YouMed

Nhiễm sán máng phổi và điều bạn cần biết

Bác sĩ NGUYỄN QUANG HIẾU
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Bệnh nhiễm kí sinh trùng sán máng phổi gây ra các tình trạng cấp tính nguy hiểm. Bên cạnh đó, bệnh có tính chất mạn tính. Tuy tỷ lệ tử vong thấp nhưng ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan là khá lớn gây giảm tăng trưởng hoặc chậm phát triển ở trẻ nhỏ. Vậy bạn đã biết gì về căn bệnh nhiễm kí sinh trùng này? Xin hãy tìm hiểu qua bài viết bên dưới.

1. Thông tin chung

  • Bệnh sán máng (schistosomiasis) còn gọi là bệnh Bilharzs hay sốt ốc là một bệnh nhiễm ký sinh trùng. Bệnh gây ra bởi một số loài sán thuộc giống Schistosoma. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh này rất thấp, nhưng bệnh sán máng thường tiến triển mạn tính và có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Phổi là cơ quan chính dễ tổn thương nhất. Đặc biệt, ở trẻ em chúng gây chậm phát triển về trí tuệ và thể chất.
  • Trong đó, các loài gây bệnh nhiều nhất là S. hamatobium, S.mansoni, S.japonicum, S. mekongi và S. intercalatum.
  • Bệnh thường gặp ở các vùng nước ngọt và nước lợ. Trẻ em và những người thường xuyên tiếp xúc với nước như nông dân, ngư dân sẽ có nguy cơ mắc cao. Ấu trùng sán chui qua da và xâm nhập vào cơ thể để phát triển và gây bệnh.
Trứng sán máng nhìn dưới kính hiển vi
Trứng sán máng nhìn dưới kính hiển vi

2. Dịch tễ

  • Sán máng là nguyên nhân thứ 2 về bệnh ký sinh trùng gây suy giảm nền kinh tế xã hội đứng sau sốt rét. Bệnh hay gặp ở châu Á, châu Phi và khu vực Nam Mỹ. Bệnh đặc biệt thường xảy ra ở những vùng có tồn tại nhiều ốc nước ngọt. Đây là vật chủ trung gian gây bệnh sán máng.
  • Bệnh sán máng ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia đang phát triển, đặc biệt trẻ em. Chúng dễ mắc bệnh hơn do bơi lội, chơi đùa hoặc thậm chí uống phải nước hay ăn nhầm ốc chưa nấu chín trong các vùng nước nhiễm mầm bệnh.
  • Ước tính có khoảng 700 triệu người có nguy cơ nhiễm loại bệnh nhiễm ký sinh trùng này ở ít nhất trong 74 nước.

Yếu tố dịch tễ

  • Đây cũng được coi là bệnh có yếu tố dịch tễ như làm nông nghiệp.
  • Cũng có thể gặp ở những người làm các việc nhà lặt vặt (trẻ em, phụ nữ giặt quần áo, tắm rửa ở các nguồn nước ô nhiễm).
  • Người có các hoạt động tiêu khiển, đánh bắt cá ở nguồn nước bị ô nhiễm loại sán này.
  • Sự lan truyền bệnh khác biệt nhau ở một vài nước.

Tình hình thế giới

  • Hiện nay, trên thế giới có hơn 207 triệu người mắc bệnh sán máng.
  • Bệnh chủ yếu được tìm thấy ở các nước đang phát triển như châu Phi (85% trường hợp), châu Á, Nam Mỹ, Trung cận Đông và vùng Caribbean.
  • Người ta ước tính hiện có đến 120 triệu người mắc bệnh sán máng có triệu chứng và 20 triệu trường hợp có triệu chứng lâm sàng nặng. Hơn 200.000 người chết hàng năm do bệnh sán máng ở vùng hạ sa mạc Sahara châu Phi.
  • Ở những vùng có yếu tố dịch tễ, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh. Cường độ và khả năng ảnh hưởng của bệnh tăng theo tuổi và đạt đỉnh điểm ở độ tuổi giữa 10-20. Đối với lứa tuổi lớn hơn có sự khác biệt nhưng không đáng kể.
  • Ngày nay, người ta còn phát hiện thấy nhiều trường hợp mắc schistosomiasis ở cả những nước không có yếu tố dịch tễ do tình trạng di cư và khách tham quan du lịch ngày càng phát triển trong những năm gần đây.

3. Sinh học của sán máng

Hình thể của sán trưởng thành

  • Sán máng là loài đơn tính, có con đực và con cái.
  • Sán máng đực dài 4 – 15mm, rộng 1mm.
  • Con cái dài 20mm, thường có màu trắng.
  • Bụng con đực có hốc, có hình dáng khá đặc biệt: hình máng cho con cái nằm. Sán đực và cái nằm với nhau theo cặp không tách rời. Đây có thể là loài “chung tình” nhất trong thế giới động vật.

Cá thể sán máng đực và sán máng cái một khi đã bắt cặp hầu như không thể sống tách rời nhau sau đó. Chúng tiếp tục già đi, sinh sản liên tục và thậm chí có đường truyền dinh dưỡng cho nhau. Một khi một trong hai cá thể chết, nó sẽ chết theo và không bắt cặp với cá thể mới. Bộ phận sinh sản và thậm chí còn hình thành mạch máu liên thông với nhau sau khi ghép cặp một thời gian.

Sán máng sau khi đã ghép cặp. Con đực to lớn ở bên ngoài, con cái nhỏ hơn nằm vào phần lõm hình cái máng của con đực. Đầu đều có 1-2 giác hút

Hình thái trứng

  • Trứng sán có hình cầu hoặc bầu dục, có 1 gai nhỏ (vị trí gai tùy vào loài khác nhau).
  • Trung bình một ngày sán trưởng thành có thể đẻ từ 90 – 250 trứng.

4. Chu trình phát triển

Nguồn nhiễm

  • Vật chủ: ốc nước ngọt họ Planorbidae là vật chủ trung gian truyền bệnh ấu trùng sán máng và con người cũng là một vật chủ trung gian.
  • Nguồn nước ngọt bị ô nhiễm bởi phân hoặc nước tiểu của những bệnh nhân bị bệnh sán máng chứa rất nhiều trứng sán máng.

Chu trình ngoài cơ thể người

  • Trứng sán máng gặp nước sẽ nở ra các ấu trùng sán máng có lông bơi tự do trong nước.
  • Khi gặp cơ thể ốc vật chủ, chúng sẽ xâm nhập. Ở trong cơ thể ốc, ấu trùng lông thực hiện sinh sản vô tính nhiều lần để tạo thành hàng nghìn ấu trùng có đuôi rồi chui ra khỏi ốc.
  • Ấu trùng có khả năng bơi tự do trong nước và khả năng sống cao. Nhất là các vùng nước bẩn, nhiều bùn đất.
Chu trình phát triển và gây bệnh của sán máng phổi
Chu trình phát triển và gây bệnh của sán máng phổi

Chu trình khi xâm nhập vào cơ thể người

  • Khi tiếp xúc với da người, các ấu trùng đuôi có khả năng bám dính, xuyên qua da và di chuyển theo mạch máu.
  • Chúng sẽ chu du đến phổi và ở đó chúng thực hiện các bước thay đổi, phát triển cần thiết để di chuyển đến gan.
  • Ở giai đoạn ấu trùng xuyên qua da, người bệnh thường có cảm giác ngứa, nhưng đại đa số trường hợp đều không nhận thấy triệu chứng này.
  • Trong quá trình di chuyển ấu trùng có đuôi thay đổi và phát triển từ schistosomula thành sán đực và cái trưởng thành (khoảng 7 tuần).
  • Trong cơ thể người sán kết hợp chặt chẽ với protein của người bệnh vào cấu trúc bề mặt của chúng. Do vậy, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đáp ứng miễn dịch của cơ thể tạo ít hoặc hoàn toàn không tạo ra với loại ký sinh trùng này. Điều đó cũng lý giải các xét nghiệm miễn dịch sán máng có độ chính xác không cao và có độ dương tính thấp. Một số xét nghiệm ELISA có kết quả tạm chấp nhận, kết hợp các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
  • Sau khi ký sinh trùng kết hợp với nhau ở tĩnh mạch cửa hoặc hệ thống bể chứa máu rồi sẽ đẻ trứng.

Điều đặc biệt

  • Khác hẳn với các ký sinh trùng trưởng thành trứng của chúng lại có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch của vật chủ mạnh đối với ký sinh trùng. Do đó, các xét nghiệm miễn dịch lại đáp ứng mạnh với sự hiện hiện của trứng sán máng. Có giả thiết cho rằng chính cấu trúc đặc biệt của trứng: hình dạng như cái gai, có chứa nhiều đỉnh kích thích hệ thống miễn dịch ở người.
  • Một số trứng chu du đến tổ chức ruột hoặc bàng quang và được thải ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Một số khác tràn vào mạch máu và ẩn náu trong các tổ chức khác nhau của cơ thể người bệnh.
  • Các trứng bị loại ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu hoặc phân có thể đạt đến mức phát triển trưởng thành trong nước ngọt và hoàn thành chu kỳ sống của nó ở những con ốc nhiễm bệnh. Cứ thế, chu trình lây nhiễm lại bắt đầu với thế hệ mới.
  • Điều may mắn cho chúng ta là chúng không thể sinh sôi và hoàn thiện cơ thể trong chính cơ thể người. Chúng cần phải được thải ra ngoài, phát triển trong ốc rồi mới lây nhiễm lại cho người được. Chứ nếu không, chắc hẳn là một thảm họa về bệnh truyền nhiễm.

Trường hợp khác

  • Ngoài ra, một số sán máng trưởng thành có thể chu du đến các cơ quan khác (như mắt hoặc gan). Sau đó chúng có thể gây ra các nhiễm trùng và bội nhiễm nghiêm trọng tại các cơ quan đó.
  • Loài S. japonium có thể gây bệnh cho các vật nuôi hoặc các loài hoang dại. S. hematobium thường là tác nhân gây bệnh ở người như gây viêm bàng quang, trong khi các loại khác hay gây nhiễm trùng ở ruột. Loại schistosomiasis niệu sinh dục thường có nguy cơ cao ở những bệnh nhân nhiễm HIV, đặc biệt phụ nữ. Các triệu chứng lâm sàng cấp hoặc mạn tính của bệnh được cho là chủ yếu do phản ứng miễn dịch của người bệnh đối với trứng ký sinh trùng di chuyển trong cơ thể. Các triệu chứng mạn tính chủ yếu do trứng không được loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Cẩn thận với phụ nữ có thai

  • Ấu trùng sán máng có thể di chuyển theo đường máu qua nhau thai. Sau đó có thể gây biến dị nếu thai ở giai đoạn sớm hoặc gây xẩy thai, đẻ non ở thai phụ.

5. biểu hiện của bệnh nhiễm sán máng phổi

Biểu hiện phổi trong bệnh sán máng:

  • Tổn thương phổi do Schistosoma không phải hiếm gặp.
  • Tình trạng tổn thương của phổi phụ thuộc vào chủng loại, số lượng ký sinh trùng, phản ứng miễn dịch của người bệnh và giai đoạn nhiễm trùng.
  • Các loài S. haematobium, S.mansoni, S. japonicum có các thể khác nhau gây tổn thương ở nhiều cơ quan và bệnh lý mang tính địa phương, vùng địa lý.
  • Thể bệnh phổi do sán máng có thể biểu hiện cấp, bán cấp hoặc mạn tính do tính phức tạp của chu trình phát triển của sán trong vật chủ, các thể tổn thương của phổi gây ra.

Nhiễm sán máng phổi cấp tính

  • Sự xâm nhập của các ấu trùng sán máng (schistosomules) vào cơ thể có thể gây ra viêm phổi thoáng qua. Có thể gây nhiễm trùng máu thoáng qua hay thâm nhiễm phổi hay trên phim X-quang (hội chứng Loeffler).
  • Sự phát triển của sán máng trưởng thành trong thời gian từ 2-4 tuần sẽ gây ra một phản ứng cấp. Phản ứng nhiễm trùng cấp này có thể gây tổn thương phổi cấp.
  • Bệnh nhân có biểu hiện bệnh phong phú nhiều triệu chứng: sốt, ho, thở rít và ban đỏ trên da kết hợp với tăng bạch cầu ái toan (hội chứng Katayama). Ngoài ra, bệnh nhân có thể có rét run, đau đầu, nổi hạch ngoại biên và gan lách to.
  • Phản ứng viêm tại phổi được cho là một dạng của viêm phổi phế quản dị ứng. Khi xét nghiệm sẽ phát hiện có kết hợp với các phức hợp miễn dịch tuần hoàn và tăng bạch cầu ái toan trong máu.
  • Khi cho chụp  phim X-quang: Hình ảnh thâm nhiễm dạng nốt nhỏ (micronodular infiltrates), hiếm gặp hơn đó là hình ảnh đông đặc phế nang. Có những trường hợp do nhiễm S. mansoni phát hiện dấu hiệu thường gặp là dày thành phế quản trên X-quang.

Nhiễm sán máng phổi bán cấp

  • Tùy  thuộc  vào  chủng loại,  sán  máng  sẽ  chu  du  từ các mạch máu hệ cửa đến vị trí đẻ trứng. Trứng sán dich chuyển ngược với dòng tĩnh mạch vào các tổ chức được dẫn lưu bằng tĩnh mạch, kích thích phản ứng viêm mạch và hình thành u hạt. hiếm có trường hợp trứng sán gây tắc nghẽn hệ thống bạch huyết, khiến phù do hệ bạch huyết. Bệnh cảnh khá hiếm gặp.
  • Trong một số trường hợp nhiễm S. haematobium các trứng hoặc sán có thể gây tắc động mạch phổi cũng như xâm nhập vào nhu mô phổi.

Trên phương tiện chẩn đoán hình ảnh học

  • Phản ứng viêm hạt có thể lan toả, khu trú hoặc ổ viêm có thể lan rộng giống như khối u phổi trên X-quang. Quá trình này có thể tiến triển không có triệu chứng. Nếu chụp CT-Scan ngực có tiêm cản quang, có thể phát hiện thấy tổn thương tắc nghẽn mạch phổi.
  • Triệu chứng bệnh lúc này nguy hiểm hơn: ho, thiếu ôxy, phù phổi mà hậu quả dẫn đến tình trạng bệnh nặng hoặc tử vong người bệnh.
  • Chụp X-quang phổi: có thể thấy hình ảnh thâm nhập dạng đám mờ, đôi khi có tràn dịch màng phổi. Việc điều trị có thể gây viêm phổi phản ứng. Do lúc này phản ứng dòng thác bổ thể miễn dịch trong cơ thể đang phát huy. Nếu không chặn được phản ứng đó, kết cục bệnh nhân sẽ rất nguy kịch.
  • Các trứng và sán chết trong phổi kích thích viêm biểu hiện bằng sốt, ho, thở rít đôi khi có thể kết hợp với tăng bạch cầu ái toan máu. Đối với những trường hợp này chụp X-quang phổi có thể phát hiện các tổn thương thâm nhiễm mới. Đôi khi viêm phổi cấp xẩy ra sau khoảng 2 tuần điều trị. Và đó thường là viêm phổi do phản ứng miễn dịch

Nhiễm sán máng phổi mạn tính

  • Nhiễm sán máng phổi mạn tính biểu hiện tổn thương u hạt hoặc tổn thương kẽ do viêm mạch. Đây là hậu quả của tình trạng lắng đọng lan toả của trứng sán trong các mạch máu phổi.

6. Chẩn đoán bệnh

Ốc thuộc họ Planorbidae khá phổ biến tại Việt Nam
Ốc thuộc họ Planorbidae khá phổ biến tại Việt Nam

Chẩn đoán xác định

Xác định chẩn đoán nhiễm sán máng phổi khi có sự kết hợp của 4 yếu tố: dịch tễ lây nhiễm, biểu hiện lâm sàng, hình ảnh học và xét nghiệm miễn dịch.

Yếu tố dịch tễ:

  • Bệnh nhân sinh sống hoặc đi du lịch ở những vùng có bệnh do Schistosoma lưu hành.
  • Có tiền sử tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.

Biểu hiện lâm sàng:

  • Xuất hiện ban đỏ khi ký sinh trùng xâm nhập qua da.
  • Có phản ứng sốt, ớn lạnh, nổi hạch, sưng gan và lách.
  • Tổn thương nhu mô gan làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • Đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, đi ngoài phân đen lẫn máu.
  • Tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra máu.
  • Khó thở, ho ra máu.
  • Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, tê chân.

Xét nghiệm:

  • Tăng bạch cầu ái toan, có thể có thiếu máu, giảm tiểu cầu.
  • Test huyết thanh chẩn đoán:  IgG ELISA test với độ đặc hiệu 97% là phương pháp chẩn đoán nhanh nhất hiện nay thường được sử dụng.
  • Tìm trứng sán trong các mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi: trong phân, nước tiểu, đờm hoặc dịch rửa phế quản phế nang. Tìm thấy sán hay trứng sán là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm chẩn đoán nhiễm sán máng.
  • Hình ảnh học trên phim X-quang :Tổn thương dạng thâm nhiễm nốt.

7. Điều trị bệnh sán máng phổi

  • Phác đồ điều trị là thuốc tiêm, dùng một lần duy nhất. Tỉ lệ thành công 85-90%. Thật là may mắn cho loài người khi tìm được loại thuốc đặc hiệu cho bệnh này. Còn may mắn hơn là từ lúc tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp kháng thuốc.
  • Tuy nhiên, các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc xảy ra khoảng một phần ba số bệnh nhân. Bao gồm chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và mẩn ngứa. Những triệu chứng này một phần do thuốc nhưng một phần liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể với các ký sinh trùng chết.
  • Khi người bệnh có cơ địa đặc biệt cần phải khai báo cho bác sĩ điều trị. Các cơ địa bao gồm phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch và các bệnh dị ứng khác cũng như dị ứng thuốc.

8. Phòng chống bệnh sán máng

  • Bệnh lây qua nguồn nước, nên khó có thể nói cuộc sống con người mà tránh tiếp xúc với nước được. Nhất là những vùng sống gần sông nước như miền Tây Việt Nam hay những vùng chịu lũ lụt.
  • Nguồn nước sử dụng cần được đun sôi trước khi dùng. Nguồn nước sinh hoạt cũng cần lọc trước khi sử dụng.
  • Tránh tiếp xúc với các nguồn nước ô nhiễm có ấu trùng sán máng ở những vùng dịch tễ có loại sán này lưu hành. Tránh chơi đùa, bơi lội ở những vùng nước đọng hay hồ nước bẩn.

Bệnh sán máng phổi rất dễ lây nhiễm và có nguy cơ bùng dịch nếu chủ quan. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở phổi và nhiều cơ quan khác nhau. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai, sán máng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng. Chính vì vậy việc vệ sinh và cẩn thận ở những vùng nước cần được lưu tâm.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4672382/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6658823/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554434/
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người