kém thẩm mỹ, vì vậy nhu cầu điều trị rất cao. Hiện nay, đã có nhiều công nghệ tiến bộ được ra đời giúp loại bỏ nám một cách an toàn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Melasma Home Remedieshttps://www.healthline.com/health/melasma-home-remedies
Ngày tham khảo: 08/03/2022
-
Melasmahttps://www.healthline.com/health/melasma#risk-factors-and-causes
Ngày tham khảo: 08/03/2022
-
How Is Melasma Treated During Pregnancy?https://www.healthline.com/health/pregnancy/melasma-pregnancy
Ngày tham khảo: 09/03/2022