YouMed

Hormone Estrogen và những thông tin bạn cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Võ Đình Bảo Văn
Tác giả: ThS.BS Võ Đình Bảo Văn
Chuyên khoa: Nội tiết

Estrogen thường được biết đến là hormone sinh dục nữ với nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên, ít người biết rằng estrogen cũng xuất hiện ở nam giới. Vậy hormone estrogen là gì? Có vai trò như thế nào đối với cơ thể của cả hai giới? Có những vấn đề nào liên quan đến loại hormone này? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Đình Bảo Văn tìm hiểu chi tiết về estrogen qua bài viết sau đây nhé!

Hormone estrogen là gì?

Định nghĩa

Estrogen là một nội tiết tố (hormone) sinh dục chính ở người phụ nữ, có nguồn gốc chủ yếu từ buồng trứng. Ngoài ra, có một lượng nhỏ hormone này được sản xuất tại tuyến thượng thận và mô mỡ. Trong thời kỳ mang thai, nhau thai cũng tạo ra estrogen.

Cơ thể nam giới cũng có thể sản xuất ra estrogen, tuy nhiên lượng hormone này không nhiều.

Đối với nữ, nồng độ estrogen đạt đỉnh ở giai đoạn sinh sản (25 – 30 tuổi). Sau đó bắt đầu giảm dần và giảm rõ rệt khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Đến giai đoạn mãn kinh thì ngừng sản xuất.1 2

Hormone estrogen ở nữ giới được sản xuất ở buồng trứng (Ovary) - cơ quan thuộc hệ sinh dục nữ (Female Reproductive System)
Hormone estrogen ở nữ giới được sản xuất ở buồng trứng (Ovary) – cơ quan thuộc hệ sinh dục nữ (Female Reproductive System)

Phân loại

Có 3 dạng estrogen khác nhau trong cơ thể người phụ nữ lần lượt là:2 3

  • Estrone (E1): Đây là dạng estrogen có tác dụng yếu, chủ yếu do gan và mô mỡ tạo ra. Chúng hiện diện ưu thế sau tuổi mãn kinh.
  • Estradiol (E2): Đây là dạng estrogen được bài tiết nhiều nhất và có tác dụng mạnh nhất, chủ yếu do buồng trứng tiết ra. Hiện diện ưu thế trong độ tuổi sinh sản.
  • Estriol (E3): Đây là dạng estrogen có tác dụng yếu nhất, chủ yếu do nhau thai tạo ra, hiện diện ưu thế trong thai kỳ. Hormone này giữ cho tử cung trở nên khỏe mạnh và kích thích tử cung phát triển cùng với thai nhi đang phát triển. Nồng độ estriol đạt đỉnh vào cuối thai kỳ giúp cơ thể sẵn sàng cho việc sinh con và cho con bú.

Estrogen có vai trò gì đối với cơ thể?

Estrogen là một loại hormone có nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể. Estrogen giúp phát triển và duy trì toàn bộ hệ thống sinh sản và các đặc tính sinh dục thứ cấp của người phụ nữ. Chẳng hạn như phát triển tuyến vú, lông mu, tử cung, âm đạo và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.2 4

Hầu hết mọi người chỉ biết đến estrogen thông qua vai trò đối với sức khỏe sinh sản và sinh dục của người phụ nữ. Tuy nhiên, nó cũng góp phần ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức, sự phát triển của xương, chức năng của hệ tim mạch và các quá trình cần thiết khác của cơ thể.5 6 7

Vai trò đối với sức khỏe sinh sản ở nữ giới

Trong độ tuổi dậy thì, estrogen giúp phát triển và duy trì các đặc tính sinh dục thứ phát ở nữ giới như:3

  • Tăng kích thước cơ quan sinh dục trong và ngoài (buồng trứng, tử cung, âm đạo và bao gồm cả vú).
  • Giữ cho dây thanh âm không bị dày lên, nên giọng nói vẫn giữ tần số cao.
  • Mọc ít lông nhưng nhiều tóc.
  • Tạo nên dáng người có vai nhỏ và hông to, mỡ tích tụ ở vùng mông và vú.
  • Ức chế sự tạo thành mụn đầu đen.

Khi trưởng thành, đối với từng bộ phận trong cơ thể, estrogen góp phần kích thích phát triển các bộ phận này; đảm bảo chúng hoạt động một cách hiệu quả. Trong đó:2 4

Buồng trứng

Estrogen giúp kích thích sự phát triển của các nang noãn, giúp các nang noãn trưởng thành, tiến đến hiện tượng phóng noãn (hay còn gọi là rụng trứng). Và sau đó sẽ xảy ra hiện tượng thụ tinh nếu trứng gặp tinh trùng.

Âm đạo

Hormone này giúp duy trì độ dày của thành âm đạo và thúc đẩy quá trình bôi trơn âm đạo. Từ đó tạo sự thoải mái cho hoạt động tình dục ở nữ giới.

Tử cung

Estrogen giúp tăng cường và duy trì màng nhầy lót bên trong lòng tử cung. Estrogen cũng kích thích các cơ trong tử cung phát triển và co bóp. Các cơn co thắt giúp ích trong quá trình sinh con, và chúng cũng hỗ trợ loại bỏ các tế bào chết trong lòng tử cung vào chu kỳ kinh nguyệt.

Cổ tử cung

Nội tiết tố estrogen giúp điều chỉnh lưu lượng và độ dày của chất nhầy tử cung, giúp chất nhầy cổ tử cung trở nên loãng và kiềm. Điều này giúp tăng cường sự di chuyển của tế bào tinh trùng đến trứng thuận lợi cho quá trình thụ tinh.

Ống dẫn trứng

Estrogen chịu trách nhiệm cho sự phát triển về độ dày thành cơ trơn trong ống dẫn trứng, tăng cử động vòi trứng giúp di chuyển trứng và tinh trùng, tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh và làm tổ.8

Tuyến vú

Cơ thể sử dụng estrogen để hình thành các mô tuyến vú cũng như phát triển các ống dẫn sữa ở vú. Hormone này cũng giúp ngưng tiết sữa sau khi trẻ cai sữa.

Vai trò đối với sức khỏe sinh sản ở nam giới4

Estrogen cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Hormone này tác động đến ham muốn tình dục, khả năng cương cứng và tạo ra tinh trùng.

Nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục ở nam giới. Ngược lại, dư thừa estrogen có thể gây ra các vấn đề như: vô sinh ở nam giới, rối loạn cương dương, nữ hóa tuyến vú hoặc vú to.

Vai trò tạo sự khác biệt hình thể giữa nam và nữ giới

Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe sinh sản, estrogen còn đóng vai trò giúp phụ nữ “nữ tính” hơn so với nam giới, với những khác biệt hình thể như:2 3 4

  • Estrogen làm cho xương ở người phụ nữ nhỏ hơn và ngắn hơn, hông to hơn và vai hẹp hơn
  • Hormone này làm tăng tích tụ mỡ xung quanh vùng hông và đùi. Từ đó giúp thấy rõ đường cong ở cơ thể người phụ nữ.
  • Estrogen còn ảnh hưởng đến phân bố lông trên cơ thể, giúp lông trở nên mềm mỏng hơn. Ngược lại làm cho tóc của phụ nữ nhiều hơn.
  • Nội tiết tố estrogen làm cho thanh quản nhỏ hơn và dây thanh âm không bị dày lên. Từ đó giúp cho giọng nói của phụ nữ cao hơn nam giới.
  • Hormone này cũng ức chế hoạt động của các tuyến trên da sản sinh ra chất nhờn. Điều này làm giảm khả năng bị mụn trứng cá ở phụ nữ.
Nội tiết tố estrogen góp phần tạo ra sự khác biệt về cơ thể phụ nữ (women) so với đàn ông (men)
Nội tiết tố estrogen góp phần tạo ra sự khác biệt ở cơ thể phụ nữ (women) so với đàn ông (men)

Vai trò đối với các cơ quan khác trong cơ thể

Estrogen điều chỉnh các quá trình quan trọng trong hệ thống cơ xương, tim mạch và thần kinh trung ương. Bao gồm:4

  • Tim mạch: duy trì sự đàn hồi của mạch máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch do xơ vữa.
  • Cơ xương: giúp duy trì sức khỏe xương, ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ loãng xương.
  • Não: giúp duy trì chức năng não bộ, đặc biệt là khả năng tập trung.
  • Chuyển hóa: ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol (tăng cholesterol có lợi như HDL-C, giảm cholesterol có hại như LDL-C) và đường huyết.
  • Da, lông tóc: giúp sản xuất collagen và cân bằng độ ẩm trong da, hình thành nhiều mạch máu nuôi dưỡng da và tóc.

Nồng độ estrogen trong cơ thể

Nồng độ estrogen có thể được đo bằng xét nghiệm máu. Mặc dù nồng độ có thể dao động ở mỗi cá nhân, nhưng những giá trị sau đây được xem là trong giới hạn bình thường (đơn vị là pg/mL):1

  • Phụ nữ trưởng thành, tiền mãn kinh: 15 – 350 pg/mL.
  • Phụ nữ trưởng thành, sau mãn kinh: <10 pg/mL.
  • Nam giới trưởng thành: 10 – 40 pg/mL.

Nồng độ estrogen tăng lên và giảm đi trong từng giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ. Sự dao động này là sinh lý bình thường của cơ thể:1

  • Nồng độ estrogen tăng lên trong độ tuổi dậy thì và suy giảm trong thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh.
  • Trong thai kỳ, nồng độ estrogen tăng lên trong thời kỳ rụng trứng để cơ thể bạn có thể chuẩn bị cho việc mang thai, cũng như hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
  • Nồng độ estrogen sẽ thay đổi rất nhiều trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, tăng ở giai đoạn nang trứng, từ khi bắt đầu kỳ kinh đến khi rụng trứng.
Sự thay đổi nồng độ estrogen ở nữ giới theo thời gian và các vấn đề liên quan đi kèm
Sự thay đổi nồng độ estrogen ở nữ giới theo thời gian và các vấn đề liên quan đi kèm

Những yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ estrogen

Như đã đề cập phía trên, đang mang thai, chu kỳ kinh nguyệt và mãn kinh là những yếu tố chính ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể. Các yếu tố khác bao gồm:4

  • Chán ăn tâm thần: Các tình trạng như chán ăn tâm thần thường kết hợp với nồng độ estrogen thấp. Quá ít estrogen có thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều và vô kinh.
  • Thừa cân, béo phì: Nồng độ estrogen thường cao hơn ở những người có nhiều mỡ thừa.
  • Đái tháo đường: Tăng nồng độ estrogen do tình trạng đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS là một tình trạng xảy ra khi buồng trứng sản xuất quá nhiều nội tiết tố androgen. Đôi khi kết hợp với tình trạng tăng nồng độ estrogen.
  • Suy buồng trứng nguyên phát (hay còn gọi là mãn kinh sớm): Với tình trạng này, buồng trứng ngừng sản xuất trứng sớm hơn bình thường (trước 40 tuổi). Kết quả là buồng trứng không tiết ra estrogen. Từ đó làm giảm nồng độ estrogen.
  • Hội chứng Turner: Buồng trứng thường kém phát triển trong hội chứng Turner, dẫn đến nồng độ estrogen thấp. Do đó, những người bị tình trạng này có thể không phát triển tuyến vú hoặc không có kinh nguyệt.
  • Vô sinh: Estrogen thấp và cao có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Nguyên nhân cơ bản có thể dẫn đến estrogen thấp và cao có thể liên quan đến vô sinh.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Steroid, ampicillin, thuốc chứa estrogen, phenothiazin và tetracyclin có thể làm tăng nồng độ estrogen.
  • Khối u ở buồng trứng hoặc u tuyến thượng thận: Các tình trạng này làm tăng sản xuất estrogen, dẫn tới tăng nồng độ estrogen trong cơ thể.

Tác hại của tình trạng mất cân bằng nội tiết tố estrogen

Điều gì xảy ra khi nồng độ estrogen luôn ở mức thấp?

Đối với nữ giới4

Ở nữ giới, nồng độ estrogen thấp thường là một dấu hiệu cho biết bạn sắp mãn kinh. Tuy nhiên, estrogen thấp cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sinh sản, thiếu hụt dinh dưỡng, hoặc một tình trạng bệnh lý như hội chứng Turner… Các triệu chứng của estrogen thấp bao gồm:

Đối với nam giới9

Nồng độ estrogen thấp thậm chí còn ảnh hưởng đến nam giới. Các triệu chứng này bao gồm việc nam giới có thể bị thừa mỡ bụng và giảm ham muốn tình dục.

Điều gì xảy ra khi nồng độ estrogen luôn ở mức cao?

Nồng độ estrogen tăng cao có thể liên quan đến nhiều tình trạng: u xơ, hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, khối u buồng trứng… Nồng độ estrogen cũng có thể bị mất cân bằng do estrogen tăng cao. Trong khi các hormone sinh dục khác như testosterone hoặc progesterone giảm thấp. Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc có chứa estrogen cũng có thể dẫn đến dư thừa lượng estrogen trong cơ thể.4

Những ảnh hưởng đối với nữ giới4

Phụ nữ có nồng độ hormone estrogen tăng cao có thể dẫn đến các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Cảm thấy chán nản hoặc lo lắng.
  • Làm nặng lên các triệu chứng trước khi hành kinh như đau bụng, thay đổi cảm xúc…
  • Tăng cân: xảy ra chủ yếu ở vùng eo, hông và đùi.
  • Rối loạn kinh nguyệt: kinh không đều, không ước đoán được thời gian xuất hiện cũng như lượng máu ra ít hay nhiều.

Những ảnh hưởng đối với nam giới9

Ở nam giới, một số bệnh di truyền và các tình trạng khác như thừa cân, béo phì, bệnh lý gan; hoặc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thảo dược… có thể dẫn đến nồng độ estrogen tăng cao. Từ đó gây ra các tình trạng sức khỏe liên quan như:

  • Vô sinh: Khi nồng độ estrogen tăng cao, lượng tinh trùng có thể giảm và dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản.
  • Nữ hóa tuyến vú: Estrogen có thể kích thích tăng trưởng mô vú. Nam giới có nồng độ estrogen dư thừa có thể dẫn đến nữ hóa tuyến vú.
  • Rối loạn cương dương: Nam giới có nồng độ estrogen cao có thể gặp khó khăn trong việc cương cứng dương vật.
Nữ hóa tuyến vú ở nam giới do dư thừa estrogen
Nữ hóa tuyến vú ở nam giới do dư thừa estrogen

Ứng dụng của các sản phẩm estrogen với phụ nữ

Estrogen tổng hợp, estrogen sinh học và estrogen có nguồn gốc từ ngựa cái mang thai (premarin) là những sản phẩm được sử dụng cho nhiều mục đích y tế khác nhau. Các ứng dụng phổ biến nhất của estrogen là sử dụng làm thuốc tránh thai, và liệu pháp thay thế hormone (HRT) cho phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.2

Liệu pháp thay thế hormone (HRT)2

Lợi ích của liệu pháp HRT

Liệu pháp thay thế hormone (HRT) là một phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng estrogen thấp. Nhằm mục đích làm giảm một số triệu chứng mãn kinh bằng cách đưa nồng độ estrogen trở lại bình thường. Bác sĩ điều trị có thể kê đơn với estrogen liều thấp; hoặc kết hợp giữa estrogen và progestin (progesterone tổng hợp).

Việc sử dụng hormone progestin cùng với estrogen nhằm mục đích ngăn chặn sự phát triển quá mức của niêm mạc tử cung – có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp thay thế hormone có sẵn dưới dạng thuốc viên, thuốc xịt mũi, miếng dán, gel bôi da, thuốc tiêm, kem bôi âm đạo hoặc vòng âm đạo.

HRT có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo, giao hợp đau, thay đổi cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, lo âu hoặc giảm ham muốn tình dục. Nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương cho người phụ nữ khi bước vào thời kỳ mãn kinh.

Ngoài mãn kinh, liệu pháp thay thế hormone cũng có thể giúp điều trị một số tình trạng:10

Liệu pháp thay thế hormone cũng được sử dụng ở những người chuyển giới, với estrogen thường được kê đơn để giúp họ phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp của người phụ nữ như phát triển tuyến vú, giảm sự phát triển lông ở nam giới.

Những nguy cơ của liệu pháp HRT

Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone cũng có một số tác dụng phụ như:

  • Đầy hơi.
  • Đau nhức vú.
  • Đau đầu.
  • Chuột rút.
  • Khó tiêu, buồn nôn.
  • Chảy máu âm đạo.
  • Giữ nước, dẫn đến phù.

Ngoài ra, một số loại estrogen trong liệu pháp thay thế hormone cũng có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, cục máu đông, ung thư tử cungung thư vú. Do đó, phụ nữ sử dụng hoặc đang cân nhắc sử dụng liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh, nên thảo luận về những lợi ích và rủi ro sức khỏe có thể xảy ra với bác sĩ điều trị, để nhận được lời khuyên phù hợp.

Thuốc tránh thai11

Tổng quan về thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai đường uống là phương pháp ngừa thai được sử dụng phổ biến. Bao gồm 2 loại chính là thuốc tránh thai phối hợp (chứa cả 2 loại hormone là estrogen kết hợp với progestin), và thuốc tránh thai chỉ chứa progestin đơn thuần.

Các hormone trong thuốc tránh thai có tác dụng ngăn ngừa thụ thai bằng cách ngăn chặn quá trình rụng trứng, hoặc quá trình phóng thích trứng từ buồng trứng. Một số loại thuốc tránh thai cũng làm thay đổi tạm thời niêm mạc tử cung, nên làm giảm khả năng làm tổ của trứng đã được thụ tinh.

Thuốc tránh thai có dạng viên, thường là loại có chu kỳ 28 ngày, mỗi ngày được chỉ định một viên. Thuốc tránh thai được uống hàng ngày, thường trong cùng một khung giờ cố định mỗi ngày, tùy thuộc vào loại thuốc. Điều này giữ cho nồng độ hormone tăng cao, và do đó ít có khả năng mang thai hơn.

Hầu hết thuốc tránh thai được sử dụng có hàm lượng estrogen từ 20 – 35 microgam cùng với progestin. Bác sĩ có thể bắt đầu điều trị ở hàm lượng này và sau đó điều chỉnh nếu xuất hiện các tác dụng phụ.

Một số thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen thấp khoảng 10 microgam. Thuốc tránh thai liều thấp có thể là một lựa chọn tốt nếu bạn đang trong thời kỳ tiền mãn kinh. Chúng có thể giúp điều trị các triệu chứng như bốc hỏa hoặc kinh nguyệt không đều.

Xem thêm: Những thắc mắc thường gặp về thuốc tránh thai hằng ngày

Một số nguy cơ khi sử dụng thuốc tránh thai

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tránh thai cũng có một số tác dụng phụ và nguy cơ bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau hoặc sưng vú.
  • Chảy máu lượng ít giữa các kỳ kinh.
  • Thay đổi cân nặng.
  • Nhức đầu nhẹ.
  • Tăng nguy cơ huyết khối, đau tim, thuyên tắc phổi, đột quỵ (ít xảy ra nhưng nghiêm trọng).
  • Ngoài ra, sử dụng lâu dài cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Làm cách nào để duy trì nồng độ estrogen khỏe mạnh?

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn ngừa các tình trạng liên quan đến sự mất cân bằng hormone. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp sau đây để giúp duy trì sức khỏe của bản thân:4

Ngủ đủ giấc

Có một giấc ngủ với thời gian phù hợp, không bị gián đoạn mỗi đêm giúp cơ thể bạn duy trì lượng hormone lành mạnh cần thiết, để thực hiện các chức năng quan trọng.

Giảm stress

Stress quá mức có thể khiến cơ thể bạn sản xuất quá nhiều hormone gây stress là cortisoladrenaline. Việc dư thừa các hormone này có thể gây ra sự mất cân bằng hormone. Từ đó tác động tiêu cực đến nồng độ estrogen trong cơ thể.

Tập thể dục đều đặn, không quá sức

Tập thể dục với cường độ thích hợp có thể giúp điều chỉnh nhu cầu ăn uống và lượng mỡ trong cơ thể. Nó cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.

Hạn chế rượu bia

Rượu bia có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Theo thời gian, nồng độ estrogen tăng cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Thực hành thói quen ăn uống tốt

Theo dõi lượng thức ăn hàng ngày để giúp cân bằng nội tiết tố của bạn. Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa nhiều đường. Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ và chất béo lành mạnh có thể giúp cân bằng lượng hormone trong cơ thể. Các chất béo lành mạnh có trong các loại thực phẩm như: dầu ô liu, các loại hạt, đậu nành và cá.

Thực hiện lối sống và dinh dưỡng lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh, góp phần hạn chế các nguy cơ liên quan nội tiết tố estrogen
Thực hiện lối sống và dinh dưỡng lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh, góp phần hạn chế các nguy cơ liên quan nội tiết tố estrogen

Tóm lại, hormone estrogen có vai trò phần thiết yếu cho sức khỏe sinh sản, cũng như sức khỏe tổng thể của con người. Nồng độ estrogen thay đổi là tiến trình tự nhiên tùy thuộc vào độ tuổi và chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Nếu nồng độ estrogen luôn ở mức cao hoặc thấp, bạn có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu. Nếu các tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How Do Female Sex Hormones Affect Menstruation, Pregnancy, and Other Functions?https://www.healthline.com/health/female-sex-hormones

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  2. Everything you need to know about estrogenhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/277177

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  3. Sinh lý học y khoa (2018), Đại học Y Dược TP.HCM. NXB Y học. Trang 438.

  4. Estrogenhttps://my.clevelandclinic.org/health/body/22353-estrogen

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  5. Estrogen Effects on Cognitive and Synaptic Health Over the Lifecoursehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4491541/

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  6. Estrogen Signaling and Cardiovascular Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3398381/

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  7. Estrogen and bone health in men and womenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25555470/

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  8. Estradiol and Progesterone Induced Differentiation and Increased Stemness Gene Expression of Human Fallopian Tube Epithelial Cellshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6590043/#:~:text=Estrogen%20can%20help%20the%20movement%20and%20maturation%20of%20eggs%2C%20sperm%2C%20and%20embryos%20in%20the%20fallopian%20tube%2019.

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  9. What to know about estrogen in menhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/estrogen-in-men

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  10. Estrogenhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538260/

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

  11. Birth Control Pillshttps://www.webmd.com/sex/birth-control/birth-control-pills

    Ngày tham khảo: 02/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người